Chiến sỹ sống sót trong vụ rơi trực thăng ở Hòa Lạc: 'Tôi nhớ bầu trời da diết'
'Được chọn lại tôi vẫn muốn là người lính, muốn được vẫy vùng trên bầu trời. Tôi nhớ bầu trời da diết', người duy nhất sống sót vụ rơi trực thăng năm 2014 chia sẻ.
Những ngày đầu tháng 7, sau nhiều lần lỡ hẹn, phóng viên VTC News mới có dịp đến thăm gia đình Thượng úy Đinh Văn Dương - người duy nhất sống sót sau vụ rơi trực thăng quân sự ngày 7/7/2014, tại thôn Hòa Lạc (xã Bình Yên, huyện Thạch Thất, Hà Nội) khiến 20 chiến sỹ hy sinh.
"Nhớ mãi nụ cười trước lúc máy bay rơi"
Trong căn nhà nhỏ ở khu chung cư trên địa bàn quận Long Biên (Hà Nội), người đàn ông loang lổ những vết sẹo sau vụ tai nạn, ngồi trên chiếc xe lăn đặt sát cửa sổ, hướng ánh nhìn xa xăm về phía bầu trời.
"Bố ơi nhà có khách", chỉ đến khi cậu con trai cất tiếng gọi, anh Đinh Văn Dương mới thu lại ánh mắt, nhìn về phía tôi.
"Cứ gần đến ngày 7/7 hàng năm, tôi lại hay mơ thấy các đồng đội, mơ thấy mình được huấn luyện trên bầu trời. Bầu trời gắn với năm tháng đẹp nhất và bầu trời cũng cướp đi đồng đội, cướp đi đôi tay, đôi chân của tôi.
Nhưng nếu được chọn lại, tôi vẫn muốn là người lính, muốn được vẫy vùng trên bầu trời xanh thẳm kia. Tôi nhớ bầu trời da diết!", anh Dương mở đầu câu chuyện.
Lật cuốn album với hình ảnh trong những lần huấn luyện tại Trung đoàn không quân trực thăng 916 (Sư đoàn không quân 371, Quân chủng Phòng không - Không quân), anh Dương bảo 9 năm qua đi, nỗi đau của thân nhân 20 liệt sỹ dần nguôi ngoai, những vết thương trên người đã lành, nhưng với anh mọi chuyện như vừa xảy ra ngày hôm qua.
"Ngày hôm đó, tôi và Quang Ba Vì (Trung úy quân nhân chuyên nghiệp Đặng Hồng Quang, chiến đấu viên Tiểu đoàn 18 đặc công - PV), đang cười nói với nhau thì tai nạn ập đến, Quang chết trên nụ cười, răng Quang bị sứt nên cười càng dễ nhớ. Tôi nhớ mãi nụ cười của đồng đội trước lúc máy bay rơi", anh Dương cười nhưng dòng nước mắt chực trào khỏi khóe mắt.
Nói về nụ cười của đồng đội, thương binh Đinh Văn Dương cho rằng đó là khí chất của người lính Cụ Hồ, chiến đấu, luyện tập vất vả nhưng trên môi luôn nở nụ cười, đến khi hy sinh thì nụ cười vẫn còn đó.
"Trên chuyến bay, cả đội giây trước cười nói, giây sau đã âm dương cách biệt. Có lẽ là điềm báo lần cuối cùng được huấn luyện cùng nhau nên anh em cười đùa rất vui vẻ", anh Dương bồi hồi.
Nhìn về 3 tấm bằng Chủ tịch nước trao tặng, anh Dương nhớ đồng đội, nhớ bầu trời và nghĩ về những năm tháng trong quân ngũ.
Mong muốn xây nhà tưởng niệm cho đồng đội
Anh Dương cho biết, tháng 7 hàng năm, anh sẽ cùng gia đình về lại cánh đồng thôn Hòa Lạc - nơi chiếc trực thăng Mi 171 bị rơi 9 năm trước, để thăm đồng đội. Nơi đây, di ảnh 20 liệt sỹ được người dân đặt trang trọng trong nhà tưởng niệm.
