Chiến lược xây dựng thương hiệu cho tỉnh Lào Cai (mới)
Một trục động lực mới đang mở ra những thời cơ vàng cho vùng kinh tế Tây Bắc Việt Nam vươn tầm khu vực, Lào Cai trở thành trung tâm kinh tế trọng điểm, đóng vai trò 'cửa ngõ ASEAN' kết nối với Trung Quốc và Tây Nam Á.

TS, Luật sư, Doanh nhân Phạm Hồng Điệp - Phó Chủ tịch Liên Chi hội Bất động sản Công nghiệp Việt Nam (VIERA) - Chủ tịch HĐQT Công ty CP Shinec.
LỜI TỰA
Trong bối cảnh và tình hình mới, Lào Cai sẽ định vị trên bức tranh kinh tế vùng trọng điểm như thế nào? Đồng thời, những vấn đề gì đang đặt ra cần sự chuyển mình từ chính nội tại của nền kinh tế cực Bắc? Để giải quyết những câu hỏi mang tầm nhìn chiến lược này, theo PGS. TS Trần Đình Thiên nhận xét: Quan điểm của Luật sư, Doanh nhân Phạm Hồng Điệp - Tác giả loạt bài chuyên đề về định vị nền kinh tế Lào Cai (mới) đã chỉ rõ hướng đi không chỉ cho riêng Lào Cai, mà cho nhiều nền kinh tế địa phương khác. Từ loạt bài chuyên sâu, doanh nhân Phạm Hồng Điệp đã phác họa tổng thể các vấn đề vĩ mô về đổi mới toàn diện tư duy (Bài 1) cho đến áp lực chuyển đổi một KCN cụ thể như Tằng Loỏng (Bài 2), qua đó mổ xẻ tận gốc rễ những nội hàm đa chiều nhằm khơi dậy, phát huy, đổi mới, tạo nên vùng trọng điểm bền vững được cân bằng của ba trụ cột Kinh tế - Môi trường - Xã hội.
Có thể thấy, loạt bài Chuyên đề của Doanh nhân Phạm Hồng Điệp đã kết tinh từ "Bộ Tứ Chiến lược" để tạo nên một Lào Cai (mới) với tầm nhìn dài hạn. Bộ Tứ này bao gồm: Nghị quyết 57 về khoa học công nghệ, Nghị quyết 59 về hội nhập quốc tế, Nghị quyết 66 về cải cách thể chế, và Nghị quyết 68 về phát triển kinh tế tư nhân.
Tạp chí Kinh tế Môi trường xin trân trọng tiếp tục giới thiệu Bài 3 trong chuyên đề dài kỳ của TS, Luật sư, Doanh nhân, Phạm Hồng Điệp - về một Lào Cai (mới) - hướng tới vùng kinh tế xanh bền vững và mục tiêu "Thành phố ASEAN" của tương lai.

Trên cơ sở Đề án số 389/ĐA-CP ngày 09 tháng 5 năm 2025 của Chính phủ về sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã của tỉnh Lào Cai (mới) năm 2025, Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành Nghị quyết số 1673/NQ-UBTVQH15 ngày 16/6/2025 về việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp xã của tỉnh Lào Cai năm 2025. Sáp nhập Lào Cai và Yên Bái thành tỉnh Lào Cai mới là bước ngoặt chiến lược, đưa vùng Tây Bắc Việt Nam vươn tầm khu vực. Với diện tích 13,256.92 km², dân số 1.66 triệu người, và GRDP tổng hợp khoảng 123,600 tỷ đồng (2024) việc sáp nhập Yên Bái vào Lào Cai mở ra một cơ hội lịch sử để tái cấu trúc không gian phát triển, tạo nên một vùng kinh tế động lực mới ở thượng nguồn sông Hồng, có vai trò “cửa ngõ ASEAN” kết nối với Trung Quốc và Tây Nam Á.
I. TẦM NHÌN THƯƠNG HIỆU
Lào Cai không chỉ là một tỉnh địa đầu biên giới, mà là: “Cửa ngõ ASEAN tại thượng nguồn sông Hồng – nơi bản sắc dân tộc hòa cùng nhịp hội nhập quốc tế”.
