Ngay từ những ngày đầu chống dịch Covid-19, ngoài việc kiểm soát dịch bệnh trong nước, lãnh đạo Đảng, Nhà nước và Chính phủ cùng các cơ quan liên quan xác định vaccine là biện pháp hữu hiệu nhất nhằm ứng phó với đại dịch Covid-19.
Ngay sau khi dịch Covid-19 bùng phát và lan rộng trên toàn cầu, nhiều nước có hệ thống y tế tiên tiến trên thế giới đã bắt đầu nghiên cứu vaccine nhằm đẩy lùi dịch bệnh. Nhiều loại vaccine cũng từ đó được giới thiệu.
Tính từ tháng 2/2021-29/12/2021, theo thống kê của Bộ Y tế, Việt Nam đã nhận được 192 triệu liều vaccine của các hãng từ nhiều nguồn khác nhau. Trong đó, hơn 95 triệu liều là từ nguồn viện trợ, tài trợ từ các quốc gia và các tổ chức quốc tế.
Đến cuối tháng 12/2021, Việt Nam đã tiêm chủng chạm mốc 150 triệu liều vaccine, đã có 100% người từ 18 tuổi trở lên tiêm ít nhất một liều vaccine, 90% người trên 18 tuổi tiêm đủ 2 mũi vaccine phòng Covid-19.
Có thể thấy thành công trong chiến dịch tiêm vaccine phòng Covid-19 vừa góp phần bảo vệ sức khỏe nhân dân vừa đưa cả nước tiến tới "thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh cùng với phát triển kinh tế-xã hội".
Cùng nhìn lại hành trình đi tìm "trái ngọt" của toàn Đảng, toàn dân trong thời gian qua:
Tại Việt Nam, nhằm đáp ứng cho nhu cầu cấp bách trong phòng, chống dịch bệnh Covid-19, ngày 1/2/2021, Bộ Y tế đã phê duyệt khẩn cấp đối với vaccine phòng Covid-19 của AstraZeneca. Đây là vaccine đầu tiên được Bộ Y tế phê duyệt. Sau đó, Bộ Y tế lần lượt phê duyệt các loại vaccine đã được Tổ chức Y tế thế giới (WHO) chấp nhận gồm: Sputnik V (ngày 23/3), Vero Cell (ngày 3/6), Comirnaty của Pfizer/BioNtech (ngày 12/6), Moderna (ngày 29/6), Janssen (ngày 15/7), Hayat-Vax (ngày 10/9), Abdala (ngày 17/9) và Covaxin (ngày 10/11). Như vậy, trong năm 2021 đã có 9 vaccine phòng Covid-19 được Bộ Y tế phê duyệt.
Việt Nam tập trung tổng hợp nhiều biện pháp như tăng cường tìm kiếm đối tác, đàm phán, ngoại giao và huy động tài chính, thành lập Quỹ vaccine phòng Covid-19... để nhận được vaccine nhiều nhất, nhanh nhất có thể. Nhờ vậy, ngày 24/2/2021, 117.600 liều vaccine AstraZeneca đã có mặt tại sân bay Tân Sơn Nhất. Đây là lô vaccine phòng Covid-19 đầu tiên về Việt Nam. (Nguồn: Bộ Y tế)
Những liều vaccine đầu tiên này được ưu tiên phân bổ cho lực lượng tuyến đầu phòng, chống dịch, các tỉnh tâm dịch và vùng có dịch. Lô vaccine được cung cấp cho Việt Nam thông qua hợp đồng giữa Hệ thống tiêm chủng VNVC và Tập đoàn AstraZeneca đã ký từ tháng 11/ 2020.
Ngay sau đó, ngày 8/3, cán bộ y tế đầu tiên và cũng là công dân đầu tiên của Việt Nam được tiêm vaccine là chị Phạm Thị Tuyết Nhung, 40 tuổi, nhân viên y tế Trung tâm y tế TP. Hải Dương thuộc tổ lấy mẫu Covid-19 tại cộng đồng.
