Chiến dịch tiêm bổ sung vắcxin sởi-rubella cho trẻ:Tiến tới loại trừ bệnh sởi

Từ đầu năm đến nay, TP. Pleiku đã ghi nhận 14 ca mắc sởi. Sởi là bệnh truyền nhiễm nguy hiểm nhưng có thể phòng được bằng cách tiêm vắc xin đầy đủ cho trẻ. Từ ngày 8-7 đến hết tháng 7-2019, TP. Pleiku sẽ đồng loạt triển khai chiến dịch tiêm bổ sung vắc xin sởi-rubella cho trẻ từ 1 đến 5 tuổi tại 23/23 xã, phường trên địa bàn.

Theo ông Đặng Phước Toàn-Phó Giám đốc Trung tâm Y tế TP. Pleiku, mục tiêu đặt ra trong chiến dịch là trên 95% trẻ từ 1 đến 5 tuổi (sinh từ ngày 1-3-2014 đến 1-1-2018, không kể tiền sử đã được tiêm chủng vắc xin sởi hoặc vắc xin sởi-rubella, trừ số trẻ đã được tiêm sởi-rubella trong thời gian dưới 1 tháng tính đến ngày thực hiện chiến dịch này) sẽ được tiêm tối thiểu 1 mũi vắc xin phòng bệnh sởi-rubella. Đặc biệt, không bỏ sót các đối tượng, nhất là ở các làng đồng bào dân tộc thiểu số và phải đảm bảo an toàn tiêm chủng.

Chiến dịch sẽ tổ chức theo hình thức cuốn chiếu tại 31 điểm tiêm trên địa bàn thành phố với khoảng 16.252 trẻ trong độ tuổi được tiêm. Trẻ đi học tại trường mầm non sẽ được tiêm tại trường; những trẻ không đi học sẽ được tiêm tại trạm y tế và các điểm tiêm chủng ngoài trạm. Ngành Y tế thành phố cũng sẽ thực hiện tiêm vét cho trẻ bị sót ngay cuối đợt chiến dịch hoặc trong tiêm chủng thường xuyên.

Tiêm vắc xin sởi cho trẻ tại Trường Mầm non Hoa Hồng (phường Hội Thương, TP. Pleiku). Ảnh: N.N

Tiêm vắc xin sởi cho trẻ tại Trường Mầm non Hoa Hồng (phường Hội Thương, TP. Pleiku). Ảnh: N.N

Trong chiến dịch này, phường Phù Đổng có 1.019 trẻ trong độ tuổi được tiêm bổ sung vắc xin sởi-rubella; trong đó có 517 trẻ mầm non, 502 trẻ tại cộng đồng. Trước khi triển khai chiến dịch, cán bộ, nhân viên y tế của trạm đã được tập huấn công tác đảm bảo an toàn tiêm chủng. Song song đó, Trạm Y tế phường đã tăng cường công tác truyền thông tại các tổ dân phố, các trường mầm non và nhóm trẻ tư thục trên địa bàn để người dân biết và chủ động phối hợp đưa con em đi tiêm chủng; điều tra, lập danh sách trẻ từ 1 đến 5 tuổi với mục tiêu đảm bảo không bỏ sót trẻ trong độ tuổi tiêm chủng. Nhờ công tác chuẩn bị chu đáo, chiến dịch diễn ra khá thuận lợi.

Đưa con đến tiêm chủng tại Trạm Y tế phường Phù Đổng, chị Triệu Thu Hà (tổ 2, phường Phù Đổng) chia sẻ: “Tôi ý thức được việc tiêm vắc xin sẽ giúp phòng bệnh cho con nên luôn tiêm phòng cho cháu đầy đủ và đúng lịch các mũi trong chương trình tiêm chủng mở rộng. Đợt này, nghe thông báo nên tôi liền đưa cháu đến tiêm bổ sung. Năm nay bệnh sởi có chiều hướng gia tăng, vì vậy việc tiêm bổ sung vắc xin là rất thiết thực”. Được thông báo trước nên sáng 10-7, cô Nguyễn Thị Ngọc Ánh-Chủ cơ sở Mầm non tư thục Vành Khuyên cũng phối hợp với phụ huynh đưa các cháu đến Trạm Y tế phường Phù Đổng tiêm vắc xin. “Trường có 63 cháu trong độ tuổi tiêm vắc xin bổ sung đợt này. Khi nhận được thông tin, chúng tôi đã nhanh chóng phổ biến cho phụ huynh biết. Trong quá trình tiêm chủng, nhà trường cũng phối hợp với ngành Y tế để chiến dịch diễn ra thuận lợi, an toàn”-cô Ánh cho biết.

