Chiến sĩ quân hàm xanh nuôi dưỡng những 'chồi non' nơi biên giới, hải đảo (Bài 3): Những 'mầm ươm' trưởng thành

Đổi mới công tác vận động quần chúng trong bộ đội biên phòng (BĐBP) không chỉ ở xây dựng kế hoạch, hay những khẩu hiệu đơn thuần mà phải là thước đo hiệu quả công việc của những mô hình, việc làm cụ thể, có sức lan tỏa. Sự trưởng thành của những 'mầm ươm' nơi vùng biên viễn hay biển đảo tuy chưa nhiều nhưng những nhân tố tích cực ấy đang bừng sáng, mạnh mẽ như đóa hoa hướng dương.

Gia đình anh Thông Lun và bé Bun Xu (tỉnh Hủa Phăn – Lào) tiễn cán bộ, chiến sĩ ĐBP Bát Mọt sau lần sang thăm, động viên.

Trái ngọt – phần thưởng vô giá

Năm học 2020-2021, Nguyễn Thị Huyền (sinh năm 2002), thôn Chiến Thắng, xã Ngư Lộc (Hậu Lộc) đạt giải nhất học sinh giỏi cấp tỉnh môn Hóa học và được tuyển thẳng vào Trường Đại học Ngoại Thương (Hà Nội) với thành tích 3 năm học THPT đều là học sinh giỏi. Gia đình con sống ở vùng bãi ngang ven biển đặc biệt khó khăn, bố đi biển nhiều năm vất vả và bị tai nạn lao động đành nghỉ ở nhà. Cuộc sống mưu sinh dồn hết lên vai người mẹ - trụ cột của bố và 3 anh chị em của Huyền. Trớ trêu thay, anh trai Huyền còn bị khuyết tật bẩm sinh. Bám sát địa bàn, năm 2019, Đồn biên phòng (ĐBP) Đa Lộc (Hậu Lộc) nhận đỡ đầu nâng bước em đến trường hết lớp 12, mỗi tháng 500 ngàn đồng. Ngày con đón nhận kết quả học sinh giỏi môn Hóa học cấp tỉnh và nhập học trường đại học đúng vào thời điểm cách ly COVID-19 nên các chú ĐBP không đến chúc mừng được, nhưng cuộc điện thoại của chú Trường - cán bộ được đồn phân công phụ trách, nâng đỡ con gọi chia vui, cả gia đình xúc động vô cùng. Từ đây cánh cửa tương lai rộng mở với con hơn, có cơ hội, điều kiện để phát triển bản thân.

Nay Huyền đang là sinh viên năm thứ 2 Khoa Kinh tế quốc tế. Em chia sẻ: “Con rất may mắn và biết ơn các chú đã dành tình cảm, sự quan tâm và hỗ trợ kinh phí giúp đỡ con vượt qua khó khăn. Hơn thế nữa, các chú luôn là người khích lệ, động viên và tạo động lực giúp con học tập, phát triển bản thân như hiện tại. Con mơ ước trở thành một chuyên viên phân tích dữ liệu trong tương lai và có thể giúp đỡ được nhiều người nhất có thể”.

Ở cụm Phôn Xay, huyện Sầm Tớ, tỉnh Hủa Phăn (Lào), những năm trước, ĐBP Bát Mọt nhận hỗ trợ em Nàng Kéo, sinh năm 2002 (bản Hang), cụm Phôn Xay, huyện Sầm Tớ, tỉnh Hủa Phăn (Lào) có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn theo chương trình “Nâng bước em đến trường” 4 năm học từ lớp 9 đến lớp 12. Sau 3 năm hoàn thành THPT, Nàng Kéo đã có điều kiện cơ bản để xin việc làm và đang làm việc tại thủ đô Viêng Chăn với mức thu nhập ổn định.

