Chiến lược thiên tài của cờ vây trong chuyện tình yêu ở 'Reply 1988'
Bộ đôi đạo diễn - biên kịch Shin Won Ho và Lee Woo Jung đã nghiên cứu kỹ phong cách chơi cờ của kỳ thủ Lee Chang Ho để tạo dựng chân dung nhân vật Choi Taek trong 'Reply 1988'.
5 năm trước, Reply 1988 ra mắt khán giả, rồi lập thành tích rating ấn tượng 18,8% ở tập cuối. Phim lấy bối cảnh cuối thập niên 1980, xoay quanh cuộc sống của 5 gia đình sống trong khu phố ở Ssangmun-dong, quận Dobong, Bắc Seoul, Hàn Quốc. Reply 1988 giữ vững kỷ lục rating cao nhất đài cáp trong nhiều năm, cho tới khi lần lượt bị SKY Castle, Crash Landing on You và The World of the Married đánh bại.
5 năm sau thời làm khuynh đảo màn ảnh, Reply 1988 một lần nữa trở lại trên nền tảng trực tuyến Netflix. Trong hơn hai tháng qua, tác phẩm luôn đứng trong top 10 phim ăn khách nhất Netflix Việt Nam. Reply 1988 được yêu mến, được khán giả “cày” đi “cày” lại không biết mệt mỏi bởi cốt truyện nhẹ nhàng nhưng giàu ý nghĩa, hình ảnh - âm nhạc đậm chất cổ điển và tuyến nhân vật đặc sắc.
Trong đó, với sự thú vị, hấp dẫn của mình, nhân vật Choi Taek - thiên tài cờ vây của Reply 1988 đã đưa Park Bo Gum vụt sáng thành sao. Hình tượng Choi Taek được xây dựng từ nguyên mẫu ngoài đời thực, đó là kỳ thủ nổi tiếng thế giới Lee Chang Ho.
Lee Chang Ho - bậc thầy của những nước đi bình thường
Lee Chang Ho sinh năm 1975, là kỳ thủ cờ vây chuyên nghiệp cửu đẳng nổi tiếng Hàn Quốc. Anh được xem là một trong những kỳ thủ mạnh nhất thế giới với phong cách chơi cờ rất riêng biệt, không nhắm vào “diệu thủ” mà chỉ tập trung vào những nước đi bình thường, đơn giản.
Lee Chang Ho bộc lộ tài năng thiên bẩm về cờ vây từ thời niên thiếu. Năng khiếu này được mài giũa, phát triển, hoàn thiện một phần nhờ người thầy nổi tiếng của anh - kỳ thủ Jo Hun Hyeon.
Ban đầu, Jo Hun Hyeon cho rằng Lee Chang Ho không đạt tiêu chuẩn của một thiên tài cờ vây về trực giác, khả năng phân tích và trí nhớ. Song, ông nhận định rằng học trò của mình rất chăm chỉ, có suy nghĩ sâu sắc và nhận thức khác biệt với lứa kỳ thủ cùng thời. Sau đó, qua quá trình phát triển và học hỏi, Jo thừa nhận Lee là một thiên tài cờ vây theo một cách hoàn toàn khác.
Các kỳ thù chuyên nghiệp khác cũng giống như Jo Hun Hyeon, không đánh giá cao phong cách chơi của Lee Chang Ho trong lần đầu tiếp xúc. Nếu người khác thường dồn tâm huyết để tạo ra những nước cờ lớn, mang tính áp đảo thì thiên tài họ Lee lại chọn lối chơi đơn giản, đạt hiệu suất thấp.
Lee Chang Ho ưa những nước đi an toàn - nơi anh có thể hoàn toàn kiểm soát tình hình của mình lẫn đối thủ hơn là những nước đi đột phá nhưng không biết rõ có để lại lỗ hổng nào không. Mỗi nước cờ anh đặt xuống chỉ cố đạt hiệu suất 51%, tức là mỗi lượt chỉ cần hơn đối thủ 1%.
Đó là một lối chơi an toàn, đơn giản, nhưng đơn giản có trình độ và rất thú vị. Lee Chang Ho luôn tỏ ra vững vàng, ít sai lầm trong mọi nước đi, khiến đối thủ cảm thấy không có sơ hở để lợi dụng. Trong cách nhìn của thiên tài cờ vây này, “diệu thủ” tuyệt đối chính là có thể đặt xuống một nước cờ bình thường, sau khi nhìn thấu và tránh được cám dỗ đi nước cờ lớn.
Trong giới kỳ thủ, Lee Chang Ho được gọi bằng biệt danh “Thạch diện phật”. Anh không bao giờ biểu lộ cảm xúc xuyên suốt quá trình chơi cờ. Đối thủ khó có thể đọc ra suy nghĩ của Lee Chang Ho, còn ẩn đằng sau gương mặt vô cảm ấy lại là một khả năng đọc cờ siêu việt. Lee Chang Ho không bao giờ tấn công quá mức và thường chiến thắng trong những trận đấu mà phe kia tưởng mình đã làm chủ thế trận.
Sự giống và khác nhau giữa Lee Chang Ho và Choi Taek
Lee Chang Ho là hình mẫu để bộ đôi đạo diễn - biên kịch Shin Won Ho và Lee Woo Jung xây dựng nên chân dung Choi Taek - kỳ thủ cờ vây lục đẳng, "báu vật" của Ssangmundong và Hàn Quốc trong Reply 1988. Anh được miêu tả là người thông minh, trầm tính, có khả năng tập trung và phân tích vấn đề tốt, tuy nhiên hơi vụng về và ngốc nghếch trong cách sinh hoạt hàng ngày.
