Chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương: Bước ngoặt từ cách tiếp cận của Đức

Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị vừa kết thúc chuyến công du tới 5 quốc gia châu Âu trong tuần trước và đánh dấu sự thay đổi chiến lược lớn của Đức.

Mối quan hệ của Berlin với Bắc Kinh được thiết lập dựa trên nền tảng kinh tế và thương mại nhưng giờ đây, gã khổng lồ châu Âu lại quan tâm nhiều hơn đến các vấn đề khác trong chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương.

Ảnh minh họa. Nguồn: DVIDS

Ảnh minh họa. Nguồn: DVIDS

Theo trang SCMP, sự có mặt của Ngoại trưởng Vương Nghị ở châu Âu nhằm hàn gắn lại quan hệ giữa Trung Quốc với các quốc gia châu Âu sau các ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 cũng như vấn đề liên quan đến Luật an ninh Hong Kong.

Tuy nhiên, sau ngày Ngoại trưởng Vương Nghị rời đi, Đức đã thông báo nước này đang áp dụng chiến lược Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương đồng thời gợi ý đánh giá lại cách tiếp cận đối với Trung Quốc.

Mối quan hệ của Đức với Trung Quốc từ lâu đã tập trung vào kinh tế và thương mại nhưng giờ đây, mối quan hệ này sẽ bao gồm lợi ích địa chính trị và cả vấn đề nhân quyền.

Mỹ là quốc gia đầu tiên áp dụng chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương vào năm 2017, hướng tới khái niệm khu vực "tự do và cởi mở" nhằm đối phó với sự hiện diện quân sự ngày càng gia tăng và ảnh hưởng kinh tế của Trung Quốc. Trong khi đó, Pháp trở thành quốc gia châu Âu đầu tiên đi theo định hướng này vào tháng 5/2019 và trở thành "một cường quốc hòa giải ổn định" trong khu vực. Cuộc đối thoại ba bên đầu tiên của Bộ trưởng Ngoại giao Pháp, Ấn Độ và Australia vào hôm thứ Tư tuần trước cũng đã tập trung vào các vấn đề dịch bệnh Covid-19 và an ninh hàng hải.

Hiện tại, Đức – đối tác kinh tế lớn nhất của Trung Quốc tại châu Âu đã trở thành quốc gia thứ hai trên lục địa mang lại các lợi ích Ấn Độ Dương– Thái Bình Dương theo các hướng dẫn nêu trong khung: "Đức – Âu –Á: Cùng nhau định hình thế kỷ 21".

Các tài liệu công bố chỉ trong hai tháng trước khi bầu cử Tổng thống Mỹ diễn ra vào tháng 11. Giới quan sát cho rằng, đây là một nỗ lực nhằm cải thiện mối quan hệ với Washington vốn tồn tại các căng thẳng bởi nhiều khác biệt về thương mại, quốc phòng và thỏa thuận hạt nhân Iran.

Tuy nhiên, chiến lược Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương của Đức khác với cách tiếp cận của Mỹ về trọng tâm và phạm vi. Giới phân tích cho rằng, điều này được thiết kế để đối phó với Trung Quốc nhưng cũng có thể sử dụng tạo lập trường cứng rắn hơn với Trung Quốc.

Các hướng dẫn cho thấy sự cần thiết phải hợp tác an ninh nhiều hơn và đa dạng hóa quan hệ đối tác kinh tế với các quốc gia trong khu vực nhằm tránh phụ thuộc đơn phương. Tài liệu mô tả Trung Quốc là cường quốc khu vực và là siêu cường mới nổi thế giới. Đức cũng tìm kiếm hợp tác quốc phòng và an ninh mạng nhiều hơn với Singapore, Australia, Nhật Bản và Hàn Quốc cũng như chuyển đổi kỹ thuật số như 5G với các quốc gia đối tác.

"Giống như thời Chiến tranh Lạnh, không một quốc gia nào buộc phải có sự lựa chọn giữa hai bên hoặc rơi vào tình trạng phụ thuộc đơn phương cả", tài liệu nêu rõ.

