Chiến lược phát triển nguồn tôm giống sản xuất ở Trà Vinh
Tỉnh đặt mục tiêu đến năm 2025, hình thành từ 1 - 2 phân khu sản xuất tôm giống nước lợ trong khu phức hợp thủy sản để thu hút các nhà đầu tư.
Nguồn tôm giống tại Trà Vinh sản xuất đáp ứng 20 - 26% nhu cầu
Tỉnh Trà Vinh hiện có diện tích nuôi tôm khoảng trên 25 nghìn ha, trong đó diện tích nuôi tôm siêu công nghiệp khoảng trên 10 nghìn ao bạt. Trở thành tỉnh có số lượng ao bạt lớn nhất nước và còn tiếp tục phát triển mở rộng trong thời gian sắp tới. Theo chủ trương của tỉnh sẽ tập trung đầu tư phát triển vùng nuôi tôm nước mặn, nước lợ đến năm 2025, đạt diện tích 34 nghìn ha, tăng tổng sản lượng tôm nuôi khoảng 172 nghìn tấn/năm.
Theo chuyên gia, để nuôi được sản lượng trên hàng năm tỉnh phải nhập khoảng 10 - 15 tỷ con giống. Nhưng hiện nay, gần 30% con giống nuôi trong tỉnh phải nhập từ các tỉnh khác từ: Ninh Thuận, Bình Thuận, Bến Tre, Sóc Trăng, Bạc Liêu... Trong khi đó, điều kiện tự nhiên Trà Vinh tương đồng với các tỉnh Sóc Trăng, Bạc Liêu... đó là một thiệt thòi và dẫn đến thiệt hại rất lớn nếu không kiểm soát tốt chất lượng con giống, khi nông dân nhập về thả nuôi.
Theo Chi cục Thủy sản tỉnh Trà Vinh, diện tích thả nuôi thủy sản của tỉnh đầu năm 2023 tăng so với trước Tết Nguyên Đán (tăng 486 ha). Tỉnh Trà Vinh xác định mục tiêu đến năm 2030, xây dựng và phát triển ngành thủy sản theo hướng hiện đại, nâng cao giá trị gia tăng, có khả năng cạnh tranh và giá trị xuất khẩu lớn trên thị trường.
Ông Nguyễn Văn Quốc, Chi cục trưởng, Chi cục Thủy sản tỉnh Trà Vinh cho biết: Ngành thủy sản tỉnh khuyến khích, các Công ty, doanh nghiệp, hộ nuôi ứng dụng công nghệ mới, tiên tiến vào sản xuất. Đặc biệt là đối với doanh nghiệp sản xuất tôm giống trong tỉnh cần nâng cao năng lực đáp ứng nhu cầu con giống cho nông hộ. Theo đó, Chi cục Thủy sản sẽ tăng cường kiểm tra, quản lý, kiểm soát chặt chẽ chất lượng tôm giống nhập ngoài tỉnh, cấp giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện sản xuất, ương dưỡng giống trong tỉnh.
Đồng thời, xử lý nghiêm các cơ sở vi phạm quy định về quản lý giống thủy sản. Phối hợp với các đơn vị liên quan rà soát loại bỏ các thức ăn, sản phẩm xử lý môi trường kém chất lượng, không đảm bảo môi trường, không đảm bảo an toàn kiến nghị loại bỏ ra khỏi danh mục được phép kinh doanh. Theo dõi công tác điều tiết nước tại các cống, đảm bảo độ mặn thích hợp để người dân sản xuất thủy sản.
Chiến lược đến năm 2025
Thông tin trên TTXVN, theo khảo sát của Chi cục Thủy sản Trà Vinh, bình quân trong 5 năm gần đây nguồn tôm giống tôm sú, tôm thẻ chân trắng được sản xuất tại địa phương chỉ mới đáp ứng từ 20 - 26%/năm so nhu cầu cho vùng nuôi tôm nước lợ và mặn trong tỉnh. Theo đó, nhu cầu nguồn tôm giống còn buộc nông dân phải mua từ các tỉnh khác, gặp nhiều khó khăn trong kiểm tra về chất lượng tôm giống.
