Chiến lược nâng cao năng suất lao động

Trong bối cảnh hội nhập quốc tế, tăng năng suất lao động là yếu tố quyết định tới năng lực cạnh tranh của nền kinh tế và của từng doanh nghiệp, đồng thời cũng là đòn bẩy cải thiện thu nhập của người lao động.

Năng suất lao động còn thấp

Giữa bối cảnh hội nhập quốc tế và cạnh tranh gay gắt, cải thiện, thúc đẩy tăng năng suất lao động là yếu tố quyết định tới năng lực cạnh tranh của nền kinh tế và của từng doanh nghiệp. Đây là cũng vấn đề sống còn đối với các quốc gia đang phát triển như Việt Nam.

Theo báo cáo mới đây từ Tổng cục Thống kê, năng suất lao động của Việt Nam tăng đều qua các năm, là quốc gia có tốc độ tăng năng suất lao động cao nhất trong khu vực ASEAN. Năm 2019, thu nhập bình quân đạt 110 triệu đồng/lao động và tăng tới 6,8% so với năm 2018. Tính chung, giai đoạn 2011-2018, năng suất lao động tăng bình quân 4,88%/năm.

Cải thiện và thúc đẩy tăng năng suất lao động là yếu tố quyết định tới năng lực cạnh tranh của nền kinh tế.

Cải thiện và thúc đẩy tăng năng suất lao động là yếu tố quyết định tới năng lực cạnh tranh của nền kinh tế.

Mặc dù, năng suất lao động của Việt Nam đã được cải thiện nhiều trong thời gian qua, nhưng vẫn còn thấp và có khoảng cách khá xa so với các nước trong khu vực. Đơn cử, Singapore có năng suất lao động cao gấp 13,7 lần so với Việt Nam; Malaysia cao gấp 5,3 lần; Thái Lan cao gấp 2,7 lần... Việt Nam chỉ đứng trên Campuchia trong ASEAN về năng suất lao động.

Có thể kể đến một số nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng này là do quy mô nền kinh tế Việt Nam nhỏ, quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế còn chậm. Ngoài ra, quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế và cơ cấu lao động tuy theo hướng tích cực, nhưng còn chậm; máy móc, thiết bị và quy trình công nghệ còn lạc hậu; chất lượng nguồn nhân lực hạn chế. Chuyển dịch cơ cấu lao động tuy diễn ra khá nhanh, nhưng lao động trong khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản hiện nay còn lớn.

Đa số lao động trong khu vực này là lao động giản đơn, công việc có tính thời vụ, không ổn định nên giá trị gia tăng tạo ra thấp, dẫn đến năng suất lao động thấp. Cùng với đó, tăng năng suất lao động sẽ ngày càng phụ thuộc vào tăng năng suất lao động nội ngành. Nhưng đến nay chưa có thay đổi đáng kể trong bản chất tăng trưởng của ngành, chủ yếu vẫn nhờ vào mở rộng quy mô những ngành sử dụng nhiều lao động, hàm lượng công nghệ thấp khiến mục tiêu tăng nhanh giá trị gia tăng của sản phẩm chưa đạt được,…

Thực tế trên rất đáng quan ngại, tạo áp lực cho việc thực hiện mục tiêu công nghiệp hóa, hiện đại hóa, rút ngắn khoảng cách phát triển với các nước trong khu vực và thế giới. Theo Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, thực trạng năng suất lao động thấp đặt ra thách thức lớn cho nền kinh tế, đe dọa đến khả năng tăng trưởng, sức cạnh tranh và tiến trình đi tới thịnh vượng của Việt Nam.

Chiến lược nâng cao năng suất lao động

Đưa ra khuyến nghị nhằm nâng cao năng suất lao động, TS. Nguyễn Bích Lâm – Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê cho biết, trước hết, các doanh nghiệp cần xác định chiến lược kinh doanh phù hợp với tình hình thực tế và sở trường, năng lực tài chính của doanh nghiệp. Bên cạnh đó, cần lựa chọn quy mô phù hợp, phát triển những sản phẩm mới có giá trị gia tăng và hàm lượng công nghệ cao; tham gia sâu vào chuỗi giá trị toàn cầu; đồng thời, cần giữ vững các thị trường truyền thống và từng bước thâm nhập vào các thị trường hoặc những phân đoạn thị trường cao cấp.