Ngày 16/3/2021, 1.000 liều vaccine phòng Covid-19 Sputnik V do Liên bang Nga tặng được Thư ký hội đồng an ninh nước này là Nikolai Patrushev mang tới Việt Nam. Đây là những liều vaccine phòng Covid-19 đầu tiên của Nga có mặt tại Việt Nam. (Nguồn: Báo QĐND, Reuters)
Ngày 20/6, 500.000 liều vaccine phòng Covid-19 Vero Cell đầu tiên đã có mặt tại sân bay Nội Bài. Lô vaccine trên được Chính phủ Trung Quốc viện trợ giúp Chính phủ và Nhân dân Việt Nam phòng, chống dịch. Trong số này, Lào Cai nhận 17.300 liều, Lạng Sơn nhận 121.000 liều, Quảng Ninh 230.000 liều, Nam Định 1.700 liều, Thái Bình 1.400 liều, Điện Biên 28.000 liều, Cao Bằng 60.000 liều, Lai Châu 6.000 liều, Hà Giang 34.000 và Viện Kiểm định quốc gia vaccine và sinh phẩm y tế (để kiểm định và lưu mẫu) 600 liều. (Nguồn: Bộ Y tế)
Ngày 7/7, lô vaccine phòng Covid-19 Comirnaty của Pfizer/BioNtech đầu tiên gồm 97.110 liều đã được bàn giao cho Bộ Y tế ngay tại sân bay Nội Bài. Đây là số vaccine trong hợp đồng 31 triệu liều Pfizer mà Chính phủ Việt Nam đặt mua. (Nguồn: Bộ Y tế)
Đến ngày 10/7, 2 triệu liều vaccine phòng Covid-19 Moderna đầu tiên đã đến Hà Nội. Số vaccine này là một phần trong 80 triệu liều vaccine phòng Covid-19 do Tổng thống Mỹ Joe Biden cam kết hỗ trợ một số quốc gia/ vùng lãnh thổ, trong đó có Việt Nam. (Nguồn: Vietnamplus)
Cùng ngày 10/7, Việt Nam chính thức triển khai chiến dịch tiêm chủng trên phạm vi toàn quốc. Đây được cho là chiến dịch tiêm chủng có quy mô lớn nhất trong lịch sử tiêm chủng của Việt Nam. Chiến dịch huy động tổng lực cùng tham gia với hàng chục nghìn cơ sở y tế, hàng vạn cán bộ y tế và các lực lượng khác trong cả nước từ trung ương đến địa phương, gồm cả lực lượng dân y, quân y, công lập, tư nhân. (Nguồn: VGP)
Tuy nhiên, trong bối cảnh vaccine còn khan hiếm, số vaccine Chính phủ đặt mua không thể đáp ứng được nhu cầu tiêm chủng trong nước, mà cần đến sự hỗ trợ, viện trợ từ các quốc gia khác. Chính vì vậy, để đẩy mạnh việc chiến lược ngoại giao vaccine, ngày 13/8/2021, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính ký Quyết định số 1399/QĐ-TTg thành lập Tổ công tác của Chính phủ về ngoại giao vaccine do Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn làm Tổ trưởng Tổ công tác.
Trong đó, chiến lược vaccine của nước ta tập trung vào các nội dung chính như nhập khẩu, chuyển giao công nghệ, nghiên cứu để sản xuất và phát triển vaccine trong nước. (Nguồn: VGP)
Tối 25/9, tại Sân bay Quốc tế Nội Bài, lô vaccine phòng Covid-19 Abdala 1,05 triệu liều đầu tiên đã về đến Việt Nam. Trong đó có 900.000 liều nằm trong hợp đồng mua 10 triệu liều mà Việt Nam đã ký với Trung tâm Kỹ thuật sinh học và di truyền Cuba, 150.000 liều vaccine còn lại là quà tặng của Cuba.
Minh Nhật