Chiến sự Nga – Ukraine ngày 26/9: Nga sửa đổi học thuyết hạt nhân

Tổng thống Nga Putin đưa ra lời lời đe dọa hạt nhân dành cho phương Tây và Ukraine, trong bối cảnh 'kế hoạch chiến thắng' của Kiev đang trên đường đến Nhà Trắng.

Tổng thống Putin: Chính sách quốc gia về răn đe hạt nhân cần điều chỉnh

Ngày 25/9, tại cuộc họp Hội đồng An ninh Liên bang Nga về răn đe hạt nhân, Tổng thống Nga Vladimir Putin khẳng định chính sách Nhà nước của Nga về răn đe hạt nhân cần phải điều chỉnh phù hợp với tình hình thực tế hiện nay. Theo Tổng thống Putin, tình hình chính trị - quân sự trên thế giới đang thay đổi, xuất hiện các mối đe dọa và rủi ro quân sự mới đối với Nga và các đồng minh của Nga. Nhà lãnh đạo Nga nhấn mạnh, điều quan trọng là phải dự đoán được tình hình và điều chỉnh chính sách răn đe hạt nhân phù hợp với tình hình thực tế.

Một số nhà quan sát Phương Tây cho rằng lời đe dọa này có thể chỉ là một “đòn gió” trong khi các học giả và quan chức Nga cho rằng mọi khả năng vẫn đang được để ngỏ.

Nga xác nhận kiểm soát khu định cư Ukrainsk ở Cộng hòa Nhân dân Donetsk

Ngày 26/9, Bộ quốc phòng Nga xác nhận quân đội nước này đã kiểm soát khu định cư Ukrainsk ở Cộng hòa Nhân dân Donetsk. Trước đó một ngày, hôm 25/9, Bộ Quốc phòng Nga thông báo các lực lượng Nga đã kiểm soát thêm 2 ngôi làng nữa ở Ukraine là làng Hostre và làng Hryhorivka, đồng thời đang tấn công vào thị trấn Vuhledar, một thành trì lâu đời của Ukraine.

Hãng thông tấn nhà nước Ria trích dẫn lời của ông Denis Pushilin, người đứng đầu khu vực Donetsk do Nga bổ nhiệm, cho biết giao tranh đang diễn ra bên trong Vuhledar, nơi có dân số trước chiến tranh là 14.000 người. Trong khi đó, thống đốc khu vực của Ukraine, Vadym Filashkin, cho biết quân đội Nga chưa đến được vùng ngoại ô Vuhledar nhưng các nhóm trinh sát của họ đang hoạt động ở đó.

Tổng thống Ukraine Zelensky phát biểu tại Đại hội đồng Liên hợp quốc

Trong bài phát biểu tại Đại hội đồng Liên hợp quốc ngày 25/9 (giờ New York), Tổng thống Zelensky đã đề cập nguy cơ thảm họa hạt nhân. Ông Zelensky cho biết Tổng thống Nga Vladimir Putin “có vẻ như đang lên kế hoạch tấn công các nhà máy điện hạt nhân và cơ sở hạ tầng của chúng tôi, nhằm ngắt kết nối các nhà máy này khỏi lưới điện”. “Bất kỳ sự cố nghiêm trọng nào đối với hệ thống năng lượng đều có thể dẫn đến thảm họa hạt nhân. Điều đó không bao giờ được phép xảy ra”, ông Zelensky nhấn mạnh.

Tổng thống Ukraine Zelensky phát biểu tại Đại hội đồng Liên hợp quốc ngày 25/9.

Tổng thống Ukraine Zelensky phát biểu tại Đại hội đồng Liên hợp quốc ngày 25/9.

Cũng trong bài phát biểu tại Liên hợp quốc, ông Zelensky đã đặc biệt nhắc đến Trung Quốc và Brazil, đặt câu hỏi về “lợi ích thực sự” của các quốc gia đang thúc giục Ukraine đàm phán với Nga.

Đáp lại, Tổng thống Brazil Luiz Inacio Lula da Silva đã phát biểu rằng thỏa thuận hòa bình là cách duy nhất để Ukraine tồn tại trong cuộc chiến này. “Chỉ có hòa bình mới đảm bảo rằng Ukraine có thể tồn tại như một quốc gia có chủ quyền và Nga cũng sẽ tồn tại”, Tổng thống Brazil khẳng định.

