Chiến lược 'ngoại giao Nixon' và nỗ lực tập hợp đồng minh châu Âu của Tổng thống Mỹ Joe Biden

Giáo sư Melvyn B. Krauss* đã có bài phân tích trên trang Project Syndicate về nỗ lực áp dụng chiến lược 'ngoại giao Nixon' của Tổng thống Mỹ Joe Biden trong việc tập hợp đồng minh châu Âu chống lại Trung Quốc và hàn gắn quan hệ với Nga.

Tổng thống Mỹ Joe Biden (phải) và người đồng cấp Nga Vladimir Putin tại cuộc gặp ngày 16/6 tại Geneva, Thụy Sỹ. (Nguồn: Getty Images)

Tổng thống Mỹ Joe Biden (phải) và người đồng cấp Nga Vladimir Putin tại cuộc gặp ngày 16/6 tại Geneva, Thụy Sỹ. (Nguồn: Getty Images)

Bài toán Trung Quốc đã tìm được lời giải

Nhiệm vụ chiến lược cấp thiết của Tổng thống Mỹ Joe Biden khi tổ chức một loạt hội nghị thượng đỉnh ở châu Âu thời gian gần đây là thiết lập một mặt trận thống nhất gồm các quốc gia phương Tây để đối phó với Trung Quốc.

Ba tuần sau chuyến công du châu Âu, giới quan sát cho rằng, ông Biden đã giải quyết thành công bài toán khó nhằn này.

Hiện giờ, về cơ bản, Mỹ, Pháp và Đức đã cùng một chiến tuyến. Mỗi quốc gia đều nhận thức được rằng, sự đồng thuận quốc tế là điều cần thiết để buộc Trung Quốc phải kiềm chế các hành vi gây hấn.

Trong bài phát biểu kỷ niệm 100 năm thành lập Đảng Cộng sản Trung Quốc, Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã thể hiện rõ quan điểm khi lên tiếng cảnh báo, bất kỳ ai nỗ lực ngăn cản sự đi lên của quốc gia này đều sẽ bị “sứt đầu mẻ trán trước bức thành đồng Vạn lý Trường thành”.

Tại châu Á, nhiệm vụ chiến lược cấp thiết của Washington là tập trung hơn nữa vào Bộ tứ, gồm Australia, Ấn Độ, Nhật Bản và Mỹ.

Cuối tháng 6, Mỹ và Nhật Bản đã thực hiện diễn tập hải quân chung. Tại châu Âu, cả Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) và Liên minh châu Âu (EU) đều coi Trung Quốc là ưu tiên hàng đầu trong chương trình nghị sự, cho dù trước đó 2 tổ chức này luôn tránh đưa ra các cam kết “ngoài khu vực”.

Lôi kéo Nga là ưu tiên của Mỹ

Mặc dù Tổng thống Biden đã đạt được nhiều thành tựu trong việc tạo dựng sự đồng thuận chung để đối phó với Trung Quốc, song ông mới chỉ bước đầu giải quyết được vấn đề hóc búa nhất trong chính sách của mình, đó là thuyết phục Tổng thống Nga Vladimir Putin rằng, Nga sẽ đảm bảo được lợi ích an ninh quốc gia khi “rời xa” Trung Quốc.

Hiện giờ, việc “lôi kéo” Tổng thống Putin rõ ràng là một ưu tiên quan trọng đối với Mỹ.

Kể từ sau cuộc họp thượng đỉnh với ông Biden, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron và Thủ tướng Đức Angela Merkel đã kêu gọi "cài đặt lại" quan hệ giữa EU và Nga.

Tuy nhiên, đề xuất “EU hàn gắn quan hệ với Nga” đã vấp phải sự phản đối gần như quá khích của Hà Lan, các quốc gia Baltic và Ba Lan. Đáp lại những lời chỉ trích đó, bà Merkel nêu rõ: “Các cuộc đối thoại với Tổng thống Nga không phải một dạng phần thưởng”.

