Chiến thắng Đăk Tô- Tân Cảnh: Giá trị lịch sử và Bài học kinh nghiệm
Cách đây tròn nửa thế kỷ, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của Trung ương Đảng, Quân ủy Trung ương, trực tiếp là Bộ Tư lệnh mặt trận Tây Nguyên, ngày 24/4/1972 quân và dân ta tiến công cụm phòng ngự của quân đội Sài Gòn ở Đăk Tô- Tân Cảnh và giành thắng lợi.
Nhân kỷ niệm 50 năm chiến thắng Đăk Tô- Tân Cảnh (24/4/1972-24/4/2022), sáng nay (22/4), tại thành phố Kon Tum, Bộ Quốc phòng chủ trì phối hợp với Tỉnh ủy Kon Tum tổ chức cuộc Hội thảo khoa học cấp Bộ Quốc phòng với chủ đề: “Chiến thắng Đăk Tô- Tân Cảnh- Giá trị lịch sử và Bài học kinh nghiệm”.
Thượng tướng- Tiến Sỹ Lê Huy Vịnh, Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Ủy viên Quân ủy Trung ương, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng và đồng chí Dương Văn Trang, Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Kon Tum đồng chủ trì Hội thảo. Hội thảo có sự tham gia của trên 250 đại biểu là tướng lĩnh và nguyên tướng lĩnh quân đội; Anh hùng lực lượng vũ trang Nhân dân; nhân chứng lịch sử; nhà khoa học; cựu chiến binh; đại biểu cơ quan Trung ương, tỉnh Kon Tum và nhiều tỉnh, thành phố trong nước.
Cách đây tròn nửa thế kỷ, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của Trung ương Đảng, Quân ủy Trung ương, trực tiếp là Bộ Tư lệnh mặt trận Tây Nguyên, ngày 24/4/1972 quân và dân ta tiến công cụm phòng ngự của quân đội Sài Gòn ở Đăk Tô- Tân Cảnh và giành thắng lợi.
Chiến thắng Đăk Tô- Tân Cảnh góp phần hoàn thành thắng lợi nhiệm vụ đợt I chiến dịch Bắc Tây Nguyên. Đây cũng là trận chiến đầu tiên lực lượng vũ trang Tây Nguyên tiến công địch bằng hiệp đồng binh chủng quy mô lớn, có tốc độ nhanh đánh bại một sư đoàn, đập tan cụm phòng ngự then chốt, vững chắc nhất trong hệ thống phòng thủ của Quân đội Sài Gòn ở Bắc Tây Nguyên, mở ra khả năng có thể đánh tiêu diệt lớn, tiến tới giải phóng hoàn toàn Tây Nguyên. Chiến thắng Đăk Tô- Tân Cảnh đã giải phóng một vùng rộng lớn của tỉnh Kon Tum với 25.000 dân từ Đăk Tô- Tân cảnh đến Võ Định.
Khẳng định ý nghĩa quan trọng của Hội thảo khoa học “Chiến thắng Đăk Tô- Tân Cảnh- Giá trị lịch sử và Bài học kinh nghiệm”, Thượng tướng, Tiến Sỹ Lê Huy Vịnh, Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Ủy viên Quân ủy Trung ương, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, Trưởng Ban chỉ đạo Hội thảo nhấn mạnh: “Hội thảo hôm nay là dịp để toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ôn lại truyền thống đấu tranh anh dũng của các thế hệ cha anh, tưởng nhớ đến các đồng chí, đồng bào đã chiến đấu, hy sinh trong cuộc kháng chiến trường kỳ để giành và giữ độc lập dân tộc, tự do và thống nhất Tổ quốc. Kết quả của Hội thảo sẽ góp phần hun đúc tinh thần yêu nước, lòng tự hào, tự tôn dân tộc, ý chí độc lập, tự chủ, tự cường và khát vọng hòa bình, củng cố niềm tin và quyết tâm chính trị của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân”.
