Chiến dịch tấn công trên bộ của Israel vào Palestine có thể sẽ thảm bại
Các chuyên gia phân tích quân sự Nga cho rằng chiến dịch tấn công trên bộ của Israel vào Palestine sẽ khó có cơ giành chiến thắng.
Xe tăng quân đội Israel tập kết sát biên giới Palestine. Ảnh tư liệu
Vào tối thứ Sáu ngày 14/5, quân đội Israel đã tiến hành một chiến dịch nhằm đáp trả những hoạt động của lực lượng Hamas ở Dải Gaza.
Các cuộc không kích của Israel nhằm vào một mạng lưới đường hầm dưới lòng đất, được sử dụng bởi các chiến binh của nhóm Hamas, đã khiến 160 dân thường thiệt mạng.
Đồng thời, Israel đang xem xét khả năng đưa binh lính tiến hành một chiến dịch trên bộ vào lãnh thổ Palestine.
Ngày càng có nhiều đơn vị của quân đội Israel kéo đến biên giới với Dải Gaza. Nhưng một cuộc xâm lược quân sự có thể mang lại lợi ích gì cho nhà nước Do Thái lần này?
Cuộc xung đột Palestine - Israel mới tái phát cách đây vài ngày, là một chủ đề cực kỳ phức tạp và có nguồn gốc từ rất lâu đời.
Đây là một phần của cuộc xung đột Ả Rập - Israel thậm chí còn phức tạp và gây tranh cãi hơn, nơi mỗi bên tự coi mình là bên có mọi quyền quyết định.
Nói một cách khái quát nhất, vấn đề Nhà nước Israel của người Do Thái được thành lập trên lãnh thổ của Ủy ban Palestine thuộc Anh vào năm 1948 và Nhà nước Palestine dành cho người Ả Rập chỉ xuất hiện trên lý thuyết chứ không có trên thực tế.
Palestine không có chủ quyền thực sự và về cơ bản thuộc quyền chiếm đóng của Israel. Có hai vùng ngoại lệ của Palestine bị chia cắt bởi lãnh thổ của nhà nước Do Thái là Dải Gaza và Bờ Tây.
Những khu vực này được kiểm soát bởi các chiến binh của phong trào Hamas (lực lượng này bị xem là tổ chức khủng bố ở một số quốc gia) và lực lượng Fatah. Chính từ lãnh thổ của Dải Gaza, Hamas đã tiến hành các cuộc pháo kích định kỳ nhằm vào lãnh thổ của Israel.
Lý do cho các vụ tấn công bằng tên lửa nhằm vào nhau gần đây giữa Hamas và Israel là do hành động trấn áp thô bạo của cảnh sát Israel (bắn vào đám đông bằng đạn cao su và sử dụng lựu đạn gây choáng) gần Nhà thờ Hồi giáo Al-Aqsa, nằm trên Núi Đền, một địa điểm linh thiêng đối với người Hồi giáo, cũng như nỗ lực đuổi sáu gia đình người Palestine ra khỏi nhà của họ ở Đông Jerusalem.
Bờ Tây và Đông Jerusalem bị Israel chiếm sau cuộc "Chiến tranh Sáu ngày". Lưu ý rằng Đại hội đồng Liên Hợp Quốc đã từ chối công nhận tính hợp pháp của việc sáp nhập này.
Sau đó, chính quyền Tel Aviv bắt đầu chính sách loại bỏ dần dần dân số Ả Rập ra khỏi lãnh thổ bị chiếm đóng. Các khu định cư của người Do Thái, các căn cứ quân sự bắt đầu được xây dựng ở Đông Jerusalem, thành phố được bao quanh bởi cái gọi là "vành đai an ninh", chia khu vực này thành hai phần Tây và Đông.
Các gia đình Palestine đã bị đuổi khỏi nhà của họ ở Đông Jerusalem như một phần của chính sách này.
Tổ chức Nahalat Shimon của Israel có ý định giải phóng không gian sống cho những người mới, được định cư theo luật của Israel năm 1970 bàn về các vấn đề pháp lý và hành chính, cho phép người Do Thái có quyền đòi đất đai và nhà cửa mà họ sở hữu trước khi Nhà nước Israel xuất hiện.
Cộng đồng quốc tế đang nỗ lực kêu gọi Israel và Palestine hòa bình và Hoa Kỳ thậm chí đã cử đặc phái viên của họ đến Jerusalem để làm trung gian trong các cuộc đàm phán.
Tuy nhiên, theo đánh giá của các chuyên gia thì chính quyền Tel Aviv vẫn muốn "lập lại trật tự" ở Dải Gaza. Quân đội Israel tuyên bố rằng các lực lượng mặt đất đã sẵn sàng cho một cuộc tấn công.
Israel sẽ tiến hành các hoạt động quân sự hạn chế để trừng phạt người Palestine, bằng các cuộc tấn công bằng tên lửa và bom nhằm phá hủy các đường hầm dưới lòng đất và các cơ sở hạ tầng quân sự của Hamas, để nhanh chóng tiến quân và chiếm các điểm trọng yếu.
Tuy nhiên, khá nhiều thứ đã thay đổi vào năm 2021. Các chiến binh Hamas đã có những tên lửa với tầm bắn 100-120 km và để có thể phá hủy những vũ khí này, Israel sẽ phải tiến sâu vào thành phố Gaza.
Các nhóm vũ trang người Ả Rập có các hệ thống chống tăng và súng phóng lựu cực mạnh, có thể lợi dụng địa hình phức tạp của thành phố để phục kích quân đội Israel.
Điều này có nghĩa là quân đội Israel sẽ không thể tiến nhanh và chiến dịch trừng phạt trên các vùng lãnh thổ Palestine bị chiếm đóng sẽ dẫn đến tổn thất đáng kể về thiết bị và nhân lực.
Xe tăng Merkava sẽ bốc cháy, binh lính Israel sẽ phải bỏ mạng. Trong trường hợp này, tất cả những gì còn lại đối với Israel chỉ là các hoạt động phô diễn sức mạnh quân sự và nhanh chóng rút lui để tránh tổn thất về danh tiếng.