Chia sẻ xoay quanh vấn đề này ông Nguyễn Văn Quốc, Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản tỉnh Trà Vinh cho biết, trong 5 năm gần đây, bình quân mỗi năm tỉnh Trà Vinh có khoảng 22.000 lượt nuôi tôm sú, tôm thẻ chân trắng với diện tích hơn 23.000 ha. Theo đó, nhu cầu nguồn tôm giống cho mỗi năm khoảng gần 8 tỷ con giống; trong đó, nhu cầu con giống tôm thẻ chân trắng dần 6 tỷ con.
Hiện tại, trên địa bàn tỉnh chỉ mới có 2 trang trại sản xuất tôm giống chất lượng của 2 doanh nghiệp là Công ty Bio Blue Việt Nam tại xã Đông Hải, huyện Duyên Hải và Công ty cổ phần Thủy sản Thông Thuận tại xã Trường Long Hòa, thị xã Duyên Hải. Hai trang trại sản xuất tôm giống này chỉ đáp ứng được khoảng 20% nguồn tôm sú giống và khoảng 26% nguồn tôm giống thẻ chân trắng.
Với thực trạng hơn 70% nhu cầu nguồn tôm giống buộc phải mua bên ngoài như hiện nay gây nhiều khó khăn cho quản lý chuyên môn và nhất là với người nuôi khó để giám sát, kiểm tra về nguồn con giống đảm bảo chất lượng, thích nghi về điều kiện thời tiết, môi trường nước so với tôm giống được sản xuất tại địa phương.
Không những vậy vừa qua tại Trà Vinh có hơn 150ha tôm nuôi bị thiệt hại do thời tiết bất lợi. Theo Vietnam+, từ đầu tháng 3 năm nay, thời tiết trên địa bàn tỉnh Trà Vinh xuất hiện đợt không khí lạnh và kéo dài cho đến nay đã gây bất lợi đối với tôm nuôi vùng nước mặn và nước lợ ở tỉnh Trà Vinh. Do sự chênh lệch cao về nhiệt độ giữa ngày và đêm đã làm thiệt hại gần 43 triệu con tôm sú, tôm thẻ chân trắng, với diện tích hơn 152ha.
Theo Chi cục Thủy sản Trà Vinh, từ cuối tháng 2, trên địa bàn tỉnh chịu ảnh hưởng những cơn mưa trái mùa đã làm biến động xấu môi trường nước trên các sông, trong ao nuôi, gây thiệt hại 4,7 triệu con tôm sú và hơn 22,6 triệu con tôm thẻ chân trắng nuôi của nông dân.
Sau ảnh hưởng mưa trái mùa, trên địa bàn tỉnh tiếp tục xuất hiện đợt không khí lạnh ngày càng tăng làm biến động mạnh về nhiệt độ, môi trường nước ao nuôi gây ảnh hưởng lớn sức khỏe tôm nuôi và làm thêm nhiều diện tích tôm nuôi bị chết. Qua khảo sát và lấy mẫu, hầu hết tôm chết trong giai đoạn 25-55 ngày tuổi do bệnh đốm trắng, đỏ thân, gan tụy, bệnh đường ruột.
Để giải quyết khó khăn về nhu cầu nguồn tôm giống chất lượng phục vụ cho nghề nuôi tôm của tỉnh, Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản tỉnh Trà Vinh thông tin, chiến lược đến năm 2025, giá trị sản xuất ngành thủy sản toàn tỉnh Trà Vinh tăng trưởng bình quân 5%. Diện tích nuôi trồng thủy sản đạt 58 nghìn ha trở lên, sản lượng đạt 298,53 nghìn tấn (nuôi trồng 199,74 ngàn tấn, khai thác 98,79 nghìn tấn). Theo đó, đến năm 2030, giá trị sản xuất ngành thủy sản tăng trưởng bình quân 4%/năm trở lên. Giá trị sản xuất nuôi trồng thủy sản bình quân đạt 450 triệu đồng/ha mặt nước. Diện tích nuôi trồng thủy sản đạt từ 60 nghìn ha trở lên, sản lượng 390 nghìn tấn/năm.
Ngoài ra, địa phương này cũng có kế hoạch đến năm 2030, năng lực sản xuất tôm giống chất lượng cao tại tỉnh đạt khoảng 18 - 20 tỷ con mỗi năm nhằm chủ động đáp ứng đủ, kịp thời để phục vụ cho chương trình phát triển nghề nuôi trồng thủy sản của tỉnh bền vửng và đạt hiệu quả kinh tế cao.
Trúc Chi (t/h)