Chiến dịch tiêu biểu cho nghệ thuật quân sự Xô-viết

Mùa hè năm 1944, Hồng quân Liên Xô tiến hành một chiến dịch quy mô lớn nhằm tiêu diệt Cụm tập đoàn quân (TĐQ) Trung tâm của phát xít Đức và giải phóng Belorussia.

Chiến dịch mang mật danh Bagration, được lấy theo tên của Pyotr Ivanovich Bagration - vị tướng đã chiến đấu và hy sinh anh dũng trong Chiến tranh Vệ quốc năm 1812 chống quân xâm lược của Napoleon I.

Vào thời gian này, quân Đức phán đoán hướng tấn công của Hồng quân sẽ hướng từ Bắc Ukraina ra biển Baltik, bởi khu vực này mở vào vùng bằng phẳng ở châu Âu, có địa hình thuận lợi cho xe tăng - cơ giới hóa hoạt động. Do đó, 1/3 số pháo, 1/2 số pháo tự hành chống tăng và 88% số xe tăng của Cụm TĐQ Trung tâm được điều chuyển sang Cụm TĐQ Bắc Ukraina.

Trong khi đó, Hồng quân không lựa chọn tấn công theo phía Bắc vào các nước cộng hòa Baltik vì chỉ giải phóng một phần nhỏ đất đai và tài nguyên của Liên Xô và cuối cùng là đi vào ngõ cụt ở ven bờ biển Baltik. Hướng phía Nam, từ Nam Ukraina về Romania và các nước vùng Balkan chỉ là mặt trận thứ yếu, lại có thể khiến Hồng quân kéo dài trận tuyến quá mức và phải đối phó với địa hình khó khăn vùng Balkan.

Lính Liên Xô trong chiến dịch Bagration. Ảnh: Warhistoryonline

Lính Liên Xô trong chiến dịch Bagration. Ảnh: Warhistoryonline

Trong tình hình đó, chỉ còn 2 hướng: từ phía Tây Bắc Ukraina phát triển về hướng biển Baltik, hoặc tấn công trực diện Cụm TĐQ Trung tâm ở Belorussia. Lựa chọn thứ nhất, thuận lợi về địa hình phù hợp cho xe tăng, cơ giới hóa, nhưng phải đối mặt với nguy cơ bị cắt sườn, phản bao vây bởi lực lượng mạnh của Cụm TĐQ Bắc Ukraina và Cụm TĐQ Trung tâm. Một đợt tấn công táo bạo như vậy là quá sức đối với Hồng quân, nhất là từ góc độ chỉ huy, hậu cần.

Từ đó, hướng Belorussia có khả năng nhất, vì địa hình phức tạp với khoảng 20.000 sông suối và 11.000 hồ đầm lại là tiền đề cho yếu tố bất ngờ. Hướng tấn công này, nếu thành công, sẽ hủy diệt những khối quân Đức còn chưa bị tiêu hao, cắt đứt đường rút lui Cụm TĐQ Bắc, hoàn tất việc giải phóng Liên Xô và giúp Hồng quân tiến vào Ba Lan là hướng trực tiếp nhất đến Berlin.

Phía Hồng quân tham gia chiến dịch có 4 Phương diện quân (PDQ). Tổng binh lực gồm 166 sư đoàn, 12 binh đoàn xe tăng cơ giới với tổng quân số 1,4 triệu quân, 31.000 pháo, 5.200 xe tăng, 5.000 máy bay… Phía Đức có 80 vạn người, 900 xe tăng và pháo tự hành, 9.000 đại bác và cối, 1.350 máy bay... Như thế, Hồng quân đạt ưu thế vượt trội mọi mặt, từ quân số đến vũ khí.

Trước khi mở màn chiến dịch, Hồng quân đã tiến hành một loạt hoạt động giữ bí mật và nghi binh. Các trạm phát sóng công suất lớn ngưng hoạt động; kế hoạch tấn công chỉ được phổ biến cho một số rất ít người liên quan; việc chuyển quân chỉ thực hiện ban đêm; các địa điểm tập trung quân được ngụy trang kỹ lưỡng; quân giữ tuyến không được biết đơn vị mới đến; các đơn vị không quân mới đến không được bay trinh sát; các đơn vị tiêm kích tại chỗ tăng cường bay tuần tra ngăn chặn máy bay thám thính của đối phương thâm nhập.

