Chiến lược 'cầu chì' để dập dịch của Singapore
Singapore khống chế được làn sóng dịch Covid-19 thứ 2 hồi năm 2020 nhờ các biện pháp phong tỏa cứng rắn, xét nghiệm, truy vết và cách ly người bệnh hiệu quả.
Từ khi đại dịch Covid-19 bắt đầu cho đến đầu tháng 3/2020, Singapore chỉ ghi nhận hơn 100 ca nhiễm. Khắp thế giới nhìn đảo quốc Đông Nam Á như một hình mẫu chiến thắng sớm trong cuộc chiến chống Covid-19, theo South China Morning Post.
Tuy nhiên, tất cả thay đổi chóng mặt chỉ trong vòng một tháng. Ngày 1/4/2020 đánh dấu ngày Singapore vượt mốc 1.000 ca nhiễm. Hai ngày sau, Thủ tướng Lý Hiển Long thông báo áp dụng biện pháp “ngắt cầu chì” - thực hiện phong tỏa ở mức nghiêm ngặt nhất trong giai đoạn tháng 4-6/2020.
Sau 56 ngày thực hiện "ngắt cầu chì", ngày 1/6/2020 là ngày cuối cùng Singapore thực hiện biện pháp này, bước sang thời kỳ triển khai cách tiếp cận 3 giai đoạn.
Dịch Covid-19 ở Singapore lập đỉnh trong vòng ba tuần với 1.037 ca mắc ghi nhận trong 24 giờ, và nước này phải mất hơn một tháng để dập dịch.
Tính đến thời điểm đó, đảo quốc sư tử ghi nhận hơn 35.000 ca nhiễm virus corona và 24 người tử vong. Tình trạng lây nhiễm trong cộng đồng tại Singapore phần nào ổn định, duy trì ở mức một con số.
Vào khoảng thời gian đầu dịch, vaccine vẫn đang được các công ty dược phẩm trên thế giới gấp rút nghiên cứu và hoàn thiện, nên chưa thể đưa vào giải pháp tức thời để chống dịch.
Thay vào đó, Singapore áp dụng chiến lược phong tỏa toàn diện, cách ly hoàn toàn các ổ dịch lớn, truy vết thần tốc bằng các ứng dụng công nghệ, chú trọng xét nghiệm và thay đổi phương án cách ly bệnh nhân Covid-19.
Đẩy mức chống dịch nghiêm ngặt nhất
Làn sóng lây nhiễm thứ hai tại Singapore phần lớn liên quan đến người trở về từ các nước như Mỹ và Anh - nơi dịch bệnh tại thời điểm đó đang lan rộng.
Đáng lo ngại là đợt bùng phát có nhiều ca lây nhiễm tại địa phương và một số ca không xác định được nguồn lây.
Trước tình hình đó, theo Reuters, phát biểu trong buổi họp báo truyền hình trực tiếp ngày 2/4/2020, Thủ tướng Lý Hiển Long kêu gọi người dân chấp nhận “những điều chỉnh đau đớn” trong cuộc sống để ứng phó với đại dịch.
Tuy “tình hình vẫn trong tầm kiểm soát”, ông Lý nhấn mạnh chính phủ muốn có thêm một số bước ứng phó mới.
Theo chính sách “ngắt cầu chì”, toàn bộ hoạt động không thiết yếu sẽ phải đóng cửa, trừ cửa hàng thực phẩm, siêu thị, phòng khám, bệnh viện, dịch vụ giao thông và ngân hàng.
Kể từ ngày 8/4/2020, tất cả trường học, cơ sở đào tạo đại học và sau đại học Singapore sẽ chuyển sang đào tạo từ xa. Toàn bộ nhà trẻ và trung tâm công tác sinh viên, học sinh sẽ đóng cửa.
Tuy nhiên, với những người làm việc trong nhóm ngành nghề thiết yếu mà không kịp thu xếp phương án khác để chăm sóc con cái, chính phủ sẽ có hỗ trợ chăm sóc trẻ em với quy mô hạn chế.
Thủ tướng Lý Hiển Long đồng thời kêu gọi người dân ở trong nhà nhiều nhất có thể, tránh giao tiếp với người ngoài gia đình, chỉ nên ra khỏi nhà cho những công việc thiết yếu như mua thực phẩm tại chợ.
