Chiến lược tiêm vaccine ngừa Covid-19 có cần điều chỉnh?Tin khácChủ động chuẩn bị điều kiện tiêm vắc xin cho trẻ em từ 5 đến dưới 12 tuôỉThể lệ tổ chức Cuộc thi trắc nghiệm 'Tìm hiểu về tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh' năm 2022
Chuyên gia y tế khuyến nghị đã đến lúc nhiều nước nên chú trọng tiêm phòng vaccine ngừa Covid-19 cho nhóm dễ bị tổn thương nhất thay vì đa phần dàn trải như hiện nay.Các chuyên gia cho rằng những người thuộc nhóm dễ bị tổn thương nhất nên được ưu tiên tiêm vaccine ngừa Covid-19 (ảnh minh họa). Ảnh: NPR
Không thể phủ nhận rằng vaccine đóng vai trò quan trọng, góp phần đẩy lùi sự lây lan của virus SARS-CoV-2 trong hơn hai năm qua. Tuy nhiên, tỷ lệ tiêm phòng đến nay vẫn ở mức thấp tại những quốc gia có thu nhập dưới trung bình, với hơn 50% dân số vẫn chưa được tiêm vaccine ngừa Covid-19. Thậm chí, tỷ lệ này là không đáng kể tại những nước nghèo nhất.
Theo thống kê của trang Our World in Data, châu Phi chỉ có 15% dân số được tiêm đầy đủ hai mũi. Trước thực trạng đó, Tiến sĩ Shabir Madhi, một chuyên gia về vaccine tại Đại học Witwatersrand (Nam Phi) cho rằng, chính phủ tại các nước có tỷ lệ tiêm phòng thấp nên chuyển sang ưu tiên tiêm cho những người dễ bị tổn thương nhất, bao gồm các đối tượng trong độ tuổi từ 50 trở lên hoặc có bệnh nền nhưng vẫn đủ điều kiện tiêm.
Đây là nhóm có thể mắc bệnh nghiêm trọng vì dịch Covid-19. Vì vậy, ông Madhi khuyến nghị mục tiêu phải đạt tỷ lệ tiêm phòng 90% trở lên ở nhóm này.
Dẫu vậy, nỗ lực này đang vấp phải rào cản từ một mục tiêu khác, đó là đạt tỷ lệ tiêm phòng 70% cho toàn bộ người trưởng thành của Tổ chức Y tế thế giới (WHO). Theo đó, khi đại dịch mới bắt đầu, các kết quả thử nghiệm lâm sàng cho thấy vaccine rất hiệu quả trong việc phòng Covid-19, qua đó làm dấy lên hy vọng rằng nếu 70% dân số bất kể tuổi tác hoặc tình trạng sức khỏe của một quốc gia được tiêm phòng sẽ giúp đạt miễn dịch cộng đồng và từ đó kiểm soát hiệu quả dịch bệnh.
Trên cơ sở đó, vào tháng 10-2021, WHO đề ra chiến lược bảo đảm mỗi nước trên thế giới có tỷ lệ bao phủ vaccine ở mức 70% vào giữa năm nay thông qua việc ưu tiên phân phối vaccine cho những nước có thu nhập thấp, nhất là tại châu Phi.
Thời gian qua, Liên hợp quốc khẳng định tỷ lệ tiêm phòng thấp ở một số khu vực đang “tiếp tay” cho đại dịch, khiến các biến thể sinh sôi và phát tán, từ đó thêm hàng triệu người trên thế giới có thể sẽ thiệt mạng và kéo dài suy giảm kinh tế toàn cầu. Sự xuất hiện của biến thể mới Omicron cho thấy dịch bệnh đang ngày càng lây lan nhanh hơn, trong khi đó khả năng miễn dịch của cơ thể lại giảm dần theo thời gian.
Vì thế, chuyên gia Madhi cho rằng, mục tiêu tiêm phòng cho 70% dân số cũng thay đổi và mỗi quốc gia cần phải tăng bao phủ vaccine ngừa Covid-19 lên cao hơn so với con số mà WHO vạch ra.
Ngoài ra, khả năng phòng ngừa bệnh chuyển biến nặng vẫn được duy trì sau khi tiêm phòng đang hướng cộng đồng chú ý sang cách thức vaccine bảo vệ người dân khỏi tác động tiêu cực nhất của bệnh chứ không còn chỉ tập trung vào vai trò trong hạn chế lây nhiễm nữa.
Do đó, giới chuyên gia cho rằng các nước có nguồn lực hạn chế nên ưu tiên tiêm phòng cho những người có nguy cơ cao mắc bệnh và chuyển nặng. “Đây sẽ là cách sử dụng vaccine và tận dụng nguồn lực hiệu quả hơn rất nhiều so với hiện nay”, ông Madhi nhận định.
Không riêng Tiến sĩ Madhi, các thành viên của nhóm tư vấn chiến lược (SAGE) về tiêm chủng, một trong những nhóm tư vấn chính cho các quyết sách của WHO, cũng nhiều lần khuyến nghị ưu tiên tiêm phòng cho những người trên 50 tuổi.
Tuy nhiên, do thông điệp này chưa được phổ biến nên nhiều nước vẫn tập trung tiêm phòng cho toàn dân, dẫn tới tiến độ tiêm phòng chậm. Đồng thời, các nhà khoa học tại Đại học Y khoa Harvard (Mỹ) nhấn mạnh, Covid-19 không chừa một ai nhưng có xu hướng gây nhiều biến chứng nghiêm trọng hơn ở người lớn tuổi và có các bệnh mãn tính.