Chiến dịch Thập Vạn Đại Sơn – Bản hùng ca nơi biên khu: Tinh thần quốc tế cao thượng
Bảo tàng Hồ Chí Minh tại huyện Long Châu, tỉnh Quảng Tây, Trung Quốc có một bảng ảnh tôn vinh những nhà cách mạng Việt Nam từng hoạt động tại khu vực Long Châu, trong đó, có ghi danh Đại tướng Chu Huy Mân và Đại tá Hoàng Long Xuyên, hai người chỉ huy hai cánh quân giải phóng khu vực này.
Hiện nay, tại thị trấn cửa khẩu Thủy Khẩu (Long Châu) đối diện với cửa khẩu Tà Lùng (Cao Bằng) có một điểm du lịch cũng hết sức ý nghĩa là "Nghĩa trang Liệt sĩ Trung Việt tại Thủy Khẩu Long Châu". Các liệt sĩ của hai nước Việt Nam, Trung Quốc hi sinh khi tham gia các trận đánh tại mặt trận Long Châu đều được quy tập về đây để nhân dân đến thắp hương đoái công tưởng nhớ.
Thời điểm đó, Long Châu là một trong 14 khu quân sự của Quốc dân đảng tại tỉnh Quảng Tây do hai trung đoàn bảo an, một số đội cảnh vệ, tuần sát, dân đoàn ở các huyện đóng giữ và các hương đoàn của bọn địa chủ tiếp tay. Mặt trận Tả Giang - Long Châu cũng chia hai hướng, một hướng xuất kích từ Lạng Sơn do đồng chí Hoàng Long Xuyên chỉ đạo, đánh mục Nam Quan xuống Bằng Tường, Thượng Thạch, Hạ Thạch, rồi đến Ninh Minh. Một hướng xuất kích từ Cao Bằng do đồng chí Chu Huy Mân chỉ đạo tiến công từ Thủy Khẩu, rồi thọc xuống Hạ Đống và tiến về hội quân tại Ninh Minh.
Ngày 12/6/1949, liên quân Việt - Trung từ hai cánh đã đồng loạt phát lệnh tấn công Bằng Tường và Thủy Khẩu. Ngày 13/6 chiếm Hạ Đống và ngày 18/6, diệt viện binh Quốc dân đảng từ Long Châu xuống, dồn tổng lực tiến đánh Ninh Minh.
Trận tiến công Thủy Khẩu cũng là trận đánh đầu tiên của liên quân Trung Việt trên đất bạn trong suốt 2 ngày đêm. Từ Thủy Khẩu, các cứ điểm khác của quân Tưởng tại La Hồi, Độc Sơn, Hạ Đống lần lượt bị liên quân đánh hạ, hàng binh kéo cờ trắng ra hàng, số khác tháo chạy dọc theo bờ sông Tả Giang và bỏ trống đường tiến thẳng thủ phủ Ninh Minh.
Chỉ trong vòng 15 ngày, nơi đây sạch bóng quân Tưởng. Hồi ký của Đại tướng Chu Huy Mân viết chi tiết: "Sáng hôm sau, mưa tạnh, chúng tôi ra lệnh tiến công Thủy Khẩu bằng những loạt đạn pháo 75 ly. Tiểu đoàn 73 vác cờ đỏ búa liềm tiến sát đồn Thủy Khẩu cùng những tiếng hô vang dội. Quân Tưởng dùng chiến thuật "quân dã ngoại giữ thành" của Nhật để đối phó lại ta. Chúng cho quân ra ngoài, chỉ để một bộ phận trong đồn bắn tỉa. Nhưng quân dã ngoại bị ta bao vây đã không dám nổ súng mà nằm rạp trườn đi từng thước trên mặt đất rồi tháo chạy về Long Châu. Chúng tôi ra lệnh cho bộ đội truy kích. Sau hai ngày đêm bị quân ta trong đánh ngoài vây, gọi hàng, toàn bộ quân địch ở Thủy Khẩu bị tiêu diệt và bị bắt làm tù binh. Trận này quân ta hy sinh mười một cán bộ, chiến sĩ".
