Chiến lược giữ chân các giám đốc cũ của Apple: Tốt trong ngắn hạn, nhưng lại có hại về lâu dài

Các công ty thường gặp khó khăn khi những giám đốc chủ chốt ra đi, nhưng Apple thực hiện cách đã được kiểm chứng qua thời gian để giải quyết vấn đề này: Đảm bảo rằng người nghỉ việc thực sự không rời đi.

Cách tiếp cận đó đã được thể hiện đầy đủ gần đây với việc Giám đốc tài chính Apple - Luca Maestri sắp rời chức vụ. Dù sẽ rời khỏi vai trò Giám đốc tài chính Apple sau khi kết thúc năm nay, Luca Maestri sẽ ở lại công ty và giữ các trách nhiệm không liên quan đến tài chính.

Luca Maestri sẽ giám sát đơn vị Hệ thống thông tin và Công nghệ (IS&T) bên cạnh nhiệm vụ bảo mật thông tin, bất động sản và phát triển. Apple gọi nhóm này là Dịch vụ doanh nghiệp, dù đó chỉ là thuật ngữ chung cho một số bộ phận khá điển hình tại bất kỳ công ty lớn nào. Đây là việc không quan trọng như điều hành tài chính gã khổng lồ công nghệ như Apple.

Kế nhiệm vai trò của Luca Maestri, Kevan Parekh sẽ tiếp quản các đội ngũ tài chính Apple vào ngày 1.1.2025, gồm quỹ quản lý tài sản bí mật Braeburn Capital do Michael Shapiro đứng đầu, nhóm quản lý thuế do Phil Bullock điều hành, nhóm kiểm toán nội bộ do Chris Keller đứng đầu và nhóm kế toán do Chris Kondo lãnh đạo.

Luca Maestri vẫn sẽ nhận một số báo cáo trực tiếp, từ Timothy Campos (IS&T), Kristina Raspe (bất động sản) và George Stathakopoulos (an ninh thông tin). Thay vì để Luca Maestri nghỉ việc hoàn toàn, Apple để ông đảm nhiệm công việc ít nặng nề hơn: Trở thành người đứng đầu ba nhóm đã có một số nhà lãnh đạo mạnh mẽ nhất của Apple và có lẽ không cần giám sát nhiều.

Cách tiếp cận này đảm bảo rằng Luca Maestri vẫn sẽ ở lại để giải quyết nhiều vấn đề và tiếp tục tư vấn cho Giám đốc điều hành Tim Cook cùng các thành viên khác trong nhóm điều hành Apple, ngay cả khi ông có khả năng đến văn phòng ít thường xuyên hơn. Luca Maestri vẫn được trả lương và nhận thêm cổ phiếu của mình theo kế hoạch đã định, thay vì phải từ bỏ chúng khi rời khỏi công ty.

Với Tim Cook và các cổ đông của Apple, đây là sự thắng lợi. Đó chỉ là một ví dụ về chiến lược mà Tim Cook đã áp dụng kể từ khi tiếp quản vị trí Giám đốc điều hành Apple từ Steve Jobs năm 2011.

Luca Maestri (giữa), Giám đốc tài chính sắp mãn nhiệm của Apple, vẫn được Tim Cook giữ lại công ty - Ảnh: Bloomberg

Luca Maestri (giữa), Giám đốc tài chính sắp mãn nhiệm của Apple, vẫn được Tim Cook giữ lại công ty - Ảnh: Bloomberg

Năm 2012, chưa đầy một năm sau khi Steve Jobs qua đời, Tim Cook đã phải đối mặt với bài kiểm tra nhân sự lớn đầu tiên của mình. Bob Mansfield, nhà lãnh đạo kỹ thuật phần cứng được đánh giá cao, muốn nghỉ việc. Tim Cook đã thuyết phục Bob Mansfield tiếp tục đảm nhiệm một vai trò nhỏ hơn là giám sát các công nghệ silicon và không dây.