Lào Cai – Thành phố ASEAN sinh thái – bản sắc – kết nối quốc tế.
II.TRIẾT LÝ XÂY DỰNG THƯƠNG HIỆU
1. Sinh thái – Phát triển hài hòa với thiên nhiên
Lào Cai định vị là trung tâm phát triển bền vững của vùng biên giới phía Bắc, lấy bảo vệ môi trường và khai thác tài nguyên thiên nhiên một cách bền vững làm cốt lõi. Mô hình đô thị sinh thái được ưu tiên trong quy hoạch, hạ tầng xanh – thông minh được tích hợp nhằm gìn giữ cảnh quan và nâng cao chất lượng sống.
2. Bản sắc – Gìn giữ và lan tỏa giá trị văn hóa
Với sự đa dạng văn hóa dân tộc, đặc biệt là cộng đồng người Mông, Dao, Tày..., Lào Cai xây dựng thương hiệu dựa trên nền tảng bản sắc văn hóa đậm đà. Du lịch văn hóa, sản phẩm truyền thống và phong tục đặc trưng được phát huy, đưa Lào Cai trở thành điểm đến mang “linh hồn vùng cao” đặc trưng trong lòng ASEAN.
3. Kết nối quốc tế – Cầu nối ASEAN – Trung Quốc
Lào Cai giữ vai trò chiến lược trong hành lang kinh tế Côn Minh – Lào Cai – Hà Nội – Hải Phòng. Với cửa khẩu quốc tế, tuyến đường sắt liên vận, và hạ tầng logistics đang được đầu tư mạnh, Lào Cai được định vị là trung tâm giao thương xuyên biên giới, kết nối thị trường ASEAN với Tây Nam Trung Quốc và xa hơn nữa.
4. Thông điệp cốt lõi:
Lào Cai – Nơi thiên nhiên giao hòa, văn hóa hội tụ, thương mại kết nối – Thành phố ASEAN của tương lai.
III. GIẢI PHÁP XÂY DỰNG THƯƠNG HIỆU ĐỊA PHƯƠNG
1. Đặt nền tảng nhận diện thương hiệu cấp tỉnh
Biểu tượng logo tỉnh Yên Bái thể hiện sự đoàn kết, bản sắc văn hóa đa dạng và tiềm năng phát triển của tỉnh. Ba ngọn núi tượng trưng cho sức mạnh đoàn kết, hình chữ "YB" cách điệu từ hoa văn dân tộc, thể hiện sự giao thoa văn hóa. Ngôi sao năm cánh tượng trưng cho Tổ quốc, kết nối mọi dân tộc dưới mái nhà chung. Thủy điện Thác Bà và đồi Mâm Xôi là biểu tượng của sự phát triển công nghiệp và nông nghiệp của tỉnh.
Biểu tượng logo tỉnh Lào Cai có hình tam giác đều, tượng trưng cho núi non hùng vĩ và đặc biệt là đỉnh Fansipan, điểm nhấn của tỉnh. Bên trong tam giác có hình ảnh cách điệu của chữ "C" nằm trong chữ "L", tượng trưng cho mặt trời và cũng là biểu tượng cho sự phát triển, thịnh vượng. Hai dải mây vắt ngang qua đỉnh núi thể hiện hai dòng sông chính của Lào Cai là sông Hồng và sông Chảy, mang lại sự trù phú cho vùng đất này. Ngoài ra, các chi tiết như nhà sàn, đồi núi, mặt trời mọc cũng được thể hiện trong logo, tạo nên một bức tranh hài hòa giữa thiên nhiên, con người và văn hóa địa phương.

