Chiến lược kinh tế đối lập giữa ông Trump và bà Harris

Nếu bà Harris tập trung giải quyết những thiếu sót dưới chế độ Tổng thống Biden, chính sách của ông Trump lại đánh mạnh vào thuế quan.

 2 ứng cử viên tổng thống Mỹ có những chính sách kinh tế đối lập. Ảnh: Tạp chí Thương gia.

2 ứng cử viên tổng thống Mỹ có những chính sách kinh tế đối lập. Ảnh: Tạp chí Thương gia.

Ngày 5/11, cuộc bầu cử tổng thống Mỹ sẽ diễn ra giữa đại diện Đảng Cộng hòa Donald Trump và đại diện Đảng Dân chủ Kamala Harris.

Kết quả đến nay vẫn được đánh giá khó dự đoán khi 2 ứng viên bám đuổi sít sao trong các cuộc khảo sát. Đáng chú ý, cách tiếp cận kinh tế của 2 ứng viên tổng thống có sự đối lập rõ rệt, có thể tái định hình tương lai nền kinh tế Mỹ và cả thế giới.

Đối đầu chính sách - 2 con đường cho nước Mỹ

Lạm phát là một trong những mối quan tâm lớn nhất của cử tri Mỹ khi giá tiêu dùng những năm qua liên tục tăng cao, ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống sinh hoạt.

Dưới thời Tổng thống Joe Biden, lạm phát đạt đỉnh 9,1% vào tháng 6/2022 - mức cao nhất từ năm 1981, chủ yếu do giá năng lượng, lương thực tăng và chuỗi cung ứng toàn cầu gián đoạn sau đại dịch Covid-19 và xung đột Nga - Ukraine.

 Lạm phát dưới thời ông Biden cao hơn hẳn so với giai đoạn ông Trump lãnh đạo nước Mỹ. Ảnh: Bloomberg.

Lạm phát dưới thời ông Biden cao hơn hẳn so với giai đoạn ông Trump lãnh đạo nước Mỹ. Ảnh: Bloomberg.

Theo đó, cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump cam kết nhanh chóng "chấm dứt cơn ác mộng lạm phát" nếu tái đắc cử. Ông đề xuất trục xuất lượng lớn người nhập cư bất hợp pháp nhằm giảm chi phí và giải quyết tình trạng thiếu nhà ở. Tuy nhiên, giới phân tích cảnh báo chính sách này sẽ khiến Mỹ mất đi hàng triệu lao động giá rẻ, khiến lương nhân công tăng vọt và giá tiêu dùng leo thang.

Ngoài ra, các biện pháp kinh tế khác của Trump gồm giảm thuế cho doanh nghiệp, miễn thuế hoa hồng và trợ cấp lao động, nhưng tăng thuế với các mặt hàng nhập khẩu. Dù có thể thúc đẩy kinh tế, những chính sách này còn có nguy cơ kéo dài lạm phát khi kích thích chi tiêu và nhu cầu, theo nhà phân tích Heng Koon How từ UOB.

"Kế hoạch của ông ấy sẽ gây lạm phát nhiều hơn bất kỳ ứng viên tổng thống nào tôi từng biết", Kimberly Clausing, nhà nghiên cứu tại Viện Kinh tế quốc tế Peterson chia sẻ trên CNN.

Ngược lại, bà Harris đề xuất hỗ trợ tầng lớp trung lưu mua nhà, người lao động nuôi con nhỏ và giảm thuế cho doanh nghiệp nhỏ. Cụ thể, người mua nhà lần đầu có thể nhận 25.000 USD hỗ trợ, 3 triệu căn nhà sẽ được xây mới trong 4 năm tới và người lao động mới sinh con sẽ được giảm 6.000 USD tiền thuế.

Thậm chí, bà cũng dự kiến giảm 40 tỷ USD thuế cho các doanh nghiệp bất động sản xây nhà giá rẻ. "Khi tầng lớp trung lưu có thêm cơ hội cải thiện tài chính, nền kinh tế sẽ được củng cố", Brian Nelson, cố vấn của bà Harris phân tích về chiến lược.