Với trên 80 báo cáo, tham luận, trong đó có nhiều tham luận của các đồng chí lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Quân ủy Trung ương, Bộ quốc phòng, các địa phương, các đồng chí tướng lĩnh, sỹ quan, nhân chứng lịch sử, các nhà khoa học trong và ngoài quân đội gửi đến và trình bày trực tiếp tại Hội thảo đã làm rõ âm mưu, thủ đoạn của đế quốc Mỹ và chính quyền Sài Gòn; Thế và lực của cách mạng miền Nam và mục tiêu tiến hành cuộc tiến công chiến lược giành thắng lợi quyết định đánh bại một bước cơ bản chiến lược “Việt Nam hóa chiến tranh”.
Ông Trần Thanh Dân, nguyên Phó Bí thư Tỉnh ủy Kon Tum, năm nay 96 tuổi đặc biệt quan tâm đến việc giành, giữ và phát huy sức mạnh lòng dân trong chiến thắng Đăk Tô- Tân Cảnh: “Có lòng dân là có tấn công và nổi dậy. Có lòng dân nghĩa quân không lùng càn đánh phá ta. Nghĩa quân mà lùng càn đánh phá ta thì ta gặp khó khăn rất nhiều, tổn thất và có thể không trụ bám được trong vùng địch. Nghĩa quân không chống ta thì Ngụy quyền cơ sở sẽ suy yếu và đi đến tan rã. Thế và lực của dân tăng lên kẻ địch thất bại là như vậy”.
Các tham luận trình bày tại Hội thảo cũng khẳng định, làm rõ đường lối, quan điểm, chủ trương lãnh đạo, chỉ đạo cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước; Quyết sách đúng đắn, kịp thời của Trung ương Đảng mà trực tiếp là Quân ủy Trung ương và Bộ Quốc phòng trong quyết tâm mở cuộc tiến công chiến lược năm 1972; Tái hiện quá trình lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức và thực hành tác chiến linh hoạt, sáng tạo; Những bài học kinh nghiệm về nghệ thuật chỉ đạo tác chiến chiến dịch, chiến thuật; Phát huy và vận dụng sáng tạo vào thực tiễn xây dựng khu vực phòng thủ, củng cố thế trận quốc phòng, an ninh, bảo vệ vững chắc tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.
Tự hào với truyền thống của bộ đội chủ lực Tây Nguyên anh hùng, tự hào với tên gọi Binh đoàn Tây Nguyên, là Quân đoàn chủ lực cơ động của Bộ đứng chân làm nhiệm vụ trên địa bàn chiến lược Tây Nguyên, Thiếu tướng- Tiến sỹ Nguyễn Anh Tuấn, Tư lệnh Quân đoàn 3, khẳng định: “Cán bộ, chiến sỹ Quân đoàn 3 thấy rõ vinh dự và trách nhiệm lớn lao trong sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc. Quân đoàn đã tập trung thực hiện đồng bộ các giải pháp xây dựng đơn vị vững mạnh toàn diện. Cán bộ chiến sỹ toàn Quân đoàn tích cực bám địa bàn, bám cơ sở, xây dựng mối đoàn kết, gắn bó máu thịt với Nhân dân, cùng cố vững chắc thế trận lòng dân trên địa bàn chiến lược Tây Nguyên tạo sức mạnh tổng hợp thực hiện thắng lợi mọi nhiệm vụ được giao”.
Hội thảo khoa học “Chiến thắng Đăk Tô- Tân Cảnh- Giá trị lịch sử và Bài học kinh nghiệm” do Bộ Quốc phòng chủ trì phối hợp với Tỉnh ủy Kon Tum tổ chức đã góp phần làm sáng tỏ, sâu sắc hơn những vấn đề lý luận và thực tiễn đặt ra từ trận Đăk Tô- Tân Cảnh. Đây là luận cứ khoa học để vận dụng vào thực tiến thực hiện nhiệm vụ quân sự, quốc phòng, góp phần thực hiện thắng lợi sự nghiệp xây dựng và bảo vệ tổ quốc trong tình hình mới. Đồng thời là cơ sở vững chắc để đấu tranh phản bác các âm mưu, thủ đoạn chống phá, xuyên tạc lịch sử của các thế lực thù địch, phản động, góp phần giáo dục truyền thống đấu tranh cách mạng, bồi đắp tinh thần yêu nước, lòng tự hào dân tộc cho cán bộ, chiến sỹ và Nhân dân, nhất là các thế hệ người Việt Nam hôm nay và mai sau./.