Chiến lược mới của phe Cộng hòa
Giới lập pháp Cộng hòa tại các tiểu bang đang thúc đẩy sửa đổi luật bầu cử, siết chặt quy định về kiểm tra danh tính cử tri và hạn chế phiếu bầu khiếm diện, để giành lại lợi thế.
Sau thất bại của cựu Tổng thống Donald Trump trong cuộc tổng tuyển cử vừa qua, giới lập pháp Cộng hòa tại các tiểu bang đang tung ra những hạn chế mới trong hệ thống bầu cử, để tránh lặp lại vết xe đổ của kỳ bầu cử năm 2020 khi ông Trump bất ngờ thất bại tại hàng loạt bang từng là thành trì bảo thủ.
Georgia là tâm điểm trong nỗ lực thay đổi luật bầu cử ở cấp tiểu bang của phe Cộng hòa. Kỳ bầu cử vừa qua là một cú sốc với đảng Cộng hòa ở Georgia khi mất cả hai ghế thượng nghị sĩ, trong khi Tổng thống Biden chiến thắng trước ông Trump để giành 16 phiếu đại cử tri.
Siết chặt quy định để chiến thắng
Các đảng viên Cộng hòa ở những bang truyền thống bảo thủ cũng như các bang chiến trường đều viện dẫn những cáo buộc vô căn cứ từ phía ông Trump về gian lận để bác bỏ tính nghiêm minh của cuộc bầu cử, coi đây là lý do để siết chặt các quy định về tiếp cận hòm phiếu.
Một số quan chức Cộng hòa nói thẳng động cơ của mình: Họ không tin có thể chiến thắng nếu không thay đổi luật.
"Không cần phải thay đổi toàn bộ luật lệ, nhưng cần thay đổi phần lớn, như thế ít nhất chúng ta có một cơ hội chiến thắng", Alice O'Lenick, một thành viên Cộng hòa tại ủy ban bầu cử Atlanta, Georgia, cho biết.
Chủ tịch đảng Cộng hòa tại Texas, ông Allen West, kêu gọi đưa "sự liêm chính của cuộc bầu cử" trở thành ưu tiên lập pháp hàng đầu trong năm 2021. Đề xuất của ông West là giảm số ngày cho phép cử tri đi bỏ phiếu sớm.
Jason Miller, trợ lý thân cận của ông Trump, cho biết cựu tổng thống có kế hoạch can dự vào các chiến dịch khôi phục "sự liêm chính", không để giới lãnh đạo Cộng hòa bỏ quên mục tiêu này.
VoterRiders, một tổ chức phi lợi nhuận trợ giúp cử tri đăng ký và nhận căn cước (ID) để bỏ phiếu, cho biết sẽ có vận động mạnh để ban hành luật mới về ID của cử tri tại ít nhất 5 tiểu bang. Trong khi đó, North Carolina có thể sớm thi hành chính sách mới về ID cho cử tri hiện bị treo tại tòa án.
Ban hành luật về ID của cử tri là vấn đề nhận được sự ủng hộ rộng rãi. Một thăm dò dư luận năm 2018 cho thấy 2/3 người Mỹ tham gia trả lời câu hỏi nói họ ủng hộ luật bắt buộc cử tri trình diện ID có ảnh chân dung.
Tuy nhiên, các nhà hoạt động nói quy định như vậy sẽ gây bất lợi cho một số nhóm cử tri đặc thù.
"Họ là sinh viên hoặc thanh niên, cộng đồng da màu, người lớn tuổi không còn lái xe, người thu nhập thấp, người khuyết tật", Kathleen Unger, nhà sáng lập VoterRiders, cho biết. Bà Unger ước tính khoảng 25 triệu người Mỹ trong độ tuổi đi bỏ phiếu không sở hữu ID có ảnh chân dung do chính phủ cấp.
Tâm điểm Georgia
Tại Georgia, phe Cộng hòa đang tập trung cao độ nhằm thay đổi luật bầu cử của tiểu bang, với một loạt đề xuất từ áp đặt hạn chế về đối tượng được bỏ phiếu qua thư cho đến giới hạn sử dụng hòm bỏ phiếu - được cử tri sử dụng để nộp phiếu bầu khiếm diện mà không thông qua hệ thống bưu điện.
Phe đa số Cộng hòa tại Thượng viện tiểu bang Georgia đã ủng hộ việc cấm bỏ phiếu khiếm diện nếu không có lý do chính đáng. Bỏ phiếu khiếm diện là hình thức được cử tri Dân chủ ưa chuộng hơn hẳn so với cử tri Cộng hòa.
Tổng thư ký tiểu bang Brad Raffensperger, người từng bác bỏ cáo buộc gian lận bầu cử từ phía ông Trump, nói việc không cho phép bỏ phiếu khiếm diện mà không có lý do là cần thiết nhằm tránh tạo ra gánh nặng cho cơ quan bầu cử địa phương.
Tuy nhiên, các lãnh đạo Cộng hòa tại cơ quan lập pháp tiểu bang vẫn chưa nhất trí sẽ thay đổi luật theo hướng nào.