Mỹ công bố gói viện trợ 8 tỷ USD cho Ukraine

Ngày 26/9, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã công bố gói viện trợ quân sự trị giá hơn 8 tỷ USD cho Ukraine, bao gồm nhiều khí tài, đạn dược và thiết bị quân sự hiện đại. Trong thông báo được đưa ra trước thềm cuộc gặp Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky tại Nhà Trắng, Tổng thống Mỹ Joe Biden tái khẳng định việc hỗ trợ Kiev vẫn là ưu tiên hàng đầu của Washington.

Ông cũng cho biết phần lớn trong tổng số viện trợ nói trên, tức 5,5 tỷ USD, sẽ được phân bổ trước khi kết thúc năm tài chính của Mỹ vào ngày 30/9. Trong khi đó, số tiền 2,4 tỷ USD được phân bổ theo Sáng kiến Hỗ trợ An ninh Ukraine, cho phép chính quyền Mỹ mua khí tài để viện trợ cho Ukraine từ các công ty, thay vì từ kho dự trữ của Mỹ.

Gói viện trợ này bao gồm việc lần đầu tiên cung cấp cho Ukraine một quả bom lượn dẫn đường chính xác có tên là Joint Standoff Weapon, với tầm bắn lên tới 130 km. Gói viện trợ này cũng sẽ cung cấp cho Ukraine thêm hệ thống phòng không, máy bay không người lái và nhiều loại đạn dược khác.

Theo kế hoạch viện trợ này, Bộ Quốc phòng Mỹ sẽ giúp sửa chữa và cung cấp cho Ukraine thêm tên lửa Patriot. Tổng thống Biden cũng yêu cầu Lầu Năm Góc mở rộng chương trình huấn luyện cho phi công của Ukraine để có thể vận hành máy bay F-16, trong đó có kế hoạch hỗ trợ huấn luyện thêm 18 phi công vào năm tới.

Tổng thống Biden cho biết ông sẽ triệu tập cuộc họp của Nhóm liên lạc quốc phòng Ukraine vào tháng tới tại Đức, để phối hợp các nỗ lực của trên 50 quốc gia là đồng minh của Ukraine.

Cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump: Ukraine nên nhượng bộ Nga

Cựu Tổng thống Donald Trump ngày 25/9 cho rằng Ukraine nên nhượng bộ Nga thay vì tham chiến. Ông cho rằng người dân Ukraine “đã chết” và đất nước “bị phá hủy”. Phát biểu tại một sự kiện ở Bắc Carolina, ứng cử viên tổng thống của đảng Cộng hòa nói rằng: “Thỏa thuận tồi tệ nhất sẽ tốt hơn những gì chúng ta có hiện tại”. “Chúng ta có thể đạt được thỏa thuận nào? Thỏa thuận đã bị phá hủy ... Người dân đã chết. Đất nước đang trong đống đổ nát”.

Chủ tịch Hạ viện Mỹ yêu cầu Ukraine sa thải Đại sứ tại Washington

Chủ tịch Hạ viện Mỹ Mike Johnson đã yêu cầu Ukraine sa thải Đại sứ của nước này tại Washington khi mối bất hòa giữa hai cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump và Tổng thống Ukraine đang Zelensky leo thang, và đảng Cộng hòa cáo buộc nhà lãnh đạo Ukraine can thiệp vào cuộc bầu cử tổng thống Mỹ.

Trong một bức thư công khai, ông Johnson yêu cầu ông Zelensky sa thải Đại sứ Ukraine, Oksana Markarova, sau chuyến thăm một nhà máy sản xuất đạn dược ở Scranton, Pennsylvania, gọi đó là “sự kiện vận động tranh cử mang tính đảng phái được thiết kế để giúp đảng Dân chủ”.

Minh Thúy

Nguồn Hà Nội TV: https://hanoionline.vn/chien-su-nga-ukraine-ngay-26-9-nga-sua-doi-hoc-thuyet-hat-nhan-268509.htm