Khoảng trống mồ côi của các con hay gia cảnh quá khó khăn đã được những người lính quân hàm xanh bồi đắp dần bằng những nghĩa cử cao đẹp, không dừng lại ở việc chăm lo ăn uống, học hành mà còn định hướng tương lai, nghề nghiệp. Chương trình “Con nuôi ĐBP”, “Nâng bước em tới trường” là nội dung cụ thể hóa cuộc vận động “Phát huy truyền thống, cống hiến tài năng, xứng danh Bộ đội Cụ Hồ”. Mỗi em nhỏ được tới trường không chỉ là niềm vui của mỗi gia đình, nhà trường mà còn là niềm vui của cán bộ, chiến sĩ biên phòng. Bởi việc nuôi dưỡng, nâng đỡ các con đến trường, học nghề đã giải quyết được nhiều hệ lụy, đó là: Tỷ lệ học sinh bỏ học giữa chừng hàng năm giảm đáng kể; các em mạnh dạn, tự tin tham gia các hoạt động xã hội, rèn luyện thể chất, học lực tiến bộ rõ rệt. Số học sinh tốt nghiệp THPT cao hơn, các em đỗ đại học nhiều hơn, vào học các trường có uy tín, chất lượng, có điều kiện phấn đấu trưởng thành là công dân có ích cho xã hội.

Theo thống kê của Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh, từ năm 2016 đến 2021 có 1 cháu đạt giải nhất môn Hóa học trong kỳ thi học sinh giỏi cấp tỉnh năm học 2020-2021; 3 cháu đạt giải nhì và giải ba cấp huyện; 5 cháu đỗ vào các trường đại học, cao đẳng. Năm 2019, có 2 cháu học hết lớp 12 do điều kiện kinh tế gia đình khó khăn nên nghỉ học đi làm. Năm 2020, đơn vị đã liên hệ với Trường Hữu Nghị T78 (dạy tiếng Việt cho lưu học sinh nước bạn Lào và đào tạo nhân lực cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi) xét tuyển cho 4 cháu vào học tại trường trong đó có 2 cháu trong chương trình nâng bước em tới trường. Năm học 2020-2021 có 7 cháu học hết lớp 12; có 21/87 cháu đạt học sinh giỏi; 42/87 cháu học lực khá; 24/87 cháu học lực trung bình.

Có thể kể đến thành tích học tập của một số em tiêu biểu, như: Nguyễn Thị Huyền ở xã Ngư Lộc (Hậu Lộc); Hoàng Nguyễn Cẩm Vân, xã Thiết Ống (Bá Thước), học sinh giỏi cấp huyện môn Giáo dục công dân; Nguyễn Lê Hà Uyên, phường An Hưng, TP Thanh Hóa, đạt giải 3 học sinh giỏi môn Giáo dục công dân, nay đang học tại Học viện Cảnh sát Nhân dân; Hoàng Đức Anh, xã Nghi Sơn (thị xã Nghi Sơn), giải 3 học sinh giỏi Toán cấp thị xã; Cao Diễm Quỳnh, phường Trung Sơn, TP Sầm Sơn, giải 3 học sinh giỏi cấp tỉnh môn Địa lý...

Là địa phương khởi xướng, đi đầu thực hiện “Con nuôi ĐBP” năm 2013 và phát triển chương trình này đạt được nhiều kết quả, Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh đã được lãnh đạo Đảng, Nhà nước, ban, bộ, ngành Trung ương, Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng ghi nhận, đánh giá cao; cấp ủy, chính quyền và Nhân dân khu vực biên giới đồng tình, ủng hộ. Bởi qua việc đỡ đầu, nuôi dưỡng các em là cơ sở để BĐBP phát hiện, bồi dưỡng, “ươm mầm” những hạt nhân nòng cốt trong phong trào toàn dân tham gia bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia, đồng thời góp phần tăng cường đoàn kết quân - dân, tạo nguồn nhân lực phục vụ xây dựng, phát triển vùng biên giới ngày càng vững mạnh, củng cố vững chắc thế trận lòng dân bảo vệ biên cương Tổ quốc.

