RT cho biết tàu hộ vệ tên lửa Đô đốc Gorshkov rời cảng Severomorsk, Nga vào tháng 2, trong chuyến công tác kéo dài đến Trung Quốc, Djibouti và Sri Lanka trước khi cập cảng Havana, Cuba vào ngày 24/6. Ảnh: Reuters.
Trong quá trình tiến vào cảng Havana, hàng loạt tàu tuần tra và tàu chiến Mỹ đã lặng lẽ bám theo, đặc biệt là tàu khu trục USS Jason Dunham theo dõi nhất cử, nhất động của chiến hạm Nga. Ảnh: Twitter/Russian Navy.
Chuyến hải trình dài ngày của tàu hộ vệ tên lửa Đô đốc Gorshkov được hỗ trợ bởi 3 tàu hậu cần, nhằm cung cấp nhiên liệu, nhu yếu phẩm cho thủy thủ đoàn. Các tàu tuần tra và tàu khu trục của Mỹ vẫn hoạt động ngoài khơi bờ biển Cuba khi đội tàu Nga đã cập cảng. Ảnh: Twitter/Russian Navy.
Một trong các tàu hậu cần đi cùng Đô đốc Gorshkov. Hải quân Nga không tiết lộ mục đích chuyến công tác xuyên lục địa của đội tàu. Ảnh: Twitter/Russian Navy.
Theo truyền thông nhà nước Cuba, sau khi cập cảng, thủy thủ đoàn trên tàu sẽ thăm bộ chỉ huy hải quân cách mạng Cuba, cũng như các di tích lịch sử và điểm du lịch văn hóa. Ảnh: Reuters.
Chuyến hải trình dài ngày của tàu hộ vệ tên lửa Đô đốc Gorshkov bắt đầu được chú ý, khi nó đi qua Northern Scotland vào tháng 3. Khi đó, truyền thông địa phương cho biết con tàu được trang bị "vũ khí gây ảo giác", loại vũ khí hầu như chưa được biết đến nhiều đối với thế giới. Ảnh: Reuters.
Loại vũ khí được đề cập là hệ thống đối phó quang điện 5P-42 Filin. Nó được thiết kế để tấn công vào thị lực của kẻ thù khiến họ không thể nhắm mục tiêu vào ban đêm. Ngoài ra, 5P-42 cũng có khả năng phá hoại thiết bị điện tử tìm kiếm và chỉ thị mục tiêu của đối phương. Ảnh: Agencia EFE.
Đô đốc Gorshkov là một trong những chiến hạm mới và hiện đại nhất của hải quân Nga. Tàu có chiều dài 120 m, rộng 14 m, mớn nước 4,5 m, lượng choán nước tiêu chuẩn 4.500 tấn. Đô đốc Gorshkov là tàu đầu tiên của Đề án 22.350. Tàu được đưa vào sử dụng từ tháng 7/2018. Ảnh: AP.
Tàu được trang bị hệ thống hỏa lực rất mạnh với khả năng tấn công và phòng thủ toàn diện. Nó mang theo tên lửa hành trình tấn công mặt đất Kalibr tầm bắn hơn 1.500 km. Tên lửa này đã được sử dụng trong chiến dịch can thiệp quân sự của Nga vào Syria. Ảnh: AFP.
Việc chiến hạm hiện đại của Nga thăm Cuba có thể khiến Mỹ lo lắng. Động thái này khiến giới phân tích lo ngại về kịch bản cuộc Khủng hoảng tên lửa Cuba năm 1962 có thể lặp lại. Ảnh: Dailysunpost.
Trung Hiếu