Chiến lược Dữ liệu Quốc gia đảm bảo mục tiêu xây dựng nền hạ tầng vững chắc
Chiến lược Dữ liệu Quốc gia và việc xây dựng Luật Dữ liệu là bước đi chiến lược, tạo nền tảng vững chắc cho sự phát triển bền vững của Việt Nam trong kỷ nguyên số.
Việt Nam đang đứng trước ngưỡng cửa của một kỷ nguyên số mới, nơi dữ liệu được xem là nguồn tài nguyên quý giá, là động lực cho tăng trưởng kinh tế và phát triển xã hội.
Trong bối cảnh đó, việc xây dựng Luật Bảo vệ dữ liệu cá nhân trở thành yêu cầu cấp thiết, đặt nền móng cho Chiến lược Dữ liệu Quốc gia, góp phần hiện thực hóa mục tiêu đưa Việt Nam vào top 50 quốc gia hàng đầu thế giới và top 3 ASEAN về Chính phủ điện tử, kinh tế số vào năm 2030.
Ngày 8/11, Bộ Công an, Viện Quản trị Chính sách đã phối hợp với Hội đồng Kinh doanh Hoa Kỳ-Asean, Tạp chí Kinh tế và Dự báo chủ trì và tổ chức hội thảo Khoa học “Chiến lược Dữ liệu Quốc gia-Góp ý Xây dựng Luật bảo vệ Dữ liệu cá nhân.”
Chiến lược Dữ liệu Quốc gia đến năm 2030 đã được Chính phủ phê duyệt, đặt mục tiêu xây dựng hạ tầng dữ liệu mạnh mẽ, kết nối, chia sẻ và an toàn, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội toàn diện.
Trên cơ sở đó, Chiến lược hướng tới hạ tầng kết nối được 100% trung tâm dữ liệu, từ đó tạo mạng lưới chia sẻ năng lực tính toán, xử lý dữ liệu lớn. Theo đó, Chính phủ số được hoàn thành với 100% cơ sở dữ liệu quốc gia được số hóa, kết nối, chia sẻ. Đặc biệt về kinh tế-xã hội hóa, mục tiêu sẽ hoàn thiện dữ liệu các ngành nông nghiệp, công nghiệp, năng lượng, du lịch, lao động, môi trường... Mấu chốt an toàn thông tin vẫn được đặt lên hàng đầu. Trong đó, 100% cơ sở dữ liệu quan trọng được bảo vệ theo mô hình 4 lớp, tuân thủ luật an ninh mạng.
Tại hội thảo, bà Lê Nguyễn Thiên Nga, nghiên cứu trưởng Chuỗi Hội thảo Chiến lược Dữ liệu Quốc gia, nhấn mạnh tầm quan trọng của việc huy động nguồn lực xã hội, đảm bảo quyền lợi quốc gia và hài hòa với các đối tác quốc tế trong quá trình xây dựng Chiến lược.
Cụ thể, Chiến lược Dữ liệu Quốc gia hướng đến mục tiêu xây dựng một hạ tầng dữ liệu vững chắc, kết nối toàn diện các trung tâm dữ liệu trên cả nước, tạo thành mạng lưới chia sẻ năng lực tính toán, xử lý dữ liệu lớn phục vụ phát triển kinh tế-xã hội.
“Mục tiêu đến năm 2030, Việt Nam sẽ đứng trong nhóm 50 quốc gia hàng đầu thế giới và xếp thứ 3 trong ASEAN về Chính phủ điện tử, kinh tế số,” bà Nga chia sẻ.
Tuy nhiên với thực tế hiện nay, Bộ Công an cho biết khi dữ liệu cá nhân đã trở thành tài sản thì cũng là mục tiêu của các tổ chức tội phạm công nghệ cao. Trên không gian mạng, các tổ chức tội phạm sử dụng nhiều thủ đoạn tinh vi để tấn công mạng, chiếm đoạt dữ liệu cá nhân, tổ chức để sử dụng cho các mục đích xấu. Vì vậy, việc bảo vệ dữ liệu cá nhân cần phải được đồng bộ, trong đó có sự phối hợp của chủ thể (các tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân...) với các cơ quan chức năng chuyên trách về an ninh mạng.
