Chiến sự Gaza leo thang tới đâu?
Không chỉ cuộc chiến ở Gaza, Israel còn đối mặt bất ổn gia tăng tại các thành phố có nhiều sắc dân chung sống
Quân đội Israel đang lên kế hoạch tấn công trên bộ vào Dải Gaza. Tuy chiến dịch nói trên còn chờ chính phủ Israel xem xét song những ngày gần đây, Lực lượng Phòng vệ Israel (IDF) đã triển khai thêm bộ binh đến biên giới, bao gồm các lữ đoàn nhảy dù, bộ binh Golani và thiết giáp số 7. Các lực lượng đổ bộ đường không, xe tăng, pháo binh và bộ binh cơ giới cũng đã sẵn sàng.
Trong khi đó, Israel tiếp tục không kích ác liệt vào các vị trí mà họ cho là liên quan đến Hamas, nhóm vũ trang Hồi giáo kiểm soát Gaza. Đáp lại, "mưa rốc-két" từ Gaza trút ngày càng sâu vào lãnh thổ Israel. Rạng sáng 13-5 (giờ địa phương), theo Reuters, hàng ngàn người Israel chạy xuống hầm trú ẩn khi còi báo động rền vang thủ phủ kinh tế Tel Aviv ở miền Trung đất nước và thung lũng Jezreel ở tận miền Bắc.
Quân đội Israel ước tính kể từ khi xung đột leo thang vào đêm 10-5, Hamas đã phóng hơn 1.600 tên lửa vào Israel; trong số đó 400 quả rơi giữa chừng và gây một số thương vong cho dân thường Palestine. Đài Al Jazeera dẫn thông tin của Bộ Y tế Gaza cho biết đến nay đã có hơn 80 người dân Gaza thiệt mạng, bao gồm gần 20 trẻ em và gần 500 người bị thương. Về phía Israel, ít nhất 7 người đã thiệt mạng, trong đó có một bé trai 5 tuổi, dù hệ thống phòng không Vòm Sắt đánh chặn được hàng trăm quả rốc-két của Hamas.
Sau cuộc không kích ngày 12-5, quân đội Israel tuyên bố đã giết chết 4 chỉ huy và hơn 10 thành viên cấp cao khác của Hamas, trong đó có Bassem Issa, chỉ huy Lữ đoàn Gaza City. "Đây chỉ là sự khởi đầu" - Thủ tướng Netanyahu đe dọa. Đáp lại, thủ lĩnh Hamas Ismail Haniyeh tuyên bố: "Cuộc đối đầu với kẻ thù sẽ kéo dài vô thời hạn".
Chuyên gia Andrei Bystritsky của diễn đàn Valdai (Nga) lo ngại xung đột hiện nay không chỉ có nguy cơ biến thành chiến tranh toàn diện mà còn diễn biến cực kỳ phức tạp. "Có rất nhiều bên dự phần vào xung đột lần này chứ không chỉ 2 kẻ thù chính là Hamas và Israel" - ông Bystritsky trao đổi với hãng tin TASS.
Để tránh kịch bản cuộc chiến Gaza 2014 quay lại - vào thời điểm đó, Israel tiến hành chiến dịch Vành đai bảo vệ trong gần 2 tháng và đưa bộ binh tiến vào các vùng lãnh thổ của người Palestine, Liên Hiệp Quốc và nhiều cường quốc trên thế giới và trong khu vực đang đẩy mạnh hoạt động ngoại giao. Ông Hady Amr, Phó trợ lý ngoại trưởng Mỹ phụ trách các vấn đề Israel và Palestine, đã lên đường đến khu vực. Trước đó, sau khi điện đàm với Thủ tướng Netanyahu hôm 12-5, Tổng thống Mỹ Joe Biden bày tỏ hy vọng bạo lực ở Gaza sẽ sớm kết thúc. Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken cũng điện đàm với Tổng thống Palestine Mahmoud Abbas. Ông Abbas là đối thủ chính trị của Hamas và quyền lực của ông chỉ hạn chế ở khu vực Bờ Tây. Song song với Mỹ, Nga kêu gọi "Bộ tứ trung gian", gồm Mỹ, Liên minh châu Âu, Nga và Liên Hiệp Quốc, họp khẩn. Dù vậy, các chuyển động ngoại giao chưa đạt hiệu quả, bao gồm nỗ lực môi giới lệnh ngừng bắn của Ai Cập, Qatar và Liên Hiệp Quốc.