Tất nhiên, chính sách của Harris vẫn tồn tại rủi ro tăng lạm phát. Đối thủ Trump còn chỉ trích chính sách của bà Harris sẽ gây cản trở phát triển và đầu tư, theo CNN.

Song, gần 70% nhà kinh tế học trong khảo sát của Wall Street Journal nhận định rằng chính sách của ông Trump sẽ đẩy giá tăng nhanh hơn. Tuần trước, 23 nhà kinh tế đoạt giải Nobel đã ký thư ủng hộ chính sách của bà Harris là "vượt trội" so với ông Trump.

 Chiến lược kinh tế của bà Kamala Harris hướng đến xây dựng “nền kinh tế cơ hội” thông qua các thay đổi nhỏ. Ảnh: Bloomberg.

Chiến lược kinh tế của bà Kamala Harris hướng đến xây dựng “nền kinh tế cơ hội” thông qua các thay đổi nhỏ. Ảnh: Bloomberg.

2 ứng cử viên tổng thống Mỹ còn có những quan điểm trái ngược về chính sách thuế trong nước.

Cụ thể, bà Harris đề xuất chỉ gia hạn một phần chính sách giảm thuế được ông Trump thông qua vào năm 2017. Bà cam kết không tăng thuế thu nhập đối với những người có thu nhập dưới 400.000 USD/năm, đồng thời kêu gọi quốc hội Mỹ thu hồi chính sách giảm thuế cho những người giàu nhất và tăng thuế thu nhập doanh nghiệp từ 21% lên 28%.

Ngược lại, ông Trump muốn điều chỉnh thuế một cách mạnh mẽ. Ông đề xuất gia hạn toàn bộ chính sách giảm thuế từ năm 2017 và hạ thuế thu nhập doanh nghiệp xuống 15% cho một số công ty. Ông cũng có kế hoạch miễn thuế cho tiền trợ cấp xã hội và tiền làm thêm giờ để hỗ trợ những người có thu nhập thấp tại Mỹ.

Các chuyên gia cảnh báo rằng cả 2 ứng cử viên đều có khả năng làm nợ quốc gia tăng vọt. Tuy nhiên, theo công ty nghiên cứu kinh tế Penn Wharton Budget Model, đến năm 2034, kế hoạch của Harris có thể gây tổn hại nhiều hơn đến tăng trưởng so với kế hoạch của Trump.

Về ảnh hưởng thu nhập, theo kế hoạch thuế của cựu Tổng thống Trump, nhóm 0,1% người giàu nhất sẽ thấy thu nhập sau thuế tăng thêm gần 377.000 USD, còn nhóm 20% nghèo nhất chỉ nhận thêm 320 USD. Trong khi đó, chính sách của Phó tổng thống Harris dự kiến giảm thu nhập trung bình của nhóm 0,1% giàu nhất khoảng 167.000 USD, nhưng nhóm 20% nghèo nhất sẽ được tăng thêm 2.355 USD.

Xoay chuyển kinh tế toàn cầu

Đáng chú ý, thái độ của Mỹ về thuế nhập khẩu sẽ là yếu tố tiên quyết ảnh hưởng đến nền kinh tế và quan hệ thương mại toàn cầu. Theo đó, 2 ứng cử viên cũng có những chính sách "gỡ rối" hoàn toàn trái ngược về vấn đề này.

Dưới thời Trump, các chính sách thuế quan mạnh tay đã khơi mào cuộc chiến thương mại với nhiều quốc gia. Trong chiến dịch tái tranh cử, ông cam kết tiếp tục chính sách "Nước Mỹ trên hết" bằng cách áp thuế nhập khẩu cao với hơn 3.000 mặt hàng, tăng từ 2% lên 10-20%, đặc biệt là 60% đối với Trung Quốc và 200% cho xe hơi từ Mexico để bảo vệ ngành ôtô Mỹ.

Ngược lại, bà Harris không đề xuất thay đổi thuế nhập khẩu và dự kiến chỉ duy trì chính sách thương mại hiện tại của Tổng thống Biden, nhằm giảm nguy cơ chiến tranh thương mại toàn diện.