Apple nói với nhân viên rằng Bob Mansfield đồng ý đảm nhiệm vai trò đó trong 2 năm. Song khoảng 9 tháng sau, vào khoảng giữa năm 2013, Bob Mansfield đã chuyển giao toàn bộ trách nhiệm của mình cho Dan Riccio và Johny Srouji. Dù vậy, Tim Cook vẫn giữ Bob Mansfield trong biên chế với tư cách là cố vấn.

Thời điểm đó, Bob Mansfield không có vai trò hoặc quyền ra quyết định thực sự nào và cuối cùng ông không làm nhiều việc về tư vấn. Thế nhưng, Apple thông báo rằng Bob Mansfield đang xử lý các dự án đặc biệt và vẫn báo cáo với Tim Cook. Cuối cùng Bob Mansfield đã quay trở lại ba năm sau đó để điều hành dự án ô tô tự lái, hiện không còn tồn tại.

Tim Cook biết rằng việc để Bob Mansfield rời đi ngay sau khi Steve Jobs qua đời sẽ là cú sốc lớn với tổ chức kỹ thuật phần cứng và có khả năng gây lo ngại cho các cổ đông. Vì vậy, việc giữ Bob Mansfield ở lại, ngay cả khi chủ yếu chỉ là trên giấy tờ, đã giúp xoa dịu mối lo ngại.

Tim Cook đã thử lại chiến lược này với Jony Ive, nhà thiết kế huyền thoại của Apple. Năm 2015, sau khi phát hành chiếc Apple Watch đầu tiên, Jony Ive đã thông báo với Tim Cook rằng ông muốn nghỉ việc. Tim Cook biết rằng động thái như vậy sẽ gây bất ngờ cho các nhà đầu tư và đe dọa đến tinh thần của nhân viên.

Vì vậy, Tim Cook đã đưa ra giải pháp là cho phép Jony Ive làm việc một đến hai ngày mỗi tuần, đôi khi là từ xa, nhưng hãy nói với công chúng rằng ông được thăng chức lên vị trí giám đốc thiết kế. Jony Ive không còn tham gia vào các hoạt động hàng ngày của Apple (dù công ty nói với thế giới rằng ông vẫn còn làm), song ông đã làm việc nhiều hơn rất nhiều so với thỏa thuận với Tim Cook. Tim Cook đã được hưởng lợi khi giữ tên tuổi và ảnh hưởng của Jony Ive tại Apple thêm 4 năm nữa.

Tiến nhanh đến năm 2020. Đó là thời điểm lãnh đạo lâu năm khác của Apple là Phil Schille đã sẵn sàng rời khỏi vị trí giám đốc tiếp thị hàng đầu. Thay vì để Phil Schiller rời khỏi Apple, Tim Cook tạo ra một vai trò mới dưới danh hiệu Apple Fellow. Phil Schiller tiếp tục nắm giữ hoạt động kinh doanh App Store vẫn đang phát triển và làm việc tại các bài thuyết trình ra mắt sản phẩm nổi tiếng của công ty.

Apple Fellow là danh hiệu đặc biệt mà công ty dành tặng cho những cá nhân đã có những đóng góp vô cùng quan trọng và lâu dài. Đây không chỉ là một chức danh mà còn là sự ghi nhận và tôn vinh với những người đã cống hiến hết mình cho sự thành công của Apple.

Một năm sau, Apple đã áp dụng động thái tương tự với Dan Riccio. Thay vì nghỉ hưu hoàn toàn, Dan Riccio đã từ bỏ mọi trách nhiệm về kỹ thuật phần cứng của mình ngoại trừ Vision Pro.

