Chiến dịch truyền thông nói không với ma túy

Ma túy - hiểm họa của cộng đồng, hãy tránh xa ma túy vì tương lai thế hệ trẻ, vì hạnh phúc cho chính mình, cho gia đình và cho xã hội, đó là một khẩu hiệu tuyên truyền về phòng, chống ma túy nhưng qua đó cũng cho thấy một thực tế đáng báo động về tình trạng buôn bán, vận chuyển và sử dụng trái phép chất ma túy diễn biến phức tạp, khó lường làm cho công tác phòng, chống ma túy gặp nhiều khó khăn.

Thành viên Tổ truyền thông cộng đồng ở Hướng Hóa đến tận các bản làng để tuyên truyền cho người dân chấp hành tốt pháp luật - Ảnh: V.T.H

Thành viên Tổ truyền thông cộng đồng ở Hướng Hóa đến tận các bản làng để tuyên truyền cho người dân chấp hành tốt pháp luật - Ảnh: V.T.H

Để chung tay đẩy lùi ma túy, được sự hỗ trợ của Dự án 8, Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) tỉnh Quảng Trị đã tăng cường triển khai các chiến dịch truyền thông về tận thôn, bản vùng đồng bào dân tộc thiếu (DTTS) nhằm nâng cao nhận thức cho người dân về mối nguy hại của ma túy để họ không tham gia buôn bán, vận chuyển và sử dụng trái phép chất ma túy, bảo vệ cho bản thân, gia đình và xã hội.

Trong những năm gần đây, tình trạng phạm tội ma túy có chiều hướng gia tăng, diễn biến phức tạp. Lợi dụng đồng bào DTTS còn thiếu hiểu biết về ma túy nên các đối tượng buôn bán thuê họ vận chuyển ma túy từ Lào về Việt Nam tiêu thụ. Một số khác người DTTS nghèo, không có việc làm, một số người bị nghiện ma túy nhận vận chuyển ma túy để kiếm tiền. Số đối tượng người đồng bào DTTS vận chuyển thuê ma túy bị phát hiện, bắt giữ tăng báo động.

Năm 2024, lực lượng chức năng đã phát hiện, bắt giữ 11 vụ/16 đối tượng, tang vật thu giữ 71.368 viên, 100 kg ma túy tổng hợp, 35 kg Heroin (tăng gấp 2,5 lần số vụ, 2,67 lần số đối tượng, 4,6 lần số ma túy so với năm 2023). Có 65/358 đối tượng là người DTTS (chiếm 18,1%, tăng gấp 2,6 lần so với năm 2023).

Ma túy gây ra những hệ lụy tiêu cực ảnh hưởng đến sức khỏe và cuộc sống của con người. Những ảnh hưởng của ma túy không chỉ làm suy giảm thể chất mà còn tác động sâu sắc đến tinh thần, gia đình người sử dụng và cả cộng đồng, xã hội. Người nghiện ma túy có thể mắc các bệnh liên quan đến tim mạch, thần kinh và các bệnh truyền nhiễm. Hầu hết tất cả các loại ma túy khi bị lạm dụng đều gây các hiệu ứng đến hệ thống thần kinh điều khiển các phản xạ có điều kiện của não bộ. Khi sử dụng ma túy gây ảo giác, có xu hướng bạo lực.

Về tác động lâm sàng đối với cơ thể khi lạm dụng ma túy là tạo ra các vết tổn thương và suy giảm lưu lượng máu ở não của bệnh nhân sử dụng heroin. Tội phạm liên quan đến ma túy như: trộm cắp, bạo lực gia đình gia tăng. Do đó, công cuộc phòng, chống ma túy không chỉ của riêng ngành chức năng mà cần sự chung tay vào cuộc mạnh mẽ của các ban, ngành, đoàn thể, gia đình và toàn xã hội nhằm giảm thiểu tình trạng nghiện ma túy trong thanh thiếu niên, tệ nạn ma túy vùng đồng bào DTTS, hướng đến xây dựng môi trường sống an toàn cho phụ nữ, trẻ em và người dân trong cộng đồng.

Thực hiện Kế hoạch số 120/ KH-BTV ngày 19/3/2025 của Ban Thường vụ Hội LHPN tỉnh về việc triển khai chiến dịch truyền thông về phòng, chống ma túy cho ban điều hành, thành viên tổ truyền thông cộng đồng và người dân trong cộng đồng, nhằm nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi về phòng, chống ma túy cho họ.

