Chiến dịch mùa xuân của Nga có xuyên phá được phòng tuyến Ukraine?

Trong bối cảnh các cuộc đàm phán hòa bình do Tổng thống Mỹ Donald Trump khởi xướng vẫn chưa đạt tiến triển rõ rệt, chiến sự Nga - Ukraine đang bước vào giai đoạn quyết định khi mùa xuân 2025 mở ra một chu kỳ giao tranh mới với nhiều biến động.

Mặc dù các nỗ lực ngoại giao liên tục thu hút sự chú ý truyền thông quốc tế, với các đề xuất ngừng bắn tạm thời và các hội nghị do Ả Rập Saudi chủ trì, thực tế trên chiến trường không hề lắng dịu.

Hằng ngày, lực lượng Nga vẫn tấn công các vị trí phòng thủ của Ukraine trên khắp các mặt trận, đặc biệt là tại vùng Donbas, biên giới phía bắc và miền nam Ukraine.

Tình hình mặt trận: Nga tấn công, Ukraine phòng thủ

Trong tháng 3.2025, Nga gần như đã buộc quân Ukraine rút khỏi vị trí chiến lược tại tỉnh Kursk, khu vực Kyiv từng kiểm soát từ tháng 8 năm ngoài.

Dù rút lui diễn ra hỗn loạn và tổn thất, các đơn vị Ukraine vẫn giữ được tuyến phòng thủ tại vùng biên giới Sumy, ngăn chặn một cuộc đột phá sâu hơn vào lãnh thổ Ukraine, theo Kyiv Independent.

Song song đó, lực lượng Ukraine đã cản được bước tiến của Nga ở nhiều mặt trận khác. Nhóm quan sát DeepState ghi nhận đà tiến quân của Nga trong tháng 3 là chậm hơn đáng kể so với giữa năm 2024.

Hãng tin Newsweek ngày 7.4 dẫn dữ liệu từ Bộ Quốc phòng Anh và Viện nghiên cứu chiến tranh (ISW) cho thấy kể từ tháng 11.2024, đà tiến của Nga suy giảm rõ rệt: từ 700km² trong tháng 11 giảm còn 143km² vào tháng 3.2025. Ukraine cũng giành lại một số vị trí quanh Pokrovsk và Toretsk.

Tuy nhiên, tình hình vẫn căng thẳng. Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky cảnh báo rằng Nga đang chuẩn bị các đợt tấn công quy mô lớn mới tại các tỉnh biên giới phía bắc như Sumy và Kharkiv. Ở miền nam Donetsk, nơi đã trở thành điểm nóng kể từ sau thất thủ của Avdiivka vào đầu năm ngoái, các cuộc tấn công của Nga đang có dấu hiệu gia tăng trở lại.

Quân nhân Ukraine đi xe bọc thép chở quân, gần biên giới Nga ở vùng Sumy, Ukraine - Ảnh: Reuters

Quân nhân Ukraine đi xe bọc thép chở quân, gần biên giới Nga ở vùng Sumy, Ukraine - Ảnh: Reuters

Trở lại giai đoạn giữa năm 2024, lực lượng Nga từng đạt được một số thành công chiến thuật khi tiến vào vùng phía tây bắc thành phố Vuhledar (Donetsk), đe dọa tuyến phòng thủ Kurakhove và buộc Ukraine phải rút quân. Tuy nhiên, các nỗ lực tấn công Pokrovsk đầu năm 2025 đã không thành công, phần lớn nhờ hệ thống phòng thủ được Kyiv chuẩn bị kỹ lưỡng.

Đến tháng 2, Ukraine đã phản công quanh Pokrovsk và Myrnohrad, làm gián đoạn thế bao vây của Nga và giành lại quyền chủ động chiến thuật tại khu vực. Dù vậy, tình hình tại đây vẫn chưa ổn định, khi Moscow có thể tiếp tục huy động lực lượng nhằm hiện thực hóa mục tiêu kiểm soát hoàn toàn Donetsk Oblast.

Chiến lược của Nga tiếp tục tập trung vào Pokrovsk - khu vực được đánh giá là mắt xích quan trọng nếu muốn kiểm soát toàn bộ Donetsk. Mặc dù việc duy trì áp lực đồng thời trên nhiều mặt trận là một thách thức về nhân lực, Nga có thể điều chỉnh hướng tấn công linh hoạt tùy theo diễn biến thực địa - điều họ từng chứng minh trong các chiến dịch trước đây.

Theo phân tích của chuyên gia quân sự John Hardie từ Quỹ bảo vệ dân chủ (FDD), Nga hiện có thể đang tái cơ cấu sau các tổn thất. Dù tốc độ hoạt động giảm, khả năng tuyển quân quy mô lớn cho thấy Moscow sẵn sàng duy trì cuộc chiến lâu dài.

Ở những khu vực ít được chú ý hơn, Nga vẫn âm thầm mở rộng ảnh hưởng. Đáng chú ý là việc xây dựng đầu cầu vượt sông Oskil gần Kupiansk (tỉnh Kharkiv) và vượt sông Zherebets gần Luhansk – động thái nhằm mở thêm hướng tấn công, buộc Ukraine phải phân tán lực lượng. Đầu tháng 4, Ukraine tuyên bố đã chặn đứng một đợt tấn công cơ giới quy mô lớn của Nga tại Andriivka, phía tây Kurakhove.

Phân tích từ các chuyên gia quốc tế như Emil Kastehelmi (Black Bird Group) cũng cho thấy Nga nhiều khả năng sẽ tập trung hỏa lực vào các khu vực như Pokrovsk, Kostiantynivka, Toretsk và thậm chí là Kramatorsk để hoàn tất mục tiêu giành quyền kiểm soát toàn bộ Donetsk.

