'Chạm' vào giấc mơ gần dân

HNN.VN - Sáng 1/7, mô hình Chính quyền địa phương hai cấp (CQĐPHC) chính thức được vận hành. Không khí tại Trung tâm Điều hành UBND thành phố Huế như căng hơn thường lệ. Trên màn hình lớn, 40 điểm cầu từ các xã, phường mới liên tục hiển thị tín hiệu, đánh dấu một thời khắc lịch sử của Huế, của đất nước.

Phó Chủ tịch Thường trực UBND thành phố, ông Nguyễn Thanh Bình kiểm tra các trung tâm hành chính công trong ngày đầu vận hành chính quyền địa phương hai cấp. Ảnh: Văn Bốn

Phó Chủ tịch Thường trực UBND thành phố, ông Nguyễn Thanh Bình kiểm tra các trung tâm hành chính công trong ngày đầu vận hành chính quyền địa phương hai cấp. Ảnh: Văn Bốn

Những kỳ vọng từ lòng dân

Tại các phường, xã mới được thành lập, người dân đến từ sớm. Có cụ già lặng lẽ cầm xấp giấy tờ, có người phụ nữ trẻ vừa bế con vừa dò tra cứu thủ tục trên điện thoại. Cán bộ ân cần tìm người dân cần hỗ trợ. Những tấm biển xã, phường còn thơm mùi sơn, lấp lánh dưới nắng sớm.

Ông Lê Văn Phúc (sinh năm 1957, phường Phú Xuân) vừa rời khỏi bộ phận một cửa của phường với vẻ mặt nhẹ nhõm. Ông khoe đã làm xong hồ sơ về đất đai. “Chính quyền mới phải lo cho mấy người già như tui. Giờ đi đứng khó khăn rồi, thủ tục mà rườm rà là khổ dân. Đừng để dân phải chạy tới lui, khổ lắm”.

Trung tâm Phục vụ hành chính công phường Phú Xuân trong ngày đầu vận hành. Ảnh: Lê Thọ

Trung tâm Phục vụ hành chính công phường Phú Xuân trong ngày đầu vận hành. Ảnh: Lê Thọ

Và mong ước ấy của ông Phúc đã được đáp ứng, khi ông rút trong hồ sơ tờ giấy hẹn, giơ lên, nhoẻn miệng cười: “Thủ tục đã xong, chờ ngày đến lấy kết quả”.

Không chỉ ở nội thành, tại những địa phương ven đô, không khí chuyển mình cũng rất rõ. Trên bãi biển Thuận An, Quảng Công (cũ), từng đoàn thuyền vừa trở về sau phiên biển sớm. Ông Dương Văn Hải, một ngư dân lâu năm ở vùng biển Quảng Công (nay là phường Phong Quảng) chia sẻ: “Chúng tôi mong chính quyền thực sự lắng nghe tiếng nói của dân”.

Gắn bó cả đời với biển, ông Hải hiểu rõ những khó khăn mà ngư dân đối mặt: Từ thủ tục hỗ trợ dầu, tàu lớn đến chính sách tín dụng vẫn còn rườm rà, chưa phù hợp với thực tế lao động. “Chúng tôi cần được đào tạo nghề biển, ứng dụng công nghệ số trong khai thác, bảo quản thủy sản, và tiếp cận thị trường tiêu thụ hiện đại”, ông Hải nói.

Ngư dân mong muốn chính quyền địa phương hai cấp quan tâm hơn trong quá trình vươn khơi. Ảnh: Lê Thọ

Ngư dân mong muốn chính quyền địa phương hai cấp quan tâm hơn trong quá trình vươn khơi. Ảnh: Lê Thọ

Người dân vùng biển cũng kỳ vọng CQĐPHC sẽ chủ động hơn trong phòng chống thiên tai, hỗ trợ bảo hiểm tàu cá, bảo hiểm tai nạn nghề nghiệp, những điểm tựa quan trọng giúp ngư dân an tâm vươn khơi.

Trên dãy Trường Sơn phía tây, nơi mây trắng phủ xuống từng triền núi, một vùng đất từng khó khăn nay đã trở thành các xã của thành phố. Trong căn nhà nhỏ giữa thôn Piây 2, xã A Lưới 2, bà Lê Thị Huế, nguyên cán bộ Hội Liên hiệp Phụ nữ xã Quảng Nhâm (cũ) trải lòng về kỳ vọng của mình trước mô hình CQĐPHC vừa được vận hành: “Đồng bào vùng cao thiếu thốn nhiều thứ, nhưng điều đáng lo nhất vẫn là khoảng cách tiếp cận công nghệ thông tin, không chỉ với người dân mà cả với cán bộ xã”.

