Chiến lược marketing đánh vào nỗi sợ thiếu đạm và ao ước tăng cơ bắp của dân gym đã biến 'bột Protein' thành 'thần dược' như thế nào?
Người tiêu dùng ngay này luôn bị cho là thiếu chất trong khi họ tiêu thụ ngày càng nhiều thực phẩm hơn. Vậy chuyện gì đang xảy ra?
"Bạn có đang hấp thụ đủ lượng Protein cần thiết?"
Đây là câu hỏi mà chúng ta thường thấy ở bất kỳ phòng gym, phòng khám hay những trung tâm sức khỏe nào. Đây cũng là vấn đề mà những người giàu quan tâm đến sức khỏe thường để ý. Tuy nhiên câu trả lời luôn chỉ có một: Nếu bạn đang lo lắng lượng đạm mình hấp thu trong bữa ăn hàng ngày thì gần như chắc chắn bạn đang tiêu thụ quá nhiều Protein rồi đấy.
Ngày nay, con người với chất lượng sống được cải thiện quan tâm rất nhiều đến sức khỏe cũng như những hợp chất hàng ngày họ hấp thụ. Tuy nhiên, sự thiếu hiểu biết khiến họ trở nên điên cuồng với những thứ đã quá thừa. Nếu bạn dạo qua bất cứ hàng thực phẩm chức năng hay sản phẩm dinh dưỡng nào, những dòng chữ có chứa nhiều Protein luôn xuất hiện và người tiêu dùng vẫn cứ mua mà chẳng thèm quan tâm xem họ có đủ chất đạm chưa.
Trên trang tìm kiếm Google, có khoảng 64 triệu lượt tìm kiếm năm 2017 liên quan đến từ khóa "Protein". Trên trang Pinterest, bạn có thể chọn Protein là một trong những danh mục hứng thú để theo dõi, bên cạnh những danh mục kinh tế, nghệ thuật, chính trị…
Cơn cuồng khát Protein cũng là nguyên nhân khiến hàng trăm triệu người trên thế giới uống thêm Vitamin, thực phẩm chức năng thay cho bữa chính mà chả biết cơ thể có hấp thu được hay không, gan thận có tiêu hóa được hay không.
Chất đạm (Protein) là chất dinh dưỡng thiết yếu của cơ thể con người cũng như cơ thể các động vật nói chung. Protein cung cấp các thành tố để cấu trúc nên cơ thể sinh học, đồng thời là nguồn năng lượng rất quan trọng cho các hoạt động sự sống. Chất đạm là thành phần dinh dưỡng quan trọng nhất cấu tạo nên các bộ phận của cơ thể. Chúng có mặt trong thành phần nhân và chất nguyên sinh của các tế bào, chúng còn tham gia vào thành phần cơ bắp, máu, bạch huyết, hormone, men, kháng thể, các tuyến bài tiết và nội tiết.
Quá trình sống là sự thoái hóa và tái tạo thường xuyên của Protein. Cơ thể cần một lượng Protein bổ sung thông qua chế độ ăn hàng ngày. Chúng là nền tảng dinh dưỡng giúp tăng cơ bắp hiệu quả.
Protein chiếm tới trên 50% khối lượng khô của tế bào và là vật liệu cấu trúc giúp hình thành, duy trì và thay thế các tế bào trong cơ thể. Nếu cơ thể thiếu Protein sẽ dẫn đến suy dinh dưỡng, chậm lớn, suy giảm miễn dịch.
Thực phẩm nguồn gốc động vật (thịt, cá, trứng, sữa) là những nguồn Protein quý, nhiều về số lượng, và cân đối hơn về thành phần và đậm độ axit amin cần thiết cao. Hàm lượng các axit amin cần thiết trong thực phẩm nguồn gốc thực vật (đậu tương, gạo, mì, ngô, các loại đậu khác...) không cao (trừ đậu nành) nhưng cơ thể vẫn phải bổ sung cân đối đầy đủ các loại này.
