Chiến sự Gaza có nguy cơ lan ra khu vực và mối đe dọa từ ẩn số 'mạnh hơn cả Hamas'
Các cuộc giao tranh giữa lực lượng Hezbollah ở Lebanon và lực lượng vũ trang ở phía Bắc Israel là dấu hiệu cho thấy cuộc xung đột ở dải Gaza có thể lan rộng ra khu vực.
Nhân tố thay đổi cuộc chơi
Với việc một cuộc tấn công bất ngờ vào phía Bắc dải Gaza của Israel có khả năng sắp diễn ra, cuộc xung đột hiện nay sẽ liên quan đến một số nhân tố khu vực khác, trong đó có Hezbollah và có thể là Iran.
Trong một diễn biến liên quan, hôm qua (13/10), khói bốc lên ở biên giới Israel - Lebanon sau vụ pháo kích của Israel. Các nguồn tin ở Lebanon cho biết vụ pháo kích đã đánh trúng 1 trạm quan sát của quân đội Lebanon ở biên giới, sau khi quân đội Israel cảnh báo về một cuộc xâm nhập vũ trang.
Nếu Hezbollah quyết định tham chiến thì điều đó "sẽ chẳng khác nào một nhân tố thay đổi cuộc chơi", Firas Maksad, học giả cấp cao tại Viện Trung Đông nhận định với CNBC.
Theo chuyên gia này, Hezbollah là "một lực lượng chiến đấu có khả năng lớn hơn nhiều so với Hamas và được công nhận là lực lượng quân sự phi nhà nước mạnh nhất thế giới".
"Đây sẽ là nhân tố thay đổi cuộc chơi, không chỉ với Israel mà còn với toàn bộ khu vực".
Hezbollah hoạt động với tư cách vừa là một đảng chính trị, vừa là một nhóm bán quân sự. Lực lượng này bị Mỹ chỉ định là một tổ chức khủng bố. Hezbollah nắm giữ quyền lực lớn ở Lebanon, với 62 ghế trong Quốc hội, đồng thời là một đơn vị quân sự ủy nhiệm được Iran ủng hộ.
Hezbollah được thành lập trong cuộc nội chiến Lebanon năm 1982 với sự ủng hộ từ Iran và Lực lượng Vệ binh Cách mạng Hồi giáo của nước này. Sức mạnh của Hezbollah được tăng cường sau cuộc chiến với Israel năm 2006 và lực lượng này đã phát triển vượt qua cả quân đội Lebanon để trở thành lực lượng quân sự chính tại đây.
Hiện nay, theo các chuyên gia, Hezbollah không có được sự ủng hộ trong nước như năm 2006 để hỗ trợ một chiến dịch quân sự trong cuộc xung đột giữa Israel và Hamas.
Dù vậy, chuyên gia Joseph Daher nhận định với CNBC, "Hezbollah không chỉ là một nhân tố chính trị và quân sự chủ chốt của Lebanon mà còn là một nhân tố quan trọng trong khu vực".
Theo ông, quy mô cuộc xung đột hiện nay "sẽ phụ thuộc vào việc Hezbollah có can thiệp hay không". Nhóm này "đã tích lũy được nhiều kinh nghiệm, đặc biệt trên chiến trường Syria, cũng như ở Iraq và Yemen”.
Hezbollah vẫn do dự tham chiến
Hilal Khashan, Giáo sư về khoa học chính trị tại Đại học Mỹ ở Beirut cho rằng, Hezbollah vẫn do dự trong việc tham chiến với toàn bộ lực lượng.
"Bất kể quyết định của Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu là gì, Hezbollah sẽ không mở một mặt trận mới từ phía Nam Lebanon để chống lại Israel bởi điều đó sẽ tạo điều kiện để Israel phá hủy Lebanon. Iran đã thông báo cho Israel và Mỹ qua các bên thứ ba rằng nước này sẽ kiềm chế Hezbollah", chuyên gia này cho hay.
Ngày 13/10, Phó lãnh đạo Hezbollah Naim Qassem tuyên bố đã "chuẩn bị đầy đủ" để tham gia cùng Hamas trong cuộc chiến chống lại Israel vào thời điểm thích hợp. Ông nói, việc "các nước lớn, các nước Arab và đặc phái viên của Liên Hợp Quốc, trực tiếp và gián tiếp đề nghị chúng tôi không can thiệp vào trận chiến, sẽ không có tác động đến chúng tôi. Hezbollah biết nghĩa vụ của mình".
Trong khi đó, hiện nay, Lebanon đang đối mặt với cuộc khủng hoảng kinh tế tồi tệ nhất lịch sử với lạm phát ở mức 3 chữ số và đồng tiền quốc gia giảm hơn 90% giá trị kể từ cuộc khủng hoảng kinh tế năm 2019. Gần 3/4 người dân Lebanon sống trong tình trạng đói nghèo.
Do đó, theo nhà quan sát Maksad, Hezbollah sẽ phải cân nhắc đến lập trường của người dân ở Lebanon.
Thủ tướng Israel Netanyahu đã ra dấu hiệu sẽ tiến hành một cuộc tấn công mặt đất vào dải Gaza trong những ngày tới. Để thể hiện sự đoàn kết, chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden đã điều một nhóm tác chiến tàu sân bay tới phía Đông Địa Trung Hải. Mỹ "đang làm hết sức để cố gắng ngăn chặn Hezbollah và Iran tham gia vào cuộc chiến này", ông Maksad nhận định với CNBC.
Việc triển khai nhóm tác chiến tàu sân bay Mỹ USS Gerald R. Ford cho thấy "chính quyền Mỹ đang cố gắng kiềm chế xung đột", chuyên gia này đánh giá.
Mối đe dọa về lực lượng Hezbollah ngày càng gia tăng trong khu vực và theo Giáo sư Khashan, thành phần của lực lượng này "tương đương với một đội quân châu Âu ở quy mô trung bình".