Trong tháng trước, Bắc Kinh đã nhận thức được khả năng thay đổi chính sách của Đức.

Đại sứ Trung Quốc tại Đức Wu Ken nói trong cuộc phỏng vấn trên truyền thông nhà nước Trung Quốc hồi cuối tháng Tám rằng, mối quan hệ giữa Trung Quốc và Đức đã vượt ngoài quan hệ song phương nhằm đạt được ảnh hưởng chiến lược.

Ông Wu Ken khẳng định Bắc Kinh đã sẵn sàng tăng cường hợp tác chiến lược với Đức và hai bên nên nối lại đối thoại ở tất cả các cấp để tăng cường sự tin cậy chính trị lẫn nhau.

Trong khi đó, ông Cui Hongjian – Giám đốc nghiên cứu châu Âu tại Viện Nghiên cứu quốc tế Trung Quốc đồng ý rằng Đức đang nhìn xa hơn lợi ích thương mại của mình.

"Về kinh tế và thương mại, Đức đang tránh việc đưa tất cả trứng vào chung một giỏ. Sau một thời gian do dự và quan sát, nước này đã bắt đầu bắt sóng với ý tưởng Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương", ông Cui nói.

"Điều này phụ thuộc vào các cân nhắc chính trị và an ninh. Trong bối cảnh căng thẳng giữa Trung Quốc và Mỹ, giữa Trung Quốc và Ấn Độ, Đức cuối cùng đã đưa ra quyết định triển khai chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương nhằm thúc đẩy các điểm mấu chốt an ninh trong khu vực", ông Cui lên tiếng.

Một trong số các điểm nóng là vấn đề Biển Đông. Chiến lược này nêu rõ: Đức đã ủng hộ quy tắc ứng xử Biển Đông, tuân thủ theo quy tắc giữa Trung Quốc và các thành viên Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á – một số quốc gia có tuyên bố chủ quyền đối với vùng biển này.

Các vấn đề như vậy sẽ tiếp thêm động lực giúp Đức tìm cách hợp tác với Pháp hình thành chiến lược châu Âu trong khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương.

Ông Shi Yinhong – Giáo sư quan hệ quốc tế tại Đại học Nhân dân Bắc Kinh nói rằng các quốc gia châu Âu đã không còn hài lòng với Trung Quốc liên quan đến vấn đề Biển Đông hay sự gia tăng hàng hải ở Ấn Độ Dương.

"Cuộc đối đầu chiến lược giữa Bắc Kinh, Washington và các đồng minh đang trở nên căng thẳng trong khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương. Không bên nào có tín hiệu nhượng bộ", ông Shi nói.

Theo giáo sư Đại học Nhân dân Bắc Kinh, các quan hệ giữa Mỹ và Trung Quốc cũng đang được đánh giá "rơi tự do" trong khi Bắc Kinh coi trọng quan hệ với châu Âu nhiều hơn.

"Tuy nhiên, các tiến bộ sẽ không thể đạt được nếu không có điều chỉnh chính sách phù hợp và lâu dài từ Bắc Kinh đối với châu Âu và ngược lại", ông nói.

Hội đồng quan hệ đối ngoại châu Âu – nhóm các nhà nghiên cứu ở Brussels nói rằng, Liên minh châu Âu cần phải có sự đầu tư vào các mối quan hệ của mình với các nước thứ ba, đặc biệt là các quốc gia ở khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương.

"Các mối quan hệ thân thiết xây dựng dựa trên các cơ chế bao gồm thỏa thuận thương mại tự do và đối tác an ninh không chỉ thúc đẩy năng lực của châu Âu hành động trong khu vực mà còn phục vụ lợi ích lớn hơn của nước này. Từ đó, tạo tiền đề định hình các quy tắc và tiêu chuẩn trên toàn cầu", Hội đồng quan hệ đối ngoại châu Âu cho biết.

Hồng Nhung

Nguồn Tổ Quốc: http://toquoc.vn/chien-luoc-an-do-duong-thai-binh-duong-buoc-ngoat-tu-cach-tiep-can-cua-duc-20200914103333398.htm