Nhóm chịu trách nhiệm về headset về cơ bản do Mike Rockwell, người báo cáo trực tiếp duy nhất cho Dan Riccio, lãnh đạo và có dấu hiệu cho thấy Dan Riccio sẽ rời khỏi Apple trong tương lai không xa. Song, Tim Cook đã giữ Dan Riccio, chuyên gia kỳ cựu 25 năm, thêm ít nhất 3 năm nữa. Về phần mình, Dan Riccio vẫn nằm trong biên chế của Apple với chức danh phó chủ tịch và được làm việc trên danh mục sản phẩm mới đầu tiên của công ty sau một thập kỷ là Vision Pro. Đó là triển vọng thú vị.

Chúng ta có thể thấy những kịch bản tương tự diễn ra trong những năm tới. Suy cho cùng, nhiều giám đốc cấp cao đang đến tuổi nghỉ hưu. Vào tháng 5, truyền thông đã nêu chi tiết những người có khả năng kế nhiệm đội ngũ lãnh đạo kì cựu tại Apple.

Ba trong số những sự thay đổi lớn nhất sẽ liên quan đến Giám đốc vận hành Jeff Williams, Giám đốc dịch vụ Eddy Cue và chính Tim Cook. Nếu không rời khỏi Apple hoàn toàn, có lẽ Jeff Williams từ bỏ chức danh giám đốc vận hành nhưng vẫn phụ trách các nhóm thiết kế và sức khỏe. Eddy Cue có thể tiếp tục đảm nhận công việc tại đơn vị Apple TV+ và thể thao nhưng từ bỏ những việc còn lại. Tim Cook có thể sẽ trở thành Chủ tịch điều hành Apple khi ông trao lại chức vụ giám đốc điều hành cho Giám đốc kỹ thuật phần cứng John Ternus.

Bên cạnh nhu cầu xoa dịu nhân viên và cổ đông, có lẽ còn một lý do khác khiến Tim Cook muốn giữ lại các giám đốc lâu năm. Thành tích tuyển dụng các giám đốc cấp cao từ bên ngoài Apple của Tim Cook không thật tốt. Người đầu tiên được ông thuê từ bên ngoài là John Browett đã bị sa thải sau 6 tháng, còn người thứ hai là Angela Ahrendts lại gây tranh cãi và rời đi sau 5 năm.

Có một số trường hợp ngoại lệ, như Giám đốc phụ trách quan hệ chính phủ và môi trường Lisa Jackson, Tổng cố vấn Kate Adams và Luca Maestri, nhưng nhiều giám đốc kỹ thuật hàng đầu được bổ sung trong nhiệm kỳ của Tim Cook đều do Mansfield và Riccio đưa vào. Trong số đó có Giám đốc bộ phận robot Kevin Lynch, Giám đốc mảng ô tô Doug Field (hiện làm việc tại Ford Motor) và Giám đốc trí tuệ nhân tạo John Giannandrea.

Tuy nhiên, việc giữ lại các giám đốc cấp cap sau khi họ từ chức có những nhược điểm. Trong nội bộ Apple, các nhân viên cho biết đôi khi điều này có thể kìm hãm tư duy, ngăn cản công ty phát triển và làm mới chính mình. Cách tiếp cận này có thể tốt trong ngắn hạn đến trung hạn, nhưng lại có hại về lâu dài.

Apple không cần phải thực hiện những thay đổi mạnh mẽ ngay bây giờ: Công ty vẫn tạo ra khoảng 400 tỉ USD mỗi năm từ iPhone, các dịch vụ và sản phẩm khác. Thế nhưng, Apple đã đến kỷ nguyên bão hòa thị trường và tăng trưởng chậm. Nguồn cảm hứng cần thiết để biến đổi doanh nghiệp có thể sẽ đến từ một thế hệ lãnh đạo mới.

Sơn Vân

Nguồn Một Thế Giới: https://1thegioi.vn/chien-luoc-giu-chan-cac-giam-doc-cu-cua-apple-tot-trong-ngan-han-nhung-lai-co-hai-ve-lau-dai-223301.html