Chiến dịch Thập Vạn Đại Sơn – Bản hùng ca nơi biên khu

Ngày 1/10/1949, nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa ra đời, hoàn thành cuộc cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân, tiến lên xây dựng CNXH. Trước đó gần một năm, Thủ tướng Chu Ân Lai đã cử đặc phái viên sang Việt Nam để đề nghị quân đội Việt Nam phối hợp chiến đấu, giúp đỡ Giải phóng quân nhân dân Trung Hoa đánh quân Tưởng để giải phóng khu Ung - Long - Khâm, nay là vùng biên khu hai tỉnh Quảng Tây và Vân Nam (Trung Quốc).

Vậy là từ tháng 4/1949, quân đội Việt Nam và quân đội Trung Quốc đã triển khai chiến dịch Thập Vạn Đại Sơn, đánh hàng chục trận trên nhiều hướng để làm tan rã những cụm cứ điểm của tàn quân Tưởng Giới Thạch, được nhân dân ba tỉnh Quảng Tây, Quảng Đông, Vân Nam ca ngợi là "đánh phi thường ác liệt".

Kỳ 1: Những quân bạn quốc tế

Ngày 23/4/1949, được sự đề nghị của Đảng Cộng sản Trung Quốc, Đảng Cộng sản Việt Nam đã yêu cầu Bộ Tổng tư lệnh Quân đội Quốc gia Việt Nam (từ năm 1950 chính thức đổi tên thành Quân đội Nhân dân Việt Nam) ra mệnh lệnh "phối hợp với Giải phóng quân Trung Quốc mở rộng khu giải phóng biên khu Việt Quế…

Kịp thời hành động giúp Giải phóng quân, xây dựng một vùng Ung-Long-Khâm, liền với biên giới Đông Bắc của ta, thông ra biển, tạo điều kiện khuếch trương lực lượng, đón Giải phóng quân Trung Quốc Nam Hạ (1)". Trong cuốn hồi ký "Chiến đấu trong vòng vây", Đại tướng Võ Nguyên Giáp dành nhiều trang cho chiến dịch được đặt tên là Thập Vạn Đại Sơn này!

Bác Hồ căn dặn đồng chí Lê Quảng Ba (bên phải) trước khi lên đường sang Thập Vạn Đại Sơn giúp bạn, với dòng chữ tự tay Người viết: "Cẩn thận, bí mật, đoàn kết, hữu nghị, thắng lợi", ghi tháng 5/1949. Ảnh: Tư liệu

Bác Hồ căn dặn đồng chí Lê Quảng Ba (bên phải) trước khi lên đường sang Thập Vạn Đại Sơn giúp bạn, với dòng chữ tự tay Người viết: "Cẩn thận, bí mật, đoàn kết, hữu nghị, thắng lợi", ghi tháng 5/1949. Ảnh: Tư liệu

Sử sách Trung Quốc cũng ghi lại công lao của bộ đội Việt Nam, trong đó cụ thể nhất là cuốn "Đệ tam đệ thất chi đội sử" viết về cuộc kháng chiến của Giải phóng quân Trung Quốc và bộ đội Việt Nam tại Việt Quế nhấn mạnh: "Quân bạn quốc tế, Trung đoàn 59, Trung đoàn Lạng Sơn, Tiểu đoàn Đặng Công Lệnh, Tiểu đoàn Trần Vinh, Đại đội Bình Liêu (Hải Ninh) thuộc Quân đội nhân dân Việt Nam đã phát huy tinh thần chủ nghĩa quốc tế vô sản, phối hợp tác chiến với chi đội 3 lập công lớn, góp sức mạnh một cách vô tư, phát triển tình hữu nghị chiến đấu giữa quân đội và nhân dân hai nước Trung Quốc và Việt Nam.

Công trạng sáng chói của họ, không sợ kẻ địch mạnh, không ngại khó khăn gian khổ, không tiếc xương máu sẽ mãi mãi được ghi trong sử sách đấu tranh cách mạng của nhân dân khu Thập Vạn Đại Sơn".

Ngay sau khi mệnh lệnh được phát ra, các đơn vị tập trung chỉnh huấn tư tưởng và ráo riết chuẩn bị lên đường. Đồng chí Lê Quảng Ba, Phó tư lệnh Liên khu 1 được chỉ định là Tư lệnh chiến dịch. Đồng chí Trần Minh Giang, cán bộ của bạn làm Chính trị ủy viên.