Giới phân tích cho rằng, những thay đổi chính sách mang tính đột ngột hiếm khi được “thấu hiểu” ngay từ ban đầu.

Khi Tổng thống Mỹ Richard Nixon thiết lập quan hệ với Trung Quốc cách đây 50 năm, ông đã “châm ngòi” cho một loạt phản ứng gay gắt từ các đồng minh của Mỹ. Nhật Bản khi đó thậm chí còn phản đối mạnh mẽ hơn so với Estonia, Latvia, Litva và Ba Lan hiện nay.

Ngày nay, sáng kiến "ngoại giao Nixon" được nhớ tới như một trong những đột phá chiến lược lớn nhất thời kỳ hậu chiến.

“Sự mở cửa của Trung Quốc” xuất phát từ thực tế là cả Tổng thống Nixon và Chủ tịch Mao Trạch Đông đều coi Liên Xô là hiểm họa lớn nhất đối với mỗi quốc gia.

Bằng cách thiết lập quan hệ ngoại giao, Bắc Kinh và Washington có thể buộc Liên Xô (khi đó vừa xâm lược Tiệp Khắc và xung đột biên giới với Trung Quốc) phải “suy nghĩ lại” về chính sách gây hấn của mình.

Và hai nước này đã thành công. Những năm sau đó, Liên Xô đã giảm mạnh số lượng quân đội triển khai dọc biên giới với Trung Quốc và tham gia ký kết các hiệp ước vũ khí hạt nhân quan trọng với Mỹ.

Quay trở lại hiện tại. Ông Putin được cho là có khá nhiều lý do để hợp tác với ông Biden.

Và một vài lý do trong số đó cũng hấp dẫn tương tự như những thứ đã khiến Chủ tịch Trung Quốc Mao Trạch Đông và Thủ tướng Chu Ân Lai chấp nhận lời đề nghị của Tổng thống Nixon.

Trước hết, do Nga hiện nay đang trong tình trạng bị cô lập hơn so với Liên Xô trước đây, nên Moscow đã trở nên phụ thuộc vào Bắc Kinh.

Trong khi đó, quốc gia hưởng lợi chủ yếu từ chính sách chống phương Tây của ông Putin trong suốt thập kỷ qua không phải là Nga, mà là Trung Quốc.

Nếu đưa được Moscow thoát khỏi các biện pháp trừng phạt mà phương Tây đã áp đặt đối với nền kinh tế của xứ sở bạch dương, ông Putin có thể giúp nền kinh tế Nga đảo ngược tình trạng trì trệ và đình đốn.

Trên thực thế, giống như nhiều nhân vật khác trong các cơ quan an ninh của Nga, ông Putin ý thức được rằng, Nga được lợi rất ít từ mối quan hệ với Trung Quốc.

Mặc dù Bắc Kinh đã đầu tư rất lớn vào các doanh nghiệp và cơ sở hạ tầng trên toàn thế giới hầu hết thông qua Sáng kiến Vành đai và Con đường, song chỉ một lượng nhỏ tiền của Trung Quốc được đổ vào Nga - đất nước vốn đang rất cần số tiền này để giảm bớt các tác động tiêu cực của các lệnh trừng phạt từ phương Tây.

Hơn nữa, bất chấp những lợi ích mà ông Putin có thể nhận được từ mối quan hệ tốt đẹp hơn với phương Tây, có thể nhà lãnh đạo Nga vẫn không “xa rời” Trung Quốc, nếu điều đó mang lại rủi ro đối với quyền lực và sự an toàn của cá nhân ông.

*Melvyn B. Krauss là Giáo sư Kinh tế danh dự tại Đại học New York và là thành viên cao cấp tại Viện Hoover, Đại học Stanford, Mỹ.

(theo project-syndicate.org)

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/chien-luoc-ngoai-giao-nixon-va-no-luc-tap-hop-dong-minh-chau-au-cua-tong-thong-my-joe-biden-150730.html