Thăm người thân ở xa cũng cần hạn chế, đặc biệt với người cao tuổi và nhóm có nguy cơ cao.
Bên cạnh đó, ngay sau khi phát hiện nhiều trường hợp nhiễm mới tại hai ổ dịch ở khu ký túc xá S11 Punggol và Westlite Toh Guan, ngày 5/4/2020, giới chức Singapore áp dụng cách ly bắt buộc đối với gần 20.000 công nhân nhập cư tại hai khu này.
Các công nhân không được phép ra khỏi phòng, thức ăn sẽ được chuyển đến cho toàn bộ những người này, cũng như nước rửa tay, khẩu trang và thiết bị đo thân nhiệt.
Xét nghiệm PCR được đẩy nhanh để xác định và cách ly các trường hợp dương tính.
Các biện pháp giãn cách cũng áp dụng tại những khu nhà công nhân khác ở Singapore, bao gồm việc rút ngắn thời gian dùng bữa và giảm thiểu tiếp xúc giữa người lao động.
Ứng dụng khoa học công nghệ
Là một đất nước lấy hạ tầng kỹ thuật làm nền tảng trong chiến lược "Quốc gia Thông minh", Singapore áp dụng một số biện pháp công nghệ vào quá trình phòng chống Covid-19, tiết kiệm thời gian và giúp chính quyền nhanh chóng khoanh vùng dập dịch các ca nhiễm trong cộng đồng.
Ngay từ thời điểm đầu dịch, Singapore đã phát triển các cổng thông tin Covid-19 hiện đại và dễ tiếp cận, trong đó phải kể đến FluGoWhere - cung cấp thông tin về cơ sở y tế và MaskGoWhere - hướng dẫn người dân Singapore đến nhận khẩu trang.
Trang FluGoWhere, liên kết cùng với MaskGoWhere, cho phép người dùng dễ dàng tìm kiếm các phòng khám cung cấp hỗ trợ đặc biệt tới những người nghi nhiễm virus corona.
Đây được coi là tuyến phòng thủ quan trọng bởi cách tiếp cận này giúp Singapore có thể sàng lọc bệnh nhân ngay từ sớm, từ đó giảm nguy cơ lây nhiễm ra ngoài các phòng khám công cộng.
Theo OPSI, các phòng khám này được chỉ định bởi Phòng khám Chuẩn bị cho Y tế Công cộng của Singapore (PHPC).
Theo GovInsider, Singapore xây dựng Kho lưu trữ xét nghiệm Covid-19 (CTR) - hệ thống điện tử kết nối tất cả phòng xét nghiệm, bệnh viện và các bộ - tập hợp toàn bộ kết quả mẫu xét nghiệm tại đất nước này.
Kết quả kiểm tra dương tính với Covid-19, gần như ngay lập tức, chuyển thẳng đến cơ quan chịu trách nhiệm cho hoạt động truy vết ca tiếp xúc gần.
Như vậy, chỉ trong vòng vài giờ, nhà chức trách đã có thể khoanh vùng, xác định nguồn lây và tiếp cận những người có liên hệ với ca mắc Covid-19.
Hoạt động truy vết những người tiếp xúc với bệnh nhân Covid-19 cũng được Singapore áp dụng công nghệ bằng hệ thống kỹ thuật số TraceTogether.
Thông qua chính ứng dụng TraceTogether và thẻ căn cước, người dân sẽ phải quét mã QR để ghi lại thời điểm ra vào địa điểm nhất định.
Đó là hệ thống Safe Entry, được lắp đặt tại các địa điểm công cộng như quán ăn, cửa hàng, văn phòng, nhà ga, hay công viên,...
Bên cạnh đó, để quản lý nhanh chóng những người thuộc diện cách ly tại nhà (Stay Home Notice - SHN) hoặc có lệnh kiểm dịch (Quarantine order - QO), ứng dụng Homer ra đời vào tháng 1/2020.
Homer cho phép chính quyền giữ liên lạc với đối tượng cách ly tại nhà, tự động báo cáo vị trí và tình trạng sức khỏe của cá nhân đó nhiều lần trong ngày.
