'Chiến thắng Biên giới Thu - Đông 1950 - Tầm nhìn chiến lược của Đảng và bài học lịch sử'
'Chiến thắng Biên giới Thu - Đông 1950 - Tầm nhìn chiến lược của Đảng và bài học lịch sử' là chủ đề cuộc Hội thảo khoa học cấp Quốc gia sẽ diễn ra ngày 2/10 tới đây tại tỉnh Lạng Sơn, do Bộ Quốc phòng phối hợp với Ban Tuyên giáo Trung ương và Tỉnh ủy Lạng Sơn tổ chức.
Những thông tin trên được nêu lên tại cuộc Họp báo diễn ra sáng 25/9 tại Hà Nội, dưới sự đồng chủ trì của Đại tá Trần Ngọc Anh, Phó Cục trưởng Cục Tuyên huấn - Tổng cục Chính trị QĐND Việt Nam; Đại tá, PGS. TS. Nguyễn Văn Sáu, Phó Viện trưởng Viện Lịch sử quân sự Việt Nam; TS. Đinh Thị Mai, Vụ trưởng Vụ Tuyên truyền - Ban Tuyên giáo Trung ương và đồng chí Nông Phương Đông, Phó Trưởng Ban Thường trực Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Lạng Sơn.
Tại Họp báo, Đại tá, PGS. TS. Nguyễn Văn Sáu, Phó viện trưởng Viện Lịch sử quân sự Việt Nam (Cơ quan tham mưu giúp Bộ Quốc phòng xây dựng và triển khai kế hoạch tổ chức Hội thảo) cho biết: thực hiện Hướng dẫn số 115-HD/BTGTW ngày 8/1/2020 của Ban Tuyên giáo Trung ương về “Tuyên truyền kỷ niệm các ngày lễ lớn và sự kiện lịch sử quan trọng trong năm 2020”, trong đó, Bộ Quốc phòng được giao chủ trì, phối hợp với Ban Tuyên giáo Trung ương và Tỉnh ủy Lạng Sơn tổ chức Hội thảo khoa học Kỷ niệm 70 năm “Chiến thắng Biên giới Thu - Đông (1950 - 2020”.
Hội thảo nhằm khẳng định tầm vóc, ý nghĩa thắng lợi to lớn của Chiến thắng Biên giới 1950; chứng minh chủ trương đúng đắn, sự lãnh đạo, chỉ đạo nhạy bén, táo bạo, quyết đoán, kịp thời của Trung ương Đảng, đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh và Bộ Tổng Tư lệnh; tinh thần chủ động, sáng tạo, tự lực, tự cường của quân và dân ta trong thực hiện chiến dịch.
Đây cũng là dịp tôn vinh, tri ân các Anh hùng Liệt sỹ, đồng bào và nhân dân đã chiến đấu, hy sinh vì sự nghiệp đấu tranh giải phóng đất nước; tuyên truyền, giáo dục truyền thống lịch sử cách mạng vẻ vang của dân tộc cho thế hệ trẻ, đặc biệt là cán bộ, chiến sĩ trong lực lượng vũ trang, qua đó nâng cao nhận thức, lòng tự hào, xây dựng niềm tin, tinh thần đoàn kết, phát huy truyền thống cách mạng, bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ, thực hiện thắng lợi sự nghiệp xây dựng, bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.
Đến nay, Ban Chỉ đạo Hội thảo đã nhận được 89 bài tham luận của các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, các nhà nghiên cứu, nhà khoa học trong và ngoài Quân đội, các nhân chứng lịch sử. Trên cơ sở kế thừa nhiều kết quả nghiên cứu, công bố trước đây, cuộc Hội thảo khoa học lần này sẽ được bổ sung một số tư liệu, sự kiện mới trong bối cảnh nhận thức mới.
Theo Ban Tổ chức Hội thảo, với quy mô cấp Quốc gia được tổ chức lần đầu, Hội thảo sẽ tập trung vào 8 nội dung chính, đó là:
Thứ nhất, làm rõ bối cảnh tình hình quốc tế, khu vực và trong nước; phân tích âm mưu, thủ đoạn của thực dân Pháp và can thiệp Mỹ thực hiện Kế hoạch Rơve nhằm đối phó với sự lớn mạnh của quân và dân ta trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp; tình hình và khả năng ứng phó của thực dân Pháp ở biên giới Cao Bằng - Lạng Sơn trước đòn tiến công chiến lược của ta.
Thứ hai, khẳng định tầm nhìn chiến lược, chủ trương đúng đắn, sáng suốt của Trung ương Đảng, Tổng Quân ủy và Bộ Tổng Tư lệnh khi quyết định mở Chiến dịch Biên giới. Phân tích làm rõ quá trình chuẩn bị và xây dựng lực lượng; đảm bảo vũ khí trang bị, hậu cần cho một chiến dịch có ý nghĩa chiến lược mạng tính bước ngoặt; sự tham gia đóng góp của đông đảo các tầng lớp nhân dân cho Chiến dịch Biên giới.
