Chiến sự Nga-Ukraine càng kéo dài các láng giềng NATO càng bất an

Nga nhiều lần tuyên bố rằng nước này không có kế hoạch tấn công các nước khác và khẳng định chiến dịch quân sự tại Ukraine chỉ nhằm bảo vệ cộng đồng nói tiếng Nga ở khu vực Donbass nhưng tuyên bố này không trấn an được các nước láng giềng thuộc khối quân sự NATO (Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương).

Chiến dịch quân sự của Nga ở Ukraine càng kéo dài thì sự lo âu, bất an của các nước NATO láng giềng ngày càng tăng, đặc biệt những ngày gần đây liên tục xảy ra các sự cố làm đậm thêm lo ngại nguy cơ chiến tranh leo thang lan rộng.

Liên tục các sự cố đáng lo ngại

Mới nhất, theo thông tin từ đài RT, ngày 14-3, một nông dân phát hiện một máy bay không người lái (UAV) không có số hiệu rơi trên cánh đồng gần nhà mình ở huyện Bistrita-Nasaud thuộc vùng Transylvania, miền trung Romania, chỉ cách biên giới với tây Ukraine 100 km. Chiếc UAV sau đó được xác định là chiếc Orlan-10 do Nga sản xuất.

Đây là lần thứ hai trong chưa đầy một tuần một chiếc UAV rơi trên đất của một quốc gia thành viên NATO. Tối 10-3, một chiếc UAV cũ bay từ hướng Ukraine băng qua vùng trời Romania và Hungary sau đó rơi xuống thủ đô Zagreb của Croatia. Romania, Hungary và Croatia đều là thành viên NATO.

Chiếc UAV này được xác định là chiếc Tu-141, do Liên Xô sản xuất từ thập niên 1970. NATO nói mình theo dõi chiếc Tu-141 trong nhiều giờ, nhưng không bắn hạ. Bộ trưởng Quốc phòng Croatia – ông Mario Banožić nói chiếc UAV Tu-141 có chứa "các bộ phận của bom" và có dấu vết của chất nổ, cho thấy nó không phải là một máy bay trinh sát.

Địa điểm chiếc UAV Tu-141 rơi ở Zagreb (Croatia), ngày 11-3. Ảnh: BỘ QUỐC PHÒNG UKRAINE

Địa điểm chiếc UAV Tu-141 rơi ở Zagreb (Croatia), ngày 11-3. Ảnh: BỘ QUỐC PHÒNG UKRAINE

Ngày 13-3, Trung tâm Gìn giữ Hòa bình và An ninh Quốc tế nằm trên đất Ukraine nhưng cách lãnh thổ Ba Lan - thành viên NATO chỉ 20 km đã hứng hơn 30 quả tên lửa của Nga. Vụ việc khiến 35 người thiệt mạng và 134 người khác bị thương. Phía Nga noi trung tâm này là một cơ sở đào tạo khủng bố.

Ngay từ khi Nga mới phát động chiến dịch quân sự vào Ukraine, nhiều nhà quan sát đã lo ngại nguy cơ chiến sự Nga-Ukraine leo thang thành cuộc đối đầu trực tiếp giữa Nga và NATO. Viễn cảnh này hoàn toàn có thể xảy ra một khi một quả tên lửa hay bom của Nga rơi trên lãnh thổ một nước thành viên NATO – một động thái được NATO xem là hành động tấn công cả khối và sẽ khiến khối quân sự này kích hoạt Hiệp ước phòng thủ chung bảo vệ thành viên.

“Chúng tôi không thể chịu đựng được tình huống này”

Sau sự việc chiếc UAV rơi trên đất Croatia, Thủ tướng nước này Andrej Plenkovic phàn nàn rằng NATO đã quá chậm chạp trong việc phản ứng với chiếc UAV Tu-141 trước khi nó rơi ở Zagreb.

Thủ tướng Plenkovic kêu gọi điều tra lý do tại sao lực lượng phòng không Croatia không phản ứng với việc chiếc Tu-141 xâm nhập không phận quốc gia này. Và theo ông, báo động là không chỉ Croatia mà cả Hungary và Romania đều phản ứng chậm.

Ông cho biết Thủ tướng Hungary Viktor Orban được thông báo về vụ việc thậm chí còn muộn hơn ông, dù chiếc Tu-141 bay qua Hungary trước khi đến Romania rồi mới đến Croatia. Chiếc Tu-141 bay qua bầu trời Hungary khoảng 40 phút, bay trên vùng trời Croatia 7 phút trước khi rơi.

Còn nhà chức trách Romania trước đó lập luận rằng vật thể bay nhanh này xâm nhập vào không phận nước này chỉ trong khoảng ba phút nên rất khó bị đánh chặn. Máy bay không người lái Tu-141 ‘Strizh’ có tốc độ khoảng 1.000 km/giờ và tầm hoạt động 1.000 km.