Chiến dịch được triển khai trên hai mặt trận là Khâm Châu và Long Châu. Mặt trận Khâm Châu do đồng chí Nam Long làm Chỉ huy trưởng; đồng chí Hoàng Bình, cán bộ Quân giải phóng Trung Quốc làm Phó Chỉ huy trưởng; đồng chí Đỗ Trình làm chính trị viên. Mặt trận Long Châu do đồng chí Thanh Phong làm Chỉ huy trưởng; đồng chí Chu Huy Mân và đồng chí Hoàng Long Xuyên làm Phó Chỉ huy trưởng.

Khi quyết định giúp bạn mở chiến dịch Thập Vạn Đại Sơn, Bộ Tổng Tư lệnh hết sức quan tâm đến hình ảnh của bộ đội Việt Nam. Chính vì thế, trong bản mệnh lệnh chiến dịch ngày 23/4/1949 cũng nhấn mạnh phương châm hoạt động: "Trong lúc hoạt động ở Trung Quốc cần đứng trên lập trường đoàn kết hai dân tộc, căn cứ vào lợi ích cách mạng dân chủ của hai nước mà giải quyết các vấn đề, tuyệt đối tránh "bản vị chủ nghĩa".

Các đồng chí trong tổ quân dược Trung đoàn 59 tham gia Chiến dịch Thập Vạn Đại Sơn tại Trung Quốc năm 1949. Ảnh: NVCC

Các đồng chí trong tổ quân dược Trung đoàn 59 tham gia Chiến dịch Thập Vạn Đại Sơn tại Trung Quốc năm 1949. Ảnh: NVCC

Lấy danh nghĩa Giải phóng quân mà hoạt động để tiện giữ bí mật. Công tác chính trị cần nêu rõ nhiệm vụ đoàn kết phấn đấu giữa hai nước Trung Quốc mới và Việt Nam mới, giữa Giải phóng quân và quân ta; nêu vinh dự của người quân nhân Việt Nam và tinh thần quốc tế của người quân nhân Việt Nam; tôn trọng phong tục tập quán của nhân dân địa phương, nêu cao kỷ luật chính trị, chú trọng dân vận"..

Bộ đội ta ngày ấy viễn chinh chỉ mặc áo nâu, áo chàm và đội loại mũ đan được gọi là "mũ mõm trâu". Dù rất cố công nhưng tôi vẫn không thể tìm được một hiện vật nào như thế tại các bảo tàng. Chỉ nghe các cựu chiến binh từng tham gia chiến dịch kể rằng ngày đó chiếc mũ ấy được dùng phổ biến, phía vành mũ trước vểnh lên nên anh em đặt là mũ "mõm trâu".

Chính vì thế quân bạn và nhân dân bạn mới khen tặng "Giải phóng quân Việt Nam, áo màu nâu, mũ mõm trâu, đánh phi thường ác liệt…". Khi bộ đội Việt Nam về nước, bà con bịn rịn không nỡ rời, mang đồ ăn tới tiễn, làm đồ lưu niệm tới tặng. Trong điều kiện ngôn ngữ bất đồng, thời gian ở trên đất bạn ngắn ngủi, lại hành quân liên tục, để có được những tình cảm mến thương ấy là điều không hề đơn giản.

Bước vào tuổi 103, Đại tá Hoàng Long Xuyên, nguyên Giám đốc Công an kiêm Chỉ huy trưởng Công an Vũ trang khu tự trị Việt Bắc đón chúng tôi tại nhà riêng ở thị trấn Đồng Hỷ, tỉnh Thái Nguyên.