Cùng lúc, các tỉnh Sumy và Kharkiv có nguy cơ trở thành các mặt trận mới. Kịch bản này từng diễn ra vào tháng 5.2024 khi Nga tổ chức chiến dịch xuyên biên giới vào Kharkiv, buộc Ukraine phải rút các lữ đoàn chủ lực khỏi mặt trận phía đông. Các cuộc giao tranh gần đây tại Zaporizhzhia cũng gợi ý khả năng Nga có thể mở rộng chiến dịch nhằm làm mỏng hệ thống phòng thủ của Ukraine trên diện rộng.

Chiến trường mùa xuân: UAV, thời tiết và chiến thuật bộ binh

Chiến trường Ukraine hiện đang bị chi phối bởi các công nghệ quân sự hiện đại, đặc biệt là máy bay không người lái (UAV), hệ thống tác chiến điện tử (EW) và pháo chính xác cao. Trong phạm vi 10km tính từ tiền tuyến, bất kỳ chuyển động nào - dù là của người hay phương tiện - đều có nguy cơ bị UAV phát hiện và tấn công chỉ sau vài phút.

EW giúp một phần trong việc bảo vệ các phương tiện cơ giới, nhưng các UAV cảm biến quang học hiện đại vẫn có khả năng vượt qua các biện pháp gây nhiễu. Trong điều kiện này, cả hai bên buộc phải thay đổi chiến thuật tác chiến.

Ukraine đã triển khai rộng rãi UAV cảm tử, máy bay FPV, cùng các loại mìn thả từ trên không để làm chậm hoặc làm suy yếu các nhóm tấn công của Nga trước khi chúng tiếp cận được vị trí phòng thủ. Nga, trong khi đó, vẫn sử dụng chiến thuật quen thuộc là dồn ép bằng bộ binh số lượng lớn.

Thêm vào đó, địa hình mùa xuân - lầy lội, cây cối rậm rạp - đã làm suy giảm hiệu quả của các phương tiện thiết giáp. Tuy nhiên, điều này lại mang đến cơ hội cho cả hai phía tận dụng chiến thuật cơ động nhỏ, ẩn nấp, phục kích, thay vì mở các đợt tổng tấn công quy mô lớn.

Cùng với yếu tố công nghệ và địa hình, cán cân nhân lực đang trở thành điểm nghẽn quan trọng. Nga tiếp tục tuyển quân với tốc độ cao, nhưng khó duy trì cường độ tấn công tại nhiều mặt trận như Pokrovsk, Kharkiv và Zaporizhzhia cùng lúc. Mosocw sẽ buộc phải ưu tiên chiến lược tại một vài khu vực trọng điểm.

Về phía Ukraine, thách thức lớn nhất không phải là vũ khí - mà là con người. Việc duy trì tinh thần chiến đấu, luân chuyển lực lượng, và bổ sung quân số mới trở thành nhiệm vụ sống còn.

Mặc dù đã đạt được hiệu quả nhất định khi sử dụng UAV và các biện pháp phòng thủ phi đối xứng, nhưng sự thiếu hụt bộ binh có thể ảnh hưởng trực tiếp đến khả năng giữ vững tiền tuyến nếu không được giải quyết kịp thời.

“Ukraine đang làm tốt trong việc ngăn cản các nhóm xung kích của Nga tiếp cận phòng tuyến, nhưng về lâu dài, thiếu binh sĩ sẽ vẫn là mối đe dọa thực sự”, chuyên gia Hardie nhận định.

Cuộc chiến và đàm phán: Không phải là hai đường thẳng song song

Trong khi giao tranh trên thực địa tiếp tục diễn ra quyết liệt, các nỗ lực ngoại giao do chính quyền Tổng thống Trump khởi xướng vẫn chưa đạt được tiến triển rõ rệt.

Tổng thống Nga Vladimir Putin khẳng định quân đội Nga đang giữ “thế chủ động chiến lược” dọc theo toàn tuyến, điều này giúp Moscow có vị thế vững chắc và không chịu sức ép phải vội vã trong các cuộc đàm phán.

Nga tin rằng với ưu thế hiện tại, họ có thể mở rộng thêm kiểm soát lãnh thổ và qua đó nâng cao đòn bẩy trên bàn đàm phán. Trong bối cảnh Mỹ đề xuất lệnh ngừng bắn toàn diện, Moscow tuyên bố chỉ xem xét phương án này nếu các lệnh cấm vận được gỡ bỏ - khiến các cuộc đàm phán hòa bình rơi vào bế tắc.

Chiến dịch mùa xuân 2025 vì vậy đang trở thành giai đoạn bản lề, có thể quyết định cục diện của cuộc chiến trong trung hạn. Nếu Ukraine giữ được hệ thống phòng thủ, thậm chí giành lại một số vị trí quan trọng, họ sẽ nắm ưu thế trên bàn đàm phán.

Ngược lại, nếu Nga đạt được các mục tiêu chiến thuật mới, Kyiv có thể đối mặt với áp lực lớn hơn cả về quân sự lẫn chính trị, nhất là trong bối cảnh phương Tây đang có dấu hiệu giảm nhiệt trong hỗ trợ dài hạn. Trong trường hợp đó, Moscow sẽ ở vị thế thuận lợi để dẫn dắt quá trình thương lượng theo hướng có lợi cho mình.

Hoàng Vũ

Nguồn Một Thế Giới: https://1thegioi.vn/chien-dich-mua-xuan-cua-nga-co-xuyen-pha-duoc-phong-tuyen-ukraine-231314.html