Thứ ba, tái hiện cuộc chiến đấu của các chiến trường cả nước trong Thu - Đông 1950 nhằm phối hợp, “chia lửa” với Chiến dịch Biên giới; vai trò, đóng góp của hậu phương, căn cứ địa cách mạng, đặc biệt là hậu phương tại chỗ thuộc các tỉnh Việt Bắc; sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc và tranh thủ, phát huy sự giúp đỡ quốc tế.
Thứ tư, làm rõ vai trò của nhân tố chính trị tinh thần, nêu cao tinh thần quyết chiến, quyết thắng, biết đánh và biết thắng của toàn Đảng, toàn quân và toàn dân ta. Tiếp tục nghiên cứu, bổ sung, phân tích làm rõ thêm những nét độc đáo, đặc sắc của nghệ thuật quân sự Việt Nam, đặc biệt là nghệ thuật chiến dịch làm nên Chiến thắng Biên giới Thu - Đông 1950.
Thứ năm, nêu bật tầm vóc, ý nghĩa của Chiến thắng Biên giới Thu - Đông 1950; tập trung khái quát, đúc rút những bài học lịch sử và kinh nghiệm có giá trị lý luận và thực tiễn sâu sắc, góp phần vận dụng vào hoạt động xây dựng Quân đội nhân dân Việt Nam, củng cố, tăng cường nền quốc phòng toàn dân, thế trận quốc phòng toàn dân gắn với thế trận an ninh nhân dân, bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa hiện nay.
Thứ sáu, đi sâu luận giải những nhân tố cơ bản làm nên thành công của Chiến thắng Biên giới Thu - Đông 1950, về vai trò sức mạnh chiến tranh nhân dân, đại đoàn kết toàn dân tộc; ý chí, tinh thần sáng tạo, dũng cảm, kiên cường của Quân đội nhân dân Việt Nam; vai trò của các lực lượng tham gia chiến dịch, trong đó có quân và dân Cao - Bắc - Lạng; đóng góp của lực lượng vũ trang và nhân dân trên các chiến trường phối hợp.
Thứ bảy, lý giải vì sao Chiến thắng Biên giới là một trong những bước ngoặt quan trọng của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp. Chiến thắng Biên giới góp phần quan trọng làm thay đổi cục diện chiến tranh: Ta bước sang giai đoạn chiến lược phản công và tiến công, thực dân Pháp chuyển dần sang chiến lược phòng ngự; đồng thời đánh dấu bước phát triển nhảy vọt của nghệ thuật chiến dịch, cuộc kháng chiến của ta chuyển từ hình thái chiến tranh du kích lên chiến tranh chính quy, kết hợp chiến tranh chính quy với chiến tranh du kích ở trình độ cao hơn.
Thứ tám, thắng lợi của Chiến dịch Biên giới đánh dấu bước phát triển vượt bậc về trình độ tác chiến của Quân đội ta, sau Chiến thắng Biên giới, Quân đội ta tiếp tục được xây dựng, củng cố và phát triển nhanh chóng, với nhiều đơn vị chủ lực mạnh, mở các chiến dịch lớn và giành thắng lợi vang dội, đặc biệt là “Chiến dịch Điện Biên Phủ” đưa đến kết thúc thắng lợi cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp./.
Chiến dịch Biên giới Thu - Đông 1950 (từ 16/9 đến 14/10/1950) có ý nghĩa bản lề quan trọng, là chiến dịch tiến công quy mô lớn đầu tiên trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp (1945 - 1954) nhằm tiêu diệt một bộ phận quan trọng sinh lực địch, khai thông biên giới, mở rộng và củng cố căn cứ địa kháng chiến Việt Bắc.
Chiến dịch do Bộ Tổng Tư lệnh tổ chức, chỉ huy; Đại tướng, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng - Tổng Tư lệnh Võ Nguyên Giáp làm Chỉ huy trưởng kiêm Chính ủy, Bí thư Đảng ủy. Đây cũng là chiến dịch duy nhất đích thân Chủ tịch nước - Hồ Chí Minh ra mặt trận, trực tiếp chỉ đạo.
Với quyết tâm giành thắng lợi cho chiến dịch chiến lược này, Thường vụ Trung ương Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã trực tiếp nghiên cứu tình hình, phê chuẩn kế hoạch tác chiến, chỉ đạo các ngành ở Trung ương và địa phương đem hết sức mình phục vụ tiền tuyến và thực hiện sự phối hợp chiến trường trên toàn quốc để bảo đảm cho chiến dịch toàn thắng. Trải qua 29 ngày đêm chiến đấu vô cùng quyết liệt, anh dũng và mưu trí của quân và dân ta, Chiến dịch đã giành được thắng lợi to lớn.
Đây là chiến dịch đầu tiên mà bộ đội Việt Minh chủ động tấn công, làm thay đổi cục diện chiến trường: bắt đầu giành quyền chủ động chiến lược trên chiến trường chính Bắc Bộ. Quân Pháp thất bại lớn cả về quân sự và chính trị, bị đẩy lùi vào thế phòng ngự bị động.