Ứng viên Đảng Dân chủ cho rằng tăng thuế nhập khẩu sẽ gây thiệt hại cho tầng lớp trung lưu. Đồng thời đưa ra cảnh báo nếu thuế suất đạt 20%, giá tiêu dùng trong nước sẽ tăng vọt, khiến mỗi hộ gia đình Mỹ phải hụt thêm 4.000 USD/năm. Con số thực tế có thể cao hơn khi tính thêm thuế trả đũa từ các nước lân cận.

Dưới góc độ toàn cầu, chính sách của bà Harris sẽ giúp Mỹ củng cố quan hệ với các đồng minh và thúc đẩy hợp tác đa phương. Điều này có thể dẫn đến việc mở rộng các thỏa thuận thương mại hiện tại và ký kết hiệp định mới, đặc biệt trong lĩnh vực công nghệ cao và năng lượng sạch.

 Donald Trump luôn chủ trương đánh thuế nhập khẩu mạnh tay với nước đối thủ, đặc biệt là Trung Quốc. Ảnh: Bloomberg.

Donald Trump luôn chủ trương đánh thuế nhập khẩu mạnh tay với nước đối thủ, đặc biệt là Trung Quốc. Ảnh: Bloomberg.

Ngược lại, chính sách thuế nặng tay của ông Trump đối với các đối tác thương mại, đặc biệt là Trung Quốc, có thể dẫn đến các cuộc trả đũa không hồi kết. Theo Euromonitor International, điều này có thể gây ra "phân mảnh toàn cầu" và làm giảm 0,4% GDP của Mỹ vào năm 2025 và 0,5% vào năm 2026.

Ngân hàng UBS ước tính mức thuế 60% với hàng nhập khẩu từ Trung Quốc sẽ khiến tăng trưởng toàn cầu giảm 1% vào năm 2026, tương đương với 30% tốc độ tăng GDP của thế giới.

Công ty nghiên cứu Penn Wharton Budget Model cho rằng kế hoạch của Trump có thể làm giảm lợi nhuận của doanh nghiệp trung bình 6%, ảnh hưởng lớn đến các chỉ số chứng khoán toàn cầu. Đặc biệt, châu Âu có thể chịu cú sốc lớn, với GDP khu vực đồng euro dự kiến giảm 1,3% vào năm 2027 và 2028 nếu ông Trump áp thuế 20% lên hàng từ EU và EU đáp trả.

Theo Maurice Obstfeld, cựu chuyên gia kinh tế trưởng của IMF, không ai tránh khỏi thiệt hại nếu ông Trump thành công hiện thực hóa chính sách trên. "Chưa kể, việc tăng thuế nhập khẩu và giảm thuế trong nước có thể khiến đồng USD mạnh lên, gây ảnh hưởng đến các đồng tiền khác", ông nhận định.

Jan Hatzius, chuyên gia kinh tế trưởng của Goldman Sachs cũng dự đoán đồng euro có thể mất giá 3% so với USD nếu hàng hóa châu Âu bị áp thuế 10%. Đồng nhân dân tệ cũng có khả năng giảm 12% nếu ông Trump nắm quyền, làm gia tăng cạnh tranh thương mại quốc tế.

Trump và Harris có tầm nhìn trái ngược về kinh tế. Các cuộc khảo sát cho thấy người dân vẫn có niềm tin vào khả năng điều hành kinh tế của ông Trump, mặc dù nhiều nhà nghiên cứu khẳng định rằng Mỹ chưa cần đến sự cải tổ mạnh mẽ như ông mong muốn, vì nền kinh tế đang hoạt động tốt mà không cần thay đổi lớn.

Tính đến tối 3/11, bà Harris đang dẫn trước 1 điểm, với tỷ lệ 48% so với 47% của đối thủ Đảng Cộng hòa, gần như giống hệt cuộc khảo sát toàn quốc vào tuần trước. Hiện cả 2 ứng cử viên đều đang chạy nước rút để vận động thêm phiếu tại các bang trọng điểm.

Cẩm Tú

Nguồn Znews: https://znews.vn/chien-luoc-kinh-te-doi-lap-giua-ong-trump-va-ba-harris-post1508695.html