Do đó, Dự thảo Luật Dữ liệu được xây dựng là một văn bản pháp lý quan trọng, tạo hành lang pháp lý cho việc quản lý, khai thác và bảo vệ dữ liệu.
Trên cơ sở làm rõ các nguyên nhân lý giải những điểm nghẽn chính sách dữ liệu quốc gia, Hội đồng khoa học đã đưa ra giải pháp đồng bộ dữ liệu thông qua xây dựng chính sách.
Theo đó, tổng thể Chiến lược Dữ liệu Quốc gia-Xây dựng Luật Dữ liệu cơ bản sẽ dựa trên nền tảng dữ liệu dân cư, căn cước công dân và định danh xác thực điện tử, trong đó dữ liệu dân cư là bộ dữ liệu lõi, gốc. Nguồn dữ liệu nằm trong tổng thể mô hình "tam giác" để tạo lập dữ liệu phục vụ chuyển đổi số quốc gia. Bên cạnh đó, một bộ dữ liệu khác sẽ về định danh cá nhân, cơ quan tổ chức và địa điểm. Theo ban soạn thảo, ba bộ dữ liệu này sẽ tạo lập nên các dữ liệu chuyên ngành khác, bổ trợ cho nhau trong quá trình chuyển đổi số. Trong đó bộ dữ liệu về định danh cá nhân đang được xem là cơ sở chủ chốt trong tạo lập dữ liệu toàn dân.
Tại hội thảo, các ý kiến tập trung thảo luận Chiến lược dữ liệu quốc gia định hướng 2030 tầm nhìn 2045 với những giải pháp chính sách khắc phục điểm nghẽn dữ liệu toàn dân. Bên cạnh đó, hoạt động huy động nguồn lực xã hội đồng hành xây dựng chính sách luật dữ liệu-luật bảo vệ dữ liệu cá nhân cũng là nội dung cũng được đề cập.
Một trong những nội dung được quan tâm tại hội thảo là cơ sở pháp lý trong quản lý dữ liệu, thách thức trong triển khai, chuyển dữ liệu xuyên biên giới. Về tổng thể dự thảo Luật đã đề cập đến nhiều nội dung quan trọng, trong đó nổi bật là quy định về việc cung cấp, chuyển giao dữ liệu ra nước ngoài.
Một số ý kiến nêu tại Điều 22 của dự thảo, hoạt động này phải đảm bảo bảo vệ quyền và lợi ích liên quan đến thông tin cá nhân, an ninh quốc gia và lợi ích cộng đồng thời thúc đẩy luồng dữ liệu an toàn và tự do xuyên biên giới.
Do đó, các đề xuất cho rằng cần phân loại dữ liệu thành dữ liệu cốt lõi và dữ liệu quan trọng. Ngoài ra, các quy định về thẩm quyền quyết định việc chuyển giao dữ liệu ra nước ngoài, cho thấy sự thận trọng và chặt chẽ của cơ quan soạn thảo trong việc bảo vệ dữ liệu quốc gia.
Hơn nữa, môi trường số có tính chất phức tạp và biến động nhanh nên việc quy định chi tiết ngay từ đầu là không khả thi. Vì vậy, Bộ trưởng Bộ Công an Lương Tam Quang đã giải trình tại Quốc hội và cho biết các cơ quan đang tiếp tục rà soát và hoàn thiện quy định về chuyển giao dữ liệu ra nước ngoài để đảm bảo sự đồng bộ với Luật Bảo vệ dữ liệu cá nhân. Theo đó, dự thảo Luật sẽ giao cho Chính phủ thẩm quyền ban hành các nghị định hướng dẫn cụ thể, nhằm đảm bảo quy định luôn phù hợp với thực tiễn và đáp ứng được yêu cầu của công cuộc chuyển đổi số./.