Màu quân hàm xanh biên phòng tươi trên bộ quân phục cũ và đôi mắt người cựu chiến binh ánh lên niềm tự hào: "Vào trung tuần tháng 5/1949, đồng chí Thanh Phong gặp tôi giao nhiệm vụ: "Có chỉ thị đặc biệt của anh Văn, mở một chiến dịch đặc biệt giúp bạn. Anh có trách nhiệm chỉ huy một mũi, lấy lực lượng của địa phương Lạng Sơn từ 2 đến 3 đại đội. Trách nhiệm của anh đánh từ mục Nam Quan xuống Bằng Tường, Thượng Thạch, Hạ Thạch, rồi đến Ninh Minh. Anh là Phó chỉ huy Mặt trận Long Châu và trực tiếp chỉ huy mũi này. Anh sẽ gặp cánh quân của anh Chu Huy Mân ở huyện lỵ Ninh Minh. Anh Mân sẽ đánh từ Thủy Khẩu, rồi thọc xuống Hạ Đống, rồi gặp anh ở Ninh Minh".

Tôi cũng may mắn được Trung tá Nguyễn Hòa, Phó Ban Văn hóa - Thể thao Báo Quân đội nhân dân giới thiệu gặp bác Phùng Thị Sâm, 92 tuổi, nguyên dược tá Trung đoàn 59 tham gia tổ quân dược tại mặt trận Điền Quế. Giọng bà sang sảng và đọc những bài thơ của mình và đồng đội viết về những ngày tháng làm nhiệm vụ quốc tế đầy cảm xúc.

Bộ đội Việt Nam làm công tác dân vận tại vùng mới giải phóng ở Bằng Tường. Ảnh: NVCC

Bộ đội Việt Nam làm công tác dân vận tại vùng mới giải phóng ở Bằng Tường. Ảnh: NVCC

Bà kể: "Tổ quân dược của tôi còn phải bốc thăm mới được đi nên tự hào lắm. Chúng tôi về hội quân tại Làng Bằng (Bắc Giang) để tham gia chỉnh huấn. Cán bộ, chiến sĩ được học tập về nhiệm vụ quốc tế, tìm hiểu phong tục tập quán và ngôn ngữ của nhân dân địa phương. Các đơn vị được bổ sung thêm trang bị vũ khí, các phương tiện thông tin, lương thực, thực phẩm, quân trang, quân dụng".

Bước vào chiến dịch, bộ đội Việt Nam chia thành hai hướng, vượt biên giới sang hội quân cùng bạn tại khu vực Long Châu (Quảng Tây) và khu vực Khâm Châu, Phòng Thành (Quảng Đông), Trung Quốc. Từ làng Bằng, cánh quân tham gia mặt trận Điền Quế vượt qua đường số 4 và các huyện lỵ của Lạng Sơn để đến biên giới.

Bác Thân Văn Nhã, 89 tuổi, nguyên chiến sĩ Tiểu đoàn 426, hiện sống tại thành phố Bắc Giang, nhớ lại: "Nắng mùa hè như nung lửa, bộ đội phải hành quân tắt rừng, vượt qua những mỏm núi cheo leo nhất để tránh tai mắt của địch. Đêm ngủ rừng, gặp mưa thì trú tạm dưới tán cây hoặc hốc núi thức chờ trời sáng. Tới những khu vực có đồn Pháp chiếm đóng, cả đoàn chuyển sang đi đêm, ngày trú tạm trong các cánh rừng để tránh bị giặc phát hiện".

Cứ âm thầm đi như thế cho tới khi đến chân núi Thập Vạn Đại Sơn. Một hành trình vượt núi đầy chông gai trên nghìn trùng núi non hiểm trở và khí hậu vô cùng khắc nghiệt. Hai đêm ba ngày gian khổ còn vẹn nguyên ký ức: hết mưa lại nắng, hết không khí lạnh lại đến gió khô thổi ra từ muôn hướng; quần áo khô rồi lại ướt, môi khô nẻ, mặt bạc gió sương; dứt trận sốt rừng lại phăm phăm tiến về phía trước...

Ngàn bước vượt vách đá dựng đứng, ngàn bước lần xuống khe sâu hun hút suốt 1 tháng hành quân, ngày 21/6, bộ đội Việt Nam đã tới được Pắc Lầu rồi tiến vào Phù Lủng, Nà Số, hội ngộ cùng quân bạn để bàn kế hoạch tác chiến.

Phía mặt trận Long Châu, do hướng từ Cao Bằng và Lạng Sơn qua khu vực Tà Lùng và Bằng Tường, địa hình tương đối bằng phẳng nên bộ đội hành quân đỡ vất vả hơn.

