Chiến lược phát triển tên lửa đạn đạo của Iran đối mặt thử thách chưa từng có

Trong những năm gần đây, mặc dù Iran đã có được một số hệ thống phòng không tiên tiến, nước này vẫn ưu tiên phát triển tên lửa đạn đạo tấn công để răn đe và tấn công đối phương. Tuy nhiên, chiến lược này hiện đang phải đối mặt với thử thách lớn nhất.

Tên lửa Iran được phóng trong một cuộc diễn tập quân sự ở miền Nam nước này ngày 19/1/2024. Ảnh tư liệu: AFP/TTXVN

Tên lửa Iran được phóng trong một cuộc diễn tập quân sự ở miền Nam nước này ngày 19/1/2024. Ảnh tư liệu: AFP/TTXVN

Các cuộc không kích và tấn công tên lửa của Israel vào Iran ngày 26/10 dường như đã phá hủy nghiêm trọng hệ thống phòng không tiên tiến nhất của Tehran, khiến Iran rất dễ bị tổn thương nếu quyết định phát động đợt tấn công tên lửa thứ ba vào Israel. Đặc phái viên về Trung Đông của Tổng thống Mỹ Joe Biden, ông Amos Hochstein nhận định "Iran về cơ bản đang trần trụi". Một quan chức Israel cho biết chiến dịch đã "nhắm chính xác" vào phòng không Iran, khiến Tehran rơi vào "thế bất lợi". Nhiều báo cáo thậm chí còn cho rằng toàn bộ kho tên lửa phòng không S-300 do Nga sản xuất của Iran đã bị phá hủy.

Ông Arash Azizi, nghiên cứu viên thỉnh giảng tại Trung tâm Nghiên cứu Tương lai Dài hạn Frederick S. Pardee thuộc Đại học Boston chia sẻ "Hệ thống phòng không nội địa của Iran hoạt động khá tốt nhưng không thể thay thế S-300 hoặc quan trọng hơn là S-400 mà Iran rất cần nhưng chưa có được”.
Iran đã tự phát triển các hệ thống phòng không như Bavar 373 và 3rd Khordad mà nước này tuyên bố là có khả năng tương đương với hệ thống S-300.

Có nhiều lý do để hoài nghi về mức độ thiệt hại thực sự của hệ thống phòng không Iran. Theo ông James Devine, phó giáo sư Khoa Chính trị và Quan hệ quốc tế tại Đại học Mount Allison, S-300 do Nga sản xuất gồm nhiều bộ phận. Nếu một số thành phần từ mỗi hệ thống còn nguyên vẹn, Iran có thể "ghép nối" để tạo ra một hoặc hai bộ phận hoạt động được. Tuy nhiên, ông nhấn mạnh rằng không có đủ thông tin công khai để xác nhận điều này.

Lịch sử phát triển quân sự của Iran

Cuộc tấn công của Israel là đòn trả đũa cho đợt tấn công tên lửa đạn đạo quy mô lớn của Iran ngày 1/10. Trong nhiều thập kỷ, Tehran đã đầu tư mạnh vào kho tên lửa đạn đạo, không ngừng cải thiện độ chính xác và tầm bắn. Khác với đối thủ Israel - nước đã xây dựng một trong những hệ thống phòng không tiên tiến nhất thế giới, Iran tập trung phát triển tên lửa tấn công. Mặc dù tìm kiếm hệ thống phòng không từ Nga, Moskva vẫn chậm cung cấp. Phòng không Iran là sự kết hợp của các hệ thống Nga, một số hệ thống nội địa và các hệ thống cũ từ trước Cách mạng Iran 1979.

Ông Farzin Nadimi, chuyên gia phân tích an ninh quốc phòng và là nghiên cứu viên cao cấp của Viện Chính sách cận Đông Washington, lưu ý rằng Iran sau cách mạng bắt đầu phát triển tên lửa đạn đạo trong cuộc chiến tranh dài với Iraq những năm 1980. Tehran phát triển chúng để đánh bại Israel. Theo ông Nadimi, mặc dù những tên lửa này rõ ràng có thể phục vụ mục đích phòng thủ, tuy nhiên, nếu chỉ xét về tầm bắn, chúng “từng được dự định để bảo vệ Iran".

Thách thức hiện tại và tương lai

Trong thời kỳ Mohammad Reza Shah Pahlavi (bỏ trốn khi diễn ra cách mạng Hồi giáo Iran 1979), cầm quyền, khi Tehran là đồng minh của Mỹ, Iran đã mua một phi đội máy bay chiến đấu F-14A Tomcat - được trang bị tên lửa tầm xa AIM-54 Phoenix và tên lửa đất đối không MIM-23 Hawk.

Iran sau cách mạng Hồi giáo đã mua S-200 và máy bay chiến đấu MiG-29A Fulcrum từ Liên Xô và sau đó đặt mua S-300 vào năm 2007 nhưng phải đến năm 2016 mới nhận được. Thiếu sót quan trọng nhất của Iran là không thể phát triển được không quân và phần lớn vẫn phụ thuộc vào máy bay do Mỹ sản xuất được mua từ thời lãnh đạo Shah.

Những năm gần đây, Iran tìm kiếm máy bay chiến đấu Su-35 Flanker và S-400 từ Nga nhưng đến nay vẫn chưa nhận được. Nhu cầu của Nga cho cuộc xung đột tại Ukraine khiến việc cung cấp trong tương lai gần là không thể.

Ông Arash Azizi nhận định Moskva khá thận trọng trong quan hệ quân sự với Iran dù mức độ hợp tác ấn tượng bởi Nga cũng có quan hệ truyền thống tốt với Israel và sẽ không mạo hiểm khi cung cấp cho Iran quá nhiều vũ khí.

Về phần mình Phó Giáo sư Devine lưu ý rằng Iran đã “tận dụng cơ hội” trong vấn đề quốc phòng. Nước này đã phát triển chương trình tên lửa đạn đạo và phòng không dựa trên việc sửa đổi, thiết kế ngược và nâng cấp các hệ thống nước ngoài. Ví dụ, Iran phát triển hệ thống Mershad từ tên lửa Hawk của Mỹ, vốn được đưa vào sử dụng từ năm 1959. Đối mặt với lệnh cấm vận vũ khí rộng rãi, Iran sau cách mạng buộc phải mua vũ khí kém tiên tiến hơn từ Nga, Trung Quốc và Triều Tiên đồng thời phát triển vũ khí trong nước để tránh phụ thuộc vào bất kỳ nhà cung cấp bên ngoài nào.

Cuối cùng, vị Phó Giáo sư này kết luận do không thể tiếp cận sức mạnh quân sự truyền thống, Tehran đã chuyển sang các năng lực bất đối xứng để tạo răn đe và mở rộng ảnh hưởng. Tehran đã biến điểm yếu thành điểm mạnh. Giới hạn của chiến lược này đang trở nên rõ ràng tại thời điểm này, nhưng Tehran không có nhiều lựa chọn khác. Tuy nhiên, đáng tiếc là “nếu chiến lược hiện tại tiếp tục thất bại, bước tiếp theo hợp lý của Iran là vũ khí hạt nhân".

Việt Dũng/Báo Tin tức (Theo Business Insider)

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/quan-su/chien-luoc-phat-trien-ten-lua-dan-dao-cua-iran-doi-mat-thu-thach-chua-tung-co-20241107142832665.htm