“Việc này có thể rơi vào nhà máy điện hạt nhân ở Hungary. Rõ ràng là (Croatia) đã không có phản ứng tốt và các nước khác cũng không phản ứng tốt. Chúng tôi sẽ kiểm tra sự việc để rút ra bài học và phản ứng tốt hơn” – theo ông Plenkovic.

Cảnh sát kiểm tra hiện trường chiếc UAV Tu-141 rơi ở Zagreb (Croatia), ngày 11-3. Ảnh: AP

Cảnh sát kiểm tra hiện trường chiếc UAV Tu-141 rơi ở Zagreb (Croatia), ngày 11-3. Ảnh: AP

Thủ tướng Plenkovic cho biết ông đã thông báo cho tất cả các nhà lãnh đạo Liên minh châu Âu (EU) về vụ việc và cũng đã gửi thư cho Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg, cảnh báo rằng điều tương tự có thể xảy ra với bất kỳ quốc gia thành viên nào khác của khối.

Ông cho rằng khối quân sự này cần phải “nâng cao khả năng sẵn sàng” khi đối mặt với “một mối đe dọa thuần túy và rõ ràng”.

“Chúng tôi không thể chịu đựng được tình huống này, và đáng lẽ nó sẽ không xảy ra. Đây là một mối đe dọa thuần túy và rõ ràng và cả NATO và EU lẽ ra phải phản ứng” – ông Plenkovic nói gay gắt tại cuộc họp báo ngày 12-3.

“Điều này cho thấy nhu cầu hợp tác chặt chẽ hơn trong chính NATO vì đây là không phận của NATO, Romania, Hungary và Croatia” – ông Plenkovic đưa ý kiến.

NATO cho đến nay vẫn chưa đưa ra phản ứng về vụ việc.

Cả Nga và Ukraine đều phủ nhận mình là bên điều khiển chiếc UAV Tu-141. RT thì nói rằng Ukraine là quốc gia duy nhất chính thức vận hành Tu-141 vào thời điểm hiện tại.

Sau Ukraine sẽ là Lithuania?

Ngày 14-3, Tổng thống Ukraine - Volodymyr Zelensky nói ông tin rằng nếu NATO không lập vùng cấm bay ở Ukraine thì việc tên lửa Nga bắn vào các nước thành viên khối này sẽ chỉ là vấn đề thời gian, theo hãng thông tấn Ukrinform.

"Năm ngoái, tôi đã cảnh báo rõ ràng với các nhà lãnh đạo NATO rằng nếu không có các biện pháp trừng phạt ngăn chặn cứng rắn đối với Nga, một cuộc chiến sẽ nổ ra. Chúng tôi đã đúng. Tôi cũng đã nói từ lâu rằng Nord Stream là thứ một vũ khí sẽ tấn công châu Âu. Giờ nó đã quá rõ ràng. Và bây giờ tôi nhắc lại một lần nữa, nếu NATO không lập vùng cấm bay, việc tên lửa Nga rơi trên lãnh thổ của NATO chỉ là vấn đề thời gian" - ông Zelensky cảnh báo.

Nước mắt người dân Ukraine khi chứng kiến một khu nhà ở thủ đô Kiev (Ukraine) bị phá hủ sau trận pháo kích ngày 14-3. Ảnh: AFP/GETTY IMAGES

Nước mắt người dân Ukraine khi chứng kiến một khu nhà ở thủ đô Kiev (Ukraine) bị phá hủ sau trận pháo kích ngày 14-3. Ảnh: AFP/GETTY IMAGES

Ngày 12-3, Thư ký Hội đồng Quốc phòng và An ninh Quốc gia Ukraine – ông Oleksiy Danilov dẫn dữ liệu tình báo nước này rằng quốc gia tiếp theo mà Nga sẽ phát động chiến dịch một khi giành chiến thắng trong cuộc chiến với Ukraine là Lithuania - một thành viên NATO và là một láng giềng với Nga, theo hãng tin Interfax.

"Những gì chúng tôi hiểu và những gì tình báo của chúng tôi mang lại: hôm nay chúng ta đang nói về Lithuania. Liên bang Nga sẽ không dừng lại. Họ có mục tiêu tiếp theo - nếu họ có chiến thắng trên lãnh thổ của chúng ta, đất nước tiếp theo mà ông Putin muốn nhắm tới trực tiếp là Lithuania” – theo ông Danilov.

Xa hơn, sau đó sẽ là các nước Baltic và Ba Lan, theo ông Danilov.

Trước đó, Đại diện Cấp cao về Đối ngoại của EU Josep Borrell từng bày tỏ lo ngại rằng Tổng thống Putin có thể lệnh tấn công một nước NATO.