Với hướng Nam Quan - Ải Khẩu, Phó Chỉ huy trưởng Hoàng Long Xuyên chỉ đạo bộ đội Việt Nam phối hợp với lực lượng vũ trang của bạn tiến hành phục kích hai đại đội địch, bức chúng khỏi Ải Khẩu chạy về Bằng Tường. Thực hiện kế hoạch "vây điểm diệt viện", các đơn vị đồng loạt tập kích từ nhiều hướng khiến quân địch nhiễu loạn.
Đại tá Hoàng Long Xuyên kể lại: "Một trong những trận giằng co lâu nhất là trận vây đồn Nam Quan, một đại đội của ta vây đồn Nam Quan, một đại đội và một trung đội hỏa lực phục kích trên đường từ Nam Quan đến Bằng Tường cách nhau 15km. Quân ta vây chặt Nam Quan suốt một tuần lễ, chặn đứng nguồn tiếp tế lương thực và đạn dược của chúng, buộc quân Tưởng phải bỏ đồn rút chạy. Các nhóm cứu viện của quân Tưởng ở nơi khác cũng bị quân ta phục kích chặn đánh tan tác".
Dù rất kinh hoàng trước sự tấn công mạnh mẽ của bộ đội Việt Nam, song chúng vẫn cưỡng ép rất nhiều dân chúng đi theo về hướng Long Châu, gây nên nhiều bi thảm cho bà con. Bộ đội Việt Nam vừa đánh chặn địch, vừa cố gắng hạn chế gây thương vong cho nhân dân bị ép đi theo chúng. Trong những ngày chiến đấu trên đất bạn, đồng chí Ngọc Trình, Đại đội trưởng Đại đội độc lập huyện Thoát Lãng, Lạng Sơn, một trong 34 chiến sĩ Việt Nam tuyên truyền Giải phóng quân đầu tiên đã dẫn đầu đơn vị đuổi đánh địch từ Ải Nam Quan (nay là Cửa khẩu Hữu Nghị) đến Bằng Tường.
Giữa lúc truy kích đầy quyết liệt, đồng chí không may bị một viên đạn trung liên bắn trúng giữa ngực, hy sinh trên đất bạn. Mộ phần của đồng chí Ngọc Trình cùng một liệt sĩ khác của Việt Nam và 1 liệt sĩ Trung Quốc hiện vẫn nằm ở chân núi Pò Luông, Bằng Tường. Hàng năm vào dịp Thanh minh, nhân dân trong vùng vẫn đến dâng hương.
Đợt tiến công của liên quân Việt - Trung tại mặt trận Long Châu thắng lợi, chính quyền cách mạng của bạn được thiết lập ở nhiều nơi và được đông đảo nhân dân ủng hộ. Cuối tháng 6, ta tiếp tục cử các đơn vị lẻ áp sát thị xã Long Châu, tiến hành trinh sát vũ trang, bắn phá quấy rối các vị trí, tuyên truyền vận động nhân dân và tổ chức nghi binh đánh lạc hướng phán đoán của địch và dần siết chặt vòng vây quanh Ninh Minh. Đầu tháng 7, bộ đội ta chia làm nhiều mũi, tiến công thị trấn Ninh Minh.
Quân địch ở đây lo sợ trước sức tấn công của quân ta, đã rút phần lớn lực lượng qua sông Kì Cùng sang Ninh Giang từ đêm hôm trước. Ngày 5/7/1949, Bộ Tổng tư lệnh chỉ thị kết thúc đợt hoạt động, rút quân về nước để nhận nhiệm vụ mới.
