Chiến lược phát triển giáo dục đáp ứng tốt nhu cầu thực tế địa phương
Chiến lược giáo dục phù hợp thực tiễn, huy động các nguồn lực, vận dụng sáng tạo vào điều kiện địa phương đã giúp Yên Bái đạt được nhiều kết quả
Quyết tâm tạo sự đổi thay
Là một tỉnh miền núi, hơn 50% dân số là người dân tộc thiểu số; dân cư phân tán, trình độ sản xuất còn lạc hậu; đời sống của đa số đồng bào dân tộc còn khó khăn; kinh tế - xã hội chậm phát triển so với khu vực. Cơ sở vật chất trường học đã được quan tâm đầu tư nhưng chưa đáp ứng được yêu cầu; việc huy động học sinh ra lớp và duy trì ra lớp chuyên cần ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số còn chưa cao. Đời sống cán bộ giáo viên còn gặp nhiều khó khăn.
Nhà giáo Vương Văn Bằng, Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Yên Bái cho biết: Những yếu tố trên đã làm ảnh hưởng không nhỏ tới việc triển khai thực hiện nhiệm vụ năm học của ngành; đặc biệt là ở các địa phương thuộc vùng đặc biệt khó khăn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Tuy nhiên, ngành GD&ĐT Yên Bái đã chủ động, tích cực tham mưu cho Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh nhiều Nghị quyết, Đề án, chính sách và các văn bản chỉ đạo điều hành trong lĩnh vực GD&ĐT, là cơ sở pháp lý triển khai các nhiệm vụ giáo dục và đào tạo thuận lợi.
Kết quả 10 năm thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TW ngày 04/11/2013 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng Khóa XI về đổi mới căn bản, toàn diện GD&ĐT, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế; Và việc thực hiện Nghị quyết số 22-NQ/TU ngày 20/01/2021 của Tỉnh ủy về một số nhiệm vụ, giải pháp nâng cao chất lượng GD&ĐT, giai đoạn 2021-2025 là những minh chứng rõ nét.
Trong số nhiều kết quả đạt được, việc điều chỉnh Đề án Triển khai thực hiện Chương trình GDPT 2018. Chỉ đạo các cơ sở giáo dục trong toàn tỉnh thực hiện tăng cường các giải pháp nâng cao chất lượng GD&ĐT. Tiếp tục đổi mới mạnh mẽ phương pháp dạy và học nhằm phát huy tính tích cực, chủ động, tự lực, sáng tạo của học sinh; tăng cường kỹ năng thực hành, vận dụng kiến thức, kỹ năng vào giải quyết các vấn đề thực tiễn, chú trọng các hoạt động trải nghiệm sáng tạo, nghiên cứu khoa học của học sinh, đã tạo sự đổi thay về chất lượng dạy học trong các nhà trường.
Nỗ lực của toàn ngành
Đến năm học 2022-2023, toàn tỉnh Yên Bái có 465 cơ sở GD-ĐT. Đây cũng là năm Yên Bái khẳng định sự ổn định vững vàng của giáo dục sau đại dịch Covid-19. Năm học này, ngành GD&ĐT chủ trương công tác quản lý, chỉ đạo, điều hành của ngành GD&ĐT có nhiều đổi mới theo hướng nâng cao hiệu lực, hiệu quả; kỷ cương, nền nếp trong các đơn vị, nhà trường có nhiều chuyển biến tích cực. Các cuộc vận động, các phong trào thi đua đã được ngành GD&ĐT triển khai thực hiện có hiệu quả.
Nhà giáo Vương Văn Bằng chia sẻ: Đáp ứng yêu cầu học tập của người dân, mạng lưới trường, lớp học tiếp tục được rà soát, sắp xếp phù hợp; quy mô phát triển ổn định tạo điều kiện thuận lợi và cơ hội học tập cho mọi người, góp phần nâng cao dân trí, đào tạo nguồn nhân lực. Hệ thống trường phổ thông dân tộc bán trú, trường phổ thông có học sinh bán trú được củng cố và phát triển; chất lượng giáo dục tăng lên rõ rệt, tỷ lệ bỏ học giảm, kỹ năng sống của học sinh người dân tộc thiểu số được tăng lên.
Đưa ra chiến lược và kế hoành hành động cụ thể, bài bản, khoa học và quyết liệt đã và đang đem đến những kết quả tốt đẹp. Năm học 2022 - 2023, chất lượng GD đại trà tiếp tục nâng lên, GD mũi nhọn có nhiều bứt phá.
Số giải học sinh giỏi quốc gia tăng cao so với năm học trước, đội tuyển Yên Bái đứng thứ 5 trong 14 tỉnh khu vực Trung du và Miền núi phía Bắc, đứng thứ 27/63 tỉnh thành trên toàn quốc, tăng 10 bậc so với đầu nhiệm kỳ. Tỷ lệ thí sinh tham gia dự thi đạt giải đạt 53,2% (lần đầu tiên tỷ lệ thí sinh đạt giải vượt 50%).
Công tác xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia, xây dựng “Trường học hạnh phúc” được chú trọng. Công tác chuyển đổi số được quan tâm triển khai ở tất cả các trường học. Chất lượng phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi, phổ cập giáo dục tiểu học, phổ cập THCS, xóa mù tiếp tục đạt mức cao và bền vững. Trong năm, tỉnh Yên Bái được Bộ GD&ĐT công nhận đạt chuẩn phổ cập giáo dục THCS mức độ 2 (là tỉnh thứ 18 trong toàn quốc).
Đặc biệt, việc triển khai Chương trình GDPT 2018 đồng bộ, kịp thời. Với sự chỉ đạo sâu sát, quyết liệt, ngành GD&ĐT đã có nhiều giải pháp tháo gỡ khó khăn, nhất là về đội ngũ để triển khai thực hiện Chương trình GDPT 2018. Cùng với đó, công tác đào tạo, bồi dưỡng được thực hiện kịp thời, đáp ứng được yêu cầu đổi mới; cơ sở vật chất trường, thiết bị dạy học được quan tâm đầu tư theo hướng hiện đại và chuẩn hóa. Điều này thể hiện sự nỗ lực to lớn của ngành GD&ĐT tỉnh Yên Bái cũng như sự đồng lòng, giúp sức của cộng đồng trong việc hoàn thành các nhiệm vụ.
Chiến lược phát triển Giáo dục Việt Nam đến năm 2030 là phát triển toàn diện con người Việt Nam, phát huy tối đa tiềm năng, khả năng sáng tạo của mỗi cá nhân, xây dựng hệ thống giáo dục mở, phục vụ học tập suốt đời, công bằng và bình đẳng, theo hướng chuẩn hóa, hiện đại hóa, dân chủ hóa, xã hội hóa và hội nhập quốc tế.
Đây cũng là đích hướng tới của giáo dục Yên Bái, chủ đề “Đoàn kết, kỷ cương, sáng tạo, tiếp tục đổi mới theo chiều sâu, nâng cao chất lượng GD&DDT” năm học 2023 - 3024 của Yên Bái, cũng thể hiện quyết tâm triển khai thực hiện hiệu quả các mục tiêu năm học, đồng thời hướng đến những kết quả cao hơn cho những năm tiếp theo. - Nhà giáo Vương Văn Bằng