Hồng quân để lại 4/6 TĐQ xe tăng ở khu vực Ukraina, đồng thời sử dụng một trong số các TĐQ này thực hiện một cuộc tấn công sớm về hướng Romania trong đầu tháng 5/1944. Ngoài ra, các PDQ ở khu vực này được lệnh tổ chức thêm các “đội quân ma” nhằm che giấu việc 2 TĐQ xe tăng đã được điều chuyển…

Nhìn chung, các hoạt động nghi binh của Hồng quân đã thành công. Bộ chỉ huy Đức hoàn toàn không hề hay biết việc Hồng quân đã bí mật chuyển 3 TĐQ bộ binh cơ giới, 1 TĐQ xe tăng và một số sư đoàn đến tăng cường cho các đơn vị đối diện với Cụm TĐQ Trung tâm.

Ngày 23/6/1944, đúng dịp tròn 3 năm ngày phát xít Đức tấn công Liên Xô, chiến dịch Bagration được mở màn bằng cuộc cuộc pháo kích với quy mô chưa từng có. Hơn 30.000 khẩu pháo và súng cối, bao gồm hơn 2.000 giàn hỏa tiễn, đồng loạt khai hỏa trong suốt 2 giờ; trung bình mỗi khẩu pháo của Hồng quân đã bắn 6 tấn đạn sang phòng tuyến quân Đức.

Xe tăng T-34 của Liên Xô tham gia trận đánh. Ảnh: Warhistoryonline

Xe tăng T-34 của Liên Xô tham gia trận đánh. Ảnh: Warhistoryonline

Kết thúc chiến dịch Baration (29/8/1944), Hồng quân đánh tan Cụm TĐQ Trung tâm của Đức, giải phóng hoàn toàn lãnh thổ Belorussia cùng phần lớn lãnh thổ các nước cộng hòa Xô-viết vùng Baltik và miền đông bắc Ba Lan.

Về phía Đức Quốc xã, đây là thất bại thảm hại nhất của họ trong Thế chiến 2, khi khu vực phòng thủ phía đông bị sụp đổ và Đông Phổ bị trực tiếp đe dọa. Khoảng nửa triệu quân phát xít bị tiêu diệt, trong đó 17 sư đoàn và 3 lữ đoàn bị tiêu diệt hoàn toàn, 50 sư đoàn khác mất hơn 50% biên chế.

Trong khi đó, thiệt hại của Hồng quân thấp hơn nhiều so với đối phương. Dưới tác động thắng lợi của chiến dịch Baration, các nước Phần Lan, Romania, Bulgaria đã buộc phải rút khỏi chiến tranh và tuyên chiến với Đức.

Chiến dịch Bagration cũng được xem là chiến thắng vĩ đại nhất của Hồng quân trong cả cuộc chiến, được các nhà nghiên cứu lịch sử coi là tiêu biểu cho nghệ thuật quân sự Xô-viết, khi Học thuyết Tác chiến chiều sâu được thực hiện gần như hoàn hảo ở mọi cấp độ.

Thành công của chiến dịch Bagration tạo tiền đề cho thành công của các chiến dịch sau đó, đã đẩy quân đội Đức ra khỏi lãnh thổ Liên Xô, giúp Hồng quân có bàn đạp ở bờ tây sông Wisla, tạo tiền đề cho chiến dịch Wisla – Oder ở giai đoạn kế tiếp, rồi chiến dịch Berlin, kết thúc thắng lợi Chiến tranh Vệ quốc.

Nguyên Phong

Nguồn VietnamNet: https://vietnamnet.vn/vn/the-gioi/quan-su/chien-dich-tieu-bieu-cho-nghe-thuat-quan-su-xo-viet-641962.html