Hình ảnh được vệ tinh của Cơ quan Vũ trụ châu Âu (ESA) chụp hôm 15/5 cho thấy một tàu hộ vệ tên lửa lớp Sa'ar 5 của Israel xuất hiện gần giàn khoan dầu ở mỏ Tamar, trên vùng biển Địa Trung Hải ngoài khơi Dải Gaza. Một tàu hộ vệ lớp Sa'ar 5 khác và nhiều tàu tuần tra lớp Super Dvora cũng tuần tra dọc đường bờ biển.
Được biết tàu hộ vệ lớp Sa'ar 5 được trang bị một bệ phóng tên lửa Iron Dome (Vòm sắt) ở bãi đáp trực thăng phía sau. Một số nguồn tin cho biết ít nhất một hệ thống phòng không hải quân Barak 1 đang được triển khai trên bệ phóng gần giàn khoan để tăng khả năng phòng thủ.
Hải quân Israel trước đó cho biết tàu chiến mặt nước này đã phóng nhiều tên lửa nhằm vào mục tiêu Hamas ở Dải Gaza trong 6 ngày đầu xung đột. "Tất cả nhằm làm suy yếu lực lượng hàng hải của Hamas và các nhóm Hồi giáo Palestine", tư lệnh hải quân Israel Eli Sharvit cho hay.
Mỏ dầu Tamar nằm cách cảng Haifa của Israel khoảng 80 km và chỉ cách bờ biển thành phố Ashkelon, một trong những mục tiêu tập kích của Hamas, khoảng hơn 22 km.
Giới chuyên gia cho rằng động thái triển khai lực lượng này nhằm bảo vệ giàn khoan trọng yếu với Israel, trong bối cảnh Hamas đang sở hữu nhiều loại rocket đủ tầm bắn vươn đến khu vực.
Vào thời điểm được phát hiện năm 2009, Tamar là mỏ dầu khí lớn nhất tại bể trầm tích Levant ở phía đông Địa Trung Hải, cung cấp nhiên liệu cho phần lớn nhà máy điện của Israel, đóng vai trò quan trọng đến mức Tel Aviv đã phát triển lớp tàu hộ vệ Sa'ar 6 tối tân để bảo vệ những giàn khoan tại đây.
Dấu hiệu cho thấy các mỏ dầu khí ở đông Địa Trung Hải bị đe dọa xuất hiện khi tập đoàn năng lượng đa quốc gia Chevron đình chỉ hoạt động tại giàn khoan Tamar, sau khi cánh vũ trang của Hamas tuyên bố đã nhắm mục tiêu vào "một giàn khí đốt" ngoài khơi Gaza. Vì thế hải quân Israel phải điều chiến hạm cực mạnh nhằm bảo vệ.
Sa'ar 5 là lớp tàu hộ vệ tên lửa cỡ nhỏ (phân loại corvette) tiên tiến của Hải quân Israel, được chế tạo dựa trên tàu tiền nhiệm Sa'ar 4.5 để thực hiện nhiệm vụ tuần tra xa bờ, bảo vệ lãnh hải cũng như vùng đặc quyền kinh tế, thiết lập sự hiện diện chủ quyền tại những vùng biển xa. Ngoài ra nó còn sẵn sàng tham gia tác chiến chống tàu mặt nước, chống ngầm và phòng không.
Mặc dù là một thiết kế hoàn toàn của Israel nhưng Sa'ar 5 lại được đóng tại cơ sở Huntington Ingalls Industries trên đất Mỹ. Tàu có thiết kế góc cạnh nhằm tán xạ sóng radar, cấu trúc thượng tầng làm bằng vật liệu composite nhẹ giúp giảm tiêu hao nhiên liệu cũng như độ bộc lộ hồng ngoại.
Sa'ar 5 có lượng giãn nước tiêu chuẩn 1.065 tấn và lên tới 1.275 tấn khi đầy tải; chiều dài 88,64 m; chiều rộng 11,88 m; mớn nước 3,45 m; thủy thủ đoàn 74 người (10 nhân viên hàng không).
Tàu được trang bị hệ thống động lực hỗn hợp gồm 2 động cơ diesel MTU V12 1163 TB82 (6.600 mã lực) và 1 động cơ turbine khí General Electric LM2500 (30.000 mã lực), cho tốc độ tối đa 22 hải lý/h (37 km/h khi sử dụng động cơ diesel) hoặc 33 hải lý/h (61 km/h khi dùng động cơ turbine khí), tầm hoạt động 3.500 hải lý (6.500 km).
Hệ thống điện tử của Sa'ar 5 được đánh giá rất cao, bao gồm radar điều khiển hỏa lực EL/M-2221, sonar gắn liền thân Elta Type 796 cùng với sonar dạng kéo do Rafael sản xuất.
Radar trinh sát đường không nguyên bản của lớp chiến hạm này là EL/M-2218S nhưng mới đây đã được nâng cấp bằng loại EL/M-2248 MF-STAR gồm 4 mảng radar quét điện tử chủ động (tầm xa trên 250 km), có chức năng tương tự như hệ thống Aegis của Mỹ, đây là điểm nhấn cực kỳ đáng chú ý.
Vũ khí trang bị của Sa'ar 5 rất toàn diện gồm 8 tên lửa chống hạm RGM-84 Harpoon, 6 ngư lôi hạng nhẹ Mk 46 cỡ 324 mm, 1 module pháo bắn nhanh Phalanx, 64 tên lửa phòng không tầm ngắn Barak 1 (nguyên bản) hoặc 16 tên lửa phòng không tầm trung Barak 8 (sau nâng cấp),
Sàn đáp và nhà chứa máy bay phía sau cho phép tiếp nhận 1 trực thăng hạng nhẹ AS565 Panther.
Căng thẳng giữa Israel và Palestine leo thang trong tháng Ramadan của người Hồi giáo, sau khi Israel hạn chế người Palestine tiếp cận khu vực Thành cổ Jerusalem, đồng thời đe dọa trục xuất nhiều gia đình Palestine sinh sống nhiều năm ở Đông Jerusalem, nhằm lấy chỗ cho người Do Thái định cư.
Israel cho biết Hamas đã phóng hơn 3.100 quả rocket nhằm vào lãnh thổ nước này trong một tuần qua, mật độ hỏa lực lớn chưa từng có. Ít nhất 10 người Israel đã thiệt mạng trong các đòn tập kích rocket của Hamas.
Quân đội Israel cũng tiến hành hàng trăm vụ không kích tại Dải Gaza để trả đũa, khiến tổng cộng 198 người Palestine thiệt mạng, trong đó có 58 trẻ em và 35 phụ nữ. Rất may cuối cùng hai bên đã đạt được thỏa thuận ngừng bắn sau 11 ngày xung đột.
Việt Hùng