Chiến lược của ông Trump nếu không 'cán đích'

Các chuyên gia cho biết họ đang chứng kiến chiến dịch có tổ chức nhằm sẵn sàng đảo ngược kết quả cuộc bầu cử của cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump.

 Chuyên gia dự đoán ông Trump có thể không công nhận kết quả nếu kịch bản bầu cử ông không mong đợi diễn ra. Ảnh: Guardian.

Chuyên gia dự đoán ông Trump có thể không công nhận kết quả nếu kịch bản bầu cử ông không mong đợi diễn ra. Ảnh: Guardian.

Cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump gần như chắc chắn sẽ phản đối kết quả bầu cử năm 2024 nếu ông thua cuộc, theo Guardian.

Các luật sư bầu cử và chuyên gia về quyền bỏ phiếu đang chuẩn bị để đối mặt nỗ lực thách thức kết quả bầu cử của ông Trump, ngay khi phiếu bầu vẫn đang được kiểm.

Và không giống năm 2020 - khi nỗ lực đảo ngược kết quả của cựu tổng thống Mỹ có vẻ rời rạc - các chuyên gia cho biết họ đang chứng kiến chiến dịch được tổ chức tốt hơn nhiều. Nó trải dài từ tòa án đến các nhóm địa phương tại điểm bỏ phiếu.

Dưới đây có thể là một số cách mà cựu Tổng thống Trump đang chuẩn bị để tìm cách thách thức kết quả bầu cử 2024 nếu kịch bản ông không mong đợi diễn ra.

Gieo rắc nghi ngờ về gian lận

Trong nhiều tháng, ông Trump và các đồng minh đã lan truyền thông tin sai lệch rằng có yếu tố gian lận ảnh hưởng đến cuộc bầu cử.

Trong chiến dịch vận động tranh cử, ông đã chớp lấy một báo cáo cho hay nhà chức trách ở hạt Lancaster đang điều tra 2.500 đơn đăng ký cử tri có khả năng gian lận.

 Cựu Tổng thống Donald Trump. Ảnh: New York Times.

Cựu Tổng thống Donald Trump. Ảnh: New York Times.

Công tố quận cho biết nhà điều tra phát hiện ra một số đơn đăng ký có ý đồ gian lận, nhưng không nói rõ số lượng hay tính chất gian lận.

Ông Trump đã bóp méo thông tin hạn chế đó để tuyên bố rằng có phiếu bầu gian lận.

"Họ đã bắt đầu gian lận, 2.600 phiếu bầu”, ông nói tại cuộc vận động ở Allentown, Pennsylvania. “Mỗi phiếu bầu đều do cùng một người viết. Đây hẳn là sự trùng hợp ngẫu nhiên thôi".

Trên khắp nước Mỹ, một trong những luận điểm chính của đảng Cộng hòa là ý tưởng sai lệch cho rằng người không phải công dân đang bỏ phiếu và ảnh hưởng đến cuộc bầu cử.

Tỷ phú Elon Musk, đồng minh chủ chốt của ông Trump trong chiến dịch tranh cử, đóng vai trò quan trọng trong việc khuếch đại tuyên bố này.

Tuy nhiên, một số nghiên cứu chỉ ra việc những người không phải công dân Mỹ bỏ phiếu cực hiếm.

Trong cuộc phỏng vấn vào tháng 10, Richard Hasen - chuyên gia về luật bầu cử tại Đại học California, Los Angeles - chia sẻ: "Nếu chủ đề gian lận của năm 2020 là: 'Covid-19 cho phép những người không đủ điều kiện bỏ phiếu hoặc thao túng phiếu bầu', thì chủ đề năm 2024 có vẻ là 'những người nhập cư bất hợp pháp đang bỏ phiếu'”.

“Điều đó phù hợp với ngôn từ bài xích người nhập cư đến từ người đứng đầu danh sách ứng viên của đảng Cộng hòa”, ông nói thêm.

Kiện tụng và kiện tụng

Trong vài tháng qua, Ủy ban Quốc gia của đảng Cộng hòa và nhóm liên kết với GOP đã đệ đơn kiện tại các bang dao động.

Họ cho hay các bang không giám sát đúng cách danh sách cử tri để loại những cử tri không đủ điều kiện.

