Chiến dịch ưu tiên bổ sung vitamin A cho trẻ em tại tỉnh miền núi khó khăn

Tỷ lệ thiếu vitamin A ở trẻ dưới 5 tuổi tại các tỉnh miền núi vẫn cao. Chiến dịch bổ sung vitamin A liều cao được ưu tiên triển khai nhằm giảm bệnh nhiễm khuẩn và tử vong ở trẻ.

Tỷ lệ thiếu vitamin A ở trẻ em dưới 5 tuổi tại các tỉnh miền núi vẫn ở mức cao, kéo theo nguy cơ gia tăng bệnh nhiễm khuẩn và tử vong. Trong bối cảnh đó, ngành y tế đang đẩy mạnh chiến dịch bổ sung vitamin A liều cao, với mục tiêu tiếp cận được mọi trẻ em, kể cả ở những bản làng xa xôi nhất.

Vì sao vitamin A được chọn là vi chất ưu tiên?

Theo TS.BS Huỳnh Nam Phương, Phòng Quản lý khoa học – Viện Dinh dưỡng, vitamin A là một trong những vi chất dinh dưỡng có vai trò đặc biệt quan trọng trong sự phát triển toàn diện của trẻ nhỏ, đặc biệt là tại các vùng miền núi còn nhiều thiếu thốn.

Vitamin A là một vi chất cực kỳ quan trọng trong việc tăng cường miễn dịch, bảo vệ thị lực và giảm nguy cơ tử vong do bệnh nhiễm khuẩn. Trẻ em vùng miền núi thường có chế độ ăn thiếu thực phẩm giàu vitamin A như gan động vật, quả màu vàng, đỏ, rau màu xanh sẫm, thiếu dầu mỡ, do điều kiện kinh tế và tập quán ăn uống.

Bổ sung vitamin A giúp:

• Giảm nguy cơ tử vong ở trẻ 6–59 tháng đến 23%, theo WHO.

• Giảm tỷ lệ mắc bệnh sởi, tiêu chảy, viêm đường hô hấp cấp – vốn rất phổ biến ở vùng khó khăn.

Chính vì vậy, vitamin A được ưu tiên đưa vào chiến dịch bổ sung quốc gia, đặc biệt tại những khu vực miền núi có điều kiện sống còn hạn chế.

Tại nhiều tỉnh vùng cao, điều kiện sống khắc nghiệt cùng với khẩu phần ăn thiếu đa dạng khiến trẻ nhỏ dễ bị thiếu vitamin A – vi chất vốn không thể tự tổng hợp trong cơ thể. Hậu quả là hệ miễn dịch của trẻ suy giảm, dễ mắc các bệnh nhiễm khuẩn, đồng thời kéo dài tình trạng suy dinh dưỡng.

Vitamin A là vi chất dinh dưỡng có vai trò quan trọng đối với sức khỏe và sự phát triển toàn diện của trẻ

Vitamin A là vi chất dinh dưỡng có vai trò quan trọng đối với sức khỏe và sự phát triển toàn diện của trẻ

Triển khai chiến dịch: Đảm bảo mọi trẻ đều được tiếp cận

Chiến dịch bổ sung vitamin A đã trở thành một trong những hoạt động y tế cộng đồng quy mô quốc gia, được duy trì định kỳ nhằm đảm bảo mọi trẻ em đều được tiếp cận.

TS.BS Huỳnh Nam Phương cho biết: Chiến dịch bổ sung vitamin A liều cao được tổ chức định kỳ vào tháng 6 và tháng 12 hằng năm, do ngành Y tế phối hợp với các địa phương triển khai.

Tại địa bàn triển khai, công tác tổ chức bao gồm:

• Truyền thông trước chiến dịch qua loa phát thanh xã, cán bộ y tế thôn bản.

• Tổ chức điểm uống vitamin A tại trạm y tế, trường mầm non, hoặc đến tận thôn bản đối với những nơi xa, giao thông khó khăn.

