Chiến sự Idlib 'hơn nhau ở cái đầu': Thổ Nhĩ Kỳ thất bại vì 'mật ngọt' của liên quân Nga-Syria?
Nga-Syria tin rằng Thổ Nhĩ Kỳ sẽ không bao giờ kiểm soát được HTS và sẽ vi phạm cam kết ban đầu. Dù có ngừng bắn hay không ngừng bắn, quân đội Syria sẽ vẫn tiến công chiếm lại Idlib, vấn đề chỉ là thời gian và thời điểm chín muồi, khi Thổ Nhĩ Kỳ phạm sai lầm.
Ai là người có lỗi ở Idlib?
Khi căng thẳng ở Idlib bùng nổ, cả Thổ Nhĩ Kỳ và Nga đều đổ lỗi cho nhau về sự sụp đổ của thỏa thuận ngừng bắn, vốn được cho là có thể ngăn chặn một cuộc xung đột gây ra những hệ lụy lo ngại ở tỉnh này
Đáp lại lời cáo buộc của Nga về việc không tuân thủ thỏa thuận ngừng bắn mà hai bên đạt được, Thổ Nhĩ Kỳ khẳng định họ đã đáp ứng tất cả các nghĩa vụ của mình trong việc thiết lập và thực thi khu vực giảm leo thang ở Idlib, được thỏa thuận theo tiến trình hòa bình Astana.
Thỏa thuận giảm leo thang nhằm mục đích bình ổn tình hình và ngăn chặn chiến tranh giữa quân đội Syria và nhóm đang nắm quyền kiểm soát ở Idlib - các chiến binh thánh chiến Hayat Tahrir al-Sham (HTS).
Nga và Thổ Nhĩ Kỳ cũng đã đạt được thỏa thuận ngừng bắn bổ sung vào tháng 9/2018, theo đó Ankara được giao trách nhiệm giám sát HTS và tạo vùng đệm trong khu vực. Về phần mình, Moscow cam kết phải ngừng các cuộc tấn công của quân đội Syria ở Idlib.
Các nhà phân tích trên Ahval News đã giải thích lý do vì sao cả Thổ Nhĩ Kỳ và Nga đều không thể tuân thủ theo thỏa thuận ở Idlib.
Đầu tiên cần phải nhắc đến Thổ Nhĩ Kỳ, quốc gia bị gọi tên nhiều nhất trong việc không thực hiện đúng các cam kết của mình theo thỏa thuận Astana, giáo sư Joshua Landis, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Trung Đông tại Đại học Oklahoma cho biết.
Ông chỉ ra rằng theo thỏa thuận tháng 9/2018, Thổ Nhĩ Kỳ đã đồng ý tạo điều kiện mở lại các tuyến đường cao tốc quan trọng ở Idlib và sắp xếp việc rút HTS khỏi khu vực phi quân sự theo kế hoạch, cũng như giải giáp vũ khí hạng nặng của nhóm này.
“Không chỉ không thực hiện được điều trên, Thổ Nhĩ Kỳ còn để HTS tiếp tục nổ súng ở các khu lân cận Aleppo và nhằm vào quân đội Syria”, giáo sư Landis nhấn mạnh.
Vào tháng 1/2019, HTS thậm chí còn tiến xa hơn trong việc áp đặt quyền lực ở Idlib, củng cố sự thống trị đối với thành trì quan trọng chiến lược này, khi dân quân Syria được Thổ Nhĩ Kỳ hậu thuẫn đã giao nộp lãnh thổ chỉ sau hơn một tuần chiến đấu.
Do đó, không chỉ thất bại trong việc kiểm soát HTS, Thổ Nhĩ Kỳ thậm chí còn không thể ngăn chặn nhóm này liên tiếp mở rộng ảnh hưởng.