Lào Cai sau khi sáp nhập với tỉnh Yên với tầm nhìn thương hiệu trở thành cửa ngõ ASEAN tại thượng nguồn sông Hồng – nơi bản sắc dân tộc hòa cùng nhịp hội nhập quốc tế cần thiết phải xây dựng nền tảng nhận diện thương hiệu tỉnh Lào Cai (mới) với định hướng như sau:
1) Định vị lại thương hiệu vùng biên: "Lào Cai – Thành phố ASEAN bản sắc Việt". Đặt thương hiệu trong bối cảnh khu vực, gắn với các xu hướng: kết nối logistics – giao thương – du lịch trải nghiệm – hợp tác giáo dục. Phối hợp truyền thông quốc tế, tổ chức các diễn đàn, hội chợ, festival xuyên biên giới nhằm xây dựng hình ảnh năng động, hiện đại nhưng giàu bản sắc.
2) Thiết kế lại Logo thương hiệu: kết hợp hình tượng núi rừng Tây Bắc – trống đồng – con đường xuyên Á – hoa văn dân tộc. Trong đó:
- Hình tượng núi rừng Tây Bắc – Biểu trưng cho sinh thái và bản sắc địa phương: Phần nền của logo mang hình khối tam giác – cách điệu từ dãy Hoàng Liên Sơn hùng vĩ, nổi bật là đỉnh Fansipan, biểu tượng của đỉnh cao và khát vọng vươn lên; sử dụng tông màu xanh và nâu thể hiện thiên nhiên trù phú, hàm ý thành phố sinh thái, bền vững, thân thiện với môi trường.
- Họa tiết trống đồng – Tự hào nguồn cội văn hóa: Hình ảnh mặt trống đồng Đông Sơn được lồng ghép cách điệu vào phần trung tâm logo, tượng trưng cho chiều sâu văn hóa lịch sử lâu đời, bản sắc dân tộc đặc trưng; Các họa tiết chim lạc, hoa văn xoáy đồng tâm thể hiện tinh thần cộng đồng, đoàn kết và chuyển động vĩnh cửu của dân tộc.
- Hình ảnh con đường xuyên Á – Kết nối quốc tế và hội nhập; Một dải uốn lượn hoặc mũi tên hướng Đông – Tây biểu tượng cho tuyến hành lang kinh tế Côn Minh – Lào Cai – Hà Nội – Hải Phòng – Quảng Ninh. Đây là trục phát triển liên vùng, thể hiện vai trò của Lào Cai như một cửa ngõ giao thương của Việt Nam – ASEAN với Trung Quốc và kết nối sâu rộng với quốc tế.
- Hoa văn dân tộc – Dấu ấn văn hóa đa sắc: Các hoa văn thổ cẩm đặc trưng của dân tộc H’Mông, Dao, Tày,... được lồng ghép khéo léo ở phần viền hoặc đường nét logo nhằm khẳng định: Lào Cai là miền đất hội tụ văn hóa – nơi bản sắc trở thành sức mạnh mềm để phát triển. Màu sắc sử dụng tươi sáng nhưng hài hòa (đỏ, vàng, chàm, xanh) đại diện cho sự phong phú và đa dạng văn hóa các dân tộc anh em sinh sống nơi đây.
- Tổng thể logo truyền tải thông điệp: Lào Cai – điểm hội tụ của thiên nhiên, văn hóa và kết nối quốc tế. Một thành phố ASEAN giàu bản sắc, xanh bền vững và sẵn sàng vươn xa.
3) Khẩu hiệu truyền thông: “Từ đỉnh Fansipan vươn ra ASEAN – Thế giới đến với Lào Cai”.
2. Chiến lược thương hiệu theo nhóm ngành kinh tế trụ cột
- Thương mại – logistics quốc tế:
+Định vị: Lào Cai – Cửa ngõ thương mại xuyên Á
+Thông điệp thương hiệu: “Từ ASEAN đến Trung Quốc – kết nối liền mạch tại Lào Cai”
+Biểu tượng đề xuất: Hình ảnh cửa khẩu quốc tế, tuyến đường sắt liên vận, container, và bản đồ hành lang kinh tế.
- Chiến lược thương hiệu: (i) Xây dựng hình ảnh trung tâm logistics cửa khẩu thông minh; (ii) Quảng bá Lào Cai như nút giao vận tải hàng hóa quốc tế giữa Đông Nam Á và Tây Nam Trung Quốc; (iii) Gắn thương hiệu logistics với chuyển đổi số và dịch vụ hải quan hiện đại.