Xác định người đồng bào DTTS và miền núi là đối tượng dễ bị lôi kéo, dụ dỗ vào hành vi phạm pháp buôn bán lẻ, vận chuyển ma túy, Hội LHPN tỉnh Quảng Trị phối hợp với các cấp hội LHPN huyện, xã tổ chức tổ chức chiến dịch truyền thông phòng, chống ma túy tại từng xã và cụm xã vùng đồng bào DTTS và miền núi. Mỗi đợt triển khai chiến dịch truyền thông được thực hiện nhiều địa phương để tạo sự lan tỏa trong cộng đồng về phòng, chống ma túy nhằm tuyên truyền cho mọi nhà, mọi người dân biết nói không với ma túy và tệ nạn ma túy.

Nội dung tuyên truyền, ngoài các quy định của pháp luật về phòng, chống ma túy, các cấp hội LHPN tập trung vào nội dung cảnh báo trực diện cho các đối tượng về hậu quả, tác hại, hiểm họa của ma túy, nhất là ma túy tổng hợp, chất hướng thần, các loại ma túy “núp bóng”, pha trộn, tẩm ướp vào thực phẩm, đồ uống, thuốc lá điện tử, thuốc lá thế hệ mới, shisha...; phương thức, thủ đoạn lôi kéo tham gia vào hoạt động phạm tội và tệ nạn ma túy; cách thức nhận biết, kỹ năng phòng ngừa, chủ động tham gia tố giác và cung cấp thông tin về tội phạm, tệ nạn ma túy cho cơ quan chức năng.

Hình thức, nội dung tuyên truyền được Hội LHPN tỉnh biên soạn, thiết kế theo phương pháp mới đa dạng, dễ hiểu, dễ nhớ, dễ thực hiện, phù hợp với từng nhóm đối tượng, vùng miền, nhất là vùng biên giới có nguy cơ xâm nhập ma túy từ bên ngoài vào nội địa cao, người dân thường bị lôi kéo vào vận chuyển thuê, buôn bán ma túy... Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong thiết kế các bài tuyên truyền để dễ truyền tải đến mọi đối tượng.

Một nội dung quan trọng nữa tại các chiến dịch truyền thông về phòng, chống ma túy mà Hội LHPN tỉnh chú trọng tuyên truyền là các biện pháp để đưa những người bị nghiện ma túy trở về với cuộc sống bình thường. Đó là đưa ra các hình thức, biện pháp cai nghiện ma túy như: cai nghiện tại cộng đồng, gia đình và tại các cơ sở cai nghiện, trong đó bên cạnh sự quyết tâm cai nghiện của người nghiện ma túy, thì gia đình, cộng đồng là chỗ dựa tinh thần để tiếp thêm sức mạnh cai nghiện cho người thân bị sa vào con đường nghiện ngập.

Công tác tuyên truyền của Hội LHPN tỉnh trong các chiến dịch truyền thông về phòng, chống ma túy cũng nhấn mạnh về cách phòng tránh để người dân không bị dính vào ma túy đó là hội tụ cả 3 yếu tố về nghị lực bản thân, sự quan tâm của gia đình và xã hội tạo môi trường sống và làm việc tốt.

Phó Chủ tịch Thường trực Hội LHPN tỉnh Nguyễn Thị Quế Phượng cho biết: Chiến dịch truyền thông nhằm tạo chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức và nâng cao trách nhiệm của các cấp, các ngành, gia đình, cộng đồng, toàn xã hội, đặc biệt là phụ nữ và trẻ em vùng đồng bào DTTS trong công tác phòng, chống ma túy.

Hạn chế, đẩy lùi tình trạng vi phạm pháp luật, tệ nạn ma túy, từng bước ngăn chặn tình trạng tệ nạn xã hội. Qua đó, góp phần xây dựng gia đình no ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc và bền vững. Việc tổ chức sự kiện đảm bảo tiết kiệm, thiết thực và phù hợp với tình hình thực tế của địa phương và mang lại hiệu quả tuyên truyền cao.

Những hoạt động trong chiến dịch truyền thông về phòng, chống ma túy sẽ tạo ra sự lan tỏa mạnh mẽ về trách nhiệm của mỗi người dân, trong đó có phụ nữ trong cộng đồng để xã hội nói không với ma túy, xây dựng cuộc sống tốt đẹp, ấm no, hạnh phúc. Sự nối tiếp tuyên truyền từ chiến dịch truyền thông về phòng, chống ma túy sẽ được Tổ tuyền thông cộng đồng “tiếp sóng” đến dài lâu, tới mọi ngõ ngách của bản, làng cho cuộc sống của người dân mỗi ngày càng thêm tươi đẹp hơn.

Võ Thái Hòa

Nguồn Quảng Trị: http://www.baoquangtri.vn/chien-dich-truyen-thong-noi-khong-voi-ma-tuy-193148.htm