Chiến dịch sản xuất than: Hiệu ứng kép

Chiến dịch sản xuất của ngành than không chỉ để gia tăng sản lượng khai thác, mà còn là dịp để kiểm chứng lại năng lực sản xuất của các đơn vị. Và hơn thế, nó còn có giá trị lớn về mặt tinh thần, giúp thợ mỏ nêu cao ý thức trách nhiệm của mình, đúc rút được nhiều kinh nghiệm hơn trong sản xuất...

Mỗi chiến dịch như một "trận đánh" lớn

Thuật ngữ "Chiến dịch sản xuất" đã trở lên quen thuộc đối với những người thợ mỏ. Nhưng vì sao lại gọi là chiến dịch sản xuất? Đó là bởi vì trong thời gian đó, thợ mỏ dồn tổng lực, huy động tất cả các loại máy móc, thiết bị hoạt động với công suất cao nhất, huy động toàn thể lực lượng lao động tinh nhuệ nhất để ra than.

Chiến dịch có ý nghĩa giáo dục các thế hệ thợ mỏ nêu cao ý thức trách nhiệm

Chiến dịch có ý nghĩa giáo dục các thế hệ thợ mỏ nêu cao ý thức trách nhiệm

Ngược dòng thời gian, trong lịch sử phát triển, ngành than đã có nhiều chiến dịch sản xuất than được phát động như những "trận đánh" lớn. Chẳng hạn như, năm 1955 mỏ than Khánh Hòa thuộc Tổng công ty Công nghiệp mỏ Việt Bắc đã phát động chiến dịch thi đua "Những tấn than vì ánh sáng thủ đô" để cung cấp than cho nhà máy nhiệt điện Yên Phụ, giữ gìn dòng điện cho Thủ đô. Năm 1964, ngành than phát động "Chiến dịch sản xuất than Điện Biên Phủ" nhân kỷ niệm 10 năm chiến thắng Điện Biên Phủ với mục tiêu làm thêm 20 vạn tấn than sạch. Đây là một chiến dịch có quy mô rộng khắp. Những trận đánh lớn ở Điện Biên Phủ năm xưa đã được đặt tên cho từng tổ, đội. Giai đoạn vừa sản xuất vừa chiến đấu chống chiến tranh phá hoại của không lực Mỹ, toàn ngành đã phát động những chiến dịch vừa sản xuất vừa chiến đấu trong mọi tình huống, lấy khẩu hiệu "Vì sự nghiệp chống Mỹ cứu nước, mỗi người làm việc bằng hai"; "Chắc tay búa, vững tay súng"... Thời kỳ bao cấp, năm nào ngành than cũng phát động chiến dịch 90 ngày đêm hoặc 120 ngày đêm ra than cuối năm.

Hiệu ứng kép

Đối với ngành than, thuật ngữ "Chiến dịch" còn có ý nghĩa sâu sắc về mặt tinh thần như lời Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dạy lúc sinh thời: "Ngành sản xuất than cũng như quân đội đánh giặc. Toàn thể công nhân, cán bộ phải có nhiệt tình cách mạng và tinh thần yêu nước rất cao, ý chí quyết đánh quyết thắng rất vững, phải đoàn kết nhất trí, phải có đầy đủ ý thức làm chủ nước nhà; làm chủ xí nghiệp, vượt mọi khó khăn, nhằm vào một mục đích chung là sản xuất thật nhiều than cho Tổ quốc". Chiến dịch sản xuất than, ngoài việc tổ chức ra than cực kỳ hợp lý vào mùa khô, còn có ý nghĩa về mặt tinh thần lớn lao, giáo dục các thế hệ thợ mỏ nêu cao ý thức trách nhiệm trong mỗi công việc của mình như một người chiến sỹ cách mạng chân chính. Chiến dịch sản xuất than còn có ý nghĩa sát thực trong từng từ ngữ, đó là việc sản xuất than không hề dễ dàng, giống như quân đội đánh giặc, nếu chủ quan, lơ là, chúng ta có thể phải trả giá bằng tính mạng của mình. Đó là sự mất an toàn trong sản xuất.

Hai năm gần đây, kể từ năm 2018, sau hơn một thập kỷ ở trạng thái chuẩn bị sản xuất do công tác tiêu thụ than chậm, ngành than mới phát động đợt thi đua 90 ngày đêm cuối năm để tăng cường sản xuất than cung cấp cho các nhà máy điện, đảm bảo nhu cầu năng lượng của đất nước. Cụ thể, chỉ trong 90 ngày đêm năm 2018, toàn tập đoàn đã sản xuất gần 9,2 triệu tấn than nguyên khai. Trong 90 ngày đêm cuối năm 2019, toàn tập đoàn sản xuất trên 11 triệu tấn than, đưa sản lượng khai thác cả năm 2019 đạt trên 41 triệu tấn. Một con số ấn tượng, có thể coi là lớn nhất từ trước đến nay khi không tính sản lượng của Tổng công ty Đông Bắc. Cũng trong 90 ngày cuối năm 2019, tập đoàn tiêu thụ gần 16 triệu tấn than sạch, cả năm tiêu thụ trên 44 triệu tấn than sạch các loại.

Chiến dịch thi đua 90 ngày đêm sản xuất và tiêu thụ than quý IV năm 2018 và 2019 đã cho thấy đây là chiến dịch rất quan trọng trong suốt gần 20 năm qua. Qua đó, không chỉ bù đắp thêm phần thiếu hụt cho các hộ tiêu thụ than, mà còn là dịp kiểm tra lại năng lực sản xuất và hệ thống điều hành của toàn tập đoàn.

Thanh Mai

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/chien-dich-san-xuat-than-hieu-ung-kep-132574.html