Chiến sự Dải Gaza: Những lằn ranh bị phá vỡ

Khi lệnh ngừng bắn kết thúc cũng là lúc những màn giao tranh mới bắt đầu. Quân đội Israel dồn dập triển khai đợt tấn công mới trong 'ngày giao tranh ác liệt nhất' với phong trào Hamas. Những đợt bom đạn liên tục dội xuống miền Nam Gaza có nguy cơ gây ra làn sóng di tản mới và khiến thảm họa nhân đạo ở Gaza trở nên tồi tệ hơn.

Các quan chức Israel cho biết quân đội nước này với sự hỗ trợ của máy bay chiến đấu đã tham gia vào các đợt giao tranh dữ dội ở Dải Gaza kể từ 5/12 (giờ địa phương), một ngày sau khi quân đội bao vây trung tâm thành phố Khan Younis trong giai đoạn tấn công mới.

Dải Gaza đang trở thành vùng đất nguy hiểm sau các đợt giao tranh khốc liệt giữa Israel và phong trào Hamas.Ảnh: UNRWA

Dải Gaza đang trở thành vùng đất nguy hiểm sau các đợt giao tranh khốc liệt giữa Israel và phong trào Hamas.Ảnh: UNRWA

Người phát ngôn Lực lượng Phòng vệ Israel (IDF) Jonathan Conricus khẳng định, chiến dịch này không chỉ dừng lại ở việc xóa sổ phong trào Hamas, mà còn bao gồm việc loại bỏ mối đe dọa từ các nhóm vũ trang khác tại Gaza. Theo đó, mục tiêu của chiến dịch là phá hủy toàn bộ các hạ tầng quân sự tại Gaza có thể tạo ra mối đe dọa đối với người dân Israel, bất kể là của Hamas, nhóm thánh chiến Jihad hay lực lượng nào khác.

Tư lệnh miền Nam của Lực lượng Phòng vệ Israel (IDF) Yaron Finkelman tuyên bô, quân đội nước này "đang trong ngày căng thẳng nhất kể từ khi bắt đầu chiến dịch trên bộ". Trong khi đó, cánh vũ trang của Hamas, Lữ đoàn Al-Qassam, cho biết các chiến binh của họ đã giao tranh với quân đội Israel và tấn công hàng trăm mục tiêu trong khu vực, bao gồm cả một đơn vị lính chiến của Israel. Cũng trong chiều 5/12, Hamas tiếp tục bắn nhiều loạt tên lửa và rocket vào miền Trung và miền Nam Israel, trong đó có ít nhất 15 quả bắn tới Tel Aviv và sân bay quốc tế Ben Gurion.

Quan chức cấp cao của Hamas Osama Hamdan đồng thời tuyên bố sẽ không có cuộc đàm phán hay trao đổi tù nhân cho đến khi Israel chấm dứt hành động quân sự ở Gaza. Kể từ khi lệnh ngừng bắn giữa hai bên sụp đổ hồi đầu tháng, Israel đã đăng một bản đồ trực tuyến thông báo những khu vực cần sơ tán cho người dân Gaza để tránh các cuộc tấn công, trong đó khu vực phía Đông Khan Younis được khoanh vùng rất đậm. Điều này đã đẩy hàng trăm nghìn cư dân lâm vào tình thế bị động, buộc phải chạy trốn dù không biết đi về đâu khi các thị trấn và nơi trú ẩn đã quá tải. Con đường chạy trốn của họ cũng không hề an toàn.

Các quan chức y tế Gaza cho biết nhiều thường dân đã thiệt mạng trong cuộc tấn công của Israel vào các ngôi nhà ở Deir al-Balah, phía Bắc Khan Younis. Theo số liệu do Hamas công bố, kể từ ngày 7/10 đến ngày 5/12, 16.248 người Palestine đã thiệt mạng do các cuộc tấn công của Israel vào Dải Gaza, trong đó có tới 70% là phụ nữ và trẻ em. Trong khi đó, giới chức Israel cho biết khoảng 1.200 người tại Israel đã thiệt mạng trong cuộc tấn công bất ngờ của Hamas, với hơn 130 con tin bị bắt giữ kể từ 7/10. Những lằn ranh tưởng chừng đã đạt được nhờ thỏa thuận ngừng bắn liên tục được gia hạn giữa Israel và Hamas đã dần bị phá vỡ.

Trong bối cảnh thương vong tiếp tục gia tăng sau những đợt giao tranh dữ dội tại Dải Gaza, Mỹ - đồng minh thân cận nhất của Israel - đã nhắc lại yêu cầu rằng Tel Aviv cần phải làm nhiều hơn để giảm thiểu thiệt hại cho dân thường. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Matthew Miller trong một cuộc họp báo ngày 5/12 nhận định rằng, Israel chưa hành động đủ để cho phép thêm nhiên liệu và viện trợ vào Gaza.

Trong khi đó, Ông Richard Peeperkorn, đại diện của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) tại Dải Gaza cảnh báo tình hình tại nơi đây "đang trở nên tồi tệ hơn từng giờ", khi các vụ đánh bom tăng cường đang diễn ra khắp nơi, bao gồm cả ở khu vực phía Nam, Khan Younis và thậm chí cả ở Rafah. Người phát ngôn của Quỹ Nhi đồng Liên Hợp Quốc (UNICEF) James Elder cũng cho biết, các khu vực ở Gaza được Israel được cho là an toàn cũng chưa đáp ứng được các yêu cầu cơ bản, đồng thời cảnh báo rằng việc thiếu điều kiện vệ sinh và nơi trú ẩn đang khiến dịch bệnh bùng phát. Những nỗ lực nhân đạo cũng vì thế trở nên ngày càng mong manh hơn.

Đứng trước những diễn biến xung đột ngày một leo thang tại Dải Gaza, Hội đồng Hợp tác vùng Vịnh (GCC) ngày 5/12 đã cảnh báo về tình hình xung đột giữa Israel và Hamas, đồng thời kêu gọi ngừng bắn nhân đạo ngay lập tức. Trong Tuyên bố Doha được thông qua tại phiên họp thứ 44 của Hội đồng tối cao GCC ở Qatar, lãnh đạo các nước GCC cảnh báo về mối nguy hiểm của việc mở rộng đối đầu và xung đột lan rộng sang các khu vực khác ở Trung Đông. Lãnh đạo và đại diện của 6 nước GCC (gồm Qatar, Arab Saudi, Bahrain, Oman, Kuwait và UAE) cùng khách mời là Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan tham dự hội nghị trên. GCC nhấn mạnh rằng khu vực Trung Đông đang phải đối mặt với những thách thức nguy hiểm do việc Israel ném bom vào Dải Gaza dẫn đến bạo lực leo thang.

Tuyên bố cũng kêu gọi đạt được lệnh ngừng bắn toàn diện và bền vững, đồng thời đảm bảo việc đưa tất cả hàng viện trợ nhân đạo vào Gaza. Trong khi đó, Qatar - quốc gia trung gian cho quyết định ngừng giao tranh đầu tiên giữa Israel và phong trào Hamas - chia sẻ đang nỗ lực để đảm bảo đạt được một lệnh ngừng bắn mới. Tuy nhiên, Tiểu vương Sheikh Tamim bin Hamad Al Thani nói rằng điều đó vẫn không thể nào thay thế cho lệnh ngừng bắn lâu dài.

An Nhiên

Nguồn CAND: https://cand.com.vn/quoc-te/chien-su-dai-gaza-nhung-lan-ranh-bi-pha-vo-i716170/