Chiến dịch truy quét nạn tảo hôn ở bang Assam (Ấn Độ)
Chỉ trong 2 tuần, chiến dịch truy quét các cuộc tảo hôn ở bang Assam, (Đông Bắc Ấn Độ) đã dẫn đến hàng nghìn nam giới bị bắt giữ, còn những người vợ là nạn nhân của tảo hôn lại rơi vào cảnh đau khổ, bất lực vì gia đình tan nát.
Nhức nhối nạn tảo hôn
Ở Ấn Độ, tuổi kết hôn hợp pháp là 21 đối với nam và 18 đối với nữ. Nhưng nghèo đói, thiếu giáo dục, các chuẩn mực và tập quán xã hội, đặc biệt là ở khu vực nông thôn, được coi là những nguyên nhân dẫn đến tảo hôn trên cả nước. UNICEF ước tính rằng, mỗi năm Ấn Độ ít nhất 1,5 triệu bé gái dưới 18 tuổi kết hôn khiến nước này có số lượng cô dâu trẻ em lớn nhất thế giới - chiếm 1/3 tổng số toàn cầu.
Dữ liệu Khảo sát sức khỏe gia đình quốc gia của Ấn Độ cho thấy, hơn 31% các cuộc hôn nhân được đăng ký ở Assam ở nhóm tuổi bị cấm. Ở một số quận, tỷ lệ mang thai ở tuổi vị thành niên lên tới 26%. Những cuộc tảo hôn này đã trở thành một tệ nạn xã hội và hậu quả là tỷ lệ tử vong ở trẻ em khá cao. Tháng trước, chính quyền bang có 35 triệu dân đã thông qua nghị quyết xóa bỏ hoàn toàn tục tảo hôn vào năm 2026 và thực thi các biện pháp nghiêm ngặt.
Đứng bên ngoài đồn cảnh sát địa phương tại một ngôi làng của huyện Morigaon, bang Assam, Nureja Khatun, 19 tuổi, bế đứa con 6 tháng tuổi trong tay chờ mãi cũng thấy chồng mình bị đưa ra xe cảnh sát tới tòa án. “Hãy thả chồng tôi ra. Nếu không thì hãy giam giữ tôi luôn đi”, cô cầu xin. Năm 2021, khi Khatun mới 17 tuổi đã bỏ trốn theo Akbar Ali, sống dựa vào thu nhập của người chồng công nhân là 400 rupee (5 USD) mỗi ngày. “Bây giờ chúng tôi không còn cái ăn. Không biết liệu có thể sống sót hay không”, Khatun nói.
Bà Radha Rani Mondal (50 tuổi), có con trai 20 tuổi bị bắt hôm 4-2 và cô con dâu 17 tuổi đang mang thai. Bà đã chi 500 rupee (6 USD) cuối cùng của mình để thuê một luật sư, rồi lại nợ thêm của người này 20.000 rupee (250 USD). “Tôi đã đến đồn cảnh sát và luật sư mỗi ngày với cái bụng đói. Một mình tôi vừa phải thu xếp tiền lo các chi phí pháp lý, vừa phải chăm lo nhà cửa và chăm sóc con dâu. Đúng là cảnh trớ trêu”, bà Mondal vừa nói vừa khóc.
Phương án giải quyết tận gốc
Theo luật, nam giới bị buộc tội kết hôn với các cô gái trong độ tuổi từ 14 đến 18 có thể lĩnh án 2 năm tù giam. Nếu làm đám cưới khi cô dâu dưới 14 tuổi, người chồng có thể lĩnh án tù từ 7 năm đến chung thân. Cảnh sát Assam cho rằng, các vụ bắt giữ là hợp pháp nhưng chuyên gia pháp lý đang đặt ra nhiều vấn đề. Nhiều luật sư lưu ý rằng, đây là những vụ việc xảy ra đã lâu. Hầu hết các cô dâu trẻ em giờ đã trưởng thành. “Chiến dịch của Nhà nước đang hủy hoại cuộc sống hôn nhân của người dân và tạo thêm gánh nặng cho phụ nữ và trẻ em gái vốn đã phải gánh chịu nạn tảo hôn”, luật sư nhân quyền Aman Wadud có trụ sở tại Guwahati nói với Al Jazeera.
Luật sư và nhà hoạt động xã hội Hasina Ahmed cho rằng, các vụ bắt giữ đang gây hại nhiều hơn lợi cho các cộng đồng của Assam, bởi phần lớn những người vợ bị ảnh hưởng đều ít học, thất nghiệp và xuất thân từ những gia đình nghèo khó, nơi người chồng của họ là người kiếm tiền duy nhất. Thống kê cho thấy, các cơ sở giáo dục và y tế hầu như không thể tiếp cận được với phụ nữ và trẻ em gái của Assam. Chỉ 29,6% phụ nữ từ 15-49 tuổi ở tiểu bang này có 10 năm đi học trở lên.
Cũng có ý kiến cho rằng, chính quyền nên nâng cao nhận thức thông qua các chiến dịch giáo dục và xã hội thay vì bắt giữ. Anshuman Bora, luật sư cấp cao cho biết: “Theo hướng dẫn của Tòa án Tối cao, các vụ bắt giữ nên là biện pháp cuối cùng. Thật bất ngờ, họ quyết định bắt đầu thực hiện các vụ bắt giữ hàng loạt để giải quyết vấn đề. Thay vào đó, họ nên tập trung vào cải cách xã hội để ngăn chặn điều đó”.
“Tảo hôn không phải là hiện tượng đơn lẻ, nguyên nhân đằng sau nó là nghèo đói, mù chữ, thiếu nhận thức và quan niệm lâu đời. Thay vì gạt những người vốn đã bị gạt ra ngoài lề và biến đàn ông thành tội phạm, chính quyền nên tập trung giải quyết vấn đề chính, đó là trao quyền cho trẻ em gái và phụ nữ bằng cách cung cấp cho họ giáo dục, cơ sở y tế và cơ hội việc làm”.
Ông Arman Ali (Giám đốc điều hành Trung tâm xúc tiến việc làm quốc gia cho người khuyết tật có trụ sở tại New Delhi, Ấn Độ)
Theo (Theo AP/Al Jazeera)