Theo bà Huế, việc bỏ cấp huyện, tinh gọn bộ máy đang mở ra một hướng đi mới: Cán bộ cấp xã được tập huấn, tiếp cận công nghệ bài bản, ứng dụng phần mềm quản lý hành chính, xử lý hồ sơ nhanh hơn, chính xác hơn. Người dân không còn lo chuyện phải “xuống huyện”, mang theo giấy tờ phức tạp như trước. “Bây giờ chỉ cần căn cước công dân, hệ thống tự truy xuất dữ liệu, bảo mật cao, đỡ phiền dân mà cũng tiện cho cán bộ”, bà Huế nói.

Niềm tin đồng hành cùng đổi mới

Huế - vùng đất của di sản, không chỉ nổi danh bởi những dòng sông, dãy núi hay miền biển mênh mang mà còn bởi chiều sâu văn hóa đã thấm vào nếp sống, nếp nghĩ của bao thế hệ. Trong dòng chảy chuyển mình của bộ máy chính quyền mới, đời sống tôn giáo, nơi nương tựa tinh thần của nhiều người dân cũng đang dần cảm nhận những chuyển động tích cực.

Giữa làn khói hương trầm quyện trong không gian thanh tịnh của chùa Diêm Phụng (xã Vinh Lộc), Đại đức Thích Hồng Nghĩa cùng chư tăng trang nghiêm cử hành lễ thỉnh chuông, trống Bát Nhã. Mỗi tiếng chuông ngân vang, mỗi hồi trống trầm hùng thay lời cầu nguyện quốc thái dân an, đất nước phồn vinh, Nhân dân an lạc, hòa cùng nhịp thời đại khi đất nước chính thức bước vào vận hành mô hình CQĐPHC .

“Phật giáo luôn đồng hành cùng dân tộc”, Đại đức Thích Hồng Nghĩa chia sẻ: Chính quyền mới ở xã Vinh Lộc đang ứng dụng công nghệ thông tin mạnh mẽ, liên thông dữ liệu, giúp người dân làm thủ tục thuận tiện hơn, không còn mất thời gian đi lại như trước. “Tôi tin tưởng bộ máy CQĐPHC sẽ vận hành hiệu quả, gần dân hơn, phục vụ tốt hơn cho Nhân dân”, Đại đức bày tỏ.

Cán bộ phường hướng dẫn người dân khi đến giao dịch tại Trung tâm Hành chính công. Ảnh: Lê Thọ

Cán bộ phường hướng dẫn người dân khi đến giao dịch tại Trung tâm Hành chính công. Ảnh: Lê Thọ

Cùng mạch câu chuyện, ông Nguyễn Ngọc Vinh, Chủ tịch Hội đồng Giáo xứ Phủ Cam tin tưởng: “Chúng tôi đặc biệt quan tâm đến việc sắp xếp lại đơn vị hành chính, tổ chức lại bộ máy chính quyền. Đây không chỉ là một quyết định về mặt quản lý nhà nước, mà còn là bước đi lịch sử trong quá trình đổi mới đất nước”.

Theo ông Vinh, cộng đồng giáo dân tại Phủ Cam, nay thuộc phường Thuận Hóa hoàn toàn đồng lòng ủng hộ mô hình CQĐPHC . Trong truyền thống sống “tốt đời, đẹp đạo”, bà con giáo dân luôn xác định mình là một phần không thể tách rời của khối đại đoàn kết toàn dân, cùng chung tay xây dựng quê hương.

“Tôi tin rằng khi bộ máy mới ổn định, tổ chức tốt, sẽ giúp người dân tiếp cận các dịch vụ công nhanh hơn, thuận tiện hơn. Cái cần là sự gần gũi, sát dân và phục vụ với tinh thần cầu thị”, ông Vinh nói.

Không để ai bị bỏ lại phía sau trên hành trình số hóa

Thành phố Huế hôm nay không đơn thuần đổi biển tên, đổi dấu. Thành phố đang đổi cáh nghĩ, cách làm. CQĐPHC không phải một khẩu hiệu, càng không phải một cuộc “cải cách trên giấy”. Đó là trách nhiệm dấn thân, từ lãnh đạo đến cán bộ cơ sở để Huế không chỉ giữ được hồn cốt di sản, mà còn hội nhập, cạnh tranh, bứt phá trong thời đại số.