Chủ tịch Thượng viện tiểu bang Geoff Duncan nói không ủng hộ việc hủy bỏ hoàn toàn hình thức bỏ phiếu khiếm diện không có lý do. Trong khi đó, Chủ tịch Hạ viện tiểu bang David Ralston cũng bày tỏ hoài nghi trước một quyết định như trên.
Đa số các thành viên Cộng hòa đều ủng hộ cần có quy định yêu cầu cử tri bỏ phiếu khiếm diện nộp một bản sao ID cá nhân khi họ gửi trả phiếu bầu. Hiện tại, Georgia đã yêu cầu cử tri trình diện ID có ảnh khi bỏ phiếu trực tiếp.
"Đó sẽ là thay đổi có khả năng được ký thành luật nhất", Larry Walker, phó chủ tịch ủy ban đảng Cộng hòa tại Thượng viện Georgia, nói. Ông Walker cho biết các cử tri tại khu vực ông đại diện rất lo ngại về luật bầu cử, và thay đổi là cần thiết.
"Lượng lớn cử tri mà tôi đại diện đã mất niềm tin vào sự liêm chính trong hệ thống bầu cử. Vậy nên chúng ta cần có hành động để khôi phục niềm tin của người dân vào hệ thống", ông Walker cho biết.
Ông Walker đồng thời bác bỏ cáo buộc thay đổi trong luật bầu cử có thể tạo gánh nặng hay hạn chế quá mức có thể bị coi là "áp bức cử tri".
Cần hợp tác lưỡng đảng
Theo Ủy ban Quốc gia các cơ quan lập pháp tiểu bang, 36 bang tại Mỹ đã có luật về ID của cử tri.
Ủy ban này xếp Georgia vào nhóm bang có quy định chặt chẽ về việc cử tri phải trình diện ID có ảnh. Cử tri nếu không trình diện ID hợp lệ phải bỏ phiếu bằng phiếu bầu tạm thời. Loại phiếu này sẽ trải qua một số bước kiểm tra trước khi được công nhận kết quả.
Tuy nhiên, Georgia là tiểu bang hiếm hoi trong số các bang chiến trường trong kỳ bầu cử vừa qua mà đảng Cộng hòa đồng thời kiểm soát ghế thống đốc và lưỡng viện lập pháp. Tình thế này giúp phe Cộng hòa rộng đường sửa đổi luật, bất chấp sự phản đối của phe Dân chủ vốn chống thay đổi về luật bầu cử hay hạn chế bỏ phiếu khiếm diện.
Tại một số bang chiến trường khác nơi phe Cộng hòa nắm quyền kiểm soát nhánh lập pháp như Michigan, Pennsylvania hay Wisconsin nhưng ghế thống đốc thuộc về phe Dân chủ, đề xuất thay đổi luật bầu cử có thể bị phủ quyết nếu không có sự nhất trí lưỡng đảng.
Ở Pennsylvania, giới lập pháp Cộng hòa đã phát đi tín hiệu họ chuẩn bị giới thiệu dự luật về ID của cử tri, cũng như dự định bãi bỏ luật cho phép bỏ phiếu qua thư không cần lý do. Thống đốc Tom Wolf, đảng viên Dân chủ, sẽ là hòn đá cản đường phe Cộng hòa.
Seth Grove, chủ tịch một ủy ban tại Hạ viện tiểu bang, cho biết cả hai phe Dân chủ và Cộng hòa đều đề xuất sửa đổi luật bầu cử tại Pennsylvania. 14 phiên điều trần sẽ được tổ chức xung quanh vấn đề này, ông Grove cho biết.
Ở Arizona, nơi lần đầu tiên ngả về phe Dân chủ từ năm 2000, phe Cộng hòa tại Thượng viện tiểu bang đã giới thiệu dự luật mở rộng các tình huống cho phép tự động kiểm phiếu lại.
Phe Cộng hòa cũng đề xuất hủy bỏ danh sách bỏ phiếu sớm vĩnh viễn tại tiểu bang này, dù đây là dự luật mà ngay cả những người bảo trợ cũng không tin nó có thể được thông qua.
Trong khi đó, chính sách về ID của cử tri tại North Carolina có thể sẽ đi vào hiệu lực trước bầu cử giữa nhiệm kỳ năm 2022.
Năm 2018, luật sửa đổi trong đó yêu cầu cử tri phải trình diện ID khi bỏ phiếu đã được thông qua. Tuy nhiên, một thẩm phán đã ra phán quyết trì hoãn hiệu lực của luật này, khiến quy định chưa được áp dụng trong kỳ bầu cử 2020.
Cuộc chiến pháp lý về việc thực thi luật ID của cử tri ở North Carolina vẫn tiếp diễn tại tòa án.
"Sự liêm chính, an ninh trong bầu cử là vấn đề sẽ vẫn còn đó. Tôi tin chắc nếu cơ quan lập pháp ở các tiểu bang không thông qua sửa đổi luật trong nhiệm kỳ này, điều đó không có nghĩa sửa đổi sẽ không bao giờ được thông qua", ông Jason Snead, người đứng đầu tổ chức bảo thủ Honest Elections Project, nói.
Nguồn Znews: https://zingnews.vn/chien-luoc-moi-cua-phe-cong-hoa-post1177269.html