Y sĩ Nguyễn Thị Hải Lý-Phó Trưởng trạm Y tế phường Diên Hồng-cho hay: “Phường triển khai tiêm từ ngày 8 đến ngày 12-7. Chúng tôi chia ra tiêm ở tổ dân phố, các trường học trước, sau đó tiêm tại trạm và thực hiện tiêm vét. Trước khi tiêm chủng, lực lượng y tế tổ chức tuyên truyền tới các tổ dân phố, các trường học giúp nhà trường và phụ huynh nắm bắt thông tin. Nhân viên y tế của trạm cũng gọi điện cho phụ huynh để nhắc đưa trẻ đến tiêm với mục tiêu không bỏ sót đối tượng, đảm bảo mục tiêu chiến dịch đề ra”.

Trong khi đó, phường Hội Thương bắt đầu triển khai chiến dịch tiêm bổ sung vắc xin sởi-rubella cho trẻ 1-5 tuổi từ ngày 15-7 và dự kiến kết thúc chiến dịch vào ngày 20-7. Trường Mầm non Hoa Hồng là điểm đầu tiên thực hiện chiến dịch trên địa bàn phường. Ông Phạm Ngọc Thạch-Trưởng trạm Y tế phường Hội Thương-thông tin: Số trẻ tại phường được tiêm bổ sung đợt này khoảng 1.200 trẻ; riêng Trường Mầm non Hoa Hồng là gần 500 trẻ. Công tác đảm bảo an toàn tiêm chủng được chú trọng; trước khi tiêm, lực lượng y tế khám sàng lọc kỹ càng và chú trọng quan sát, theo dõi trẻ sau tiêm. Trước đó, trạm cũng đã thông tin rộng rãi cho nhà trường và phụ huynh biết để cùng phối hợp với ngành Y tế góp phần giúp chiến dịch diễn ra thành công và hiệu quả.

Năm 2018, toàn tỉnh chỉ ghi nhận 1 ca mắc sởi. Tuy nhiên từ đầu năm đến nay, bệnh sởi gia tăng với gần 930 ca nghi mắc sởi, trong đó, qua xét nghiệm xác định có 389 ca mắc. Sởi là bệnh truyền nhiễm, chủ yếu gặp ở trẻ em dưới 5 tuổi do chưa được tiêm phòng hoặc đã tiêm phòng nhưng chưa đầy đủ. Việc duy trì tỷ lệ tiêm 2 mũi vắc xin sởi ở trẻ dưới 2 tuổi đạt 95% là yếu tố cơ bản để loại trừ bệnh sởi. Ngoài TP. Pleiku triển khai chiến dịch tiêm bổ sung vắc xin sởi-rubella cho trẻ 1-5 tuổi, các huyện Mang Yang, Đức Cơ, Kông Chro, Phú Thiện, Đak Đoa, Chư Pưh, Chư Prông cũng sẽ đồng loạt triển khai chiến dịch này nhằm góp phần hạn chế dịch sởi, rubella quay trở lại, từ đó thực hiện mục tiêu loại trừ bệnh sởi, rubella trong cộng đồng.

NHƯ NGUYỆN

Nguồn Gia Lai: http://baogialai.com.vn/channel/12396/201907/chien-dich-tiem-bo-sung-vacxin-soi-rubella-cho-tretien-toi-loai-tru-benh-soi-5642043/