Chiến dịch tiêm chủng khẩn cấp 1/4 dân số Mỹ trong năm bầu cử Tổng thống

Sau khi binh nhì David Lewis gục xuống và tử vong trong một buổi huấn luyện cơ bản tại căn cứ Fort Dix, Mỹ vào ngày 4/2/1976, một cuộc điều tra đã xác định nguyên nhân cái chết của thanh niên 19 tuổi này là một sát thủ khét tiếng vốn đã 'ngủ yên' trong nhiều năm.

Hơn ¼ dân số Mỹ đã được chủng ngừa nhằm đề phòng một đại dịch không bao giờ xảy ra. Ảnh: Getty Images

Hơn ¼ dân số Mỹ đã được chủng ngừa nhằm đề phòng một đại dịch không bao giờ xảy ra. Ảnh: Getty Images

Các xét nghiệm máu cho thấy Lewis đã nhiễm một chủng cúm lợn, được cho là có bộ gien gần với cúm “Tây Ban Nha” gây ra đại dịch năm 1918 khiến trên 650.000 người Mỹ và khoảng 50 triệu người trên thế giới tử vong.

11 binh sĩ khác tại Fort Dix có xét nghiệm dương tính với cúm lợn nhưng đã bình phục, trong khi hàng trăm người khác cho kết quả dương tính với kháng thể cúm lợn. Tờ New York Times lập tức đăng trang nhất: “Loại virus từng gây ra đại dịch cúm kinh khủng nhất trong lịch sử hiện đại – đại dịch 1918-19, có thể đã quay trở lại”.

Nhận định dịch cúm lợn có thể trở lại vào mùa Thu năm đó, các quan chức liên bang lo ngại viễn cảnh tái lặp đại dịch chết chóc hơn 60 năm về trước. Bộ trưởng Y tế, Giáo dục và Phúc lợi David Mathews cảnh báo 2 triệu người Mỹ sẽ thiệt mạng trong mùa cúm năm 1976 nếu chính phủ không hành động. Trước nguy cơ cao xảy ra đại dịch cúm, Giám đốc Trung tâm Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Mỹ (CDC) David Sencer đã đề nghị một kế hoạch chưa từng có tiền lệ: tiêm chủng hàng loạt cho toàn dân Mỹ.

Tổng thống Gerald Ford kêu gọi hành động

Mặc dù không phát hiện thêm ca cúm lợn nào khác bên ngoài căn cứ Fort Dix, CDC đã ủng hộ cách tiếp cận phòng bệnh hơn chữa bệnh."Chính quyền có thể chịu đựng những chi phí y tế không cần thiết còn hơn là những ca tử vong và mắc bệnh không cần thiết”, ông Sencer viết trong một bản ghi nhớ vào ngày 13/3/1976.

Tổng thống Gerald Ford thông báo chương trình quốc gia chủng ngừa cúm lợn tại Nhà Trắng ngày 24/3/1976. Ảnh: Getty Images

Tổng thống Gerald Ford thông báo chương trình quốc gia chủng ngừa cúm lợn tại Nhà Trắng ngày 24/3/1976. Ảnh: Getty Images

Vì thế khi trình bày kế hoạch trị giá 135 triệu USD nhằm ngăn ngừa một đại dịch có thể gây thiệt hại hàng tỉ USD và vô số sinh mạng, Tổng thống Mỹ Gerald Ford đã có rất ít lựa chọn chính trị, đặc biệt là trong một năm bầu cử Tổng thống. “Không có cách nào để rút lại bản ghi nhớ của Sencer. Bản ghi nhớ đó là một khẩu súng chĩa vào đầu chúng tôi”, một trợ lý của ông Ford nhớ lại.

Hiểu rằng rủi ro lớn nhất là không làm gì, Tổng thống Ford tuyên bố ủng hộ kế hoạch tiêm chủng hàng loạt tại một cuộc họp báo, với sự có mặt của hai nhà khoa học phát triển vaccine bại liệt, Jonas Salk và Albert Sabin.

“Không ai biết mối đe dọa này có thể nghiêm trọng đến mức nào. Tuy nhiên, chúng ta không thể để mất cơ hội, vì sức khỏe của người dân chúng ta”, ông nói. Mặc dù các quan chức CDC chủ yếu lo ngại nguy cơ lặp lại các dịch cúm năm 1957 và 1968, mỗi dịch giết chết khoảng 100.000 người Mỹ, các quan chức chính phủ liên bang đã liên tục cảnh báo về bóng ma của đại dịch năm 1918.

Nỗi sợ hãi trong năm bầu cử

Theo Chương trình Tiêm chủng Cúm lợn Quốc gia đã được sự chấp thuận của lưỡng đảng tại Quốc hội, chính phủ liên bang đã lên kế hoạch mua 200 triệu liều vaccine do các công ty dược phát triển và phân phối miễn phí cho các cơ quan y tế tiểu bang. Đây sẽ là chiến dịch tiêm chủng lớn nhất trong lịch sử nước Mỹ, thậm chí còn lớn hơn các đợt tiêm chủng bệnh bại liệt trước đó.

Tuy nhiên, ngay từ đầu chương trình đã gặp trục trặc. Một công ty dược đã sản xuất 2 triệu liều vaccine sai chủng virus. Các xét nghiệm không đạt được mức kháng thể phù hợp ở trẻ em. Do khung thời gian bị ép ngắn, cắt bỏ những thử nghiệm ở phòng thí nghiệm và thử nghiệm lâm sàng thường kéo dài hàng năm, các công ty bảo hiểm đã từ chối ký hợp đồng bảo hiểm cho các nhà sản xuất vaccine trong trường hợp xảy ra phản ứng bất lợi.

