Chiến lược phát triển hệ thống phục hồi chức năng

Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Thuận vừa ban hành kế hoạch chương trình phát triển hệ thống phục hồi chức năng giai đoạn 2023-2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Theo đó, mục tiêu chung của chương trình là bảo đảm người khuyết tật và người có nhu cầu được tiếp cận dịch vụ phục hồi chức năng có chất lượng, toàn diện, liên tục và công bằng; giảm tỷ lệ khuyết tật trong cộng đồng. Đồng thời, góp phần chăm sóc, bảo vệ, nâng cao sức khỏe người dân; đảm bảo an sinh xã hội.

Cụ thể, giai đoạn 2023 - 2030 là tăng cường phòng ngừa khuyết tật trước sinh, sơ sinh; phát hiện và can thiệp sớm khuyết tật, giảm tỷ lệ khuyết tật trong cộng đồng. Duy trì, củng cố, kiện toàn và phát triển hệ thống mạng lưới cơ sở phục hồi chức năng. Nâng cao chất lượng dịch vụ kỹ thuật phục hồi chức năng. Phát triển nguồn nhân lực phục hồi chức năng đạt tỷ lệ nhân viên y tế làm việc trong lĩnh vực phục hồi chức năng tối thiểu 0,5 người/10.000 dân.

Phục hồi chức năng tại Bệnh viện Y học cổ truyền - Phục hồi chức năng tỉnh.

Tầm nhìn đến năm 2050, phục hồi chức năng được phát triển tại tất cả các tuyến trong và ngoài ngành y tế, với sự đa dạng về phương pháp can thiệp đảm bảo cung cấp dịch vụ phục hồi chức năng toàn diện, liên tục, chất lượng. Đẩy mạnh hoạt động phục hồi chức năng dựa vào cộng đồng trở thành biện pháp chiến lược để giải quyết vấn đề khuyết tật trên địa bàn tỉnh. Mọi người dân đều được tiếp cận với các dịch vụ sàng lọc, phát hiện sớm, can thiệp sớm khuyết tật và các kỹ thuật phục hồi chức năng thiết yếu, phù hợp theo nhu cầu.

Chương trình này được thực hiện trên phạm vi toàn tỉnh. Cùng với đó, sự tham gia của Bệnh viện Y học cổ truyền - Phục hồi chức năng tỉnh, các bệnh viện đa khoa, chuyên khoa, các trung tâm y tế tuyến huyện, trạm y tế tuyến xã, người khuyết tật và người có nhu cầu phục hồi chức năng.

Để hoàn thành các mục tiêu trên, một số giải pháp được đề ra. Đó là thực hiện chính sách, pháp luật và tăng cường phối hợp liên ngành; thực hiện chương trình phục hồi chức năng dựa vào cộng đồng; duy trì, củng cố, nâng cấp, phát triển hệ thống này; đảm bảo nguồn nhân lực và phát triển chuyên môn kỹ thuật phục hồi chức năng. Hoàn thiện hệ thống thông tin quản lý sức khỏe người khuyết tật kết nối với hệ thống thông tin quản lý sức khỏe cá nhân; ứng dụng công nghệ thông tin trong sản xuất và cung ứng dụng cụ phục hồi chức năng. Bên cạnh đó, làm nghiên cứu khoa học, hợp tác quốc tế; tăng cường truyền thông, vận động xã hội; kiểm tra, giám sát, đánh giá kịp thời đề xuất bổ sung, sửa đổi chương trình cho phù hợp.

Như vậy, kinh phí chương trình này được bố trí từ nhiều nguồn. Cụ thể, nguồn ngân sách nhà nước bố trí trong dự toán chi thường xuyên và kế hoạch đầu tư công trung hạn hàng năm của tỉnh; các chương trình mục tiêu quốc gia, các chương trình, dự án, đề án liên quan khác. Sự đóng góp, hỗ trợ hợp pháp của các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước. Các sở, ban, ngành liên quan và Ủy ban nhân dân các huyện, thị, thành phố lập dự toán ngân sách hàng năm; quản lý, sử dụng kinh phí theo đúng quy định.

Nguồn Bình Thuận: https://baobinhthuan.com.vn/chien-luoc-phat-trien-he-thong-phuc-hoi-chuc-nang-115007.html