Mỗi lần có thông báo yêu cầu cập nhật, người dùng phải báo cáo lại tình trạng trong vòng 15 phút.
Theo Tạp chí Y khoa Australia (MJA), Trung tâm Quốc gia về Bệnh Truyền nhiễm Singapore (NCID) thành lập một cơ quan sàng lọc nhằm đánh giá các trường hợp nghi ngờ mắc Covid-19. Tại đây, người dân sẽ được chia thành nhóm nguy cơ thấp và nguy cơ cao.
Nhóm nguy cơ cao (gồm người có triệu chứng nhiễm trùng đường hô hấp cấp tính (ARI) lâu ngày không khỏi, người có triệu chứng bệnh có tiền sử đi lại và tiếp xúc khu vực có dịch,…) sẽ được tiếp nhận, cách ly và xét nghiệm bằng phương pháp RT - PCR.
Nhóm nguy cơ thấp cũng được xét nghiệm và yêu cầu tự cách ly tại nhà.
Thông qua Homer, quan chức y tế sẽ biết được tiến triển bệnh, đồng thời nếu người đó có kết quả dương tính, họ sẽ được gọi đi cách ly.
Thông qua TraceTogether và thông tin di chuyển ca bệnh cung cấp, cơ quan y tế sẽ lập bản đồ nhằm xác định cụm ca bệnh và người có liên quan.
Những người tiếp xúc trực tiếp (nói chuyện với ca mắc trên 15 phút, hoặc ở cùng một không gian kín trên 2 giờ) được đưa vào diện cách ly tại nhà hoặc ở các cơ sở kiểm dịch chỉ định.
Trong khi đó, người tiếp xúc thông thường sẽ được giám sát qua điện thoại.
Thay đổi chiến lược
Xét nghiệm được Singapore coi là trọng tâm chiến lược quốc gia trong phòng chống Covid-19.
Thời điểm khi đó, Singapore sử dụng phương pháp xét nghiệm PCR cho toàn bộ đối tượng cần lấy mẫu, thực hiện tại các bệnh viện, phòng khám đa khoa và phòng khám bác sĩ đa khoa.
Bộ Y tế Singapore thông báo ngày 27/4/2020, năng lực xét nghiệm quốc gia này ở mức 8.000 mẫu một ngày. Singapore cũng có tỷ lệ xét nghiệm 2.100/100.000 người, cao hơn mức 1.600 của Mỹ và 1.000 của Vương quốc Anh.
Khoảng thời gian này cũng đánh dấu chuyển biến mới trong cách thức cách ly bệnh nhân Covid-19 của Singapore.
Theo Straits Times, quốc gia Đông Nam Á tạo ra các cơ sở chăm sóc sức khỏe cộng đồng cho những người có triệu chứng nhẹ, bệnh viện chỉ tiếp nhận chữa trị cho những ai bệnh nặng.
Bước đi này giúp phân biệt những người mắc bệnh nhẹ và người trong tình trạng nguy hiểm đến tính mạng.
Ngoài ra, theo phó giáo sư Hsu Li Yang, chuyên gia về bệnh truyền nhiễm tại Trường Y tế Công cộng Saw Swee Hock của Đại học Quốc gia Singapore (NUS), điều này còn giúp giảm áp lực lên hệ thống y tế, bởi giường bệnh sẽ không bị lấp đầy hoàn toàn bởi những bệnh nhân Covid-19.
Tính đến ngày 4/5/2020, theo Channel News Asia, Singapore có ba cơ sở chăm sóc sức khỏe cộng đồng, bao gồm Singapore Expo, Trung tâm Triển lãm Changi và D'Resort, với khoảng 13.000 giường bệnh.
Không chỉ vậy, theo Today, Singapore cũng chuyển đổi công năng nhiều tòa nhà thành cơ sở phục hồi - tiếp nhận bệnh nhân đã hồi phục nhưng vẫn có khả năng lây nhiễm, và cơ sở cách ly - cho những người đang chờ kết quả xét nghiệm PCR.
Nguồn Znews: https://zingnews.vn/chien-luoc-cau-chi-de-dap-dich-cua-singapore-post1235837.html