Ở hướng Khâm Châu, sau khi vượt dãy Thập Vạn Đại Sơn, bộ đội ta nhanh chóng tiếp quản nhiều căn cứ của địch ở Khâm Châu và Phòng Thành do địch đã rút về cố thủ ở các căn cứ lớn ở Nà Lường, Đông Hưng và những khu vực giáp biển. Quân số của chúng có hơn 3 trung đoàn và hàng chục dân đoàn hương (một tổ chức vũ trang ở thôn xã của chính quyền Quốc dân đảng).
Bác Thân Văn Nhã nhớ lại: "Khi đó, Bộ Tư lệnh quyết định tiến công Trúc Sơn, một thị trấn gần Đông Hưng do ở đây có đường thủy thông ra biển. Đồng chí Nam Long, Tư lệnh mặt trận phát lệnh tiến công vào đêm ngày 5/7, ba cánh quân của ta nổ súng tiến vào Trúc Sơn. Địch bắn rào rào từ các lô cốt hòng chặn đường tiến công của ta và chờ viện binh. Sau 5 ngày đêm bao vây, diệt viện, quân ta không đánh chiếm được căn cứ Trúc Sơn nên đã rút quân, nhưng liên quân cũng kịp thời giải phóng được 3 xã ở xung quanh Phòng Thành".
Sau trận Trúc Sơn, ta tiếp tục đánh tập kích các điểm đóng quân nhỏ lẻ của quân Tưởng. Chúng hoảng sợ rút về Phòng Thành, ta lập tức tiến vào các làng bản làm công tác vận động quần chúng, thiết lập an ninh trên vùng mới giải phóng.
Quần chúng nhân dân từ chỗ e dè, sợ hãi đã hân hoan chào đón bộ đội Việt Nam và giúp đỡ bộ đội triển khai các hoạt động để gấp rút thành lập chính quyền cách mạng. Tiếp đó, ta tiến đánh Nà Số, Vòng Chúc rồi hợp quân với bạn tại Mào Lẻng, một thị trấn ven biển sầm uất. Suốt một tháng bộ đội ta vừa đi vừa đánh địch, vừa bàn giao chiến lợi phẩm cho quân bạn và giúp bạn ổn định địa bàn. Cho tới cuối tháng 8, bộ đội ta phối hợp với một đơn vị du kích tập trung tiêu diệt và bắt giữ hơn 100 tên, được nhân dân hết sức nể phục.
Hơn bốn tháng vừa hành quân vừa chiến đấu tiêu diệt địch, vừa triển khai công tác dân vận, bộ đội ta đã vượt qua biết bao gian nan, nguy hiểm để cùng quân bạn mở rộng và đi tới nối liền căn cứ địa trong khu Thập Vạn Đại Sơn, hoàn thành nhiệm vụ quốc tế đầu tiên đầy tự hào.
Cuối tháng 9/1949, khi chính quyền cách mạng và lực lượng vũ trang của biên khu Điền Quế và Việt Quế đã liên lạc được với Giải phóng quân Trung Quốc Nam Hạ, bộ đội ta được lệnh rút về nước.
Sau này, để ghi công và tưởng nhớ các chiến binh đã tử trận trong chiến dịch Thập Vạn Đại Sơn, năm 1956, tại thị trấn Đông Hưng (Trung Quốc) đã xây dựng đài liệt sĩ, trên khắc song song hai hàng chữ Việt - Hán: "Đài kỷ niệm liệt sĩ cách mạng nhân dân Việt - Trung". Trên bệ có khắc một bia bằng tiếng Việt "Nhân dân Trung Quốc đời đời nhớ ơn các chiến sĩ đã hy sinh vì sự nghiệp giải phóng dân tộc và tình hữu nghị giữa các dân tộc". Hài cốt của các tử sĩ Việt Nam và Trung Quốc nằm rải rác ở các nơi được quy tập và an táng tại đây.
