Chiến thắng bằng… 'cái đầu'

Trong trận đấu giao hữu giữa tuyển Việt Nam và Afghanistan trên sân Thống Nhất tối 1-6, Phạm Tuấn Hải khai thông bế tắc với cú đánh đầu chuẩn xác làm tung lưới thủ thành Ovays Azizi ở phút 33. Nhìn lại chặng đường trước đó của U23 Việt Nam, nó gợi nhắc về những pha không chiến đang là vũ khí lợi hại của các đội tuyển Việt Nam dưới triều đại HLV Park Hang-seo.

Tuấn Hải và Nhâm Mạnh Dũng ghi bàn trong những pha không chiến trước Afghanistan và Thái Lan.

Theo thống kê, 5 bàn thắng gần đây nhất của các đội bóng dưới sự chỉ đạo của HLV Park đều được ghi bằng đầu. Trước đó ở SEA Games 31, Văn Tùng, Hồ Thanh Minh, Tiến Linh và Nhâm Mạnh Dũng đều lập công với những cú đánh đầu.

Tại SEA Games 31, U23 Việt Nam dưới sự chỉ đạo của HLV người Hàn Quốc nhiều lần đối mặt với những đối thủ đá phòng ngự số đông. Do vậy, những pha bóng bổng chính là phương án hữu hiệu giúp tuyển Việt Nam “mở khóa” hàng thủ đối phương.

Ở trận bán kết gặp U23 Malaysia, Tiến Linh với cú đánh đầu ở hiệp phụ đã mở toang cửa vào chung kết cho U23 Việt Nam. Người Thái cũng nhận thất bại trước U23 Việt Nam sau cú đánh đầu đẹp mắt của Nhâm Mạnh Dũng. Nữ trưởng đoàn bóng đá Thái Lan - Madam Pang phải cay đắng thừa nhận rằng: "Đội bóng của chúng ta cầm bóng nhiều, tuy nhiên rốt cuộc lại nhận bàn thua từ cú đánh đầu".

Chưa kể cách đây 3 tháng, Thanh Bình ghi bàn thắng lịch sử vào lưới tuyển Nhật Bản ở vòng loại World Cup 2022 cũng với pha đánh đầu. Rõ ràng, những pha bóng cố định đã trở thành vũ khí lợi hại của các đội tuyển Việt Nam dưới triều đại của HLV Park.

Trước đây, bóng bổng luôn là điểm yếu của các đội tuyển Việt Nam. Tuy nhiên điều đó đã thay đổi kể từ khi thầy Park xuất hiện. HLV người Hàn Quốc đã rèn khả năng chơi bóng bằng đầu một cách kỹ lưỡng cho các học trò. Kết quả là tại SEA Games 30, U22 Việt Nam ghi tới 9 bàn thắng từ những pha không chiến. Thống kê đó cho thấy khả năng chơi bóng bằng đầu của các cầu thủ Việt Nam là rất tốt, vượt trội so với nhiều đội bóng trong khu vực.

Hồi tháng 4 năm nay, HLV Park Hang-seo tự tin nói rằng các cầu thủ U23 Việt Nam không hề yếu trong những tình huống bóng bổng. Nhận định của HLV Park là có cơ sở bởi những học trò của ông có thể hình cao to, phù hợp cho những tình huống không chiến.

Chuyên gia Đoàn Mạnh Xương từng thừa nhận rằng trong giai đoạn gần đây, bóng đá Việt Nam đã sản sinh ra nhiều cầu thủ phù hợp cho những pha không chiến: "Miếng đánh ấy phụ thuộc nhiều vào yếu tố con người. Trước đây, nhiều HLV ngoại đến làm việc ở Việt Nam nhưng không ai thành công với bóng bổng hay tình huống cố định như ông Park ở SEA Games 30. Điều này do ở những thời điểm ấy, bóng đá Việt Nam quá hiếm những cầu thủ cao từ 1,8m trở lên như lứa tuyển thủ trẻ hiện tại".

Nhưng chiều cao chưa phải là tất cả. Để ghi được bàn thắng bằng đầu, các cầu thủ còn cần tới khả năng bật nhảy và chọn vị trí. Khác với những đồng đội, Hồ Thanh Minh là một trường hợp đặc biệt với chiều cao chưa tới 1m7, tuy nhiên tiền đạo này lại có khả năng bật nhảy rất tốt do từng tập bóng chuyền trong quá khứ. Do vậy, anh vẫn có những bàn thắng ấn tượng bằng đầu trong 2 năm gần đây.

Trong bóng đá hiện đại, những tình huống cố định là rất quan trọng khi các đội bóng tìm kiếm bàn thắng. Việc các đội tuyển Việt Nam theo đuổi, xây dựng các phương án không chiến là yêu cầu bắt buộc, nhưng nó có trở thành vũ khí lợi hại hay không tùy thuộc vào sự nỗ lực rèn luyện của cầu thủ và HLV. HLV Park Hang-seo đã từng bước xây dựng và tạo được hiệu quả, giúp phương án tấn công của tuyển Việt Nam đa dạng hơn.

T.T

Nguồn CAĐN: https://cadn.com.vn/chien-thang-bang-cai-dau-post261896.html