Trong hồi ký, Đại tướng Chu Huy Mân kể lại: "Trước khi xuất kích vượt biên giới theo thỏa thuận với Quân khu Tả Giang - Long Châu, chúng tôi cấp cho mỗi cán bộ chiến sĩ một tấm quân hiệu bằng vải màu vàng in chữ Trung Quốc màu đỏ: "Trung Quốc nhân dân giải phóng quân - 35Đ" gài trên ngực áo. Tôi nói với anh em: Từ giờ phút này trở đi, chúng ta chiến đấu trên chiến trường Trung Quốc với danh nghĩa Quân giải phóng nhân dân Trung Quốc, các đồng chí phải làm đúng 10 lời thề và 12 điều răn của Bác Hồ”.

Năm 2009, trong cuộc gặp gỡ các cựu chiến binh Thập Vạn Đại Sơn sau 60 năm giúp bạn, nhạc sĩ Trọng Loan, tác giả của Lời ca dâng Bác và Người Châu Yên em bắn máy bay, một trong những văn nghệ sĩ theo đoàn quân viễn chinh ngày ấy vẫn tâm đắc: "Vẫn là sự tài tình của các chiến sĩ Việt Nam, cái tài tình ấy thể hiện trong tinh thần chiến đấu anh dũng, cái tài tình ấy là kỉ luật nghiêm minh và sự khéo léo trong công tác dân vận. Không chỉ nhân dân Trung Quốc quí mến bộ đội Hồ Chí Minh, ngay cả những chiến sĩ Trung Quốc chiến đấu bên cạnh ta cũng rất khâm phục. Chính lòng quả cảm của các chiến sĩ, tinh thần quốc tế cao cả và đức hi sinh của những người lính tham gia chiến dịch Thập Vạn Đại Sơn đã tạo cảm hứng sáng tác vô bờ cho tôi. Trong vòng bốn tháng tham gia chiến dịch, tôi đã sáng tác 10 ca khúc".

Trong lúc chiến đấu, bộ đội ta đặc biệt chú ý giữ an toàn cho dân, tránh lạm sát người vô tội bị quân Tưởng đẩy lên trước làm lá chắn. Trong câu chuyện của mình, Đại tá Hoàng Long Xuyên vẫn luôn nhớ lời nhân dân bạn khen ngợi bộ đội Việt Nam đánh giỏi, kỷ luật nghiêm, tôn trọng, bảo vệ dân. Họ cảm kích trước sự bảo vệ của bộ đội Việt Nam nên càng ra sức giúp ta đánh phản động Quốc dân đảng. Nhiều người tình nguyện làm liên lạc, dẫn đường, nắm địch, ủng hộ lương thực, thuốc men.

"Trước khi lên đường giúp bạn, toàn quân đã được chỉ thị là phải coi người dân nước bạn như người dân nước mình, phải chăm lo cho dân, bảo vệ dân. Chúng tôi cũng đã được nhân dân nước bạn giúp đỡ rất nhiều trong những ngày chiến dịch. Nhất là sau khi đánh thắng quân Tưởng, nhân dân càng thêm tin yêu liên quân Việt - Trung, đồng lòng với cách mạng để xây dựng chính quyền mới." - Đại tá Hoàng Long Xuyên kể.

Bác Phùng Thị Sâm khe khẽ hát: "Ta mơ trần gian xóa tan bằng hết biên thùy, chỉ còn loài người, chỉ còn tình thương trùm lên thế giới…". Bà bảo đó là câu hát không rõ tác giả mà những chiến sĩ làm nhiệm vụ quốc tế đầu tiên của quân đội Việt Nam đã hát bên cột mốc biên giới trước khi bước chân sang đất bạn vừa lãng mạn, vừa hào hùng, thể hiện tâm thế của những người sẵn sàng dấn thân vì đất nước và vì những người bạn Trung Quốc. Khi ấy, nhân dân Trung Quốc và những chiến sĩ Giải phóng quân nhân dân Trung Hoa gọi bộ đội Việt Nam là "Quân bạn quốc tế".

(Còn tiếp)

Phạm Vân Anh

Nguồn ANTG: http://antg.cand.com.vn/tu-lieu-antg/chien-dich-thap-van-dai-son-ban-hung-ca-noi-bien-khu-614424/