Chiến lược khí hậu của Lục quân Mỹ

Lục quân Mỹ mới đây đã lần đầu tiên công bố chiến lược khí hậu của lực lượng này.

Chiến lược được đưa ra trong bối cảnh giới chức tình báo và quân đội Mỹ thập niên qua đều có chung nhận định về những mối đe dọa an ninh của biến đổi khí hậu (BĐKH), trong đó có thiệt hại đối với các căn cứ quân sự của Mỹ, sự gia tăng cạnh tranh toàn cầu đối với nguồn tài nguyên thiên nhiên, nguy cơ xung đột vũ trang...

Theo CNN, chiến lược đề ra “một lộ trình hành động” nhằm bảo đảm Lục quân Mỹ “ứng phó tốt hơn trước những mối đe dọa liên quan tới khí hậu”, trang bị cho lực lượng này “các kỹ năng và kế hoạch cần thiết để hoạt động trong một thế giới bị biến đổi vì khí hậu”.

Reuters cho biết, chiến lược kêu gọi Lục quân Mỹ cắt giảm 50% lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính của lực lượng này vào năm 2030 và đưa mức phát thải ròng về 0 vào năm 2050. Lục quân Mỹ sẽ ngày càng “điện hóa” các loại phương tiện và đưa microgrid-một hệ thống năng lượng độc lập có thể sử dụng nhiều nguồn năng lượng, trong đó có cả năng lượng tái tạo-vào sử dụng tại mọi cơ sở vào năm 2035. Lục quân Mỹ hiện có 950 dự án năng lượng tái tạo cùng 25 dự án microgrid được lên kế hoạch đến năm 2024.

 Căn cứ Không quân Offutt ở bang Nebraska của Mỹ bị ảnh hưởng bởi lũ lụt hồi năm 2019. Ảnh: Reuters.

Căn cứ Không quân Offutt ở bang Nebraska của Mỹ bị ảnh hưởng bởi lũ lụt hồi năm 2019. Ảnh: Reuters.

Chiến lược cũng kêu gọi lồng ghép các chủ đề về BĐKH vào chương trình đào tạo, huấn luyện đội ngũ chỉ huy và binh lính, muộn nhất là vào năm 2028. Tờ The Washington Post dẫn lời ông Paul Farnan, Quyền trợ lý Bộ trưởng Lục quân Mỹ nêu rõ các nỗ lực chống BĐKH của lực lượng này “sẽ nâng cao hiệu quả chiến đấu”, hướng đến “sứ mệnh cốt lõi” là “chiến đấu và giành chiến thắng trong các cuộc chiến tranh của đất nước”.

Reuters cho biết chiến lược khí hậu của Lục quân Mỹ phù hợp với những mục tiêu rộng lớn hơn về chống BĐKH mà chính quyền Tổng thống Joe Biden đề ra. Theo CNN, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin đã xem BĐKH và nghiên cứu các tác động của BĐKH trong quân đội Mỹ là một ưu tiên kể từ khi tiếp quản Lầu Năm Góc.

“Bộ Quốc phòng Mỹ tạo ra lượng phát thải carbon lớn, chiếm 56% của chính phủ liên bang. Vì vậy, bất cứ hoạt động nào của Bộ Quốc phòng Mỹ cũng có tác động to lớn. Và lục quân lại là lực lượng lớn nhất của quân đội Mỹ”, tờ The Washington Post nhấn mạnh.

Trong vài năm qua, các căn cứ của quân đội Mỹ đóng ngay tại nước này đã chịu không ít tác động của các hình thái thời tiết cực đoan. Đơn cử như theo CNN, cơn bão Florence vào năm 2018 đã khiến căn cứ Camp Lejeune của Thủy quân lục chiến Mỹ tại bang North Carolina bị thiệt hại khoảng 3,5 tỷ USD, trong khi căn cứ không quân Offutt ở bang Nebraska bị tổn thất 500 triệu USD do lũ lụt hồi năm 2019. Nhiệt độ tăng cao tại Texas và các bang miền Nam cũng khiến việc huấn luyện binh sĩ của Lục quân Mỹ ngày càng gặp nhiều khó khăn.

Bộ trưởng Lục quân Mỹ Christine Wormuth cho rằng, trong tất cả các mối đe dọa mà lực lượng này phải đối mặt, BĐKH là một trong số ít những mối đe dọa thực sự đến sự tồn vong.

“BĐKH đe dọa an ninh của Mỹ và đang làm thay đổi cục diện địa chiến lược như chúng ta đã biết.Đối với những binh lính ngày nay phải hoạt động trong những môi trường có nhiệt độ khắc nghiệt, như chống cháy rừng, hỗ trợ khắc phục hậu quả sau bão, BĐKH không còn là một tương lai xa xôi mà đã là một thực tế. Giờ là lúc để ứng phó với BĐKH. BĐKH đã gây thiệt hại nặng nề cho các chuỗi cung ứng, phá hủy cơ sở hạ tầng của chúng ta, làm gia tăng rủi ro đối với các binh lính của Lục quân Mỹ và gia đình họ”, CNN dẫn lời bà Wormuth khẳng định.

Giới phân tích đánh giá những mục tiêu mà chiến lược khí hậu của Lục quân Mỹ đề ra là rất cụ thể và ấn tượng. Theo ông Francesco Femia, người đồng sáng lập Trung tâm Khí hậu và An ninh-một viện nghiên cứu có trụ sở tại Washington, cam kết của Lục quân Mỹ về giảm phát thải cho thấy “sự ý thức thực sự đối với các nguy cơ an ninh khẩn cấp và đa dạng liên quan tới BĐKH”.

Tuy nhiên, tờ The Washington Post cho rằng, vì tài liệu dài 12 trang mà Lục quân Mỹ công bố không hề đề cập tới vấn đề ngân sách để triển khai thực hiện nên chừng nào chưa có “một ngân sách thực sự” thì chừng đó chiến lược vẫn “có phần chỉ là lý thuyết”.

HOÀNG VŨ

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/quoc-te/quan-su-the-gioi/chien-luoc-khi-hau-cua-luc-quan-my-686354