Chiến sự ở Ukraine: Mariupol đỏ lửa, Kiev bị pháo kích

* Tổng thống Ukraine kêu gọi đàm phán với Tổng thống Nga

Giao tranh để giành quyền kiểm soát TP Mariupol tiếp diễn trong ngày 21.3, sau khi giới chức Ukraine bác bỏ yêu cầu hạ vũ khí từ phía Nga.

Chiến sự ở Ukraine đã bước sang ngày thứ 26 và không có dấu hiệu hạ nhiệt. Nga tiếp tục oanh tạc TP Mariupol và nhiều thành phố khác của Ukraine. TP cảng biển Mariupol chứng kiến nhiều giao tranh khốc liệt nhất kể từ khi Nga bắt đầu chiến dịch đặc biệt.

Các quan chức Ukraine đã từ chối lời đề nghị của Nga rằng quân đội nước này được cho phép di chuyển an toàn ra khỏi TP Mariupol bị bao vây. Trước đó, Nga ra hạn cho phía Ukraine bỏ vũ khí đầu hàng, đảm bảo rằng những ai đầu hàng đều rời khỏi thành phố an toàn. Những người ở lại sẽ được giao cho tòa án do lực lượng ly khai được Moscow hậu thuẫn.

Thế nhưng, chính phủ của Tổng thống Volodymyr Zelensky đáp rằng họ sẽ không bao giờ cúi đầu trước các tối hậu thư.

Người phụ nữ đo cửa sổ để che chắn bằng các tấm nhựa sau khi tòa nhà bị hư hại do đánh bom. Ảnh: AP

Người phụ nữ đo cửa sổ để che chắn bằng các tấm nhựa sau khi tòa nhà bị hư hại do đánh bom. Ảnh: AP

Theo hãng tin Reuters, một phần của Mariupol hiện do quân đội Nga kiểm soát. Tờ The Sydney Morning Herald dẫn lời kể của bà Maria Fiodorova (77 tuổi, cư dân Mariupol) vào hôm 21.3 khi vượt biên sang Ba Lan: "Gần 90% thành phố đã bị phá hủy. Không có tòa nhà nào ở đó nữa".

Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky cho biết khoảng 400 dân thường đang trú ẩn tại trường nghệ thuật ở thành phố cảng biển Azov khi bị trúng bom của Nga. Tuy nhiên, ông Zelensky không rõ có bao nhiêu thương vong trong vụ đánh bom trường nghệ thuật.

Quân đội Nga sau đó công bố video từ máy bay không người lái cho thấy các tổ hợp pháo phản lực Ukraine khai hỏa tại trận địa rồi di chuyển vào chỗ trú ẩn trong trung tâm thương mại.

Vụ tấn công vừa kể xảy ra chỉ vài ngày sau khi một nhà hát ở Mariupol bị tập kích, nơi hơn 1.000 người được cho là đang trú ẩn. Không rõ có bao nhiêu người thiệt mạng trong vụ tấn công này.

Cũng trong ngày 21.3, các cuộc pháo kích nhắm vào một trung tâm thương mại ở thủ đô Kiev, khiến ít nhất 8 người thiệt mạng và phá hủy nhiều công trình, phương tiện xung quanh, theo giới chức địa phương. Một người có tên Valentina Timofeevna nói với Reuters rằng con của bà hôm trước vẫn còn làm việc ở trung tâm.

Sau vụ pháo kích vào một trung tâm thương mại ở Kiev. Ảnh: AP

Sau vụ pháo kích vào một trung tâm thương mại ở Kiev. Ảnh: AP

Người phát ngôn Bộ quốc phòng Nga Igor Konashenkov cho biết: "Khu vực gần trung tâm thương mại được dùng làm căn cứ cất trữ đạn pháo phản lực và nạp đạn cho các bệ phóng rốc-két. Đòn tấn công tầm xa với độ chính xác cao đã phá hủy một khẩu đội pháo phản lực Ukraine, cũng như kho chứa đạn trong trung tâm thương mại. Cơ sở này đã ngừng buôn bán từ lâu". Tuy nhiên, Reuters cho biết chưa thể xác minh độc lập những tuyên bố này.