Hạnh phúc của Đồn là niềm tin dân bản

Có thể nói BĐBP là lực lượng đóng vai trò cầu nối, gắn kết giữa Nhân dân, cấp ủy, chính quyền hai bên biên giới, vùng ven biển. Một mặt, đó là lực lượng “chốt chặn”, bảo vệ cho bình yên vùng biên và cũng là “điểm tựa” cho bà con nơi đây phát triển sản xuất, sinh hoạt. Chính sự gần gũi, sát sao ấy cũng như những đóng góp bình dị nhưng hết sức thiết thực đã tạo chỗ đứng vững chãi cho BĐBP trong lòng Nhân dân. Các anh đem no ấm về cho dân bản, trực tiếp tham gia vào định hướng, triển khai phát triển kinh tế, nâng cao đời sống văn hóa - xã hội của địa phương; tham gia chương trình xã hội học tập, phổ cập giáo dục, vận động học sinh bỏ học trở lại trường, học sinh trong độ tuổi đến trường; hỗ trợ hằng trăm ngày công lao động giúp các hộ sản xuất, giúp các nhà trường cải tạo một số công trình; xây dựng mái ấm chiến sĩ nơi biên giới tặng các đồng chí cán bộ biên phòng có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn về nhà ở, giúp đồng đội yên tâm bám bản làng, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao... Nhờ có sự vào cuộc của cán bộ, chiến sĩ BĐBP, tỷ lệ hộ nghèo tại các vùng biên giới, nơi địa bàn đứng chân từng bước giảm, đời sống được nâng lên đã nhân thêm niềm tin yêu của bà con đối với lực lượng biên phòng.

Đồn Biên phòng Bát Mọt tặng quà cho các cháu trong chương trình nâng bước em tới trường nhân ngày Biên phòng toàn dân.

Trong lần trò chuyện cùng anh Thông Lun, bố của Bun Xu ở bản Thà Láu, cụm Phôn Xay, huyện Sầm Tớ, tỉnh Hủa Phăn (Lào), lúc tiễn chúng tôi và cán bộ, chiến sĩ ĐBP Bát Mọt ra về, anh bịn rịn ra ký hiệu ngôn ngữ và được dịch lại rằng: “Tôi rất biết ơn cán bộ, chiến sĩ ĐBP. Mong con tôi và nhiều cháu đặc biệt khó khăn khác được học hành, có cơm no, áo mặc ấm... để tương lai không mù mịt”.

Còn biết bao hoàn cảnh học sinh, con trẻ đặc biệt khó khăn cần được giúp đỡ, nhưng tình quân dân biên giới hợp tác hữu nghị và phát triển, cán bộ, chiến sĩ các ĐBP giáp biên trên địa bàn tỉnh vẫn đảm nhiệm hai vai “Hai trong một” vừa vai phụ huynh của con nuôi ĐBP, vừa vai người thân chăm lo hỗ trợ các con đến trường, định hướng tương lai để các con không tự ti, mặc cảm, phấn đấu nuôi dưỡng ước mơ vượt khó.

Bí thư Đảng ủy xã Bát Mọt (Thường Xuân) Lương Thị Lưu, tâm đắc bày tỏ: “Với những việc cán bộ, chiến sĩ BĐBP đã và đang làm đều giúp ích được nhiều cho gia đình, cùng với hệ thống chính trị địa phương xây dựng và bảo vệ biên cương!”.

Với những đóng góp tích cực cho chính quyền và người dân, song niềm vui lớn nhất của cán bộ, chiến sĩ biên phòng tỉnh Thanh Hóa chính là niềm tin yêu của bà con dân bản. Các anh đã và đang xây dựng hình ảnh đẹp trong lòng dân, xứng đáng với niềm tin yêu của đồng bào các dân tộc nơi biên giới, biển đảo, làm cho hình ảnh “Bộ đội Cụ Hồ” luôn tỏa sáng đúng như thực hiện Cuộc vận động “Phát huy truyền thống, cống hiến tài năng, xứng danh Bộ đội Cụ Hồ”.

Bài và ảnh: Lê Hà - Hoàng Lan

Bài cuối: Lan tỏa ý nghĩa nhân văn từ chương trình “Nâng bước em tới trương” và “Con nuôi đồn biên phòng”.

Nguồn Thanh Hóa: http://baothanhhoa.vn/quoc-phong-an-ninh/chien-si-quan-ham-xanh-nuoi-duong-nhung-choi-non-noi-bien-gioi-hai-dao-bai-3-nhung-mam-uom-truong-thanh/188958.htm