Chiến lược giúp ông Trump đánh bại bà Harris, giành vé vào Nhà Trắng

Cựu Tổng thống Mỹ đảng Cộng hòa Donald Trump đã đánh bại đối thủ là Phó Tổng thống đảng Dân chủ Kamala Harris, giành chiến thắng thuyết phục trong cuộc bầu cử sít sao nhất trong lịch sử nước Mỹ. Với thắng lợi này, ông đã đảm bảo được nhiệm kỳ tổng thống thứ hai, gần 4 năm sau khi rời Nhà Trắng.

Truyền thông Mỹ đã gọi tên ông Trump là người thắng cử sau khi ông giành được đa số phiếu đại cử tri trên tổng số 538 phiếu.

Theo giới phân tích, ông Trump đã đánh bại bà Harris trong một cuộc bầu cử chứng kiến nhiều diễn biến bất ngờ: Một phiên tòa hình sự liên quan đến ông Trump trong chiến dịch tranh cử, hai nỗ lực ám sát cựu tổng thống và một sự thay đổi về liên danh tranh cử của đảng Dân chủ sau khi Tổng thống Biden rời bỏ cuộc đua.

Ông Trump phát biểu vào đêm bầu cử tại Florida. Ảnh: CNN

Ông Trump phát biểu vào đêm bầu cử tại Florida. Ảnh: CNN

Với chiến thắng trong cuộc bầu cử năm nay, ông Trump là tổng thống đầu tiên của Mỹ phục vụ 2 nhiệm kỳ không liên tiếp trong vòng 132 năm qua. Trước đó có một tổng thống đã phục vụ 2 nhiệm kỳ tổng thống Mỹ không liên tiếp là ông Grover Cleveland của đảng Dân chủ. Ông Grover Cleveland là tổng thống thứ 22 của Mỹ năm 1884 và tổng thống thứ 24 của nước này năm 1892.

Ông Trump được bầu làm tổng thống lần đầu tiên vào năm 2016, đánh bại cựu Ngoại trưởng Hillary Clinton, với khẩu hiệu “Làm cho nước Mỹ vĩ đại trở lại”. Ông đã thua trong cuộc bầu cử trước Tổng thống Biden vào năm 2020 nhưng đã giành lại Nhà Trắng vào năm 2024 sau chiến dịch tranh cử kéo dài gần hai năm.

Trong cuộc bầu cử lần này, ông đã giành ưu thế trước bà Harris sau cuộc chạy nước rút kéo dài khoảng 100 ngày trước bầu cử. Trước đó, các cuộc thăm dò dư luận tại 7 bang chiến địa quan trọng cho thấy có rất ít sự khác biệt về tỷ lệ ủng hộ giữa hai ứng cử viên.

Chiến lược giúp ông Trump giành vé vào Nhà Trắng

Theo giới quan sát, với lần tranh cử thứ ba, ông Trump giành chiến thắng nhờ xây dựng được những lợi thế vững chắc về sự ủng hộ cũng như chính sách, đồng thời áp dụng chiến lược chưa từng có để thuyết phục cử tri.

Trong quá trình bầu cử, cựu tổng thống đã từng bước đưa Georgia trở lại vị trí của mình, giữ được Bắc Carolina và phá vỡ "bức tường xanh". Ông cũng giành chiến thắng sít sao về số phiếu phổ thông, điều mà ông đã không thực hiện được vào năm 2016. Theo số liệu kiểm phiếu sơ bộ, ông Trump đang nhận được hơn 70 triệu phiếu phổ thông, trong khi số phiếu của bà Harris là 63,3 triệu. Đây là lần đầu tiên một ứng viên Cộng hòa thắng phiếu phổ thông trong bầu cử Mỹ kể từ thời ông George W. Bush năm 2004.