Cụ Sì Láng, 84 tuổi ở chân núi Pò Luông, Bằng Tường ngày ấy mới 14 tuổi, thường xuyên làm giao liên cho bộ đội Việt Nam và dân quân xã thì nhớ rất rõ trận đánh ác liệt ngay trên quê hương mình. Đưa chúng tôi đi thăm mộ đồng chí Ngọc Trình, ông kể, bà con quê ông thương bộ đội Việt Nam lắm, bộ đội Việt Nam có 5 người bị thương chuyển về bản của ông, hai người hi sinh được an táng tại đây, còn 3 người khác được đưa về Việt Nam điều trị. Mộ của đồng chí Ngọc Trình và đồng đội hàng năm vẫn có người tới thăm nom.
"Hồi ấy chúng tôi có gì ngon nhất, tốt nhất đều đem tặng bà con vì thấy họ khổ quá, bị quân Tưởng bóc lột, đàn áp đến xơ xác. Họ đói đến mức trong nhà chỉ có nồi cháo loãng, và câu chào nhau là "ăn cơm chưa?". Tổ quân y, quân dược của chúng tôi tập trung chữa bệnh cho bà con, phát thuốc cho bà con và làm công tác phòng dịch. Nhiều người thấy bộ đội Việt Nam đói khổ đã mang gạo, muối, khoai, sắn đến tặng nhưng chúng tôi không dám nhận. Có người bảo: "Bộ đội Việt Nam có cả con gái. Chúng mày khác hẳn bọn "ngầu quắt" (nghĩa là xương trâu, ý chỉ quân Quốc dân đảng) và tốt như quân Cộng sản Mao Trạch Đông…" - Bác Phùng Thị Sâm kể.
Dẫu chịu đói, nhưng bộ đội ta không tơ hào của dân, không lạm dụng chiến lợi phẩm mà thường chỉ lấy đủ ăn để tiếp tục chiến đấu. Phần nhiều bàn giao lại cho bạn để phát cho nhân dân cũng như cho các đơn vị bạn. Một viên thuốc, một bơ gạo, một tấm chăn cũng nhường dân. Các đơn vị quân y mỗi khi dừng chân lại tổ chức khám bệnh cho bà con, điều trị cho hàng trăm người khỏi bệnh và cứu sống được nhiều trường hợp tưởng như đã không thể qua khỏi. Vui nhất có lẽ là những lần bộ đội Việt Nam giao lưu văn hóa với nhân dân bạn.
Nhà văn Trần Đăng, tác giả của truyện ngắn nổi tiếng Trận phố Ràng, người sau khi kết thúc chiến dịch đã hi sinh trên biên giới Việt Trung thì đọc thơ. Nhạc sĩ Trọng Loan thì đàn hát những bài ca hữu nghị và dạy trẻ con cùng hát. Các đồng chí nữ ở tổ quân y, quân dược thì được bà con dạy múa điệu "nông tác vũ". Các đồng chí nam thì giao lưu bóng bàn. Không khí vô cùng thân thiện, đoàn kết.
Cuối tháng 9, hầu hết các đơn vị tham gia chiến dịch Thập Vạn Đại Sơn đều rút về nước, lãnh đạo và nhân dân các vùng thuộc biên khu Điền Quế và Việt Quế trang trọng tiễn đưa. Đồng chí Trần Phát, Khu ủy viên địa khu Thập Vạn Đại Sơn rơi nước mắt, tiễn chân bộ đội Việt Nam ra tận bờ sông giáp Phù Lủng.
Ông nắm chặt tay đồng chí Lê Quảng Ba, giọng nghẹn ngào: "Cám ơn các đồng chí Việt Nam đã phối hợp chiến đấu, đem mồ hôi, xương máu giúp chúng tôi trong lúc khó khăn. Các đồng chí đã để lại những tấm gương trong sáng về tinh thần quốc tế. Cảm ơn cách mạng Việt Nam. Tuy còn bao nhiêu khó khăn trong sự nghiệp giải phóng dân tộc, cách mạng Việt Nam vẫn ghé vai đỡ gánh cho cách mạng Trung Quốc. Thật cao thượng!".