Lọ chứa vaccine cúm lợn trước khi xuất xưởng, tháng 9/1976. Ảnh: Getty Images

Lọ chứa vaccine cúm lợn trước khi xuất xưởng, tháng 9/1976. Ảnh: Getty Images

Trong lúc binh nhì Lewis vẫn là bệnh nhân cúm lợn duy nhất tử vong, các nghiên cứu đã phát hiện chủng virus này ít độc lực hơn đánh giá ban đầu và Mỹ là quốc gia duy nhất trên thế giới có kế hoạch chủng ngừa hàng loạt.

Giới chỉ trích lúc này chĩa mùi dùi vào Tổng thống Ford, cáo buộc ông “hù dọa” công chúng và chơi trò chơi chính trị trước cuộc bầu cử tổng thống. “Luôn có những nghi ngờ về động cơ đằng sau những chương trình quy mô lớn như thế này và liệu chúng có phải là cơ hội kiếm tiền cho các công ty dược hay không”, George Dehner, Phó giáo sư lịch sử tại Đại học Bang Wichita và là tác giả cuốn sách “Ứng phó với bệnh cúm: Một thế kỷ khoa học và sức khỏe cộng đồng” cho biết.

Niềm tin của cộng đồng suy giảm

Trong lúc nước Mỹ ăn mừng được đăng cai cả Thế vận hội Mùa Hè và Thế vận hội Mùa Đông năm 1976, một căn bệnh đường hô hấp đã khiến 34 người tử vong tại một khách sạn ở Philadelphia, nơi tổ chức hội nghị của tổ chức American Legion - gồm các cựu chiến binh Mỹ.

Mặc dù nguyên nhân gây ra căn bệnh được gọi là “Legionnaires” này là một loại vi khuẩn chưa được biết đến, tồn tại trong hệ thống điều hòa không khí của khách sạn, nhưng ban đầu người ta cho rằng bệnh cúm lợn là thủ phạm. Trước lo ngại dịch bùng phát trở lại, Quốc hội đã đồng ý bồi thường cho các công ty dược phẩm nếu có bất kỳ phản ứng bất lợi nào khi tiêm vaccine cúm lợn.

Sencer và J. Donald Millar, người chỉ đạo chiến dịch chủng ngừa cúm của CDC, sau này viết rằng, quyết định của Quốc hội Mỹ đã vô tình làm suy giảm niềm tin của dân chúng vào vaccine và “đảm bảo rằng mọi sự cố sức khỏe ngẫu nhiên nào xảy ra sau khi tiêm vaccine cúm lợn sẽ bị soi xét kỹ lưỡng, với thủ phạm dễ bị quy kết nhất là do vaccine”.

Tổng thống Gerald Ford được tiêm vaccine cúm lợn bởi bác sĩ Nhà Trắng William Lukash, ngày 14/10/1976. Ảnh: Cơ quan lưu trữ quốc gia Mỹ

Tổng thống Gerald Ford được tiêm vaccine cúm lợn bởi bác sĩ Nhà Trắng William Lukash, ngày 14/10/1976. Ảnh: Cơ quan lưu trữ quốc gia Mỹ

Thông qua chiến dịch tuyên truyền mạnh mẽ của chính phủ, hàng triệu người Mỹ đã "xắn tay áo" đi tiêm chủng cúm lợn kể từ ngày 1/10. Và mặc dù Tổng thống Gerald Ford nói rằng mũi tiêm chỉ khiến tay hơi đau, nhưng ba người cao tuổi đã chết vì đau tim ngay sau khi được tiêm chủng tại cùng một phòng khám ở Pittsburgh. Các cuộc điều tra không tìm ra mối liên hệ nào giữa những ca tử vong này và chất lượng vaccine, nhưng một số tiểu bang đã tạm ngừng chương trình.

Những tấm ảnh chụp Tổng thống Ford tiêm vaccine được đăng tải rộng rãi nhằm kêu gọi sự ủng hộ trong cộng đồng, tuy nhiên niềm tin của công chúng càng lung lay hơn khi hàng chục người đã tiêm chủng được chẩn đoán mắc hội chứng Guillain-Barré, một chứng rối loạn thần kinh hiếm gặp gây yếu cơ, ngứa ran ở tứ chi và tê liệt.

Trong khi đó, không thấy bóng dáng đại dịch đâu, thậm chí còn không có trường hợp lây nhiễm cúm lợn nào bên ngoài cụm lây nhiễm đã biết đến ban đầu ở căn cứ Fort Dix. Cuối cùng, sau khi tiêm chủng cho 45 triệu người Mỹ, chiếm gần 1/4 dân số cả nước, chính phủ đã dừng chương trình vào ngày 16/12/1976.

Tổng thống Gerald Ford đã thất bại trong chiến dịch tái tranh cử giữa lúc chương trình chủng ngừa hàng loạt đang diễn ra. Và rốt cuộc chương trình này có lẽ là phản ứng không cần thiết khi một màn tái lặp của dịch cúm năm 1918, trận dịch năm 1957 hay 1968, đã không bao giờ thành hiện thực.

“Khi tính mạng bị đe dọa, tốt hơn là nên sai lầm ở khía cạnh phản ứng thái quá, còn hơn là phản ứng quá yếu ớt. Vào năm 1976, chính phủ liên bang đã lựa chọn một cách khôn ngoan khi đặt sự bảo vệ công chúng lên hàng đầu”, hai ông Millar và Sencer, bị mất việc vài tháng sau đó, khẳng định.

Thu Hằng/Báo Tin tức

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/ho-so/chien-dich-tiem-chung-khan-cap-14-dan-so-my-trong-nam-bau-cu-tong-thong-20200903143313481.htm