Tuy nhiên, không thể chỉ đổ lỗi cho riêng Thổ Nhĩ Kỳ về cuộc khủng hoảng đang diễn ra ở Idlib. “Rõ ràng không có bên nào tuân thủ tinh thần hay điều khoản của thỏa thuận”, Aron Lund, một thành viên của The Century Foundation cho biết.
“Nga đã không cản trở quân Chính phủ Syria chiếm được phần lớn các lãnh thổ được chỉ định là khu vực giảm leo thang ở Idlib, bao gồm cả các lãnh thổ đã chiếm được trước đó”, ông nói. “Đó không phải là cách mà một lệnh ngừng bắn hướng đến”.
Thổ Nhĩ Kỳ đã thua ngay từ đầu?
Chuyên gia Lund tin rằng thật khó để xác định ai (Nga hay Thổ Nhĩ Kỳ) là người có lỗi nhiều nhất vì khả năng có thêm các thỏa thuận không được tiết lộ giữa Ankara và Moscow, cũng như không ai biết rõ nội dung mà các cuộc đàm phán giữa hai nước thực hiện.
Dimitar Bechev, một thành viên cao cấp tại Hội đồng Đại Tây Dương, cũng không tin rằng một trong hai bên đã thực hiện tốt lời hứa của mình.
“Thổ Nhĩ Kỳ gần như đã thất bại trong việc giải giáp HTS. Kể từ khi thỏa thuận ban đầu giữa Tổng thống Nga Vladimir Putin và Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan được ký kết, nhóm này thậm chí còn chiếm được nhiều lãnh thổ hơn”, ông nói.
Mặt khác, Nga cũng được cho là đã không bảo đảm thực hiện các điều khoản của mình khi không kiểm soát được quân đội Syria tấn công cả các mục tiêu của Thổ Nhĩ Kỳ.
“Nói tóm lại, cả hai bên đều bị đổ lỗi, nhưng việc liên quân Nga-Syria khởi động cuộc tấn công chiếm lại Idlib là điều không thể tránh khỏi và đã được dự đoán ngay từ đầu”, Bechev nói.
Kyle Orton, một nhà phân tích độc lập ở Trung Đông, cũng chỉ ra rằng cả hai đã không hoàn thành nghĩa vụ của mình, nhưng vấn đề của Thổ Nhĩ Kỳ là họ cảm thấy bất lực vì HTS quá cố chấp.
Tuy nhiên, ông cho rằng điều này cũng đã được Nga-Syria tính toán từ trước.
“Ban đầu, Nga và Iran đã thực hiện thỏa thuận giảm leo thang với Thổ Nhĩ Kỳ để trấn an mặt trận Idlib trong khi họ thừa cơ loại bỏ từng khu vực khác”, ông nói.
Các khu vực này là Daraa và Đông Ghouta, cả hai đã được chính quyền Tổng thống Assad chiếm lại vào năm 2018. Bước đi ngoại giao đã làm giảm bớt áp lực của Thổ Nhĩ Kỳ ở Deraa, Đông Ghouta và phần còn lại.
Tổng thống Assad đã để thành trì Idlib đến cuối cùng vì ông biết rằng mình có cái cớ “sự hiện diện của HTS” để khởi động một cuộc tấn công tại đây, một cái cớ mà Thổ Nhĩ Kỳ đã vô tình tự đưa mình vào tròng khi ký kết trong thỏa thuận ngừng bắn với Nga.
Nga-Syria tin rằng Thổ Nhĩ Kỳ sẽ không bao giờ kiểm soát được HTS và sẽ vi phạm cam kết ban đầu. Dù có ngừng bắn hay không ngừng bắn, quân đội Syria sẽ vẫn tiến công chiếm lại Idlib, vấn đề chỉ là thời gian và thời điểm chín muồi, khi Thổ Nhĩ Kỳ phạm sai lầm.
Tất cả những điều trên cho thấy Ankara đã đặt mình vào thế thất bại ngay từ đầu ở Idlib và cuộc tấn công của quân đội Syria sẽ vẫn diễn ra, dù sớm hay muộn.