Giữa Lee Chang Ho ngoài đời thực và Choi Taek trên màn ảnh có nhiều điểm gặp gỡ. Đầu tiên, cả hai đều giành chiến thắng trong các trận đấu quốc tế, với 5 trận thắng liên tiếp, đánh bại 3 đối thủ người Trung Quốc và 2 đối thủ người Nhật. Suốt cuộc thi, Lee Chang Ho lẫn Choi Taek đều không biểu lộ cảm xúc trên khuôn mặt, và luôn mặc suit - điều thiên tài cờ vây họ Lee đặc biệt dặn dò ê-kíp Reply 1988 để ý kỹ.
Về gia cảnh và tính cách, Lee Chang Ho và Choi Taek cũng có điểm tương đồng. Cả hai đều vụng về và khá luộm thuộm trong tác phong sinh hoạt. Bố của Lee Chang Ho cũng có một cửa hàng đồng hồ. Không khí cửa hàng và tính cách của người sinh ra thiên tài cờ vây được khắc họa gần như chuẩn xác ở trên phim.
Tuy nhiên, cuộc đời Choi Taek cũng có điểm khác biệt so với nguyên mẫu. Nếu như tuổi thanh xuân của Lee Chang Ho trôi qua trong cô độc, chỉ có cờ vây bầu bạn thì Choi Taek lại nhận được sự yêu thương của hàng xóm láng giềng, gắn bó bền chặt cùng bốn người bạn thân là Duk Sun, Jung Hwan, Sun Woo và Dong Ryung.
Ở Choi Taek tồn tại hai khuôn mặt đối lập, một bên là sự thông thái, chững chạc, chín chắn khi ngồi trước bàn cờ, bên còn lại là sự ngốc nghếch, vụng về khi trở về trong vòng tay của những người bạn thân.
Taek luôn là người liên kết nhóm bạn lại với nhau. Nhà của Taek là nơi tụ tập của cả nhóm. Chính sự đối lập đó đã biến hình ảnh Choi Taek trở nên thú vị, độc đáo, bí ẩn, thôi thúc khán giả dõi theo chàng trai này cho đến tập cuối cùng.
Hành trình tỏa sáng của Choi Taek và phong cách chơi cờ của Lee Chang Ho
Biên kịch Lee Woo Jung đã dày công xây dựng hành trình tỏa sáng của Choi Taek ở Reply 1988 gần như tương đồng với phong cách chơi cờ của Lee Chang Ho. Thiên tài cờ vây thường không tạo ấn tượng sâu sắc cho đối thủ ở phần đầu của trận đấu, nhưng anh luôn khiến họ phải ngả mũ chịu thua khi hạ màn. Nói cách khác, phút cuối cùng mới là thời điểm Lee Chang Ho cho thấy hào quang của mình.
Choi Taek cũng vậy, ở phần đầu của loạt phim Reply 1988, anh khá chìm. Thời lượng xuất hiện của nhân vật này ở các tập đầu khá khiêm tốn. Biên kịch lật mở con người Choi Taek một cách từ từ, nhỏ giọt, để rồi đến gần cuối tác phẩm, chàng trai thiên tài này mới tỏa ra thứ sáng hấp dẫn mạnh mẽ khiến người ta dù muốn hay không cũng phải thừa nhận sự tan chảy vì anh.
Với Choi Taek, khán giả không thể nào đoán trước và không thể nào hiểu hết được cảm xúc, suy nghĩ và hướng hành động của anh. Chàng thanh niên thường đưa người xem đi từ bất ngờ này đến bất ngờ khác. Ngay cả trong hành trình chinh phục Duk Sun (Lee Hye Ri), biên kịch cũng để Choi Taek đi theo một phong cách hệt như lối chơi cờ của Lee Chang Ho, dẫn tới một kết quả ít ai có thể lường trước được.
Choi Taek hiếm khi có những hành động khiến phái nữ mê mệt như Jung Hwan (Ryu Jun Yeol) hay Sun Woo. Biên kịch tập trung xoáy sâu vào bầu không khí thoải mái giữa anh và Duk Sun. Choi Taek chọn những hành động, cử chỉ đơn giản để quan tâm người thương, không cần đao to búa lớn, không cần lời lẽ hoa mỹ, giống như Lee Chang Ho luôn chọn những nước đi an toàn, bình thường để hạ gục đối thủ.
Nếu như tình cảm của Jung Hwan đem đến những rung động mãnh liệt nhất thời thì tình yêu của Choi Taek nhẹ nhàng như mưa dầm thấm lâu.
Choi Taek cho thấy anh không chỉ yêu Duk Sun, mà còn cần cô. Duk Sun là chỗ dựa vững chắc, cũng là người duy nhất có thể khiến anh thay đổi theo chiều hướng tốt đẹp. Ngược lại, Choi Taek cũng là chốn đi về bình yên và đáng tin, có thể xoa dịu những tổn thương trong lòng Duk Sun.
Càng về cuối, Choi Taek càng cho thấy hết những sự nguy hiểm trong "nước cờ" tình yêu của anh. Trong cách tìm đến tận đơn vị Jung Hwan để nói chuyện, trong cách quyết định dành nụ hôn vào thời khắc quan trọng cho Duk Sun, Choi Taek đã cho thấy, bên trong hình ảnh một cậu bé ngây ngô, trong sáng là một người đàn ông mãnh mẽ, trưởng thành.