• Huy động nhân viên y tế thôn bản, cộng tác viên dinh dưỡng để lập danh sách, vận động và theo dõi từng trẻ.

Dù vậy, vẫn còn thách thức trong việc đảm bảo đủ nhân lực, phương tiện di chuyển và cập nhật danh sách trẻ, đặc biệt là những trẻ chưa đi học hoặc gia đình di cư.

Chiến dịch bổ sung uống Vitamin A cho trẻ từ 06-36 tháng tuổi

Chiến dịch bổ sung uống Vitamin A cho trẻ từ 06-36 tháng tuổi

TS.BS Huỳnh Nam Phương chia sẻ thêm, công tác vận động và tiếp cận tại các vùng sâu vùng xa luôn là thách thức lớn đối với chiến dịch. Có nơi phải đi bộ hàng chục cây số, băng rừng vượt suối mới đến được bản làng. Cán bộ y tế địa phương và cộng tác viên dinh dưỡng đóng vai trò nòng cốt trong việc lập danh sách, nhắc lịch và theo dõi từng trẻ, đặc biệt là nhóm dưới 5 tuổi chưa đi học.

Ở những vùng nông thôn, đặc biệt là nông thôn miền núi tỷ lệ thiếu hụt vitamin A huyết thanh còn khá cao

Ở những vùng nông thôn, đặc biệt là nông thôn miền núi tỷ lệ thiếu hụt vitamin A huyết thanh còn khá cao

Theo TS.BS Huỳnh Nam Phương, ngoài việc tổ chức điểm uống cố định tại trạm y tế hoặc trường học, nhiều địa phương đã triển khai mô hình "điểm uống lưu động", mang vitamin A đến tận từng hộ dân ở vùng sâu, vùng biệt lập.

Chiến dịch bổ sung vitamin A tại xã Nghĩa Phương, Lục Nam, Bắc Giang

Chiến dịch bổ sung vitamin A tại xã Nghĩa Phương, Lục Nam, Bắc Giang

Mặc dù tỷ lệ thiếu vitamin A ở trẻ em Việt Nam đã giảm đáng kể so với trước đây, nhưng tại các tỉnh miền núi, tỷ lệ này vẫn ở mức đáng lo ngại. Thiếu vitamin A không chỉ ảnh hưởng đến thị lực mà còn làm tăng nguy cơ tử vong do bệnh nhiễm khuẩn – nguyên nhân hàng đầu gây tử vong ở trẻ nhỏ.

Chính vì vậy, chiến dịch bổ sung vitamin A không chỉ đơn thuần là một hoạt động y tế, mà còn là một can thiệp mang tính chiến lược nhằm nâng cao chất lượng dân số tại những khu vực còn khó khăn.

Cán bộ y tế cho trẻ uống vitamin A trong chiến dịch bổ sung vi chất tại địa phương

Cán bộ y tế cho trẻ uống vitamin A trong chiến dịch bổ sung vi chất tại địa phương

Cùng với việc bổ sung định kỳ, các chuyên gia cũng khuyến cáo cần tăng cường giáo dục dinh dưỡng cho người dân, hướng dẫn bà mẹ cách sử dụng thực phẩm sẵn có trong tự nhiên như rau ngót, đu đủ chín, gan động vật… để cải thiện khẩu phần ăn, giúp bổ sung vitamin A một cách bền vững hơn.

Đồng thời, cần huy động nhiều nguồn lực hơn để đảm bảo các điểm uống được duy trì đều đặn, có phương tiện và nhân lực hỗ trợ tốt nhất cho những xã khó tiếp cận. Có như vậy, mọi trẻ em dù ở vùng núi cao hiểm trở hay vùng sâu xa nhất cũng đều có cơ hội được chăm sóc và bảo vệ sức khỏe như nhau.

Minh Diễm

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/chien-dich-uu-tien-bo-sung-vitamin-a-cho-tre-em-tai-tinh-mien-nui-kho-khan-169250723211017241.htm