Căng thẳng Israel - Palestine lần này bắt đầu xấu đi từ giữa tháng 4, theo Reuters, sau khi tòa án ra lệnh trục xuất nhiều gia đình Ả Rập khỏi Sheikh Jarrah, một khu vực có đa số người Ả Rập sinh sống ở Israel. Đến ngày 7-5, đụng độ nổ ra giữa cảnh sát biên giới Israel và người dân Palestine tại 2 địa điểm là Đông Jerusalem - Núi Đền và Sheikh Jarrah. Xung đột cứ thế lan rộng và đến đêm 10-5, các nhóm vũ trang ở Dải Gaza dội rốc-két vào Israel.
Không chỉ cuộc chiến ở Gaza, Israel còn đối mặt bất ổn gia tăng tại các thành phố có nhiều sắc dân chung sống. Sau đêm 12-5, theo báo The New York Times, hơn 400 người bị bắt sau các cuộc đụng độ giữa người Do Thái và người Ả Rập cũng như giữa người Palestine ở Israel với cảnh sát ở một loạt thành phố như Acre, Haifa, Tiberias…
Phép thử cho Tổng thống Biden
Có thể thấy xung đột dai dẳng giữa Israel và Palestine không phải là ưu tiên trong chương trình nghị sự của Tổng thống Mỹ Joe Biden.
Hiện vẫn chưa rõ chính quyền Tổng thống Biden có triển khai một nỗ lực toàn diện để giải quyết xung đột Israel - Palestine hay không. Trước mắt, một phái đoàn ngoại giao cấp trung của Mỹ đang đến khu vực để đàm phán với các bên liên quan - một khởi đầu quan trọng nhằm xuống thang căng thẳng, thiết lập lệnh ngừng bắn.
Tuy nhiên, các đợt xung đột trước đây cho thấy cần có nỗ lực ngoại giao sâu rộng hơn, nghĩa là Washington phải can thiệp ở cấp độ cao hơn. Tất nhiên, không thể thiếu sự phối hợp chặt chẽ giữa các bên liên quan: Mỹ đàm phán với Israel trong khi các đối tác của Mỹ ở Ả Rập và châu Âu thương lượng với nhóm vũ trang Hamas ở Gaza và Phong trào Giải phóng dân tộc Palestine (Fatah) ở Bờ Tây.
Quá trình này cũng cần có sự tham gia của 4 nước ký kết "Hiệp định Abraham" để bình thường hóa quan hệ với Israel, gồm Các Tiểu Vương quốc Ả Rập Thống nhất (UAE), Bahrain, Sudan và Morocco. Theo đài CNN, tiếng nói của 4 quốc gia này chắc chắn "có trọng lượng", đặc biệt là khi Israel đã thể hiện mức độ hài lòng cao đối với các mối quan hệ mới.
Đạt được lệnh ngừng bắn mới là điều cần thiết nhưng chỉ là bước đầu. Nước đi tiếp theo là củng cố lệnh ngừng bắn và ngăn chặn đụng độ tái diễn, điều từng nhiều lần xảy ra trong quá khứ. Những gì đang diễn ra ở Dải Gaza là "phép thử đầu tiên" đối với các mối quan hệ của Israel với chính quyền Tổng thống Biden và theo chuyên gia Shmuel Rosner của Viện Chính sách người Do Thái (trụ sở Jerusalem), hơn 50% người Israel đang có cảm giác rằng đội ngũ của ông Biden không thân thiện với quốc gia của họ. Một số thành viên Đảng Dân chủ khẳng định Israel và những hành động của họ ở Jerusalem chính là nguyên nhân khiến bạo lực leo thang. Tuy nhiên, phần lớn công dân Israel không đồng tình với quan điểm này.
Cao Lực
Nguồn NLĐ: http://nld.com.vn/thoi-su-quoc-te/chien-su-gaza-leo-thang-toi-dau-20210513214226467.htm