Cựu tổng thống và người đồng hành của ông, Thượng nghị sĩ JD Vance (R-Ohio), đã tận dụng sự bất bình của cử tri về chi phí sinh hoạt cao hơn, làn sóng di cư gia tăng ở biên giới phía nam và tình hình bất ổn ở một số quốc gia trong thời gian chính quyền Biden nắm quyền để thuyết phục cử tri quay lại với các chính sách của ông.

Các cuộc thăm dò ý kiến cử tri sau khi bỏ phiếu cho thấy ông Trump đã giành được sự ủng hộ lớn từ các cử tri gốc Latinh, gia tăng sự ủng hộ của cử tri ở các vùng nông thôn và gần như ngang bằng với bà Harris về tỷ lệ ủng hộ của nhóm cử tri nam trẻ tuổi - nhóm nhân khẩu mà đội ngũ tranh cử của ông đã tích cực thu hút thời gian qua.

Ông Trump đã cam kết thực hiện chiến dịch trục xuất lớn nhất trong lịch sử quốc gia, gia hạn lệnh cắt giảm thuế mà ông đã ký thành luật vào năm 2017, áp dụng thuế quan phổ quát đối với hàng nhập khẩu nước ngoài, bãi bỏ các biện pháp bảo vệ thanh thiếu niên chuyển giới, hạn chế các quy định về môi trường. Ông cũng gửi đi tín hiệu sẽ tìm cách đưa những người trung thành vào chính quyền của ông.

Cựu Tổng thống Trump đã vượt qua được tình trạng thâm hụt lớn về số lượng cử tri nữ. Trước đó, bà Harris đã tập trung vào vấn đề quyền phá thai để thu hút cử tri nữ sau khi Tòa án Tối cao tước bỏ quyền phá thai theo hiến pháp lâu đời của họ. Hiện tại, chính sách này được quyết định ở cấp tiểu bang. Nhấn mạnh vào vấn đề quyền phá thai, nhiều thành viên đảng Dân chủ đã hy vọng các cử tri nữ sẽ bỏ phiếu với số lượng lớn chưa từng có để bầu ra nữ tổng thống đầu tiên của nước Mỹ. Nhưng điều này đã không xảy ra.

Việc đắc cử tổng thống có thể mang đến cho ông Trump cơ hội củng cố quyền kiểm soát của phe bảo thủ đối với tòa án tối cao, khi đảng Cộng hòa giành lại được đa số tại Thượng viện.

Theo giới phân tích, cuộc bầu cử lần này cũng cho thấy sức mạnh của các cử tri da màu và cử gi gốc Latinh. Cả hai đều là khối cử tri quan trọng đã giúp ông Trump giành chiến thắng.

Bên cạnh đó, đội ngũ tranh cử của cựu Tổng thống Trump dựa vào một chiến lược chưa từng có là hợp tác với các nhóm bên ngoài để tiếp cận cử tri ở các tiểu bang chiến địa. Chiến lược này được cho là tạo sức bật mạnh mẽ hơn so với chiến lược của bà Harris.

Ở tuổi 78, ông Trump là ứng viên lớn tuổi nhất trong lịch sử nước Mỹ được bầu làm tổng thống. Ông Trump sẽ trở thành tổng thống thứ hai trong lịch sử Mỹ đảm nhiệm hai nhiệm kỳ không liên tiếp, nhưng sẽ bị giới hạn nhiệm kỳ theo Tu chính án thứ 22, nghĩa là ông không thể tái tranh cử vào năm 2028.

Theo kế hoạch, các đại cử tri đoàn tại các bang sẽ nhóm họp vào ngày 17/12 tới để bỏ phiếu đại cử tri chính thức bầu ứng cử viên Trump làm tổng thống tiếp theo của nước Mỹ. Ông Trump sẽ tuyên thệ nhậm chức tại Đồi Capitol vào ngày 20/1/2025.

Hồng Anh/VOV.VN (Tổng hợp)

Nguồn VOV: https://vov.vn/the-gioi/quan-sat/chien-luoc-giup-ong-trump-danh-bai-ba-harris-gianh-ve-vao-nha-trang-post1133607.vov