Hình ảnh minh họa: trung tâm logistics cửa khẩu thông minh
- Du lịch sinh thái – văn hóa – biên giới:
+ Định vị: Lào Cai – Bản sắc Tây Bắc giữa lòng ASEAN
+ Thông điệp thương hiệu: “Trải nghiệm nguyên bản – Khám phá đa sắc văn hóa”
+ Biểu tượng đề xuất: Fansipan, ruộng bậc thang, chợ phiên, trống đồng, trang phục dân tộc.
+ Chiến lược thương hiệu: (i) Xây dựng sản phẩm du lịch chuyên biệt cho du khách ASEAN và Trung Quốc (ngắn ngày, trải nghiệm bản địa, cảnh quan); (ii) Phát triển các điểm đến biểu tượng gắn với sinh thái và di sản dân tộc; (iii) Kết nối du lịch vùng biên – du lịch xuyên biên giới (Sa Pa – Côn Minh, Sa Pa – Hà Khẩu); (iv) xây dựng nhãn hiệu “Sản phẩm sinh thái Lào Cai” Du lịch bản địa “Sắc màu Lào Cai; (v) Xây dựng thương hiệu cụm: Du lịch Sa Pa – Mù Cang Chải – Tú Lệ- Festival văn hóa dân tộc ASEAN thường niên Nông – Lâm – Sản địa phương “Từ rừng núi Việt Nam đến bàn ăn thế giới”.

Sa Pa trong làn mây mờ ảo
- Công nghiệp chế biến – năng lượng sạch:
+ Định vị: Lào Cai – Trung tâm công nghiệp xanh Tây Bắc
+ Thông điệp thương hiệu: “Giá trị bền vững từ khoáng sản đến công nghệ”
+ Chiến lược thương hiệu: (i) Định vị Lào Cai là đầu mối luyện kim màu và chế biến sâu hàng đầu cả nước; (ii) Quảng bá cụm công nghiệp xanh, ưu tiên công nghệ thân thiện với môi trường; (iii) Kêu gọi đầu tư FDI có chọn lọc vào năng lượng tái tạo và công nghiệp phụ trợ.
- Nông nghiệp sinh thái và bản địa hóa:
+ Định vị: Lào Cai – Thủ phủ nông sản đặc hữu vùng cao
+ Thông điệp thương hiệu: “Từ đất cao – hạt sạch – nông nghiệp bản địa vươn xa”
+ Biểu tượng đề xuất: Quế, thảo quả, chè Shan, cá nước lạnh, mô hình OCOP.
+ Chiến lược thương hiệu: (i) Xây dựng hình ảnh “nông sản vùng cao chất lượng cao”, truy xuất nguồn gốc số; (ii) Kết hợp du lịch nông nghiệp với tiêu dùng đặc sản; (iii) Đẩy mạnh thương hiệu OCOP trên các nền tảng quốc tế, hướng tới thị trường ASEAN và Trung Quốc; (iv) Xây dựng chỉ dẫn địa lý “Hàng Việt qua Lào Cai” Công nghiệp Chế biến sâu, sinh thái, sạch; (v) Gắn thương hiệu với tiêu chuẩn ESG;
- Giáo dục – đào tạo – nhân lực vùng biên
+ Định vị: Lào Cai – Trung tâm đào tạo nguồn nhân lực liên vùng biên giới
+ Thông điệp thương hiệu: “Học để hội nhập – Vươn xa cùng khu vực”
+ Biểu tượng đề xuất: Biểu tượng sách mở, cầu nối tri thức, học sinh dân tộc.
+ Chiến lược thương hiệu: (i) Xây dựng hình ảnh thành phố học tập biên giới; (ii) Mở rộng hợp tác với các viện, trường ASEAN – Trung Quốc; (iii) Gắn đào tạo nghề, song ngữ với nhu cầu lao động logistics, du lịch, công nghiệp.
Các thương hiệu ngành tạo nên bản sắc tổng hợp: “Lào Cai – Sinh thái hội tụ, bản sắc lan tỏa, thương mại kết nối, công nghiệp bền vững”.