Thủ tướng Chính phủ cũng chỉ đạo Ngân hàng Nhà nước Việt Nam tiếp tục rà soát, đánh giá triển khai các giải pháp tập trung tín dụng vào các lĩnh vực sản xuất kinh doanh, nhất là lĩnh vực ưu tiên theo chủ trương của Chính phủ, hướng dòng vốn chảy vào lĩnh vực có năng suất cao, tạo điều kiện thuận lợi cho việc tiếp cận vốn tín dụng của doanh nghiệp và người dân.

Mặt khác, các doanh nghiệp cần đổi mới tư duy để nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả hoạt động thông qua ứng dụng các công nghệ quản lý tiên tiến trên thế giới có điều chỉnh cho phù hợp với đặc thù và văn hóa của doanh nghiệp Việt Nam; đẩy mạnh ứng dụng điện toán đám mây nhằm cắt giảm chi phí, tiết kiệm thời gian và nâng cao hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp.

Ngoài ra, các doanh nghiệp cần có chiến lược và thực thi chiến lược nâng cao năng suất lao động thông qua chú trọng tăng trưởng dựa vào tri thức và công nghệ; tập trung đầu tư nâng cao năng lực khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo, ứng dụng công nghệ tiên tiến, hiện đại vào sản xuất, quản trị doanh nghiệp. Cùng với đó, các doanh nhân phải chủ động nâng cao trình độ, cập nhật tri thức, nâng cao năng lực và kỹ năng quản lý, năng động, sáng tạo tìm kiếm phương pháp làm việc mới và hiệu quả, nắm bắt kịp thời nhu cầu của thị trường trong nước và quốc tế. “Các doanh nghiệp cung cấp sản phẩm hướng tới nhu cầu của người tiêu dùng, thúc đẩy phát triển những giải pháp sản xuất và kinh doanh dựa trên số hóa, tích hợp công nghệ tiên tiến”, TS. Lâm đề nghị.

Mới đây, một trong những giải pháp cũng được Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu đó là cần thúc đẩy chuyển đổi số quốc gia để tăng năng suất lao động. Theo đó, tại Chỉ thị số 07/CT-TTg về giải pháp thúc đẩy tăng năng suất lao động quốc gia, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo Bộ Thông tin và Truyền thông đẩy nhanh hoàn thiện thể chế xây dựng, phát triển Chính phủ điện tử; đôn đốc khẩn trương hoàn thành các cơ sở dữ liệu quốc gia cần ưu tiên triển khai; thúc đẩy chuyển đổi số quốc gia để tăng năng suất lao động, phát triển kinh tế - xã hội.

Trong đó, đáng chú ý là yêu cầu thúc đẩy chuyển đổi số toàn diện các hoạt động của doanh nghiệp, các ngành trọng điểm, cơ quan nhà nước và người dân, đồng thời phát triển các yếu tố nền tảng tạo điều kiện cho chuyển đổi số quốc gia. Đặc biệt là kết nối các doanh nghiệp công nghệ thông tin và công nghệ truyền thông (ICT) với doanh nghiệp trong lĩnh vực nông, lâm nghiệp để xây dựng, áp dụng các công nghệ mới vào quá trình sản xuất, kinh doanh thúc đẩy tăng năng suất lao động.

Bộ Tài chính đẩy mạnh việc hoàn thiện khuôn khổ về thể chế tài chính - ngân sách nhà nước để tận dụng vị thế của Việt Nam trong thị trường ASEAN và cơ hội do các hiệp định thương mại tự do tạo ra nhằm thu hút hiệu quả nguồn đầu tư trực tiếp nước ngoài, thúc đẩy nâng cao năng suất lao động, chuyển dịch cơ cấu nền kinh tế; tích cực thực hiện cơ cấu lại thị trường tài chính.

Thủ tướng Chính phủ cũng chỉ đạo Ngân hàng Nhà nước Việt Nam tiếp tục rà soát, đánh giá triển khai các giải pháp tập trung tín dụng vào các lĩnh vực sản xuất kinh doanh, nhất là lĩnh vực ưu tiên theo chủ trương của Chính phủ, hướng dòng vốn chảy vào lĩnh vực có năng suất cao, tạo điều kiện thuận lợi cho việc tiếp cận vốn tín dụng của doanh nghiệp và người dân.

H. Phong

Nguồn LĐTĐ: https://laodongthudo.vn/chien-luoc-nang-cao-nang-suat-lao-dong-110936.html