'Chiến dịch quân sự đặc biệt đang leo thang thành cuộc chiến Nga - Phương Tây'
Người phát ngôn Điện Kremlin đưa ra tuyên bố trên trong ngày 18/6 khi bình luận về việc phương Tây cung cấp vũ khí cho Ukraine .
Trả lời phỏng vấn đài RT về việc phương Tây cung cấp vũ khí cho Ukraine hôm 18/6, người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov cho hay "chiến dịch quân sự đặc biệt" của Nga, vốn được phát động nhằm bảo đảm an toàn cho người dân Donbass, hiện tại gần như biến thành cuộc chiến giữa Nga và phương Tây.
Ông Peskov cũng đề cập đến tuyên bố của Tổng thống Nga Vladimir Putin về thiết lập một "hành lang sạch" (một dạng khu phi quân sự) trên lãnh thổ Ukraine nếu tiếp tục xảy ra tình trạng pháo kích vào các khu vực của Nga.
Theo đó, quan chức Điện Kremlin cho rằng mức độ cung cấp vũ khí phương Tây cho Ukraine càng mở rộng thì vùng đệm nói trên sẽ mở rộng tương ứng.
Trước đó, hôm 17/6, ông Peskov cũng khẳng định, Nga gần như đạt mục tiêu “phi quân sự hóa” Ukraine.
Theo người phát ngôn Điện Kremlin, quân đội Nga đã loại bỏ phần lớn các hệ thống vũ khí sản xuất trong nước của Ukraine, buộc Kiev phải phụ thuộc vào vũ khí phương Tây.
“Ukraine đã được quân sự hóa cao độ kể từ khi nổ ra cuộc xung đột. Theo tuyên bố được Tổng thống Putin đưa ra hôm qua, một trong những mục tiêu của chúng tôi là phi quân sự hóa Ukraine. Trên thực tế, chúng tôi đã đạt được mục tiêu này,” ông Peskov phát biểu với RT Arabic ngày 17/6.
Ông Peskov lưu ý thêm rằng Ukraine “ngày càng ít sử dụng vũ khí của chính mình” và dần dần chuyển sang sử dụng vũ khí do các thành viên NATO cung cấp.
Đồng thời, người phát ngôn Điện Kremlin nhấn mạnh, viện trợ quân sự cho Kiev khiến các nước phương Tây trở thành “các bên tham gia cuộc xung đột” và khiến tình hình ở châu Âu trở nên “căng thẳng và khó lường hơn”. Tất cả những điều này sẽ càng thúc đẩy Moscow thực hiện “các biện pháp quyết đoán hơn để đảm bảo an toàn cho người dân ở Donbass và sự an toàn của Liên bang Nga”.
Tổng thống Putin từng tuyên bố, “phi quân sự hóa” Ukraine là một trong những mục tiêu trong chiến dịch quân sự của Nga khi chiến dịch này được phát động vào tháng 2/2022.
Kể từ khi Nga phát động chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine, các nước phương Tây liên tiếp tăng cường hỗ trợ quân sự cho Kiev thông qua số tiền hàng tỷ USD viện trợ vũ khí và đạn dược. Hơn nữa, phương Tây cũng đẩy mạnh áp đặt lệnh trừng phạt với Nga.
Moscow khẳng định các hành động của phương Tây vào thời điểm này đã khiến họ trở thành một bên tham chiến trong xung đột Nga - Ukraine.
Các chính trị gia Nga và phương Tây nhiều lần thừa nhận, xung đột ở Ukraine và tình trạng đối đầu giữa Moscow và phương Tây có thể biến thành một cuộc xung đột lâu dài.
Trong một diễn biến liên quan, Ủy viên phụ trách thị trường nội khối của Liên minh châu Âu (EU) Thierry Breton hôm 18/6 khẳng định liên minh này đang cố gắng đẩy nhanh quá trình chuyển giao vũ khí viện trợ cho Ukraine.
Ông Breton trả lời phỏng vấn với báo Le Parisien: "Chúng tôi sẽ tăng cường nỗ lực cung cấp vũ khí và đạn dược cho Ukraine. Đây là cuộc chiến cường độ cao, nơi mà những khí tài này đóng vai trò then chốt". Ông Breton cũng thông báo EU cam kết sẽ cung cấp cho Ukraine 1 triệu vũ khí cỡ lớn trong vòng 12 tháng tới.
Những khẳng định trên của ông Breton được đưa ra trong bối cảnh Ukraine vừa bắt đầu cuộc phản công mùa Xuân. Chiến dịch này đã được Ukraine chuẩn bị trong vòng nhiều tháng, được xem sẽ là bước ngoặt của cuộc chiến đã kéo dài gần 16 tháng. Do đó, Kiev đang rất cần có thêm vũ khí để chống lại lực lượng Nga.
Đầu tháng này, Kiev đã mất xe tăng Leopard 2 đầu tiên do Đức sản xuất và xe chiến đấu bộ binh M2 Bradley do Mỹ sản xuất khi quân đội Ukraine tiến hành cuộc phản công đã được mong đợi từ lâu. Theo Moscow, cuộc phản công của Kiev cho đến nay vẫn chưa thể xuyên thủng hệ thống phòng thủ của Nga.