"Mất tay, mất chân chẳng khác gì mất tất cả, nhưng mình may mắn hơn đồng đội vì vẫn còn hiện diện trên cõi đời này. Mỗi lần trở lại nơi các đồng đội hy sinh là một lần tiếp thêm sức mạnh để vượt qua những khó khăn trong cuộc sống", người thương binh bộc bạch.
Anh Dương cũng thường xuyên liên lạc với gia đình, thân nhân các đồng đội của mình. Anh hiểu nhiều người trong đó cuộc sống còn vất vả, lo toan khi chồng hy sinh, con nhỏ... nhưng những người vợ, người mẹ ấy vẫn cố gắng lo toan vượt lên số phận. Những lúc như thế anh chỉ biết động viên mọi người cùng cố gắng.
Tâm nguyện lớn nhất của anh Dương là có thể sớm xây dựng một đài tưởng niệm, tưởng nhớ đồng đội. Hiện nay, nơi thờ phụng, tưởng niệm các liệt sỹ vụ rơi máy bay mới chỉ là ngôi nhà được lợp tôn trên khu đất xảy ra vụ tai nạn.
"Tôi mong có thể xây dựng một đài tưởng niệm những anh em đã hy sinh trang trọng, lịch sự hơn. Anh em được thờ tại nơi gặp nạn che tạm mái tôn tôi cũng áy náy lắm. Vì sức khỏe và điều kiện bản thân không cho phép nên tôi sẽ vận động sự sẻ chia của các Bộ, ban, ngành, tổ chức đoàn thể", anh Dương nói.
Chia sẻ về cuộc sống hiện tại, anh Dương cho hay, sau tai nạn, trải qua gần 900 ngày điều trị trong bệnh viện, 24 cuộc phẫu thuật, 3 lần tim ngừng đập, không còn 2 bàn tay, 2 đôi chân, mặt mũi biến dạng... sức khỏe anh không được ổn định.
Tháng 9/2016, anh Dương xuất ngũ, được đưa về Trung tâm Điều dưỡng thương binh Thuận Thành (Bắc Ninh) để sinh hoạt cùng gần 100 thương binh tại đây. Tuy nhiên, từ đợt dịch COVID-19 đến nay, muốn dành thời gian quan tâm các con nên anh ở nhà.
Hàng ngày anh vẫn phải dùng thuốc điều trị cùng 10 - 20 viên giảm đau.
"Sinh hoạt thường ngày phải phụ thuộc vào vợ và mẹ tôi. Nếu sức khỏe ổn định thì tôi tranh thủ lau dọn nhà cửa. Tôi vẫn có thể cắm cơm bằng 2 khuỷu tay những lúc mẹ đi đón các cháu, vợ đi làm chưa về", anh Dương kể.
Theo anh Dương, gia đình chính là động lực lớn nhất để anh luôn tự nhủ bản thân không được bỏ cuộc. Anh mong muốn sức khỏe được ổn định để phụ giúp người vợ một phần nào đó nuôi dạy con cái trưởng thành.
"Tôi có được tinh thần lạc quan, vui vẻ như hiện tại cũng chính nhờ sự động viên, chăm sóc của vợ con cùng gia đình. Cuộc sống sau tai nạn của gia đình tôi giờ cũng đã tạm ổn định", anh Dương nói thêm.
Ngày 7/7/2014, chiếc trực thăng Mi 171, số hiệu 01 Trung đoàn không quân trực thăng 916, Sư đoàn không quân 371, Quân chủng Phòng không - Không quân với 21 chiến sỹ đang trong giờ huấn luyện đã rơi xuống cánh đồng thôn Hòa Lạc, xã Bình Yên, huyện Thạch Thất, Hà Nội.
Tai nạn máy bay làm 20 chiến sỹ hy sinh. Thượng úy, quân nhân chuyên nghiệp Đinh Văn Dương, chiến đấu viên Tiểu đoàn Đặc Công 18 - Bộ Tư lệnh Thủ đô Hà Nội là người duy nhất sống sót.
Nguyên nhân được xác định là máy bay gặp sự cố do động cơ tụt công suất đột ngột.