Chiến lược kinh tế Thái Lan 4.0
Bộ Công nghiệp Thái Lan vừa lên kế hoạch khai trương một nền tảng kỹ thuật số và hệ thống dữ liệu lớn (Big data) nhằm tạo điều kiện phát triển cho lĩnh vực công nghiệp và cải thiện sự thuận lợi trong các hoạt động kinh doanh vào năm tới.
Theo ông Thongchai Chawalitpichaet, Chủ nhiệm Văn phòng Kinh tế học công nghiệp (OIE), động thái này nhằm cải thiện khả năng vận hành của bộ công nghiệp thông qua đổi mới sáng tạo, các hệ thống kỹ thuật số và tự động hóa công nghệ cao theo Chiến lược kinh tế Thái Lan 4.0. Nền tảng kỹ thuật số có thể cắt giảm một nửa các khâu làm việc và thủ tục, hỗ trợ các cơ quan nhanh chóng cung cấp thông tin cho giới chức nước này trong công tác quản lý. Trong khi đó, hệ thống Big data sẽ hỗ trợ các cơ quan quản lý và nhân viên nhà nước trong tất cả các lĩnh vực nhờ quá trình phân tích thông tin tự động.
Hiện tại, nhiều công ty đã chuyển sang công nghiệp 4.0, sử dụng trí thông minh nhân tạo (AI), quản lý Big data và Internet of Things (IoT) để kết nối làm việc cùng nhau, đảm bảo tăng sản lượng và năng suất theo cấp số nhân. Theo tờ Nation, trong lĩnh vực sản xuất, công nghệ robot và tự động hóa đóng một vai trò quan trọng nhằm hỗ trợ chuyển đổi nền kinh tế theo mô hình 4.0 của Thái Lan. Công nghệ robot và tự động hóa đã trở thành nhân tố chính giúp Thái Lan từng bước đạt được những vị trí hàng đầu ngành công nghiệp ô tô, điện tử và thiết bị điện toàn cầu trong 3 thập niên qua. Là nhà sản xuất và xuất khẩu ổ đĩa cứng lớn thứ 2 thế giới và là nhà sản xuất xe thương mại lớn thứ 6 thế giới, Thái Lan đã sớm sử dụng công nghệ robot và tự động hóa. Với việc liên tục áp dụng công nghệ như vậy, giờ là lúc Thái Lan cần đến công nghệ tiên tiến hơn để hỗ trợ chuyển đổi nền kinh tế theo mô hình Thái Lan 4.0.
Sự phát triển này đã mở ra những cơ hội lớn hơn trong ngành công nghiệp robot và tự động hóa của Thái Lan. Chính phủ Thái Lan trước đó tuyên bố rằng robot và tự động hóa là 2 trong số các ngành công nghiệp tương lai. Để hỗ trợ chính sách này, Viện Robotics Field (FIBO) của Đại học Công nghệ King Mongkut, Thonburi đã cung cấp hỗ trợ nghiên cứu và phát triển, đào tạo nguồn nhân lực.
Mặc dù Chính phủ Thái Lan muốn chuyển đổi nền công nghiệp nước này sang thời kỳ 4.0, hoặc các doanh nghiệp vận hành bằng công nghệ cao, nhưng một nghiên cứu của Bộ Công nghiệp Thái Lan cho thấy chỉ có 2% các ngành công nghiệp của nước này có thể đáp ứng được cấp độ 4.0. Hầu hết các ngành công nghiệp (61%) chỉ ở cấp độ 2.0, 28% ở cấp độ 3.0 và 9% vẫn đang ở cấp độ 1.0.
Báo Bangkok Post cho biết, cũng nằm trong chiến lược này, OIE có kế hoạch mở rộng Văn phòng Các vấn đề công nghiệp tại Đại sứ quán ở Trung Quốc để hỗ trợ các nhà đầu tư và thúc đẩy đầu tư vào kế hoạch Hành lang kinh tế phương Đông (EEC). Các văn phòng OIE dự kiến đặt tại Bắc Kinh và Thượng Hải, nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp Trung Quốc muốn đầu tư vào Thái Lan, nhất là tại EEC - thuộc các tỉnh Rayong, Chachoengsao và Chon Buri. Bộ Công nghiệp Thái Lan cũng đang tăng tốc dòng đầu tư mới vào EEC và dự kiến trị giá đầu tư là 100 tỷ baht trong 12 ngành được nhắm mục tiêu.
Nguồn SGGP: http://sggp.org.vn/chien-luoc-kinh-te-thai-lan-40-628385.html