Chiến thắng đầu tiên của nạn nhân quấy rối tình dục tại Trung Quốc
Phong trào #MeToo đã trải qua hơn một năm đấu tranh đầy gian nan ở Trung Quốc và giờ đây công lý đã bắt đầu đứng về phía các nạn nhân.
Liu Li (nguồn tin từ chối tiết lộ tên thật) - nạn nhân của quấy rối tình dục công sở - đã đấu tranh suốt một năm qua trong cuộc chiến mà mọi người cho rằng cô nắm chắc phần thua.
Có được động lực từ phong trào #MeToo nổi lên ở Trung Quốc vào năm ngoái, cô đã khởi kiện ông chủ cũ của mình, một nhân viên công tác xã hội nổi tiếng, từng đoạt giải thưởng trong ngành, vì đã quấy rối cô bốn năm trước.
Trong quá trình tố tụng, cuộc sống của Li được xem xét kỹ lưỡng cả ở trong và ngoài tòa án.
Luật sư bào chữa cho bị đơn chỉ ra rằng những bài đăng trên mạng xã hội về vở kịch The Vagina Monologues thể hiện cô “bật đèn xanh” cho những hành vi quấy rối.
Nhưng bạn bè, người quen, các nhóm vận động phụ nữ và luật sư bào chữa của Li phản đối lập luận đó và giúp cô tiếp tục chiến đấu.
Vào ngày 11/7 vừa qua, tòa án ở Thành Đô đã ra phán quyết cuối cùng, yêu cầu bị đơn phải công khai xin lỗi.
Chiến thắng nhỏ - tác động lớn
Chiến thắng đó dù khiêm tốn, cũng là một trong những chiến thắng hợp pháp đầu tiên của phong trào #MeToo tại Trung Quốc kể từ khi nó chính thức nổi lên vào năm ngoái.
Đầu tháng 11, một trường hợp khác đã bị kết án 6 tháng tù vì lạm dụng tình dục phụ nữ và trẻ vị thành niên trên tàu điện ngầm ở Thượng Hải. Sự việc này đánh dấu lần đầu tiên tội phạm quấy rối tình dục bị trừng phạt hình sự.
“Vụ án của Liu Li đã tạo hy vọng cho phong trào đấu tranh vì quyền của phụ nữ”, Lu Pin – nhà hoạt động người Trung Quốc tại New York – cho biết.
“Chúng tôi đã nhắm mắt đưa chân, chúng tôi đã đấu tranh mặc dù không có lấy một điểm tựa. Hãy tưởng tượng bạn chiến đấu bằng tất cả sức lực và rồi kết quả của cuộc chiến là ngoài sức mong đợi. Tôi rất hạnh phúc và mãn nguyện”.
"Bây giờ, tôi muốn kể với mọi người về chiến thắng này. Tôi muốn tiếp sức mạnh cho họ: 'Điều này chắc chắn rất khó khăn, nhưng không phải là vô vọng'", Liu Li từng chia sẻ với truyền thông địa phương sau phán quyết của tòa án.
Theo NGOmetoo – một nhóm giám sát phong trào, trong số ít nhất 12 trường hợp được báo cáo năm ngoái không có trường hợp nào đạt được tiến bộ có ý nghĩa như vụ của Liu Li.
Cuộc chiến pháp lý dai dẳng
Huahua (nguồn tin không đồng ý cung cấp danh tính thực) là một trong những người đi đầu của phong trào #MeToo khi công khai cáo buộc chống lại một nhà sáng lập từ thiện và nhà hoạt động chống phân biệt đối xử nổi tiếng.
Tháng 7 năm ngoái, cô đã công bố bức thư trực tuyến, cáo buộc người đàn ông cưỡng hiếp cô trong một buổi gây quỹ ở Bắc Kinh vào năm 2015 khi cô còn là tình nguyện viên.
Người này đã xin lỗi và từ bỏ vai trò đứng đầu tổ chức từ thiện của mình. Tuy nhiên sau đó, khi trả lời phỏng vấn với truyền thông Trung Quốc, ông ta nói rằng đó không thể coi là cưỡng hiếp vì Huahua đã tự nguyện.
Đối mặt với nguy cơ phải đấu tranh pháp lý lâu dài tại tòa án dân sự, Huahua đã quyết định từ bỏ vụ kiện. Cô chỉ cảm thấy được khích lệ bởi vụ án của Liu Li.
Chiến thắng của Li chắc chắn có ảnh hưởng tích cực. “Cuộc chiến chắc chắn đã rất khó khăn với cô ấy”, Huahua bày tỏ sự cảm thông với Li.
Một trong những vụ án nghiêm trọng nhất năm ngoái là của một phụ nữ được biết đến với biệt danh Xianzi. Cô đã cáo buộc một người dẫn chương trình truyền hình nổi tiếng vì sờ soạng và cưỡng hôn cô trong phòng trang điểm khi cô đang là thực tập sinh.
Trường hợp của cô đã bị đình trệ và bị đơn thì bác bỏ các cáo buộc. Người kia còn yêu cầu bắt giữ những người bạn đã giúp Xianzi công bố thông tin vụ việc trên mạng xã hội.
Ảnh hưởng tích cực từ những người tiên phong
Vụ của Liu Li cũng không thể coi là đã thắng kiện hoàn toàn. Cô không giành được một số tiền bồi thường nào. Các nhà phê bình kết luận rằng đây là bằng chứng cho việc tòa án vẫn đối xử nhẹ nhang với các vụ án tấn công tình dục. Ông chủ cũ của Liu Li chỉ chịu hình phạt là một lời xin lỗi công khai.
Tuy vậy, những người ủng hộ phong trào vẫn coi trường hợp của Liu Li là một bước tiến dài.
Chính phủ Trung Quốc đang soạn thảo một bộ luật về quấy rối tình dục. Tạm thời, họ đang tiếp tục thảo luận, xem xét và yêu cầu người sử dụng lao động bảo vệ nhân viên tốt hơn.
Những người ủng hộ #MeToo cho rằng phong trào vẫn còn một chặng đường dài trước mắt. Nhiều nhóm hỗ trợ nạn nhân bị quấy rối tìm kiếm lời khuyên pháp lý dần được hình thành.
“Tôi từng rất tuyệt vọng, nhưng giờ đây, khi nhiều phụ nữ trẻ đang trở nên dũng cảm hơn trong việc công khai bị tấn công hoặc quấy rối tình dục so với các thế hệ trước, tôi thấy mình cần hành động”, Xianzi nói về động lực để đấu tranh và tiếp tục theo đuổi cuộc chiến pháp lý dai dẳng trước mắt.