Đối với một người trưởng thành bình thường thì lượng đạm tối thiểu cho một ngày được tính theo công thức là 1gr đạm trên mỗi kg trọng lượng cơ thể. Ví dụ nặng 60 kg cần tối thiểu 60g đạm/ngày.
Hầu hết các vi sinh vật và thực vật có thể sinh tổng hợp tất cả 20 axit amino chính, trong khi ở động vật (bao gồm con người) phải nhận một số axit amino từ thức ăn. Các axit amino mà một sinh vật không thể tự tổng hợp được gọi là các axit amin thiết yếu.
Ngoài những mặt hàng phổ thông như thanh Protein, bột Protein, giờ đây người ta còn có cả bún protein, bánh Protein, cà phê Protein cùng hàng tỷ thứ đồ tương tự khác. Những dòng thực phẩm đã giàu chất đạm sẵn như bơ hay sữa chua giờ đây cũng gắn mác thêm Protein để bán được hàng. Kỳ quặc hơn, người ta còn cho ra đời sản phẩm nước Protein, nghĩa là nước có vị hoa quả pha với bột Protein, cứ như thể uống nước lọc bình thường thì không đảm bảo sức khỏe vậy.
Theo hãng ngũ cốc Weetabix, khoảng 50% người tiêu dùng Anh cố gắng gia tăng thêm chất đạm trong khẩu phần ăn của họ bằng thực phẩm chức năng hay những thứ tương tự. Bản thân sản phẩm gói bột Protein của hãng cũng có doanh số lên đến 7 triệu Bảng Anh (8,7 triệu USD)/năm.
Tất nhiên, chúng ta phải thừa nhận Protein cùng chất béo và Carbonhydrate là 3 chất cơ bản trong dinh dưỡng. Protein là hợp chất duy nhất chứa Nitrogen, qua đó phát triển và tái cấu tạo tế bào cho cơ thể con người. Chúng ta cũng phải thừa nhận rằng ăn uống thông thường không cung cấp đủ các loại Protein cần thiết cho cơ thể để mọc tóc, móng tay, xương và phát triển cơ. Trẻ em dưới 5 tuổi nếu thiếu Protein sẽ bị còi cọc, suy dinh dưỡng.
Tuy nhiên, nỗi sợ hãi thiếu Protein khiến giới nhà giàu và những nước phát triển điên cuồng sử dụng mà chẳng quan tâm gan thận của họ có chịu nổi không. Khuyến cáo của Tổ chức nông lương quốc tế (FAO) cho thấy con người nên dùng ít nhất 0,8gr Protein bổ sung ngoài thực phẩm trên mỗi kg trọng lượng cơ thể. Trớ trêu thay, số liệu năm 2015 của FAO cho thấy bình quân người Mỹ và Canada đang sử dụng nhiều hơn 1/5 lượng Protein khuyến nghị.
Theo bác sĩ David L Katz, đồng thời là giám đốc trung tâm nghiên cứu Yale Griffin (YGPRC), phần lớn người Phương Tây và giới nhà giàu đang bị ảo tưởng rằng họ thiếu Protein, trong khi thực tế việc tiêu thụ quá nhiều chất này có thể gây hại cho gan, thận và xương.
Một trong những nguyên nhân chính khiến mọi người cuồng Protein hơn là họ chẳng thích chất béo cũng như không thể tiêu thụ quá nhiều Carbonhydrate khiến cơ thể bị kích thích. Riêng với Protein, việc sử dụng quá nhiều sẽ không có tác dụng ngay mà sẽ chỉ phát bệnh từ từ trong thời gian dài. Thậm chí với những người có gan thận khỏe và dùng Protein không thường xuyên, họ còn chẳng có dấu hiệu bệnh tật gì.
Điều này khiến các hãng dược, thực phẩm chức năng tha hồ bán chất đạm mà chẳng phải lo nghĩ nhiều, còn người tiêu dùng vẫn cứ mua vì nỗi lo sợ.