3. Truyền thông – quảng bá thương hiệu ra ASEAN & quốc tế
- Tổ chức các Tuần lễ Lào Cai tại Singapore, Bangkok, Quảng Châu.
- Xây dựng cổng thương hiệu số “Laocai ASEAN Gateway” – giới thiệu doanh nghiệp, sản phẩm, điểm đến.
- Sản xuất phim tài liệu “Lào Cai – đường lên ASEAN”, phát trên các kênh quốc tế như VTV4, CNN, Discovery (nếu có đối tác).
- Tăng hiện diện quốc tế: Hợp tác quốc tế với các địa phương Trung Quốc (Vân Nam), ASEAN và các tổ chức phát triển như JICA, GIZ, UNDP... Mở rộng mạng lưới giao lưu quốc tế: kết nghĩa thành phố, chương trình trao đổi văn hóa, sinh viên, doanh nghiệp...
IV. THIẾT CHẾ THỂ CHẾ HỖ TRỢ THƯƠNG HIỆU
1. Thành lập Trung tâm Xúc tiến Thương hiệu và Hội nhập ASEAN – Lào Cai:
- Phối hợp xúc tiến đầu tư – thương mại – du lịch – truyền thông thương hiệu.
- Làm đầu mối với các đại sứ quán, tổ chức quốc tế, hiệp hội doanh nghiệp ASEAN.
2. Thành lập Quỹ phát triển thương hiệu Lào Cai nhằm hỗ trợ các sản phẩm OCOP, startup bản địa, các doanh nghiệp xuất khẩu xây dựng nhãn hiệu quốc tế.
3. Đăng ký thương hiệu tập thể – bảo hộ chỉ dẫn địa lý tại ASEAN, Trung Quốc, EU như Quế Văn Yên, Gạo Tú Lệ, Chè cổ thụ, Đá Lục Yên…
V. THƯƠNG HIỆU LÀO CAI TRÊN TRƯỜNG QUỐC TẾ: ĐÍCH ĐẾN TƯƠNG LAI
Lào Cai không chỉ là một tỉnh biên giới Việt Nam, mà đang vươn mình trở thành điểm đến chiến lược của chuỗi giá trị khu vực ASEAN – Trung Quốc, với các lợi thế vượt trội về vị trí địa lý, bản sắc văn hóa và mô hình phát triển bền vững. Với mục tiêu đến năm 2030: Lào Cai trở thành "Thành phố ASEAN bản sắc Việt" – trung tâm kết nối kinh tế, văn hóa và sinh thái liên vùng Đông Dương – Tây Nam Trung Quốc.

Phấn đấu năm 2030 Lào Cai trở thành đô thị loại I mang tầm quốc tế, là “thủ phủ kết nối biên giới” của miền Bắc Việt Nam. Trở thành một điểm đến hàng đầu cho nhà đầu tư khu vực Đông Nam Á và Tây Nam Trung Quốc trong các lĩnh vực: logistics, du lịch, công nghiệp chế biến sạch, nông nghiệp đặc sản. Tầm nhìn đến năm 2045 Lào Cai trở thành thành phố trung chuyển hàng hóa, văn hóa và dịch vụ của vùng châu Á mở rộng, được công nhận là biểu tượng giao thoa ASEAN – Việt Nam – Trung Quốc.
Để cụ thể hóa mục tiêu trên, thành tựu thương hiệu cần đạt trong:
- Giai đoạn 2026 – 2030: 5 sản phẩm có thương hiệu được xuất khẩu ổn định; Lào Cai nằm trong top 10 điểm du lịch bản địa nổi bật Đông Nam Á; Hình thành bộ chỉ số nhận diện thương hiệu cấp tỉnh.
- Giai đoạn 2031 – 2045: Được công nhận là “Thành phố ASEAN tiêu biểu về bản sắc – sinh thái – kết nối”; Có sản phẩm địa phương đạt thương hiệu toàn cầu; Lào Cai trở thành thương hiệu quốc gia về du lịch – logistics – nông sản chế biến
Mời quý độc giả đón đọc Bài 4: Chiến lược để Lào Cai mới chủ động tham gia thị trường tín chỉ carbon