Không phải mọi thứ đều trơn tru trong ngày đầu vận hành CQĐPHC. Ở một số xã, phường mới thành lập, đặc biệt là những nơi sáp nhập từ xã cũ, nỗi lo không nằm ở bộ máy cán bộ, mà ở những bàn ghế còn xộc xệch, đường truyền internet chập chờn, máy in, máy scan vẫn còn lỗi. Có nơi còn chưa đủ phòng làm việc, cán bộ phải chia nhau từng góc nhỏ trong trụ sở còn tạm. Không ít nơi, bộ phận một cửa lắp đặt vội vàng, phần mềm chạy chưa ổn định, khiến nhiều hồ sơ đầu tiên phải xử lý thủ công...

Cán bộ Trung tâm Phục vụ hành chính công phường Thuận Hóa giải quyết hồ sơ tồn đọng cho người dân. Ảnh: Thanh Hương

Cán bộ Trung tâm Phục vụ hành chính công phường Thuận Hóa giải quyết hồ sơ tồn đọng cho người dân. Ảnh: Thanh Hương

Cán bộ xã, phường vốn quen xử lý những công việc dân sinh thường nhật giờ đảm đương thêm các nghiệp vụ hành chính phức tạp mà trước đây cấp huyện phụ trách. “Có lúc cả ba máy tính đều "đơ" giữa chừng, dân đợi mà mình không biết xoay xở sao”- một cán bộ trẻ ở vùng ven chia sẻ.

Sự chuyển đổi về mô hình không thể một sớm một chiều phủ lấp hết khoảng trống về thiết bị, hạ tầng. Nhưng từ trong những thiếu thốn ấy, vẫn thấy được sự nỗ lực. Cái khó nếu nhìn bằng thiện chí có khi lại là cơ hội để chính quyền rèn mình trong gian khó, để một mô hình mới không chỉ thành công trên giấy, mà thực sự đứng vững trong lòng dân.

Hồ sơ tồn đọng, tưởng như câu chuyện muôn thuở đang dần được tháo gỡ nhờ cách làm mới: Đưa công chức từ các phòng chuyên môn xuống trực tiếp hỗ trợ địa bàn. Không có chuyện “chờ tổng hợp” như trước.

Phó Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND phường Thuận Hóa Trương Đình Hạnh cho biết, hiện địa phương đang tập trung giải quyết gần 300 hồ sơ tồn đọng, chủ yếu liên quan đến cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Các hồ sơ được rà soát, phân loại kỹ càng theo mốc thời gian để xử lý hiệu quả, tránh gây phiền hà cho người dân.

Sáng 1/7, khi mô hình CQĐPHC chính thức được vận hành, không khí tại Trung tâm Điều hành UBND thành phố Huế như căng hơn thường lệ. Trên màn hình lớn, 40 điểm cầu từ các xã, phường mới liên tục hiển thị tín hiệu. Mọi sự thay đổi, dù nhỏ nhất, đều được theo dõi sát sao.

UVTV Thành ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND thành phố, ông Nguyễn Thanh Bình có mặt từ sớm. Ông Bình lặng lẽ quan sát rồi chia sẻ: “Chúng tôi chuẩn bị cho ngày này một cách kỹ lưỡng. Không để có sự lơi lỏng nào trong khâu phục vụ người dân”.

Chỉ trong buổi sáng đầu tiên, hệ thống đã tiếp nhận hơn 380 hồ sơ hành chính. Một vài sự cố kỹ thuật ban đầu được bộ phận chuyên môn xử lý kịp thời, nhờ đó dòng chảy dịch vụ công không bị gián đoạn.

“Vận hành bộ máy mới là quá trình thử thách, nhưng tinh thần chung là tất cả phải hướng đến người dân, phải nhanh, thuận tiện và minh bạch”, ông Bình nói. Ông Bình thông tin, từ nay đến cuối năm 2025, thành phố đặt mục tiêu hoàn thiện chuyển đổi số toàn diện tại 40 đơn vị hành chính cấp xã, tiến tới vận hành hệ thống dịch vụ công theo địa chỉ số.

Trong bước chuyển mình ấy, điều quan trọng nhất, theo ông Bình, chính là “không để ai bị bỏ lại phía sau trên hành trình số hóa bộ máy phục vụ Nhân dân”.

Khát vọng ấy không nằm trên diễn đàn, mà trong từng bước chân dân làng lên phường, từng hồ sơ được xử lý gọn gàng, từng ánh mắt cảm ơn không thành lời. Mô hình CQĐPHC này khi đi đến đích, không chỉ là thành công của một thiết kế thể chế, mà là thành công của một chính quyền biết trở lại nơi nó sinh ra: Giữa lòng dân.

Nhóm PV

Nguồn Thừa Thiên Huế: https://huengaynay.vn/chinh-tri-xa-hoi/theo-dong-thoi-su/cham-vao-giac-mo-gan-dan-155229.html