Khỏe mạnh là phải… ăn thêm cái gì đó
Quay ngược về thập niên 1950, nghiên cứu của chuyên gia dinh dưỡng Ancel Keys đã khơi mào cho quan điểm ăn ít chất béo để phòng chống các bệnh tim mạch và mỡ máu. Vậy là hệ thống ăn kiêng ít béo, nhiều đường và Carbonhydrate ra đời. Tuy vậy năm 2015, nhiều nghiên cứu lại chỉ ra rằng ăn nhiều đường và Carbonhydrate cũng không tốt khi dẫn đến bệnh tiểu đường, vậy là người ta lại hạn chế ăn đường lẫn Carbonhydrate.
Khi 2/3 loại chất cơ bản bị giới hạn thì mọi người nhìn vào Protein, chất cơ bản cuối cùng quan trọng cấu tạo nên tế bào và đặt niềm tin vào đó. Suy cho cùng, quan điểm khỏe mạnh là phải ăn thêm cái gì đó vẫn không thể chấm dứt. Giới nhà giàu và những người tiêu dùng nước phát triển muốn đặt niềm tin rằng họ khỏe mạnh lên những sản phẩm trong khi các doanh nghiệp thì vui vẻ bán thêm hàng.
Vậy là Protein trở thành "thần dược" của người tiêu dùng và là con cưng của các doanh nghiệp. Với một số người, Protein có thể giúp họ giảm béo trong khi với một số khác là tăng cơ bắp. Tuy vậy ít ai nhận ra rằng có đủ Protein không đồng nghĩa với việc ăn càng nhiều càng tốt, uống càng nhiều thực phẩm chức năng thì mới bổ.
Hệ quả là một số lượng rất lớn những người giàu có, đặc biệt tại các quốc gia phát triển uống vô tội vạ thực phẩm chức năng hay những loại bột Protein mà chẳng quan tâm xem mình có hấp thụ được không. Hơn 4,3% số người lớn tại Anh bị suy thận và những thực phẩm giàu Protein chẳng khác nào độc dược với họ, nhưng có mấy ai quan tâm cơ chứ.
Ngày nay, Protein đã trở thành một loại "thuốc phiện" cho rất nhiều người. Từ những cá nhân muốn tăng cân, muốn lên cơ cho đến những người giảm béo hay đơn giản chỉ là muốn sống lành mạnh. Từ những người già khó hấp thụ thức ăn cho đến con trẻ đang tuổi lớn. Mỗi khi dừng uống Protein, nhiều người trong số này cảm thấy họ không được khỏe mạnh và khó dứt cơn nghiện với loại chất này.
Từ thực phẩm rác đến thần dược của nhân loại
Với những người nghiện Protein, có lẽ đạm váng sữa (Whey Protein) hay những hộp bột Protein mà dân tập gym vẫn dùng có lẽ chẳng còn gì xa lạ. Chúng là những gì còn lại sau khi sữa đông được tách ra để làm phô mai. Nhà sản xuất sẽ cho thêm các hợp chất cần thiết cho cơ thể, các loại Vitamin và Acid Amin rồi đóng hộp và bán với giá khá đắt cho những người cuồng Protein.
Trên thực tế, loại đạm váng sữa này từng là thực phẩm rác cách đây vài chục năm khi những nhà máy sữa thải chúng ra các con sông. Tác dụng duy nhất của đạm váng sữa thời gian đó là bón cho động vật chăn nuôi.
Sau khi chính phủ các nước Phương Tây thắt chặt kiểm tra môi trường và yêu cầu các nhà máy hạn chế thải đạm váng sữa ra tự nhiên, các doanh nghiệp bắt đầu tìm hướng đi mới và ngành Protein bột bắt đầu phát triển từ đó. Theo nhiều ước tính, ngành công nghiệp đạm váng sữa sẽ đạt 14,5 tỷ USD vào năm 2023 nhờ cơn cuồng Protein của giới nhà giàu.
Đến bao giờ con người mới hết cuồng Protein hiện vẫn còn là dấu hỏi. Tuy vậy điều chắc chắn là con người sẽ lại nghiện một loại thực phẩm dinh dưỡng khác sau Protein bởi tư tưởng khỏe mạnh là phải ăn thêm gì đó, trong khi các doanh nghiệp thì cần bán thứ gì đó để thu lợi nhuận.