Chiến thắng của ông Trump khiến nhà đầu tư ngoại bán ròng chứng khoán châu Á
Năm 2024, Đài Loan dẫn đầu khu vực châu Á về dòng vốn ngoại rút ròng khỏi thị trường cổ phiếu (12,4 tỷ USD), theo sau là Thái Lan và Việt Nam (lần lượt 4,11 tỷ USD và 3,63 tỷ USD)...
Năm 2024, nhà đầu tư nước ngoài bán ròng cổ phiếu châu Á chủ yếu do hoạt động bán diễn ra mạnh mẽ vào quý cuối năm. Nguyên nhân phía sau sự thoái vốn này là mối lo rằng chính sách thương mại của Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump sẽ gây khó cho các nền kinh tế châu Á.
Theo dữ liệu thống kê từ hãng tin Reuters, nhà đầu tư ngoại bán ròng tổng cộng 15,8 tỷ USD trái phiếu Đài Loan, Hàn Quốc, Ấn Độ, Thái Lan, Indonesia, Philippines và Việt Nam trong năm ngoái, sau khi mua ròng 26,6 tỷ USD cổ phiếu tại các thị trường này năm 2023.
Trong 3 quý đầu năm ngoái, nhà đầu tư ngoại rót 14,67 tỷ USD vào cổ phiếu tại các thị trường này với kỳ vọng vào động thái nới lỏng chính sách tiền tệ của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) và tăng trưởng của khu vực. Tuy nhiên, sau đó, khối ngoại quay đầu bán mạnh do USD mạnh lên và lãi suất trái phiếu chính phủ Mỹ tăng.
Năm ngoái, Đài Loan dẫn đầu khu vực châu Á về dòng vốn ngoại rút ròng khỏi thị trường cổ phiếu (12,4 tỷ USD), theo sau là Thái Lan và Việt Nam (lần lượt 4,11 tỷ USD và 3,63 tỷ USD).
“Nền tảng vĩ mô của cổ phiếu châu Á vẫn đầy thách thức trong năm nay”, nhà phân tích Timothy Moe tại ngân hàng Goldman Sachs nhận xét.
Theo ông Moe, đầu năm nay, thị trường châu Á đã đón nhiều thông tin bất lợi như lợi suất trái phiếu chính phủ Mỹ kỳ hạn 10 năm tăng lên, đồng USD tiếp tục mạnh lên, bất ổn chính sách kinh tế và rủi ro địa chính trị. Bên cạnh đó là mối lo về chính sách thuế quan mới của Tổng thống đắc cử Donald Trump với các nền kinh tế châu Á-Thái Bình Dương.
Trong năm ngoái, lợi nhuận cao hơn ở các thị trường khác cũng hút vốn ngoại từ các thị trường châu Á. Chỉ số MSCI châu Á-Thái Bình Dương chỉ tăng 7,23% năm 2024, thấp hơn đáng kể so với mức tăng 15,73% của chỉ số MSCI Thế giới và 23,4% của MSCI Mỹ.
Ông Trump sẽ nhậm chức tổng thống Mỹ vào ngày 20/1 tới, bắt đầu một nhiệm kỳ dự báo có nhiều thay đổi lớn trong chính sách thương mại của Mỹ. Trước đó, ông tuyên bố sẽ áp thuế quan 10% với tất cả hàng nhập khẩu vào Mỹ, riêng hàng Trung Quốc áp thuế quan lên tới 60%. Các biện pháp này được dự báo sẽ tác động tiêu cực tới các nước xuất khẩu châu Á do chuỗi cung ứng có mối liên hệ chặt chẽ với Trung Quốc.
“Dù mối đe dọa từ ông Trump có thể giảm đi nhờ đàm phán thương mại, nhưng ở thời điểm này, mong đợi vào mức thuế quan nhẹ nhàng hơn có vẻ là quá sớm. Dòng tiền đổ vào chứng khoán châu Á có thể tiếp tục ở mức hạn chế cho đến khi hướng chính sách rõ ràng hơn”, ông Yeap Jun Rong, chiến lược gia thị trường tại IG, cho biết.
“Chúng tôi dự báo các nhà đầu tư nước ngoài sẽ kén chọn hơn khi ra quyết định đầu tư tại các thị trường cũng như các ngành tại châu Á. Dự báo sẽ có sự biến động trái chiều ở các thị trường này, tùy vào mức độ nhạy cảm với chính sách tiền tệ và thương mại của Mỹ”, ông Jason Lui, Giám đốc chiến lược chứng khoán và phái sinh khu vực châu Á-Thái Bình Dương tại ngân hàng BNP Paribas, phát biểu.