“NATO nên củng cố sườn phía đông của khối”

Ngày 13-3, Tổng thống Latvia – ông Egils Levits nhấn mạnh rằng có một căn cứ quân sự thường trực của NATO ở Latvia là “hoàn toàn cần thiết” để bảo vệ đất nước trước bất kỳ đe dọa tiềm tàng nào của Nga.

"Chắc chắn rồi. NATO nên củng cố sườn phía đông của khối. Đó là Baltics, Ba Lan, Romania, vì đây sẽ là một tín hiệu mạnh mẽ cho Moscow rằng NATO sẵn sàng bảo vệ các quốc gia thành viên” – ông Levits nói với đài CNN khi được hỏi liệu việc NATO sẽ thiết lập một căn cứ thường trực ở Latvia như Ngoại trưởng Mỹ Anthony Blinken thông báo có giúp bảo vệ đất nước trước Nga.

“Tôi cũng hoan nghênh quân đội Mỹ ở Ba Lan và Baltics, và chúng tôi cần sự hiện diện thường xuyên của quân đội Mỹ ở khu vực này. Tôi nghĩ rằng đó là một phản ứng đối với những ý tưởng hiếu chiến của Nga bên ngoài lãnh thổ Ukraine” - ông Letvits nói thêm. Mỹ và NATO cho đến nay chỉ có sự hiện diện luân phiên ở khu vực Baltic.

“Đây là một câu hỏi cho niềm tin đối với phương Tây. Đó là một kỳ kiểm tra dành cho phương Tây. Đó là một kỳ kiểm tra cho sự lãnh đạo của Mỹ. Và tôi chắc chắn rằng Mỹ nói riêng và phương Tây nói chung sẽ vượt qua kỳ kiểm tra này" – ông Letvits đánh giá.

Latvia, một thành viên NATO có chung biên giới với Nga, trong những ngày gần đây đã lên án chiến dịch quân sự đặc biệt của Nga nhằm vào Ukraine mà Latvia cho là vô cớ. Chiến sự ở Ukraine đã khiến Mỹ có nhiều động thái giúp Latvia củng cố hệ thống phòng thủ, trong đó có việc gửi hàng trăm lính Mỹ và một số lượng máy bay chiến đấu đến nước này.

Trong khi đó, Thư ký Hội đồng Quốc phòng và An ninh Quốc gia Ukraine – ông Danilov nhấn mạnh rằng “an ninh của các quốc gia NATO trên lục địa châu Âu dựa trên vai của chúng tôi”.

"Chúng tôi hiểu điều này, chúng tôi yêu cầu họ hỗ trợ. Nếu quý vị không muốn chiến đấu, chúng tôi sẵn sàng chiến đấu. Hãy cho chúng tôi vũ khí hiện đại để chúng tôi có thể tiêu diệt kẻ thù. Đây là điều duy nhất chúng tôi yêu cầu hôm nay” – ông Danikov đề nghị.

Croatia: Sẽ tự thân vận động

Ngày 14-3, Tổng thống Croatia – ông Zoran Milanovic cho rằng vụ việc chiếc UAV Tu-141 rơi ở thủ đô Croatia cho thấy những thiếu sót của hệ thống phòng không quốc gia. NATO là một tổ chức đáng tin cậy, nhưng an ninh của đất nước cuối cùng là trách nhiệm của chính Croatia.

Ông khẳng định rằng chính phủ của ông là một đồng minh “vững chắc và trung thành” của NATO, tuy nhiên về lâu dài Croatia vẫn cần phải tự dựa vào năng lực phòng không của mình, Croatia cần đầu tư nhiều hơn vào năng lực phòng thủ.

Ông cũng tin rằng đây không phải là vấn đề cực kỳ khẩn cấp vì sự cố như tuần trước khó có thể lại sớm xảy ra lại nữa, nhưng cần phải có các chủ trương và quyết định tăng năng lực phòng không.

Ông Milanovic bác bỏ khả năng cần khẩn cấp triển khai tên lửa phòng không Patriot do Mỹ sản xuất để ứng phó với các tình huống này. Ý tưởng này được một số quan chức cấp cao của Croatia, bao gồm cả Thủ tướng Andrej Plenkovic ủng hộ.

Từ vài năm nay, Croatia đã cân nhắc mua máy bay đánh chặn tầm xa đã qua sử dụng của Mỹ. Tuy nhiên đến năm 2016 Croatia quyết định sẽ mua máy bay chiến đấu Dassault Rafale của Pháp. Họp báo ngày 13-3 ông Milanovic vẫn bảo vệ quyết định mua Rafales.

ĐĂNG KHOA

Nguồn PLO: https://plo.vn/quoc-te/chien-su-ngaukraine-cang-keo-dai-cac-lang-gieng-nato-cang-bat-an-1048555.html