Họ cũng đưa ra tuyên bố gây sốc, bao gồm việc một số bang có nhiều cử tri đăng ký hơn so với số công dân đủ điều kiện và người không phải công dân Mỹ nhưng có tên trong danh sách.

Nhiều vụ kiện trong số này bị bác bỏ.

Nhưng ngay cả khi đảng Cộng hòa thua kiện, các chuyên gia về quyền bỏ phiếu vẫn thấy có động cơ ngầm trong việc này.

“Khiếu nại trong các vụ kiện dựa trên dữ liệu hoàn toàn không đáng tin cậy, phương pháp luận sơ sài và về cơ bản là vô lý”, Ben Berwick - luật sư tại tổ chức giám sát Protect Democracy - nhấn mạnh.

“Trong trường hợp này, chúng được đưa ra bởi những người phủ nhận cuộc bầu cử, nhằm mục đích truyền bá câu chuyện sai sự thật để đánh lừa công chúng và làm suy yếu niềm tin vào cuộc bầu cử”, ông nói thêm.

Sean Morales-Doyle, giám đốc chương trình quyền bỏ phiếu tại Trung tâm Công lý Brennan, cho biết ông coi vụ kiện là nỗ lực nhằm hợp thức hóa tuyên bố sai sự thật bằng quyền lực pháp lý.

“Tôi nghĩ sau cuộc bầu cử, nếu có người không hài lòng với kết quả, họ sẽ chỉ ra: ‘Chúng tôi đã nói trong suốt 8 tháng qua rằng họ đưa vào danh sách những người chết và người không phải công dân. Nhưng tòa án không làm gì về điều đó’”, ông cho hay.

 Một cử tri đang bỏ phiếu qua thư ở Doylestown, Pennsylvania. Ảnh: New York Times.

Một cử tri đang bỏ phiếu qua thư ở Doylestown, Pennsylvania. Ảnh: New York Times.

Berwick và đồng nghiệp gọi đây là "vụ kiện thây ma" mà ông Trump cùng đồng minh có thể tiếp tục viện dẫn sau cuộc bầu cử.

Mặc dù các chuyên gia tin rằng nỗ lực này sẽ không thành công vì khiếu nại sai lầm, nó có thể tiếp tục gieo rắc sự nghi ngờ và tạo cớ cho quan chức địa phương cố gắng từ chối xác nhận kết quả bỏ phiếu.

Gây hỗn loạn trong quá trình kiểm phiếu kéo dài

Giống năm 2020, rất có khả năng Mỹ sẽ không biết người chiến thắng cuộc bầu cử vào đêm bầu cử.

Luật ở Pennsylvania và Wisconsin - hai bang dao động - cấm các viên chức bầu cử kiểm phiếu qua thư cho đến ngày bầu cử. Họ cũng dự đoán quá trình kiểm phiếu có thể kéo dài.

Vào tháng 10, tạp chí Rolling Stone đưa tin ông Trump có kế hoạch tuyên bố các lá phiếu chống lại ông là gian lận và viện dẫn việc kiểm phiếu chậm trễ làm bằng chứng.

Áp lực lên viên chức bầu cử địa phương

Nếu ông Trump thua cuộc bầu cử, nhiều khả năng các quan chức bầu cử địa phương sẽ phải chịu áp lực lớn để không xác nhận kết quả bầu cử.

Xác nhận là quá trình để chính thức hóa việc kiểm phiếu ở cấp địa phương và cấp bang. Đây được coi là trách nhiệm bắt buộc và không có quyền từ chối.

Tuy nhiên, vào năm 2020, chiến dịch tranh cử của ông Trump và đồng minh đã nhắm vào những người theo đảng Cộng hòa ở cấp địa phương và bang, gây sức ép buộc họ không chứng nhận kết quả.

Nỗ lực đó không thành công vào năm 2020, nhưng đảng Cộng hòa đã dành 4 năm qua để nhắm vào các vị trí giữ quyền lực đối với việc xác nhận kết quả.

Ít nhất 35 quan chức từ chối xác nhận cuộc bầu cử từ năm 2020 sẽ đóng vai trò xác nhận kết quả bầu cử mùa thu này, theo báo cáo của tổ chức Citizens for Responsibility and Ethics in Washington (Crew).

Minh An

Nguồn Znews: https://znews.vn/chien-luoc-cua-ong-trump-neu-khong-can-dich-post1508889.html