Theo quan chức quân sự Ukraine Mykola Medinskiy, không có mục tiêu quân sự chiến lược trong khu vực.

Trong khi đó, Nga triệu tập đại sứ Mỹ tại Moscow, cảnh báo rằng quan hệ song phương đang "trên bờ vực rạn nứt". Liên Hiệp Quốc cho biết cho đến nay có gần 3,4 triệu người rời khỏi Ukraine.

Tổng thống Ukraine kêu gọi đàm phán với Tổng thống Nga

Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky ngày 21.3 cho biết một cuộc gặp người đồng cấp Nga Vladimir Putin "theo bất kỳ khuôn khổ nào" là cần thiết để kết thúc cuộc xung đột hiện nay.

Trả lời phỏng vấn truyền thông Ukraine, ông Zelensky nói: “Tôi tin rằng nếu không có cuộc gặp này thì sẽ không thể nào hiểu hết được họ sẵn sàng chấp nhận những gì để chấm dứt xung đột.”

Ông Zelensky cũng lưu ý rằng bất kỳ nhượng bộ nào được nhất trí với Nga trong các cuộc đàm phán cũng sẽ cần được người dân Ukraine bỏ phiếu thông qua trong trưng cầu ý dân.

Theo ông, các vấn đề đưa ra trưng cầu ý dân có thể liên quan đến các bảo đảm an ninh mà Ukraine nhận được để từ bỏ nỗ lực gia nhập Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO). Ông nhấn mạnh sẵn sàng ủng hộ bất ký thỏa thuận nào mà người dân Ukraine chấp nhận.

Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky phát biểu qua truyền hình ngày 21.3.2022. Ảnh: AFP/TTXVN

Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky phát biểu qua truyền hình ngày 21.3.2022. Ảnh: AFP/TTXVN

Trước đó, Cố vấn của Tổng thống Ukraine, ông Mykhailo Podolyak cho biết một lệnh ngừng bắn, rút quân đội và các đảm bảo an ninh nghiêm ngặt dưới dạng thức đặc biệt là những yêu cầu chính mà Ukraine đưa ra trong các cuộc đàm phán hòa bình với Nga.

Trong diễn biến khác, hãng tin Reuters của Anh dẫn lời các nhà ngoại giao cho biết Đại hội đồng Liên hợp quốc có thể tiếp tục bỏ phiếu trong tuần này về căng thẳng Nga-Ukraine, và hối thúc cứu trợ nhân đạo.

Đây sẽ là lần thứ hai Đại hội đồng Liên hợp quốc với 193 thành viên bỏ phiếu về xung đột Nga- Ukraine.

Cùng ngày, các nhà lãnh đạo Mỹ, Đức, Pháp, Anh và Italy đã điện đàm và nhất trí về tầm quan trọng của việc duy trì đoàn kết trong vấn đề Ukraine.

Tuyên bố của Văn phòng Thủ tướng Italy Mario Draghi nêu rõ: "Do tình hình nhân đạo khẩn cấp và nghiêm trọng, các nhà lãnh đạo cam kết sẽ phối hợp nỗ lực để giúp người dân Ukraine đã chạy thoát khỏi cuộc xung đột hay những người còn mắc kẹt ở nhà."

Trước đó, Italy cho biết cuộc điện đàm ngày 21.3 là nhằm chuẩn bị cho các cuộc họp của NATO, Nhóm 7 nước công nghiệp phát triển (G7) và Hội đồng châu Âu được lên kế hoạch vào cuối tuần này.

Bích Liên - Dương Hoa (TTXVN/Vietnam+)

Huệ Bình

Nguồn Người Đô Thị: https://nguoidothi.net.vn/chien-su-o-ukraine-mariupol-do-lua-kiev-bi-phao-kich-34189.html